Câu Hỏi 44: Kính xin Chư Tăng giảng nghĩa cách nào cho khỏi nhầm lẫn giữa Tâm Vương và Tâm Sở trong Vi-Diệu-Pháp.
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 03 tháng 02 năm 2008)
ĐĐ Chánh Kiến: Ví dụ như quý Sư Thầy thường xuyên tiếp xúc đủ hạng người. Khi nhìn thấy một bà nào nói chuyện dữ dằn, thì biết rằng gia đình của vị này sống sẽ không được êm ái, và ông chồng chịu nhiều sự vất vả chịu đựng trong cuộc sống từ tư tưởng đến nhiều thứ khác. Còn một bà hiền lành thì có thể biết rằng gia đình đó sẽ hạnh phúc. Ngược lại ông chồng đao to búa lớn thì vợ con cũng mệt mỏi. Ông chồng hiền lành biết tu tập thì gia đình đó cũng an lạc. Những người vợ hoặc chồng hiền hay dữ làm cho những gia đình ấm êm hoặc xào xáo.
Chữ Tâm Vương có từ chữ Citta, dịch là Tâm. Theo Sư nghĩ sở dĩ người ta thêm chữ Vương là để đối với chữ Tâm sở là những gì thuộc về Tâm. Tâm cũng giống như nước. Tâm sở giống như các phụ tùng thêm vào. Ví dụ chúng ta bỏ cà phê vào trong một ly nước thì nó sẽ thành ly cà phê. Bỏ chanh và đường vào trong một ly nước thì nó là ly nước chanh. Bỏ trà vào nước thì thành nước trà . Cũng giống như những người vợ hoặc chồng hiền hay dữ làm cho những gia đình được ấm êm hoặc xào xáo. Cũng vậy Tâm tự bản chất của nó chưa đủ gây nên quả báo Thiện hoặc Bất thiện, cần có Tâm sở Thiện hoặc Bất thiện thì nó mới gây ra nhân Thiện hoặc Bất thiện. Cũng có Tâm quả có được do những Tâm thiện và Bất thiện.
Sư xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya
TT Tuệ Siêu : Ở đây có hai cách trình bày, về ngữ nghĩa và về chi pháp.
1/ Về ngữ nghĩa, thật ra không có từ Pali nào gọi là Tâm Vương cả, không có chữ Ràjacitta , không có tâm nào là tâm làm vua. Chỉ có cái từ Citta là Tâm. Còn Tâm sở dịch từ chữ Cetasika. Chữ Ceta cũng là một danh từ đồng nghĩa với chữ Citta, Ceta là Tâm. Chữ Ceta phối hợp với một tiếp vĩ ngữ ika thành Cetasika ở đây là để chỉ cho, để nói đến cái gì phụ thuộc của tâm hay những thành tố của tâm. Như vậy mới có từ gọi là Tâm sở hay Ngài Hoà Thượng Tịnh Sự dịch là Sở hữu tâm. Ngài Hoà Thượng Minh Châu dịch là Tâm Sở. Cả hai từ đó đều dịch cho chữ Cetasika cả. Nếu nói đúng phải là Tâm và Tâm sở. Nhưng vì Tâm Sở có hai tiết tố, Tâm chỉ có một tiết tố nên mới thêm chữ Vương để chỉ cho phần chính còn Tâm Sở là phần phụ thuộc. Hễ có phụ thuộc thì phải có chính. Gíông như đi xe có bánh xe và có bánh xe Secours.
2/ Về chi pháp, để dễ hiểu chúng ta biết rằng trong bốn Danh uẩn, ở đây chỉ nói đến Danh uẩn (Nàmakhandha). chứ không nói đến sắc uẩn. Nếu kể luôn cả săc uần thì thành ngũ uẩn . Ở đây chỉ nói đến bốn Danh uẩn vì Tâm và Tâm sở thuộc bốn danh uẩn, thuộc thành phần Danh pháp.
Trong bốn Danh uẩn đó
Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, ba Danh uẩn này Tâm sở hay là Sở hữu Tâm.
-Thọ uẩn là Thọ tâm sở.
-Tưởng uẩn là Tưởng tâm sở.
- Hành uẩn là 50 tâm sở ngoài Thọ, Tưởng.
Chúng ta có tất cả là 52 Tâm sở.
Như vậy Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn được gọi là những Tâm sở, tức là những thành tố để tạo nên Tâm thức, tạo nên sát-na Tâm.
Còn về Tâm Citta là Thức uẩn (Vinnànakhandha)
Như vậy chúng ta có bốn Danh uẩn là Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn.
Thọ uần, Tưởng uẩn, Hành uẩn thuộc về Tâm sở
Thức uẩn chỉ cho Tâm, hay người ta gọi Tâm Vương.
Như vậy có lẽ phân biệt chi pháp này, chúng ta sẽ hiểu được.
Để dễ nhớ hơn khi nói về Tâm Vương và Tâm sở, chúng ta nói thế này Sở đây là sở hữu hay sở thuộc. Tâm sở là cái gì thuộc về sở hữu của Tâm, phụ thuộc của Tâm. Tâm Vương là Tâm chính yếu. Giống như là Vua có đoàn tuỳ tùng hay có những quan thần bên cạnh phò tá như thế nào thì Tâm cũng có 50 Tâm sở phụ thuộc.
Nói ví dụ cho dễ hiểu, nhưng thật ra bốn Danh uẩn Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn Hổ tương duyên với nhau (Annamannapaccaya) giống như cái ghế bốn chân. Không thể có mặt cái này mà vắng mặt cái kia được. Không thể nào chỉ có ba uẩn mà thiếu một uẩn. Nếu có ba danh uẩn mà thiếu một uẩn không bao giờ hình thành một sát-na Tâm (Cetakhanika). Do vậy bốn Danh uẩn này hổ tương nhau chứ không thể như một vị vua không có các quan bên cạnh, đi săn bắn bên ngoài kinh thành một mình thì vẫn gọi là vua. Không phải như vậy.
Nếu Thức uẩn sanh khởi không có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn hổ tương phối hợp như một cái ghế có bốn chân, như vậy sẽ không được gọi là Tâm. Giống như chỉ có một chân hay hai chân thì không thành cái ghế được. Người trí nhờ thí dụ mà hiểu được sự việc nhưng không phải luôn luôn chúng ta chấp vào thí dụ đó để hiểu như thật về đề tài mà mình đang nói đến. Thí dụ chỉ giúp chúng ta hiểu một khía cạnh nào đó mà thôi.
Chúng tôi xin dứt lời tại đây.
Namo Buddhaya
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 44
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|