Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 37:Nhân cần thiết cho tâm sanh là những nhân nào? Xin chư Tăng dẫn chứng từng trường hợp nhân đó tạo nên tâm sanh.


(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 17 tháng 02 năm 2008)

ĐĐ Uyên Minh: Câu hỏi này có nhiều cách trả lời, phải nói rằng có nhiều cách trả lời để tránh trường hợp có những người cư sĩ chỉ đọc được một cách trả lời này mà không có dịp để biết thêm những cách trả lời khác. Từ đó khi quý vị nghe chúng tôi trình bày quý vị có thể bị shock hoặc bị hoang mang. Chúng ta có thể đọc trong Tương ưng bộ kinh, phần giải về 12 duyên khởi, chúng ta thấy rằng Đức Phật đã vận dụng lý Duyên khởi như một chìa khoá vạn năng cho tất cả những vấn đề giáo lý.
Chẳng hạn cội nguồn của dòng sanh tử cũng bắt nguồn từ Duyên khởi.
Sự bắt đầu của hành trình tu tập giải thoát cũng có thể được bắt đầu từ trình bày về giáo lý Duyên khởi.

Chẳng hạn như có một chỗ Đức Phật nói rằng, “Xúc chính là chỗ hội tụ của các Pháp”. Từ đó ta có thể suy ra cuộc tu hành của một vị Phật tử có thể được bắt đầu từ chỗ chúng ta đối diện với tham với sân với si. Tức là đối diện với giai đoạn Ái ở Duyên khởi. Nói một cách khác cuộc tu hành của chúng ta, tức là hành trình tu tạo thiện tâm hay xây dựng đạo nguỵên giải thoát, hoàn toàn có thể bắt đầu tù bất kỳ một mắc xích nào trong giáo lý Duyên khởi. Cho nên đối với một học giả A-Tỳ-Đàm, những người nghiên cứu về giáo lý Tứ niệm xứ, chúng ta có thể nói rằng đối với Tâm bất thiện là một loại Tâm không có chánh niệm tỉnh giác, hoàn toàn có thể là một cửa ngõ rất thích hợp rất lý tưởng cho Bất thiện tâm sanh khởi.Nói vậy cũng xong.

Nói một cách khác, Xúc chính là chỗ dẫn đầu cho tất cả các Thiện pháp hay Bất thiện pháp cũng được, không sai. Là vì sao? Vì xưa nay có một cách nghĩ rất chật hẹp rất hạn chế một cách đáng tiếc, khi người ta đã nhìn vào lý Duyên khởi của Phật giáo Nam Truyền. Những người không học A-Tỳ-Đàm định nghĩa rất hời hợt và thậm chí có nhiều ngộ nhận trong từng chi của 12 duyên khởi. Chẳng hạn như Vô Minh là gì? Hành là gì? Mỗi người có những định nghĩa khác nhau. Rồi có những học giả A-Tỳ-Đàm (Siêu lý học) lại ôm quá chặcmột cái gọi là chi pháp. Cho nên khi hỏi, Vô minh duyên Hành, Hành duyên Thức. Thức duyên danh sắc, Danh sắc duyên lục nhập, Lục nhập duyên Xúc, ….. thuờng các vị chỉ định nghĩa đơn giản Xúc ở đây là chính sáu Xúc mà thôi. Nếu có học về Duyên hệ nữa thì chúng ta có thêm một chút nữa trong quan hệ giữa Xúc duyên Thọ có được 24 duyên hệ. Chỉ vậy thôi.

Căn cứ vào Kinh Tương ưng bộ, chúng ta thấy rằng cội nguồn của một loại Tâm bất thiện hay Thiện có thể được tìm hiểu, khai triển từ bất cứ một mắc xích nào trong lý Duyên khởi. Quý vị hỏi nhân sanh ra Tâm như thế nào, Uyên Minh thưa rằng, nhân sanh đó có thể phát xuất tù Xúc. Đối với giới luật của vị Tỷ kheo, hay của những người cư sĩ . Tại sao các vị tỷ kheo giữ 227 giới, tại sao người cư sĩ giữ 5 giới, 8 giới, thập giới? Xin thưa, chúng ta có thể hoàn toàn trả lời rằng, một vị tỳ kheo hay một vị cư sĩ giữ giới nhằm vào mục đích hạn chế sáu Xúc của mình. Một vị Tỳ kheo hay người cư sĩ có các học giới , cho nên họ đã tránh được rất nhiều loại Xúc không nên có.

Ngài Xá-Lợi -Phất có dạy,
“ Có những loại xúc nên có và có những loại Xúc không nên có. Có những loại Thọ không nên có và có những loại Thọ nên có”
Cái nào là Xúc không nên có? Trả lời câu hỏi này Uyên Minh chỉ trả lời bằng giáo lý Duyên khởi. Một nguời không sát sanh tức là vị ấy cố tránh cái Xúc trong sát sanh, một người không trộm cắp, một người không giữ tiền bạc, một người không muốn tiếp xúc người khác phái, một người không ăn chiều, một người không nghe nhạc v.v… Có nghĩa là người đó đang cố tránh những loại Xúc không thân thiện với môi trường Thiện pháp. Có những loại Xúc có lợi cho Thiện pháp nhưng có những loại Xúc không có lợi cho Thiện pháp. Cho nên nói một cách nôm na cho dễ hiểu dễ nhớ cho người Phật tử không đòi hỏi nhiều lý luận. Chúng ta có thể nói rằng duyên khởi của một loại tâm dầu Thiện hay Bất thiện có thể chỉ bắt nguồn từ một chữ Xúc mà thôi.Rất có thể câu trả lời này không thoả đáng, không làm vừa lòng các vị. Nhưng rất mong câu trả lời này sẽ mở ra một hướng đi mới cho những người có thói quen ôm chặt chi pháp trong giáo lý A-Tỳ-Đàm.

Nếu có ai hỏi con đường nào dẫn đến Bất thiện tâm hay Thiện tâm. Xin thưa, “Đối với tôi có rât nhiều cách”. Một hành giả tu tập chánh niệm, đó chính là cội nguồn để dẫn đến tất cả các Thiện tâm. Một loại tâm không có kiểm soát có nghĩa là loại tâm có bỏ ngõ đối với sáu Xúc. Một loại tâm không có chánh niệm tỉnh giác là loại tâm bỏ ngõ với sáu Thọ. Mà một loại tâm bỏ ngõ với sáu Thọ có nghĩa là loại tâm bỏ ngõ với các phiền não tham ưu nói chung. Phải nói như vậy. Đó là ý nghĩ của chúng tôi.

Đối với lý Duyên khởi nếu chúng ta học như một bọ phận giáo lý mang tính lý luận thì nó khác còn nếu lý duyên khởi được đào bới theo lý Tứ niệm xứ thì rất nhiều đắc dụng cho mọi trường hợp. Chẳng hạn như trong trườnghợp này, chúng ta có thể nói tu học là hành trình giải quuyết sáu Thọ, tu học là hành trình giải quyết sáu Xúc. Toàn bộ đời sống của một người xuất gia hay cư sĩ chỉ là hành trình giải quyết sáu Xúc mà thôi. Tránh đi những cơ hội cho các Xúc không có lợi, đừng để cho nó xuất hiện. Chỉ chấp nhận những trường hợp Xúc có lợi. Nghe Pháp, dịch Kinh, đọc Kinh, trì giới, thiền định, khất thực, đầu đà, gĩư năm giới bát quan trai giới v.v… là những Xúc có lợi. Còn những chuyện lân la với thế sự, cao phát mạn đàm, trà dư tửu hậu, đàn đúm tụ năm tụ ba nói lời vô ích, sân si, hưởng thụ, bất mãn v.v.. đều là những Xúc không có lợi.

Nếu chúng ta chẻ nhỏ ra mà nói, toàn bộ đời sống của chúng ta Thiện hay Bất thiện đó chỉ là vấn đề của Xúc hoặc là của Thọ mà thôi. Trong kinh Trưởng lão Tăng kệ (Theragatha}, có một lần Ngài Xá-Lợi-Phất đến thăm bệnh một vị Tỳ kheo đang quằn quại trên giường, Ngài nói rằng, “ Này hành giả, suy cho cùng toàn bộ vấn đề đau khổ chỉ nằm ở Thọ, hành giả thấy được ba tướng trong Thọ, tôi nghĩ rằng hành giả sẽ được giải thoát”. Kinh , Sớ ghi rằng sau khi nghe như vậy vị Tỳ kheo đó đã chứng quả A-La-hán và viên tịch ngay trước mặt Ngài Xá-Lợi -Phất. Có rất nhiều chỗ khác, chúng ta có thể tìm trong trang web của Tiến sĩ Bình An Sơn, tìm vào Tương ưng bộ Kinh, có những chương Đức Phật Ngài nói về lý Duyên khởi. Quý vị mới giật mình thấy xưa nay một là mình không học Phật Pháp, cách nghĩ của mình về Duyên khởi rất chật hẹp theo kiểu không có học. Nếu chỉ có trong A-Tỳ-Đàm thôi chúng ta rất có thể lại trật theo một hướng khác mang tính kinh điển hơn bác học hơn nhưng nó cũng đưa mình vào một phương trời khác cũng chật.

Để trả lời câu hỏi này, xin thưa rằng vạn pháp có rất nhiều nhân duyên. Chúng ta có thể giở lại chú giải kinh Tứ Niệm xứ. Ngài giải thích rất rõ con đường nào dẫn đến Trạch pháp giác chi, Cần giác chi, Hỷ giác chi, Niệm giác chi, Định giác chi, Xả giác chi . Suy cho cùng đó là những pháp thoại mang tính phương tiện, có nghĩa là tuỳ chỗ Đức Thế Tôn thuyết giáo.
Chung quy lại trong Tương ưng bộ kinh Đức Phật Ngài dạy rằng,
“Tong tất cả các dấu chân thú vật, dấu chân voi là lớn nhất. Cũng vậy trong tất cả các Pháp ta cho rằng không dễ duôi là Pháp quan trọng nhất”
Ở chỗ này Sớ nói không dễ duôi tức là đời sống trong Bốn niệm xứ. Chúng ta thấy rằng Bốn niệm xứ là suối nguồn cho tất cả thiện pháp. Sống ở đời chúng ta sanh tử bởi không biết mình là ai, không biết mình đang làm gì. Chúng ta sống ,chúng ta hít thở,chúng ta ăn uống, chúng ta buồn vui như những xác chết chưa kịp chôn. Cho nên chúng ta phải có chánh niệm tỉnh giác, nói thì dễ làm mới khó nhưng không phải vì vậy mà chúng ta không làm. Dầu co lý luận cách mấy đi nữa, chúng ta phải công nhận rằng không có Thiện pháp nào có thể khởi sinh mà không có sự đồng sinh cộng hưởng của chánh niệm tỉnh giác. Đó là lý do tại sao Bốn niệm xứ được xem là đạo lộ đưa đến giải thoát.

Để trả lờicâu hỏi, “Nhân sanh ra các loại tâm Thiện và Bất thiện ”, chúng tôi xin trả lời chung chung là không có chánh niệm tỉnh giác, đó là con đường dẫn đến Bất thiện và có chánh niệm tỉnh giác đó là con đường dẫn đến các Thiện pháp. Bởi vì chúng ta thường bị ám ảnh bởi những con số, những tên gọi ví dụ như Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ là Ngũ căn Ngũ lực,Thất giác chi, Bát chánh đạo, Tứ như ý túc, Tứ niệm xứ. Nhưng nếu ngồi lại một chút, chúng ta thấy rằng tất cả đều là những pháp môn đồng nghĩa chỉ khác nhau về tên gọi mà thôi. Thu gọn lại lúc Niết-bàn Đức Phật chỉ nói một câu rất ngắn gọn,
“Vayadhammà saïkhàrà appamàdena sampàdethà,”
“Các hành là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có dễ duôi".
Các hành ở đây là tất cả các Thiện pháp, tất cả các Bất thiện pháp, tất cả niềm vuidục giới và vô sắc giới, tất cả Giới Định Tuệ, tất cả những thành tựu về tri kiến về thần thông về Thánh trí, tất cả những thành tựu về đời về đạo của chúng ta, tất cả đều là những trạm dừng dọc đường mà chúng ta phải vượt qua.
“ Các hành là vô thường” cái gì hiện hữu đều là vô thường
Tiếp theo “ hãy tinh tấn chớ có dễ duôi”Appamàdena sampàdethà. Sớ nói ở đây là tu tập Tứ niệm xứ, rất dễ nhớ. Lời giáo hối cuối cùng của Đức Phật hoàn toàn có thể gắn vào trí nhớ mòn mỏi của người già 90 tuổi.
“ Các hành là vô thường”, tất cả những vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, v.v…
Nếu chúng ta đọc kỹ về sớ của Duyên khởi chúng ta thấy một điều rất thú vị:
-Nếu một người không có tu thì lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh.
-Đối với một người có tu thì lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên Tín Tấn Niệm Định Tuệ, cũng có nghĩa là duyên cho giới định tuệ.
-Nếu một người thành tựu giới định tuệ cũng có nghĩa rằng người đó sẽ có được giải thoát, giải thoát tri kiến.

Cho nên chỉ riêng giải quyết một chi Xúc, một chi Thọ cũng là toàn bộ hành trình tu học của mình rồi. Hai chi đó hoặc Xúc hoặc Thọ nếu mình không giải quyết tất cả các ác tâm sẽ xuất hiện, nếu mình giải quyết tất cả Thiện tâm sẽ xuất hiện. Đó là câu trả lời của UM .

Nếu nói cho trường lớp một chút, nhân cần thiết cho tâm sanh khởi, chúng ta thấy rằng Tâm có bao nhiêu pháp đồng sanh. Chúng ta thấy tâm đồng sanh đồng diệt với sở hữu. Tâm với sở hữu đồng sanh đồng diệt đồng biết một cảch. Chúng ta có thể nói là nhân cần thiết vì Tâm cũng giống như nước, còn sở hữu giống như mật, muối, đường, chanh, bột ngọt v.v. Thường chúng ta biết Tâm có 121, nhưng có chỗ Tâm có 89, nhưng có chỗ tâm chỉ kể là một mà thôi, Tâm chỉ đơn giản biết cảnh thôi. Còn cái Tâm Thiện, Tâm bất thiện, tâm dục giới, tâm đáo đại, tâm siêu thế chỉ tuỳ thuộc vào các sở hữu. Do vậy câu này có rất nhiều cách trả lời.

Đối với sắc pháp có bốn nhân sanh sắc pháp đó là nghiệp, tâm, âm dương, vật thực. Chúng ta không ngờ bốn nhân đó cũng là nhân sanh vạn hữu chứ không phải chỉ riêng cho sắc pháp, mà những học viên A-tỳ-đàm thường ngộ nhận. Những học viên A-Tỳ-Đàm khi nói đến nghiệp, tâm, âm dương và vật thực người ta thừơng nghĩ đến nhân sanh sắc pháp. Xin thưa đó là một hiểu nhầm vì nghiệp, tâm, âm dương, vật thực còn là nhân sanh vạn pháp. Nhân sanh của một loại tâm nếu bám theo chi pháp, xin nói rằng nó rất có thể làm chúng ta bị bó buộc rất nhiều.
Xin được dứt lời tại đây.

TT Tuệ Siêu: ĐĐ Uyên Minh đã giảng giải cho chúng ta nghe về nguyên nhân sanh khởi Tâm Thiện và Tâm Bất thiện theo giáo lý Duyên khởi hay nói đúng hơn là theo ý nghĩa của kinh tạng, giúp cho chúng ta có một cái nhìn và biết được đường hướng để chúng ta tu tập.

Chúng tôi xin được đóng góp ý nghĩa có tính cách chuyên môn hay Pháp thực tính một chút. Khi nói đến nhân sanh tâm, tâm ở đây gồm có bốn loại tâm: Tâm Thiện, Tâm bất thiện, tâm Quả và Tâm Tố. Có bốn loại tâm chia theo giống hay chia theo tính. ĐĐ Uyên Minh đã nói đến nguyên nhân làm Tâm Thiện và Tâm Bất thiện sanhkhởi. Còn về Tâm Quả Tâm Tố thì sao? Do vậy trong vấn đề này muốn trả lời cho hoàn bị và có tính cách chuyên môn hay có tính cách Pháp thực tính, chúng tôi xin lấy ý nghĩa của A-Tỳ-Đàm.

- Nhân sanh thứ nhất tức là Tâm sở hay Sở hữu tâm (Cetasika). Bởi vì nếu không có Tâm Sở phối hợp, Tâm sẽ không có mặt. Tâm Sở gồm có Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn. Nếu không có Thọ-Tưởng-Hành , Thức uẩn không thể nào sanh khởi được. Cho nên nhân sanh ra Tâm thứ nhất phải nói đến Sở hữu tâm. Bởi vì Pháp hoà hợp với Tâm, Pháp tương ưng với tâm , pháp đó là tâm sở hay là Sở hữu.
- Nhân sanh thứ hai Tâm là pháp tiếp cảnh Ārammanaṃ Cinteti Cittaṃ , và trạng thái của Tâm là phải biết cảnh (Ārammanaṃ Vijāranakkhanaṃ). Do đó phải có cảnh Tâm mới sanh, cảnh đó có thể là cảnh sắc,cảnh thinh, cảnh vị, cảnh xúc, cảnh pháp. Nếu có sự hiện hữu của đối tượng Tâm mới phát sanh được.
-Nhân sanh thứ ba được gọi là nghiệp bởi vì ở đây, chúng ta thấy tất cả 52 tâm quả hay 32 Tâm quả hiệp thế không phải tự động nó sanh khởi được, phải do nghiệp dị thời duyên thuộc về Tâm thiện hay Tâm bất thiện tạo ra, tâm quả hiệp thế, tâm quả vui hay tâm quả khổ. Một trong bốn yếu tố ĐĐ Uyên Minh có nhắc qua là nghiệp, tâm, quý tiết, vật thực. (Nghiệp, tâm, âm dương, vật thực cũng là nhân sanh ra vạn pháp. Trong đó nghiệp tạo ra Tâm nữa. Tâm quả ngay trong hiện tại như Tâm quả tái tục hay Tâm nhãn thức, Tâm nhĩ thức, Tâm tỷ thức, Tâm thiệt thức, Tâm thân thức hay Ý thức, Ý thức giới thuộc về Tâm quả đều là do nơi nghiệp tạo ra hết.

Nói một cách tóm lược là có ba nhân sanh ra Tâm, đó là nói theo cơ sở chi pháp của A-Tỳ-Đàm. ĐĐ Uyên Minh có trách nhẹ một vấn đề là nếu chỉ dựa vào những thông số, những chi pháp A-Tỳ-Đàm mà nói đôi khi chúng ta trật. Khi chúng ta luận bàn về Pháp, nếu chúng ta đặt một câu hỏi có tánh cách để hiểu theo Pháp thực tính, chúng ta phải dựa theo chi pháp A-Tỳ-Đàm. Nếu chúng ta hỏi để tu tập Thiền định hay tu tập trưởng dưỡng Thiện tâm, đạo tâm, chúng ta sẽ học theo cách giải thích của Sư Uyên Minh, theo kinh tạng hay theo lý Duyên khởi. Cho nên cả hai cách giải thích chúng ta đều chấp nhận, chứ không phải chúng tôi chỉ theo một hướng kinh tạng, bỏ A-Tỳ-Đàm. Cũng không phải vì A-Tỳ-Đàm là pháp thực tính rồi chúng ta ôm chấp vào lý A-Tỳ-Đàm mà chúng ta đem ra tu tập. Không được!

Cũng như khi chúng ta bị nhức đầu, nóng lạnh, chúng ta phải đi mua thuốc Paracetamol hay Tylenol. Người ta đưa thuốc về nhà chỉ cần lấy một viên bỏ vào miệng rồi uông mước thôi. Nhưng có nhiều khi cần, chúng ta cũng phải phân tích tính dược trong viên thuốc đó. Lúc bấy giờ chúng ta phải xem các thành phần vị dược sĩ chế tạo ra viên thuốc. Có đôi lúc chúng ta cũng cần như thế. Ví dụ như thuốc Effetragan có hai loại, một loại chỉ có dược tính paracetamol, một loại có cả chất cudin tức là chất làm giảm đau. Nếu chúng ta cảm xoàng chúng ta uống loại chỉ có paracetamol. Nếu chúng ta bị sốt hay bị khó chịu trong người do một vết thương hay vừa sau khi phẩu thuật chúng ta phải dùng loại có cả chất cudin. Nhờ biết dược tính như vậy chúng ta mới có thể trị hữu hiệu căn bệnh.

Do vậy chúng ta phải luôn luôn uyển chuyển trong cả hai trường hợp, hiểu theo Kinh Tạng hay A-Tỳ-Đàm( Vi Diệu Pháp). Nếu chúng ta có trí tuệ, sở trừơng hiểu theo cách nào chúng ta thọ trì theo đó. Quý vị muốn hiểu theo cách đơn giản là nhân sanh ra Tâm theo A-Tỳ-Đàm như thế nào thì chúng tôi trình bày cho quý vị là Tâm sở, cảnh và nghiệp. Nếu quý vị muốn biết được nguyên nhân làm phát sanh Tâm Thiện hay Tâm Bất thiện, để từ đó tu tập phát triển Tâm Thiện và loại trừ Tâm Bất thiện, chúng ta sẽ nghe theo lời giải thích của sư Uyên Minh. Chúng ta tu tập sẽ chính xác.

Chúng tôi xin dứt lời tại đây
Namo Buddhaya.

Chánh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 37

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ