Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 48: Đối đãi với bạn đồng phạm hạnh

(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 25 tháng 02 năm 2008)

TT Giác Đẳng: Trong bài kinh ngày hôm nay chúng ta đề cập đến một vấn đề tương đối tế nhị., và thực sự không phải dễ dàng thực thi. Ở đây có ba khía cạnh mà một người sống trong cộng đồng Tăng chúng nên hiểu, cho dù sống chung trong một giáo pháp, mặc chung một màu y và có cùng chung một tiêu chuẩn về kiến thức. Nhưng vẫn có những sự việc bất đồng ý kiến.

Ở đây chúng ta nói đến sự tôn trọng cá nhân. Khi một người thuyết Pháp, Trong khi thuyết Pháp có những vị nói hợp cách, hợp với ý nghĩa, xử dụng ngôn từ một cách chuẩn xác. Cũng có những vị có một số sai lầm. Trong những trường hợp như vậy, Pháp là điều tối trọng chúng ta phải nghĩ đến, cá nhân cũng phải là điều chúng ta phải nghĩ đến. Và sự hoà hài giữa Tăng chúng cũng là một yếu tố khác chúng ta không thể bỏ qua một bên.

Ở đây Đức Thế Tôn Ngài có những lời khuyên nhắc, rất ân cần dặn dò những đệ tử của Ngài. Khi đề cập đến chỗ này, chúng tôi nhớ đến rất nhiều trường hợp, làm việc chung trong một hoàn cảnh, sống chung dưới một mái chùa. Chính ra sự cư xử với nhau xem ra khó hơn việc mình phải tổ chức cái này hay phải thực hiện điều kia.

Thứ nhất những vị đồng phạm hạnh với mình, mặc dầu những vị này có một vài khuyết điểm đi nữa, nhưng đó là những vị đáng quý, đáng trọng, đáng được tôn kính dù lớn hay nhỏ hạ. Kế nữa chúng ta sống không phải chỉ có chuyện làm vừa lòng nhau mà chúng ta còn làm cho tỏ rõ, xiển dương được tinh thần chân thật của giáo pháp. Hai điều này đôi khi mang tính thoả hiệp, bởi vì nhiều lúc chúng ta khó có thể đòi hỏi một người đồng phạm hạnh với mình phải hoàn hảo trong cách thuyết pháp. Có nghĩa là về ý nghĩa trình bày phải chính xác, lời văn dùng chính xác.

Ở đây Đức Thế Tôn Ngài có khuyên chúng ta nhiều phương diện khác nhau. Khi thuyết pháp cả nghĩa và văn đều có giá trị quan trọng. Nghĩa ở đây tức là hàm ý được đề cập đến, giáo nghĩa được trình bày, điều đó có thuận hợp với kinh điển, với lời dạy của Đức Phật hay không? Có khi có những câu nói tuy vụng về dài dòng nhưng lại nói lên những điều rất lợi lạc cho đời sống, bởi vì câu nói đó trích từ trong kinh điển mà ra. Chúng tôi nhớ một số các vị tiền bối của Phật giáo Nguyên thuỷ, các Ngài có khi sanh ra và lớn lên trên Nam-Vang, tiếng việt của các Ngài rất tương đối. Khi các Ngài viết sách, không bóng bẩy cầu kỳ, thậm chí có những chỗ rất miền Nam, rất lượm thượm. Nhưng có một điều phải tán thán , đó là các Ngài rất trung thành với kinh điển trên phương diện ý nghĩa, từ nào dịch được thì các Ngài dịch, không dịch được các Ngài để nguyên văn Pali. Các Ngài ít thêm thắt vào, những cuốn sách các Ngài viết nhiều khi đọc không hoan hỷ vì không có mạch nhưng những quyển sách đó ít dẫn một người đọc đến chỗ hiểu sai kinh điển.

Về sau này cũng có một số những vị thuộc thế hệ tiếp nối tương đối có khả năng về Việt ngữ, đọc nhiều sách và cách viết cách trình bày sáng sủa dễ khiến người khác hoan hỷ để đọc. Nhưng những vị này, đôi lúc đặt nặng về văn hơn là về nghĩa. Có nghĩa là trong quan điểm về dịch thuật, về diễn giải chỉ muốn làm sao nghe trơn tru, người nghe được thoải mái nhưng ít có cân nhắc về từ được dùng để dịch, để nói có chính xác hay không? Và đặc biệt có nhiều khi một vài quyển sách rất cổ ví dụ như bộ Milanda vấn đạo, những vị này cố gắng dịch như thế nào để nghe rất suông, rất hay, rất linh động nhưng lại lược bỏ đi một số điểm quan trọng, rất quan trọng khi đề cập đến nghĩa. Chúng ta có thể nói rằng mỗi thế hệ có quan điểm làm việc khác nhau.

Hầu như trên phương diện trình bày Phật Pháp người ta có khuynh hướng và có sở trường. Có vị rất giỏi về Pháp nhưng không giỏi về văn. Có những vị rất giỏi về văn nhưng không giỏi về Pháp. Trong những trường hợp cách trình bày có những khuyết điểm Đức Phật ân cần nhắc rằng, Không nên phỉ báng, không nên mạ lị, tức là không nên nói những lời nói nặng nề. Trước nhất trình bày phải có tính xây dựng. Xây dựng ở đây là hãy đưa ra đề nghị. Chúng ta đọc lại trong bản kinh, chúng ta sẽ thấy Đức Phật Ngài dạy rằng, “Các ngươi nên nói với vị ấy này hiền giả giữa cách hành văn này,nghĩa này hay nghĩa kia, nghĩa nào thích hợp hơn?"

Đề nghị của Đức Phật tuy ngắn gọn nhưng hết sức quan trọng. Khi chúng ta muốn trình bày một điều gì nên nêu ra nhiều sự lựa chọn khác nhau và mời đương sự lựa chọn cách nào thích hợp nhất. Cách mời này khiến cho người đó cân nhắc và thật sụ có tính xây dựng là vì nó có đề nghị. Cái bệnh thông thường của chúng ta, thích thì tán thán, không thích thì bác bỏ. Nhiều khi mình bác bỏ nhưng không có ý kiến gì tốt. Mình chỉ nghĩ, “À cái đó dở không hay, cái đó tệ” Mình chỉ nói một câu như vậy, vô thưởng vô phạt, mà không nói được tính xây dựng. Trong những trường hợp cần xây dựng chúng ta nên xây dựng có đề nghị, có nghĩa là có góp phần vào trong đó.
31:35
Chúng tôi lấy ví dụ trong tiếng Pali có hai từ hoàn toàn khác nhau là chữ Cetana và chữ Manasikara. Nhưng khi dịch sang tiếng Việt hai từ này chỉ chung cho một từ đó là Tác ý. Đúng ra Manasikara dịch là tác ý là sát với nghĩa, mà chữ tác ý ở đây được hiểu như là một xác định hay một quy phạm về cảnh cho tâm. Ngài Tịnh Sự ví dụ là mình cầm một cái bánh bao thật lớn, nhưng chỉ cắn một phần nào thôi chứ không cắn hết được. Chúng ta nhìn một bức tranh, giũa một khuôn viên lớn như vậy, chúng ta không thể nào một lúc ngắm hết tất cả. Chúng ta cũng phải có sự tập chú vào một điểm nào đó trong một thời khắc nào đó, thì sự tập chú đó gọi là Manasikara. Chữ tác ý còn được ngài Hộ Tông dùng để dịch chữ Cetana. Cetana có nghĩa là chủ tâm tạo tác. Ví dụ như mình làm việc gì đó, mình có chủ tâm có chủ trương có ý định để làm cái đó gọi là Cetana. Trong nguyên bản dịch là Tư, Ngài Hộ Tông dịch là Tác ý. Chữ tác ý bên ngoài có nhiều người thường dùng đó là ý định muốn làm cái gì đó. Ý định đó là chủ tâm của mình. Quý vị thấy rằng chỉ một từ mà dịch thành hai từ khác nhau. Trường hợp như vậy cũng thú vị và chúng ta có nhiều trương hợp như vậy.

Ở đây không có sự khác biệt về nghĩa nhưng khác biệt về văn., tức là quan điểm về dùng từ. Hoặc giả có những trường hợp không khác biệt về văn mà khác biệt về nghĩa. Ví dụ chữ Bồ-tát. Trong truyền thống Phật giáo Nam Tông, Bồ-tát là vị phát tâm cầu giải thoát. Ông A bà B, bất cứ ai mong mỏi đạt đến giác ngộ giải thoát đều có thể gọi là Bồ-tát. (Bodhisattva) Giáchữu tình hay chúng sanh hướng đến cầu giải thoát. Phật giáo Bắc truyền dùng chữ Bồ-tát để chỉ cho quả vị của lòng bi mẫn. Quả vị này cao hơn quả vị A-La-Hán, cao hơn Độc giác nữa, như Quán Thế Âm Bồ Tát hay Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Cũng cùng từ đó nhưng Nam truyền, Băc truyền dùng ý nghĩa khác nhau hoàn toàn.

Rất thường khi xảy ra là có một vị đem ý nghĩa Bồ-tát bên Bắc Tông nói sang bên Nam Tông, bên Nam Tông nói sang bên Bắc Tông. Chuyện đó không cần phải nói như vậy. Bởi vì tuy rằng nó cùng một từ nhưng hai bên dùng cho ý nghĩa khác nhau hoàn toàn. Chữ A-La-Hán cũng vậy và nhiều từ khác. Không nhất thiết chúng ta phải tranh luận với nhau. Chỉ có thể nói một điều rằng tuy từ ngữ giống nhau nhưng ý gnhĩa của từ đó mỗi người nói khác, nói thẳng ra là “ông nói gà bà nói vịt”. Ví dụ trong miền Nam gọi trái đào lộn hộn, miền Trung gọi là trái điều. Nhưng ở miền Nam trái điều giống trái mận, nếu miền Trung gọi trái điều cón miền Nam gọi trái đào lộn hột thì chúng ta cũng đừng phiền vì mỗi địa phương có cách nói riêng. Trong miền Nam gọi là củ sắn, ngoài miền Bắc gọi là củ đậu. Đó là sự khác biệt, chúng ta hiểu sự khác biệt đó và chúng ta chấp nhận một cách bình thường, không việc gì phải nói, “À anh nói như vậy là sai”. Chúng ta không thể đem tiên chuẩn của mình gán cho người khác được.

Trong trường hợp này những vị Tỳ kheo sống trong cùng mái chùa, cùng trong một giáo pháp, cùng có chung một cơ sở kinh điển để y cứ thì đó là câu chuyện khác. Chúng ta nên hiểu sự khác biệt đó nằm ở nghĩa hay nằm ở văn, và cho dù sự khác biệt ở nghĩa hay ở văn cũng không nên bác bỏ, phỉ báng.
Đức Phật nhấn mạnh một điều, chúng ta nên nghe đi nghe lại điểm này,
“Các Ngươi không nên bác bỏ vị ấy, không nên phỉ báng vị ấy. Không bác bỏ, không phỉ báng. Các Ngươi phải giải thích cho vị ấy một cách cẩn thận cả nghĩa lẫn hành văn.”
Chuyện này có nghĩa như vầy, khi mình có sự bất đồng dẫn đến chỗ phải điều chỉnh, mình thấy từ đó giải nghĩa không xác đáng, mình chỉ nên lên tiếng khi nào mình thật sự hiểu rõ việc đó. Mình không hiểu rõ việc đó mà mình phê bình một cách không cẩn trọng thì sự phê bình đó không lợi lạc gì hết, chỉ dẫn đến chỗ tạo nên sự bất đồng to lớn. Không may đó là trường hợp rất thường xảy ra. Ví dụ như có nhiều người nghe một vị Sư thuyết Pháp nói, “ Sư đó thuyết Pháp dỡ quá, Sư thuyết Pháp không hay” Cách nói như vậy thực ra không giúp được gì hết, mà hoàn toàn cách nói như vậy chỉ dẫn đến những va chạm tai hại.

Nếu thực sự chúng ta phê bình một người bạn đồng phạm hạnh của mình thì sự phê bình đó phải có căn cứ và có đề nghị nữa. Mình nói, “Từ đó, chữ đó Sư hay Bạn dùng không đúng, không thích hợp với cách Đức Phật đề nghị với chúng ta” Nếu từ đó nghĩa đó không đúng mình đi tìm cái gì đúng để ra trên bàn. Mình trrình bày cho thấy rằng ở đây có nhiều sự lựa chọn khác nhau. Khi người ta nhìn thấy nhiều sự lựa chọn khác nhau thường người ta sẽ lựa chọn cái đúng.

Chúng tôi cũng thấy điều này đặc biệt, đối với trẻ em cũng vậy. Có lần chúng tôi học được điều này từ một người cha có ba đứa con, một đứa đòi đi ăn, một đứa đòi đi chợ mua đồ điện tử, đứa khác muốn ở nhà. Thay vì la hay dùng uy quyền để áp đảo, ông cha nói rằng,” Sáng hôm nay mình chỉ có hai giờ đồng hồ, vì vậy mình chỉ đi một chỗ thôi. Mình có thể đi ra McDonald để ăn, mình có thể đi ra ngoài Shopping mall để mua sắm và có thể ở nhà để xem TV. Ba đứa con lựa đi, muốn đi đâu thì Ba dẫn đi” Chúng tôi nhận thấy một điều là khi cho ba đứa con cùng lựa, chỉ trong một thời gian ngắn ba đứa giữ lấy sự đồng thuận với nhau là quyết định đi mua đồ, khỏi phải cải vả.

Chúng ta thường chỉ trích người khác, nhưng lời chỉ trích đó không có tính xây dựng, tức là chúng ta không cho người đó có duyên sự lựa chọn, mà để cho người ta có sự lựa chọn thì mình phải ở trong tư thế hiểu biết. Phải hiểu nghĩa và hiểu văn và nếu chúng ta không hiểu rõ, chúng ta không nên phê bình. Đây là sự việc rất quan trọng. Nếu cần, nên có đề mà không nên chỉ trích, không nên phỉ báng , không nên bác bỏ. Thái độ bác bỏ thẳng thừng, thái độ chỉ trích thẳng thừng không mang tính chất xây dựng, nó không dẫn chúng ta về đâu. Có trường hợp nào đó chúng ta không đồng ý. Chúng ta nên giữ trong bụng, chứ không phải vì không đồng ý rồi nghĩ rằng, mình hãy đưa ra sự bất mãn của mình cho đến khi mình tìm thấy cái gì hay hơn tốt hơn.

Cuộc sống của chúng ta ngày nay thường xảy ra nhiều việc như vậy, nghĩa là người ta không thích ai đó, trong vai trò gì đó, đang làm việc gì đó thì gnười ta chỉ trích một cách kịch liệt mạnh mẽ nhưng người ta không đề ra cái gì thay thế. Nếu mình chỉ trích nguời khác, mình cho rằng điều đó là sai quấy mà mình không đề ra cách gì thay thế được thì lời chỉ trích của mình thiếu tính cách xây dựng. Ở đây cũng có một ý nghĩa khác Đức Phật dạy chúng ta rằng, chúng ta nên biết tán thán hay biết ca ngợi khi một bạn đồng phạm hạnh nói một điều gì về nghĩa và văn, tức là dùng lời mà ý diễn đạt đều đúng đều hay. Nên tán thán! Về điểm này rõ ràng chúng ta thường có bệnh luôn luôn chỉ trích nhưng ít khi hoan hỷ với điều chánh đáng. Bệnh này là một trong những chứng bệng trầm kha của người Việt-Nam chúng ta.

Khi một người nào đó làm chuyện tốt đẹp và rất tốt đẹp, chúng ta làm ngơ chúng ta thiếu tâm tuỳ hỷ. Thiếu tâm tuỳ hỷ có nghĩa là mình thiếu tâm hoan hỷ với việc người ta làm, người ta làm tốt mình không hoan hỷ nhưng khi người ta làm chuyện gì không hài lòng thì mình cứ chỉ trích và chỉ trích một cách mạnh mẽ. Sống trong một đoàn thể mà người ta chỉ biết chỉ trích và không biết hoan hỷ với những điều đáng hoan hỷ. Điều đó làm cho những thành viên sống trong đó mất đi nhuệ khí.

Chúng tôi có nghe ông ngoại nói một sự việc. Ngày xưa những gia đình miền quê rất đông con cháu, họ hay tìm một người hưởng của Hương Quả ví dụ như nhận được ngôi nhà Từ đường, chăm sóc phần mộ của cha mẹ ông bà. Quanh năm suốt tháng lo trồng hoa lo chăm sóc phần mộ tươm tất thì không ai khen. Nhưng lâu lâu lỡ để trâu bò đi vào phá thì xúm nhau chỉ trích và chỉ trích tận mạng. Mình chỉ trích nguườì ta một ngày không cẩn trọng nhưng mình quên đi rằng có 364 ngày trong năn người ta đã rất cẩn trọng, người ta làm việc rất tốt. Đó là cái bệnh của chúng ta mình không biết tán thán cái đáng tán thán. Bởi vậy một trong những giải pháp cho cộng đồng là chúng ta nên nhắc với nhau rằng mình sống không phải chỉ có tâm từ tâm bi mà còn nên có tâm hỷ và tâm xả nữa. Trong tâm hỷ tức là khi nào mình thấy người nào đó làm được cái gì hay, cái gì tốt mình phải biết ghi nhận thật sự tán thán, thật sự hoan hỷ, tán thán thật lòng, hoan hỷ thật lòng. Trong kinh Đức Phật Ngài có dạy rằng, “ Những ai hoan hỷ với điều Thiện, người đó sẽ đến gần với việc Thiện. Do thân cận với điều Thiện vị này sẽ có những thăng tiến trên con đường tu tập”

Vì vây chúng ta nên luôn luôn hoan hỷ. Ví dụ thỉnh thoảng chúng ta vào trong room thấy rằng có một vài vị làm một vài điều không đúng. Chúng ta chỉ trích vị đó nhưng chúng ta đừng quên rằng có khi quanh năm suốt tháng vị đó rất nhiều điều đúng mà chúng ta chưa bao giờ có một câu nói khen ngợi vị đó. Đó là chúng ta không làm đúng lời Đức Phật dạy. Nên dành cho nhau sự cảm kích chân thành. Chúng ta thường có tháí độ hãy cái gì tốt chúng ta đẩy nó vào trong quên lãng. Đôi giầy đi vừa chân rồi chúng ta ít khi nào nghĩ đến đôi giầy. Rất cần chúng ta biết quý với nhau, biết cảm kích biết tán thán những điều tốt đẹp. Có biết tán thán những điều tốt đẹp, có biết xây dựng những điều không tốt đẹp, có biết né tránh không chỉ trích không phỉ báng, chúng ta mới có thể sống hoà hài, đúng theo ý nghĩa cộng đồng. Nếu không biết tán thán điều đáng tán thán, không biết xây dựng những sai quấy của người khác và không biết nương nhẹ không biết tôn trọng với nhau, chỉ biết đả kích bằng binh khí miệng lưỡi không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ rơi vào chỗ phân hoá, chia rẽ.

Đọc đoạn kinh này, đọc những lời Đức Phật dạy cho Ngài Cunda chúng ta cảm nhân gíông như một ông cha có nhiều con, biết những đứa con của mình có bệnh gì. Rất ân cần, rất cặn kẽ Đức Phật đưa ra từng trường hợp và Ngài có những đề nghị cụ thể.
Nói tóm lại trong bài học này điều mà Đức Phật dạy chúng ta,
Khi phán đoán một điều gì liên quan đến cách thuyết Pháp giảng kinh nên phân biệt thế náo là văn, thế nào là nghĩa. Thế nào là đúng về nghĩa mà sai về văn. Thế nào là đúng về văn mà sai về nghĩa. Thế nào là văn và nghĩa đều sai. Thế nào là văn và nghĩa đều đúng.

Kế đến Đức Phật Ngài dạy chúng ta có những điều nên tránh không chỉ trích, không bác bỏ, không đạp đổ mà thay vào đó lời nóicó tính cách đề nghị. Khi người ta làm một điều gì sai mình là người nên biết đề nghị và đưa ra nhiều sự lựa chọn khác nhau để đương sự tự mình lựa chọn lấy điều thích hợp. Điều đó tốt hơn là mình chỉ trích mà không đưa ra giải pháp và do vậy bản thân của mình phải hiểu rất rõ về những gì mình nói. Nếu mình không hiểu rõ những gì mình mói mà mình chỉ trích, thì sự chỉ trích của mình không có tính xây dựng. Mình không đồng ý cách làm của người đó, không đông ý từ ngữ người đó dùng, thì nên có từ nào đề nghị vào thì mới nên nói.
Nếu chưa nghĩ điều gì tốt hơn thì đừng bao giờ nói rằng,
-“ Anh nói như vậy là sai”.
Hỏi,
-“ Sai chỗ nào?”
Trả lời,
-“ Tôi không biết sai chỗ nào nhưng tôi thấy nói như vậy không đúng”
Thường thường chúng ta nói như vậy.

Sau cùng bài học ngày hôm nay , chúng ta nên sống với tâm tuỳ hỷ, với tấm lòng cảm kích. Đừng bao giờ sống chỉ nghĩ đến những điều không đúng, nghĩ đến khuyết điểm của người khác. Bởi trong rất nhiều trường hợp, trong đời sống hàng ngày có trăm ngàn thứ tốt đẹp người khác dành cho mình, mình phải biết cảm kích điều đó và cảm kích một cách chân thành. Nên tán thán! Đức Phật Ngài không dạy chúng ta thái độ dua nịnh, a dua theo người khác nịnh bợ người khác. Đức Phật cũng không dạy chúng ta có thái độ xã giao đãi bôi với người khác. Nhưng rõ ràng Đức Phật Ngài dạy chúng ta một thái độ là mình sống nên biết cảm kích, nên biết nói lên lời tán thán. Chúng tôi nhớ hoài câu nói của người Ấn độ, “ Những ai không biết cúi đầu trước lẽ phải ,sớm muộn gì người đó sẽ phục tùng trước điều quấy” Có nghĩa là trong đời sống của chúng ta không biết tán thán điều đáng tán thán, cảm kích những người đáng cảm kích thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ tán thán và chạy theo những người không đáng tán thán, phục tùng trước điều sai quấy. Vì vậy rất cần để chúng ta sống với tâm tuỳ hỷ, có từ có bi nhưng cũng phải có hỷ có xả. Hỷ ở đây là biết vui, biết hoan hỷ biết cảm kích đón nhận sự đóng góp thật sự của người khác. Nghiệm lại những điều này chúng ta thấy rằng, rất đơn giản không cần dài dòng nhưng mang lại cho chúng ta rất nhiều điều tốt đẹp. Đó là ý nghĩa đoạn kinh này Đức Thế Tôn dạy cho Cunda về cách cư xử về cách sống hài hoà , về cách nương nhẹ với nhau để tồn tại trong cộng đồng Tăng chúng.

Chúng tôi xin kết thúc bài Pháp hôm nay tại đây.
Namo Buddhaya


Chanh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 48

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ