Câu Hỏi 35):Người ta nghĩ rằng lời nói rất nhẹ nhàng như câu tục ngữ, “Lời nói gió bay”. Do đó người ta nghĩ rằng khẩu nghiệp nhẹ hơn thân nghiệp. Điều đó có đúng hay không?
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 24 tháng 01 năm 2007)
TT Giác Đẳng: Để trả lời câu hỏi chúng ta có thể đưa ra đây một vài dẫn chứng cụ thể. Từ đó chúng ta có thể nhìn thấy theo Phật Pháp lời nói có ảnh hưởng như thế nào trong cuộc sống của chúng ta.
Ví dụ trong năm ngũ nghịch đại tội, tức là giết cha, giết mẹ, giết A-La-Hán, chích máu Phật và chia rẻ Tăng. Chia rẻ Tăng là một trong năm ngũ nghịch đại tội, ác nghiệp mặng nhất. Nghiệp chia rẻ Tăng thường đến từ khẩu nghiệp. Ở đây chúng ta không thể nói rằng khẩu nghiệp là nhẹ theo trong lý nghiệp báo đạo Phật.
Hoặc giả chúng ta đề cập đến Bát chánh đạo, chúng ta thấy rằng Chánh ngữ là một chi phần trong Bát chánh đạo. Nói cáh khác từ bỏ tà ngữ là một điều cực kỳ quan trọng để dẫn đến giác ngộ giải thoát. Đó là ví dụ thứ hai.
Chúng ta nhìn lại trong mười cái nghiệp, thân nghiệp có 3, khẩu ngiệp có 4, ý nghiệp có 3. Khẩu ngnhiệp có 4 , chúng ta không thể nói rằng khẩu nghiệp là như mây bay gió thoảng được. Không thời đại nào cho chúng ta thấy được ảnh hưởng của lời nói của ngôn từ như thời đại hôm nay. Đông-Tây Kim-Cổ chứng minh cho thấy rằng những khúc quanh của lịch sử thường đến từ những đầu óc và những lời nói. Những lời nói có ảnh hưởng lớn. Nếu đó là lời nói cao đẹp, lời nói xây dựng và có ảnh hưởng lớn thì nó thay đổi cục diện lịch sử theo chiều hướng tốt hơn. Cũng có nhiều bi kịch xảy ra bởi vì lời nói và con người đã tự tạo ra bao nhiêu thảm hoạ cho mình và cho người khác.
Người Phật tử chân chánh hiểu đạo ý thức rất rõ rằng, lời nói của mình có ảnh hưởng rất nhiều đến những người chung quanh, do vậy chúng ta phải cẩn ngôn. Nếu cảm thấy rằng mình không nói được những lời nói tốt đẹp, tốt hơn hãy im lặng. Và thậm chí Đức Phật còn ca ngợi nếu chúng ta im lặng như cái chuông bể thì tốt hơn là bởi vì chúng ta đừng quên một điều rằng, con người rất dễ dùng sự biểu đạt, dùng phương tiện truyền thông của mình để tạo nên bao nhiêu bi kịch của đời sống. Chúng ta rất ít khi khéo léo về điểm này. Chúng ta ngồi nhìn lại trong đời nhiều khi mình nghĩ rằng không có gì , nhưng đã có bao nhiêu lần những lời nói đi nói lại, đem chuyện của người này nói với những người khác và tạo ra bao nhiêu hố sâu, bao nhiêu ngăn cách, bao nhiêu đổ vỡ. Những thứ đó đi ngược lại với chúng ta trong đời sống này.
-Do vậy trên phương diện nghiệp báo khẩu nghiệp không thể nói là nhẹ được như chúng ta học trong Thập thiện và Thập ác.
-Trên phương diện tu tập chúng ta cũng không nói khẩu nghiệp nhẹ được, nếu chúng ta nói về chánh ngữ trong Bát chánh đạo
-Đối với cuộc sống ngày hôm nay cũng giống như tự bao giờ và không có thời nào dễ sợ như thời đại này. Những lời nói của chúng ta đi rất nhanh, loan đi rất xa. Chúng ta đang nói chuyện trong room đây và những người tham dự là những người đến từ nhiều vùng đất khác nhau , từ nhiều châu lục khác nhau. Phải nói một điều rằng những gì mình nói sẽ đi rất nhanh loan rất xa và có ảnh hưởng rất lớn. Có nhiều khi cũng lời nói của chúng ta tạo nên sự xây dựng và mang lại bao nhiêu sự hàn gắn và cũng có đôi lúc lời nói của chúng ta tạo nên bao nhiêu bi kịch , bao nhiêu hoàn cảnh bi đát cho những người chung quanh mình.
Như vậy trả lời tóm tắt rằng không bao giờ chúng ta nên nói rằng khẩu nghiệp là nhẹ và chúng ta đặc biệt phải hết sức cẩn trọng, nhất là trong thời đại internet, điện thoại cầm tay và vô số phương tiện truyền thông khác rất sẵn sàng và rất dễ sử dụng. Mong rằng tất cả chúng ta sẽ nghiệm rất kỹ điều Đức Phật dạy tại đây để tránh những ác nghiệp mà lẽ ra chúng ta có thể tránh được, thì chúng ta lại vương vào một cách đáng tiếc.
Đó là câu trả lời.
Namo buddhaya
Chánh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 35
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|