0
Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 208: TT Giác Đẳng hỏi: Xin Sư Uyên Minh hoan hỷ chia sẻ ý kiến của Sư về trường hợp một sự nhất quán giữa lòng đại bi và đại trí, một cái nhìn lấy chúng sanh làm đối tượng, một cái nhìn của đại trí là nhìn vạn pháp như huyễn, hai cái nhìn đó làm sao có thể hợp nhất ở trong một tâm hồn của bậc thánh giải thoát được, khi mà các Ngài sống với cả hai quan niệm hầu như hoàn toàn trái ngược với nhau như vậy.

.  (giảng trong rơom Diệu Pháp) 

ÐÐ Uyên Minh giảng: Theo chỗ suy tư riêng của con thì có lẽ một trong những nét đặc biệt nhất, chữ đặc biệt vẫn chưa đủ mà phải sài chữ độc đáo thì đúng hơn của Ðạo Phật là chỗ gặp nhau ở chỗ bi và trí.

Vì thời gian có hạn con chỉ xin trình bày ngắn gọn thôi. Ở trong cái nhìn của Ðạo Phật nói chung và suy tư của bậc thánh nói riêng, theo trong kinh điển thì rõ ràng vạn pháp vốn chỉ tồn tại trong từng sát na một, qua hình thức tiếp nối với nhau bằng sự tác động của vô số nhân duyên, và mỗi thứ như : vạn pháp hữu vi như huyễn, như mộng, như bào ảnh. Thì cái nhìn trí tuệ này hoàn toàn không có cái gì là mâu thuẫn, đối lập lại với cái nhìn hiếu sinh, hay đức từ bi của người tu hành cả.

Bởi vì chúng ta suy cho cùng chính vì thấy rõ được cái thọ mạng của muôn loài vốn mong manh, càng thấy nó mong manh thì mình càng có cơ hội đễ phát khởi cái bi tâm hơn. Bởi vì chúng ta cũng thấy rằng đối với một người có nếp sống bình tỉnh chúng ta sẽ thấy rằng, chúng ta càng phải thương yêu nhau nhiều hơn khi mà cơ hội tương phùng tái ngộ giữa người và người, giữa chúng sanh và chúng sanh rất là hiếm hoi.

Chúng ta còn nhớ một nhà thơ Thanh Tâm Tuyền có một câu nghe rất là thế tục, nhưng nó rất Phật Giáo đó là “Ôm em trong tay hôm nay mà nhớ em ngày sau”. Có nghĩa là chúng ta có nhau bây giờ đó, nhưng mai mốt đây, một phút sắp tới nữa đây chúng ta không còn nhau nữa.

Như vậy thì càng hiểu được vạn pháp là mong manh, chúng ta phải trân quí sự tồn tại, sự tương phùng, sự tao ngộ, sự gần gủi, sự thân thiết với nhau hơn, cho dù đó là con ong cái kiến, một cành hoa, một cọng cỏ đi nữa thì mỗi thứ nó tồn tại ở trên đời này nó chỉ là một nhân duyên, hoặc do một số nhân duyên tác động nào đó, rồi từ đó chúng ta chia tay nhau mà đi, và chúng ta cũng nhớ rằng tất cả giây phút trong cuộc đời này, đều là những giây phút sau cùng cả, cho dù hiện giờ Uyên Minh đang nói chuyện và tất cả đại chúng đương nghe, thì đây rõ ràng là những câu nói sau cùng của Uyên Minh và những gì quí vị đương nghe Uyên Minh là những lần lắng nghe sau cùng.

Tại sao nói như vậy, tại vi` hiện giờ tính theo giờ Florida Uyên Minh đang nói theo giờ Florida, bây giờ là 9:30 buổi sáng, mai này quí vị có nghe tiếng nói của Uyên Minh vào 9:30 sáng. 9:30 sáng đó là 9:30 sáng của ngày khác, một đêm khác, của một năm khác, của một tháng khác, của một kiếp sống khác, do đó chỉ có một lần chúng ta gặp ngay trong đời mà thôi.

Trong một bài thơ đạo Uyên Minh có viết một câu: "Nghe sanh tử đi qua từng hơi thở, một lần đi sẽ mãi mãi không về". Nếu đối với hành giả tu theo tứ niệm xứ thì chúng ta thấm thía hơn bao giờ hết tâm niệm này, bất cứ hơi thở nào, dầu dài, ngắn, vào ra, thở bằng thiện tâm hay bằng ác ý, thì hơi thở đó chỉ một lần đi đến với chúng ta rồi nó qua mất không bao giờ trở lại nữa, cơ hội tương phùng trong đời này không còn nữa.

Trong tự điển của Phật Giáo Nam Tông, trong tinh thần A Ty` Ðàm, không bao giờ có chữ tái ngộ. Mà nếu thấy rằng không bao giờ có tái ngộ, không bao giờ có sự tương phùng, thì làm sao chúng ta lại không thương yêu nhau nhiều hơn. Mà yêu thương đó là cách gọi rất thế tục, còn cách gọi của Phật học đó là lòng từ bi, đó là đức hiếu sinh. Cho nên càng hiểu cuộc đời là huyễn hóa, càng hiểu cuộc đời là khói sương, thì chúng ta càng phải nuôi dưỡng, càng phải hàm dưỡng lòng hiếu sinh nhiều hơn nữa.

Vì xưa nay chúng ta thường quen không nghĩ nhiều về người khác, bởi vì chúng ta nghĩ về mình quá nhiều, chúng ta còn có một hoài vọng rất trẻ con, rất thơ ngây,về những cuộc tương phùng, những cuộc tái ngộ, nếu chúng ta biết rằng những chuyện tương phùng hay tái ngộ đó không có, thì chúng ta phải thương nhau nhiều hơn.

Cho nên cái nhìn bi và cái nhìn bằng trí của Đạo Phật là hai cái nhìn bổ sung cho nhau một cách rất mật thiết, rất cần thiết cho nên, theo chỗ con nghĩ, là chúng ta càng thấy được sự mong manh của kiếp người thì chúng ta càng có dịp thương nhau.

Thậm trí như Hoà Thượng Nhất Hạnh đã từng gợi ý rằng, chuyện bảo vệ môi trường, bảo vệ môi sinh, bảo vệ từng ngọn cây lá cỏ trên trái đất này, ngoài chuyện lợi ích cho bản thân mình, nó còn là một đóng góp, một cách thể hiện tánh tình của mình đối với chúng sinh, đối với muôn loài và cũng là một cách thể hiện cho cái nhìn đầy trí tuệ của Đạo Phật. Đó là chỗ nghĩ thiện cận của con, phần mà con có thể góp lời trong câu thảo luận này.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Minh Hạnh chuyển biên