|
Câu Hỏi 29):Nam Tử Hỏi Đạo. Nguyên nhân của sự đau khổ trên cõi đời này
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , ngày 22 tháng
12 năm 2007)
TT Giác Đẳng: Hôm nay chúng tôi xin nói về chi thứ hai của đề tài ngày hôm nay là nguyên nhân của đau khổ. Khi chúng ta nói về khổ đau, đa phần người ta rất dễ đồng ý, nhưng khi nói đến nguyên nhân của đau khổ, ngay cả người Phật tử đôi khi chịu ảnh hưởng văn hoá, chúng ta cũng khó có được sự nhất quán cái gì là nguyên nhân của đau khổ.
Một người con gái lấy chồng rất sớm rồi sau đó sống trong gia đình bên chồng, khổ vì chồng, khổ vì con, khổ vì cha mẹ chồng, anh chị em chồng. Ngay cả khi người phụ nữ đó là một Phật tử đôi khi cũng phải tin theo số mệnh và nghĩ rằng nỗi khổ đau của cuộc đời mình là do định mạng. Hầu hết con người đặc biệt là những người có tính ngưỡng trong hành tinh này thường quan niệm rằng khi khổ, đặc biệt là nỗi khổ đau thuộc về thiên ý, thiên mệnh, thuộc về định mệnh, thuộc về tiền mệnh là cái gì được an bài.
Ngẫm suy muôn sự tại trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được hưởng phần thanh cao
Cụ Nguyễn Du thường được người ta đặc biệt nói là thiền sư, một người hiểu đạo. Nhưng những câu nói đó cũng cho chúng ta thấy rằng lằn ranh giữa thuyết thiên mệnh định mệnh vẫn là sự ám ảnh lớn trong tư tưởng của những người Phật tử đặc biệt là những người Phật tử trong các quốc gia theo Phật giáo Bắc truyền.
Đức Phật có một khẳng định, Ngài cho chúng ta biết rằng nguyên nhân của sự đau khổ đến từ một hệ luỵ. Hệ luỵ đó nằm sâu ẩn trong lòng của chúng ta. Và chính Đức Thế Tôn cũng có một thái độ đặc biệt ngay trong đêm thành đạo, khi tuệ giác bừng dậy trong Ngài. Ngài nhận ra mặt mũi của cái gọi là nhân sanh ra đau khổ, người thợ đã xây ra ngôi nhà đau khổ. Ngài đã điểm mặt được người đã tạo ra nỗi đau khổ đó. Ngài xác quyết rằng đó chính là Tanha. Tanha là một từ ngữ tương đối rất khó dịch. Chúng ta thường dịch là Ái. Trong tiếng Anh đôi khi người ta thường dùng đến chữ thirst hay là khát ái. Khao khát cái gì? Khao khát ở đây tự bản chất của nó là một động lực đẩy chúng ta đi tới. Có bao giờ quý vị khát mà quý vị ngồi một chỗ không? Có bao giờ chúng ta thèm muốn cái gì mà chúng ta ngồi yên một chỗ? Không có! Khi chúng ta khao khát thèm muốn điều gì, bắt buộc chúng ta phải làm một cái gì đó, phải tạo ra một cái gì đó. Tác hưởng của nó cả nội tại lẫn ngoại tại.
Nội tại là vì chúng ta muốn một điều gì đó chúng ta sanh ra bất mãn với cái gì khác. Vì chúng ta quá muốn cái gì đó, do đó chúng ta xem thường những thứ khác. Vì chúng ta quá chuộng một cái gì đó, chúng ta dễ dàng bất mãn khi chúng ta không có được những thứ đó. Những phản ứng tâm lý như vậy rất dễ dàng hiểu khi Đức Phật Ngài dạy rằng,
“Ái dục sanh lo âu , ái dục sanh sầu muộn”. Nhưng hơn thế nữa trong giáo lý Thập nhị duyên khởi cho chúng ta biết rằng ngoài ảnh hưởng của tâm lý, khi chúng ta nói, “Ái duyên cho thủ”, thủ là sự câu chấp, thủ là cái gì đậm đặc kết tinh nặng nề của sự dính mắc. Thủ lại là một duyên để tạo ra Hữu. Hữu là sự thể hiện của hạnh nghiệp, thể hiện cái gì trong đời sống. Nếu chúng ta nhìn cho kỹ nhất cử nhất động trong đời sống hằng ngày, những việc chúng ta tạo ra đều có mục đích đôi khi rõ rệt và đôi khi nó không rõ rệt. Đôi khi mình biết tại sao mình làm việc đó, đôi khi mình không biết tại sao mình làm việc đó.
Ngài Ajahn Chah có nói một điều rằng, “ Hầu hết tất cả những gì chúng ta làm đều có mục đìch, và mục đích nhằm mong cầu được thoả mãn”. Từ việc chúng ta nhấc một chiếc ghế từ chỗ này sang chỗ kia, chúng ta đi tìm thức ăn cho mình, hoặc giả chúng ta đi tìm chỗ ngủ êm ấm, hay là muốn nói chuyện với một ai đó. Tất cả những điều đó đều có một mục đích sâu kín đằng sau là đi tìm sự thỏa mãn. Ái không phải chỉ đạt đến cao điểm của thủ mà nó còn đẩy xa hơn nữa. Nó thể hiện sự khao khát qua hành động gọi là Hữu, và hành động này mang tính nhân quả, mang tính tạo tác và do vậy nó tạo ra những sản phẩm của cuộc sống này. Sản phẩm đó kể cả sự tiếp nối, sự tiếp diễn của vòng luân hồi.
Cứ tưởng tượng rằng chung quanh căn phòng của chúng ta, nào bàn ghế, hình ảnh, máy điện toán v.v….Tất cả những thứ bây giờ nằm đó cơ hồ như là vô tri, cơ hồ như rất hững hờ. Nhưng thưa quý vị nó đã là sản phẩm của ý muốn. Ý muốn nào đó trong một thời điểm nào đó đã khiến cho con người tạo ra những thứ đó. Và chúng ta cũng chỉ vì sự ham muốn mà đem nó về đặt để tại một chỗ nào đó. Chúng ta nhìn một loạt qua căn phòng của mình dường như những thứ là tình cờ ngẫu nhiên nhưng không phải như vậy.
Trong bài kinh Chuyển Pháp luân, một lời Đức Phật dạy rất cô đọng khi đề cập đến nguyên nhân của đau khổ chính là Ái dục. Ái dục đó là dục ái, hữu ái, phi hữu ái, là một thứ tầm cầu cái này cái kia là thứ tạo ra sanh y. Nói một cách nôm na theo từ ngữ bình thường, chúng ta khao khát với cái gì đáp ứng được thị dục của mình như sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc. Chẳng những như vậy chúng ta còn ao ước sự hiện hữu, sự có mặt của mình, của những thứ đó trong tương lai. Tức là của năng của sở của cảnh và của người hưởng cảnh trong tương lai. Chúng ta muốn chúng ta phải như thế này, là người kia là người nọ. Chúng ta vẽ cho mình một chân dung, chúng dự phóng ra một hình ảnh, chúng ta nói lên một niềm hy vọng hay khát vọng muôn thưở muốn như thế này thế kia. Và không những vậy ái dục còn khiến chúng ta nghĩ đến “cái không có”. Cái không có là một sự chạy trốn với thực tại. Cái thực tại đó hoặc giả là nó quá chịu đựng, hoặc giả là nó quá nhàm, hoặc giả là chúng ta muốn cái mới do đó chúng ta không muốn cái này. Ví dụ như quý vị đang có cái điện thoại cầm tay, bây giờ người ta sản xuất ra một kiểu điện thoại mới. Để ý kỹ chúng ta thấy có cả hai ý muốn hoặc giả làm thế nào để tống khứ cái điện thoại mình đang có và hướng đến cái mới hơn để thay thế vào đó.
Chúng ta thấy rằng dục ái, hữu ái và phi hữu ái đôi khi tay liền tay, đôi khi cái này là mặt trái đồng tiền của cái kia và nó đi liền lạc với nhau, đến nỗi chúng ta cảm thấy lẫn lộn khó phân biệt được. Nhưng chính sự khao khát này đã khiến cho cái nhìn của chúng ta thiển cận. Chúng ta đánh giá quá cao một cái gì đó và một cách nông nỗi chúng ta phủ nhận những giá trị khác. Gíông như chúng ta bước vào một vườn hoa, quý vị thích hoa hải đường, hoa trà my, hay một loại hoa nào đó rồi chúng ta quên bẳng đi những thứ hoa khác cũng có hương sắc của nó. Người thích hoa Đỗ quyên cho rằng hoa Đỗ quyên đẹp nhất và phủ nhận tất cả những thứ khác. Cũng vậy đôi lúc một người sắp có cuộc hành trình đi xa như đến một quốc gia nào đó, tâm tưởng của họ chỉ hướng đến cái tương lai họ sẽ đến đó và họ không sống với hiện tại này và nhiều khi họ coi rẻ hiện tại này. Cái hiện tại này đáng nhàm đáng chán và họ chỉ muốn thời gian cho mau và họ lên đường. Nhưng khi lên đường, nói như Trịnh Công Sơn, “ khi có mặt nơi này thì nghĩ đến nơi kia, có mặt nơi kia thì nghĩ đến nơi này”.
Ái dục là một bi kịch đồng thời cũng là một hài kịch. Nó khiến chúng ta khát vọng ao ước rất nhiều nhưng lại đánh mất rất nhiều. Chẳng những đánh mất rất nhiều mà chúng ta không thấy được thực tại và dường như có cái gì sâu kín trong lòng mình thôi thúc rằng mình muốn một cái gì đó nhưng không thực sự biết mình muốn cái gì. Nhưng ý muốn đó cũng đủ để cho chúng ta tạo ra một sản phẩm mới của đời sống, đủ tạo ra một giai đoạn mới của đời sống, đủ tạo ra một cục diện mới của đời sống. Và khi những thứ đó xảy ra trong đời sống, chúng ta mới ngỡ ngàng thấy rằng những thứ đó thực sự không đem lại cho chúng ta sự mãn nguyện hoàn toàn.
Chúng ta trở lại điều Ni Sư LIễu Pháp định nghĩa khổ đế là những gì không vừa lòng, không toại nguyện. Nếu đã là không vừa lòng, không toại nguyện, cho dù chúng ta sống ở Việt Nam hay Hoa Kỳ, hay sống trên phần đất nào trên thế giới chúng ta cũng phải hiểu rằng không có phần đất nào làm cho chúng ta thoả mãn hoàn toàn. Chúng ta thường mơ ước có một thứ gì đó nhưng chúng ta cũng nên hiểu rằng, “Không có một thứ gì kể cả có viên ngọc Như ý cầm trong tay mà làm cho chúng ta thoả mãn hoàn toàn trên cuộc đời này”. Chúng ta mong muốn sống ở địa vị nào đó, sống với một người nào đó. Nhưng những người có mặt tại đó, những chúng sanh đã trải qua điều đó dù họ là một công chúa dù họ là một minh-tinh dù họ là bất cứ ai, một bản chất giống nhau là chúng ta không bao giờ thoả mãn ,cho dù chúng ta đứng đâu ở cương vị nào thủ đắc cái gì sở hữu như thế nào.
Cái bi hài kịch của ái dục luôn luôn đẩy chúng ta đi tới và do vậy khi chúng ta nhìn tác hưởng của ái.
Ái duyên cho hữu chúng ta thấy rõ ràng một tác động tâm lý.
Ái duyên thủ duyên hữu đó là từ ái dục tạo nên sự thể hiện tạo nên sự hành động.
Ái thủ hữu duyên cho sanh chúng ta thấy rằng tạo ra sanh y, tạo ra một đời sống khác, tạo ra đời sống khác, tạo ra một sự tiếp nối của tiến trình luân hồi.
Đức Phật một nhận thức đầu tiên chúng ta gọi là sự cảm khái khi Ngài thành đạo dưới cội bồ đề, Ngài nói lên rằng:
“Này anh thợ xây nhà kia ta đã nhận ra ngươi rồi, chính ngươi là ái dục. Bây giờ rui mè kèo cột, những thứ xây dựng cho kiếp trấm luân cho nỗi khổ đau này. Ta đã phá tan tất cả.”
Đức Phật đã nhận diện ái dục là nguyên nhân của đau khổ ngay trong giờ phút đầu tiên sau đêm thành đạo khi sao mai vừa mọc.
Chúng tôi xin dứt lời tại đây.
Namo Buddhaya
Chánh Hạnh chuyển
biên
Download cau hoi 29
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|