Câu Hỏi 200: Là Phật tử đã quy y Tam Bảo rồi có nên thờ thần thổ địa, thần tài, ông táo không?
.
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp, ngày 08 tháng 01 năm 2003, Chánh Hạnh chuyển biên )
TT. Trí Siêu trả lời :
Thật ra đây không phải là câu hỏi mà chỉ là một lời tâm sự và cần có một lời khuyên. Chúng tôi xin được có vài lời để gợi ý cho quý Phật tử. Chúng ta có hai trường hợp để giải quyết nhưng không dẫn đến sự mích lòng, tạo sự căng thẳng trong bầu không khí gia đình về trường hợp chúng ta lễ lạy hay không lễ lạy các bàn thờ thổ địa thần tài ông táo v.v…
Trường hợp thư nhất nếu như người Phật tử là thành viên trong gia đình có đủ trí tuệ và có đủ lời ăn tiếng nói và quan trọng hơn là có đủ sức thuyết phục mọi người trong gia đình thì chúng ta ôn tồn giải thích cho moi người trong gia đình. Đôi khi chúng ta không phải thuyết phục mọi người bỏ tín ngưỡng của họ. Nếu như chúng ta thuyết phục họ bỏ sự tin tưởng vào sự thờ cúng lễ lạy một cách viễn vông như vậy là tốt, nếu không chúng ta phải thuyết phục cho họ hiểu vì sao mình không lễ lạy thổ địa hay thần tài. Chẳng hạn chúng ta cho biết rằng bởi vì mình là đệ tử của Đức Phật, tôn kính Đức Phật là vị cao quý hơn cả, không có chúng sanh nào dầu Chư thiên hay Phạm thiên có thể so sánh vời Đức Phật. Do đó không thể lạy Phật xong rồi lạy thổ địa. Chúng ta sẽ thuyết phục cho họ hiểu nguyên nhân mình không lễ lạy hoặc là chúng ta thuyết phục để cho người trong gia đình hiểu biết chánh pháp và quay trở về với sự tu tập mà không vọng tưởng không mong cầu ở một tha lực ma quỷ v.v…
Đó là phương án thứ nhất để chúng ta giải tỏa không khí nặng nề trong gia đình mà chúng ta không thể ngang nhiên phủ nhận hay chúng ta đả kích về việc đó khiến những người trong gia đình cảm thấy khó chịu.
Phương án thư hai chúng tôi cũng xin trình bày với quý vị nếu như ở trong gia đình chúng ta là người thấp cổ bé miệng, chúng ta không đủ lời ăn tiếng nói, không đủ uy đức để thuyết phục người khác hoặc không đủ làm cho người khác có sự kiêng nể và tin gnhe theo thì trong trường hợp này để giữ cho không khí gia đình được tốt đẹp và mình cũng không cảm thấy khó chịu ray rức khi chúng ta phải làm trái với vai trò, với tinh thần của người Phật tử. Chúng ta về hình thức vẫn làm nhưng về thâm tâm chúng ta không làm. Có nghĩa là khi trong nhà có thờ phượng thần tài thổ địa như vậy, khi thắp hương lễ Phật với lòng thành kính chúng ta có chánh niệm có suy tư về ân đức Phật rồi chúng ta lễ bái. Nhưng đối với những bàn thờ khác nếu như ông bà cha mẹ bắt buộc chúng ta phải lạy khi thắp hương. Tuy nhiên thường thường không ai bắt chúng ta quỳ xuống lạy bàn thờ ông địa, thần tài chỉ xá xá thôi. Do vậy chúng ta có thể đốt dư một hay hai nén hương, sau khi chúng ta cúng lạy bàn thờ Phật xong rồi chúng ta cắm vào lư hương của những bàn thờ đó, đứng xa ra với tư tưởng nhìn về Đức Phật chúng ta xá lễ. Đây là trường hợp ta giải quyết cho êm chuyện khi ta không có khả năng thuyết phục.
Nhiều khi chúng ta phải dụng tâm để chúng ta làm công việc chẳng đặng đừng. Ta dụng tâm là như thế nào? Tức là chúng ta có sự tác ý khéo. Thí dụ như khi chúng ta đi đến những ngôi tháp thờ xá lợi Đức Phật hay bảo tháp thờ Đất động tâm chúng ta lạy không sao cả, một cách hợp lý. Nhưng nếu như tháp người ta dựng lập thờ xương cốt của kẻ phàm phu, nếu chúng ta chỉ nhìn không có sự kính nể thì mọi người sẽ cho rằng mình vô thần.hay không có lịch sự v.v…Trong trường hợp đó ví dụ như họ thờ xương cốt của người chết. Bằng cách nào chúng ta vẫn có hình thức lịch sự trang nghiêm mà chúng ta vẫn không phạm vào tinh thần quy y của chúng ta. Chúng ta hãy niệm tưởng một câu Phật ngôn như Anitya sankhra các pháp hữu vi là vô thường nó có tánh cách sanh diệt. Khi chúng ta suy tưởng về câu Phật ngôn đó rồi chúng ta đảnh lễ Phật ngôn là lời dạy của Đức Phật. Nhìn vào người ta tưởng mình đảnh lễ bảo tháp do vậy người trụ trì hay người có trách nhiệm nơi ấy không phàn nàn chúng ta được. Như vị Tỷ kheo thời Đức Phật đang đi trên đường chợt thấy đống rác bên vệ đường có một tấm vải bẩn thỉu. Vị ấy bất chợt suy nghĩ đến công hạnh của Bậc Đạo sư, đã từ bỏ lầu son gát tía để tầm cầu chơn lý và chính Ngài đã mặc phấn tảo y tức là lượm vải dơ trên đống rác đem về may y để mặc. Khi suy tưởng đến việc đó,vị tỷ kheo phát khởi niềm tin mãnh liệt với Đức Phật, ngay khi đó vị tỷ kheo quỳ xuống đảnh lễ Đức Thế Tôn. Những vị Tỷ kheo khác thấy như vậy mới hòi tai sao Hiền giả đảnh lễ đống rác, vị Tỷ kheo trả lời, “ Tôi không phải đảnh lễ đống rác mà tôi đảnh lễ hạnh đức Bậc Đạo sư, Ngài đã thực hành, Ngài đã có hạnh cao đẹp mặc phấn tảo y.” Khi tán dương công hạnh đức Phật như vậy, vị tỷ kheo này ngay khi đó đã phát triển tuệ minh sát và đắc A-La-Hán quả. Có nhiều trường hợp tương tợ như vậy, ở đây chúng tôi nghĩ rằng sống trong gia đình chúng ta gặp trường hợp cha mẹ hay ông bà nghiêm khắc khó khăn, chúng ta không thể nào thuyết phục được theo phương án thứ nhất thì ở phương án thứ hai nếu chúng ta dụng tâm có sự khéo tác ý, như vậy chúng ta không làm trái với tinh thần quy y của người Phật tử. Đấy là một vài điều chúng tôi xin chia sẻ trong tình huống trên để Phật tử chúng ta có thể áp dụng mà tâm không bị ray rứt.
Chúng tôi xin dứt lời ở đây.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Chánh Hạnh chuyển biên
|