Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 36):Sự sống chết của mỗi chúng sanh là do nơi phước, nghiệp của chúng sanh ấy. Như vậy tại sao Chư Tăng thường chúc cho Phật tử năm điều hạnh phúc là sống lâu, sắc tốt, an vui, sức mạnh, trí tuệ. Sự cầu chúc đó có hợp với sự sống chết của chúng sanh do nơi nghiệp , do nơi phước hay không?


(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 17 tháng 02 năm 2008)

ĐĐ Uyên Minh: Ở đây chúng ta có ít nhất hai câu trả lời cho câu hỏi này.
Thứ nhất xin hỏi quý vị đã là Phật tử có ai không biết bài kinh Tiểu Ngiệp Phân biệt
(Cùlakammavibhanga sutta). Chúng tôi xin điểm sơ lược như sau quý vị sẽ nhớ,
Có một thanh niên tên Subha Todeyyaputta đến hỏi Đức Phật,
-“Bạch Đức Thế Tôn tại sao trên đời này có sự sai biệt giữa các loài chúng sanh, kẻ thì sống lâu người bị yểu thọ, kẻ thì giàu sang người thì nghèo hèn, kẻ thì trí tuệ người thì ngu đần v.v… Vì đâu có những sai biệt đó”
Đức Phật giải thích rằng,
“Ai có lòng thương chúng sinh từ bỏ đao trượng sẽ được sống lâu.
Ai thường đến sa-môn học hỏi để lắng nghe sẽ có nhiều trí tuệ.
Ai thường xuyên bố thí chia sẻ tài sản mình có cho người khác, có bàn tay rộng mở người đó sẽ có dư dật tài sản.”

Đã nói rằng không có người Phật tử nào không biết bài kinh trên có nghĩa rằng chúng ta thấy khi chư Tăng chúc cho mình là chư Tăng gợi nhớ cho mình những vấn đề gì rất quan trọng. Khi chư Tăng nói rằng, “Xin cho các Phật tử được sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh, trí tuệ”. Khi nói mong các vị sông lâu, chúng ta biết rằng đó là lời nhắc nhở,
“Anh phải làm sao anh mới sống lâu, anh hiểu ngầm anh phải làm cái gì anh mới sống lâu. Chén cơm anh cho chúng tôi, nó luôn giữ chúng tôi trong thêm một ngày phạm hạnh nữa. Chúng tôi còn sống thì Phật Pháp còn tồn tại thêm một ngày, Chúng tôi sống một ngày đạo được duy trì thêm một ngày, Chúng tôi sống một năm thì đạo duy trì được thêm một năm. Đạo tồn tại thì niềm vui của chúng sanh tồn tại. Đó là lý do tại sao chén cơm của anh lúc này trở thành suối nguồn của sự sống”

Công niệm như vậy thì lễ cúng dường đó, việc làm công đức của chúng ta mới trở thành gốc của sự sống lâu. Cho nên xin nhắc lại khi nghe Chư Tăng nói Sống lâu, sắc đẹp…..chúng ta phải hiểu rất nhiều cách. Một là hiểu rằng khi mong mình sống lâu, mong mình sắc đẹp, an vui, trí tuệ, có nghĩa là gián tiếp đề nghị nhắc nhở mình hãy làm những công đức nào tương ứng với việc sống lâu, tương ứng với sự đem lại sắc đẹp, tương ứng với sụ an lạc, v.v…
Anh không nghe pháp, anh không giữ giới, không có từ tâm, không có thiền định thì làm sao anh có được những cái này. Chúc là chúc như vậy, nhưng căn bản chúc ở đây có nghĩa là thầm nhắc, “Anh phải làm cái gì để có được cái đó”.

Nếu nói rằng, “Tôi nghe như vậy tôi không thể liên tưởng nhiều như sư nói”
Xin thưa, “Chúng ta phải đọc lại bài kinh Tiểu nghiệp phân biệt.” Khi nghe Chư Tăng chúc mình phải hiểu ngầm rằng không phải là lời chúc mà mong mình hãy nhớ thêm, hãy làm những gì để được những điều đó.

Chẳng hạn như đầu năm mình chúc với nhau “Mua may bán đắt”. Người có máu thương buôn họ nghe đến chữ Mua may bán đắt. Họ sẽ không hiểu một cách nghèo túng rằng mình ngồi ở nhà mình mới mua may bán đắt mà họ hiểu ngầm rằng người ta kêu mình ráng làm ăn cho cẩn thận, cho quy mô một chút, chịu khó năng nổ xông xáo một chút. Như vậy mới mua may bán đắt.

Thứ hai chúng ta giở lại bài kinh Trường bộ số 26 “Chuyển luân thánh vương sư tử hống” (Cakkavati-Sìhanàda sutta). Trong đoạn cuối bài kinh đoạn 28, chúng ta hãy xem Đức Phật dạy như thế nào, rất đặc biệt.
28. -Này các Tỷ kheo, hãy đi lại trong giới hạn được phép của mình, trong giới hạn Tổ phụ các Ngươi truyền lại. Này các Tỷ kheo, nếu các Ngươi đi lại trong giới hạn được phép của mình, trong giới hạn Tổ phụ các Ngươi truyền lại thời tuổi thọ sẽ được tăng thịnh, sắc đẹp sẽ được tăng thịnh, an lạc sẽ được tăng thịnh, tài sản sẽ được tăng thịnh, thế lực sẽ được tăng thịnh.

-Này các Tỷ kheo, như thế nào vị Tỷ kheo tuổi thọ được tăng thịnh? Này các Tỷ kheo, ở đây, vị Tỷ kheo tu tập thần túc, đầy đủ Dục thiền định tinh cần hành; tu tập thần túc, đầy đủ Tinh tấn thiền định tinh cần hành; tu tập thần túc đầy đủ Tâm định tinh cần hành; tu tập thần túc đầy đủ Tư duy thiền định tinh cần hành. Vị này tu tập bốn pháp thần túc này một cách tinh cần, nếu muốn sống kéo dài một kiếp hay năm còn lại của một kiếp. Này các Tỷ kheo, như vậy Ta nói vị Tỷ kheo tuổi thọ được tăng thịnh.

-Này các Tỷ kheo, thế nào là vị Tỷ kheo sắc đẹp được tăng thịnh? Này các Tỷ kheo, ở đây, vị Tỷ kheo sống giữ giới luật, chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha (Ba-la-đề-mộc-xoa), đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy nguy hiểm trong những lỗi nhỏ nhặt, thọ lãnh và tu học trong giới pháp. Này các Tỷ kheo, như vậy vị Tỷ kheo sắc đẹp được tăng thịnh.

-Này các Tỷ kheo, thế nào là vị Tỷ kheo an lạc được tăng thịnh? Này các Tỷ kheo, ở đây, vị Tỷ kheo ly dục, ly ác pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh với tầm, với tứ; diệt tầm, diệt tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ... chứng và trú Thiền thứ ba... chứng và trú Thiền thứ tư. Này các Tỷ kheo, như vậy vị Tỷ kheo an lạc được tăng thịnh.

-Này các Tỷ kheo, thế nào là vị Tỷ kheo tài sản được tăng thịnh? Này các Tỷ kheo, ở đây, vị Tỷ kheo an trú, biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ, cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế giới, trên, dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quảng đại vô biên, không hận, không sân, với tâm câu hữu với bi... với tâm câu hữu với hỷ... Vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với xả, quảng đại vô biên, không hận, không sân. Này các Tỷ kheo, như vậy vị Tỷ kheo, tài sản được tăng thịnh.
-Này các Tỷ kheo, như thế nào là vị Tỷ kheo thế lực được tăng thịnh? Này các tỷ kheo, ở đây vị Tỷ kheo, với sự diệt tận các lậu hoặc, tự mình biết và chứng, đạt đến an trú ngay trong hiện tại tâm giải thoát, tuệ giải thoát không còn các lậu hoặc. Này các Tỷ kheo, như vậy là vị Tỷ kheo thế lực được tăng thịnh.
Bài chúc của Chư Tăng ngắn thôi, nhưng mở ra cho chúng ta ít nhất là hai bài Kinh. Bài kinh thứ nhất là bài kinh Trung bộ Tiểu nghiệp phân biệt. Bài kinh thứ hai là bài kinh Trường bộ Chuyển luân thánh vương sư tử hống. Kể từ hôm nay khi nghe Chư Tăng chúc như vậy mình cứ nhớ chúng ta có hai bài kinh để hiểu. Đó là lý do tại sao chúng ta phải đọc.

Xin được dứt lời tại đây.
Namo Buddhaya.

Chánh Hạnh chuyển biên

 

Download cau hoi 36

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ