Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 194: Tứ Diệu Đế gồm; khổ đế, tập đế, diệt đế, và đạo đế là chân lý mà Đức Phật đã đề ra . Một người tu thiền quán hay thiền chỉ thì thường thường người thiền sư dạy là khi tu thiền phải thấy được ba đặc tính; vô thường, khổ não, và vô ngã. Ba đặt tính đó có phải là chân đế không? Có phải người nào tu thiền nhất là thiền chỉ thiền quán nếu thấy được ba đặt tính đó thì mình sẽ đến giai đoạn giác ngộ?

. (Giảng trong đêm tu học thọ hạnh đầu đà lễ Thượng Nguyên tại chùa Pháp Luân ngày 7 tháng 2 năm 2009 )

TT Giác Đẳng: Lẽ ra là một câu hỏi ngắn vì thời gian có hạn, nên chúng tôi xin lượt thuật câu trả lời. Đúng ra thì ở trong thuật ngữ chuyên môn của Phật học ba pháp vô thường, khổ não, vô ngã không phải là pháp ấn mà chúng ta gọi là ti-lakkhanas là tam tướng, có nhiều vị dịch là tam tướng phổ thông, nhưng chữ tam tướng phổ thông về sau này thì đúng là chữ ti-lakkhanas - tam tướng. Tướng có nghĩa là hiện tượng, là cái mà mình có thể nhìn thấy ở bên ngoài, như người ta nói "xem mặt mà bắt hình dong." Thì có ba tướng ở trong cuộc đời này mình có thể nắm bắt được sự thật. Ở trong sớ giải nói như vầy, ví dụ như đôi khi mình muốn nắm một tấm vải, như chúng tôi đang nắm đây, không nhất thiết là mình phải gom tất cả tấm vải vào trong lòng bàn tay của mình mình mới nắm được tấm vải, mà mình nắm ở một góc của nó mình kéo cũng được. Thì có nhiều sự việc mình có thể hiểu được qua dạng ở bên ngoài của nó, dạng ở bên ngoài chúng ta hiểu là lakkhanas, gọi là tam tướng ti-lakkhanas.

Ví dụ như nói là tướng của sự vô thường thì nói đến hai đặc tính là sanh và diệt, ở trong kinh thường dùng chữ là hình thành và tập khởi. Nếu chúng ta thấy nó hiện rồi biến mất thì ở trong đó chúng ta hiểu rằng có hiện tượng vô thường. Lấy ví dụ là hơi thở ra hơi thở vào, sự bắt đầu và sự chấm dứt của hơi thở vô, sự bắt đầu và chấm dứt của hơi thở ra, đó là tướng của sanh diệt. Hay là có một lúc nào chúng ta có chuyện gì lo, nghĩa là lo dữ lắm, lo ra, lo một cách thấm thía, qúi vị khoan dẫn đến chuyện gì, qúi vị để ý coi cái lo đó nó xuất hiện lúc nào và nó sẽ tồn tại bao lâu, thì qúi vị sẽ thấy rằng nó sanh rồi nó diệt, và rất nhiều thứ khác nó cứ theo cái tướng sanh và diệt. Sanh và diệt như vậy là tướng của sự vô thường.

Tướng thứ hai trong kinh thường dịch là dukkha mà chúng ta dịch không đúng nhưng không có chữ nào khác tốt hơn nên chúng ta phải dịch là khổ não, nhưng thật ra chữ dukkha nghĩa là bất toại nguyện gọi là không có thoải mãn. Chúng tôi lấy ví dụ là đây là cái máy laptop, khi người ta ra một cái máy laptop thì người ta giới thiệu rằng đây là cái máy tuyệt nhất tốt nhất, hoặc chiếc xe BMW họ giới thiệu đây là chiếc xe gọi là tối hậu không còn cái nào hơn nữa được, nhưng khi nói tốt nhất mà mình đem về thì thưa qúi vị chúng ta gặp phải một sự kiện ở trong đời sống đó là tính tương đối, tính tương đối là giá trị của một vật nó không phải chỉ nằm ở vật này mà còn nằm ở trong lòng của mình nữa. Qúi vị thử trắc nghiệm tướng của dukkha lakkhanas tức là tướng của khổ, là qúi vị tìm một bản nhạc rất hay, hay là một món ăn rất ngon, bữa nay qúi vị ăn món ngon đó, mai qúi vị ăn món ngon đó, mốt qúi vị ăn món ngon đó, thì qúi vị thấy rằng thật ra ăn đến ngày thứ ba thì bắt đầu món đó không còn ngon nữa, không phải tại vì bây giờ món đó dở đi mà tại vì mình không có khả năng ăn nhiều như vậy mà thấy nó ngon hoài được. Mình nghe một bản nhạc, nghe đi nghe lại cả chục lần, mình cho là bản nhạc hay nhưng nghe đến lúc nào đó tự nhiên mình nhả nó ra. Tại vì sao vậy? Tại vì cái tự nhiên của đời sống là nó không có một cái gì mà hoàn toàn thoả mãn, hoàn toàn toại nguyện hết, đó là tướng mà đạo Phật gọi là dukkha lakkhanas tức là tướng của khổ. Tướng của khổ giống như một người bị khát nước mà uống nước mặn, uống hoài không đã khát, mặc dầu muốn uống mà uống thì không đã khát, hay trong kinh có dùng thí dụ là người bị ghẻ ngứa, ghẻ ngứa thì phải gãi, nghĩa là gãi cho đã ngứa, nhưng thật sự nó không đã ngứa mà càng gãi thì càng ngứa, thì cái đó gọi là dukkha.

Pháp thứ ba gọi là tướng của sự vô ngã là có quá nhiều yếu tố cùng chi phối do đó không có yếu tố nào làm chủ hoàn toàn. Có người nói thế nào là một bữa ngon, một bữa ăn ngon đó là thức ăn ngon, chỗ ngồi như thế nào, rồi người cùng ăn với mình, rồi hoàn cảnh, đủ thứ để tạo nên một bữa ăn ngon. Khi nghe nói điều đó thì mình thấy đúng là vô ngã. Có khi thức ăn bày ra rất ngon như ông vua chẳng hạn nhưng ngồi ăn một mình thật sự không thấy ngon, hay là có nhiều khi thức ăn rất dở nhưng gặp một người ăn cơm vui vẻ với mình thì cũng ăn ngon. Thì như vậy cái gọi là ngon đều mang tánh tương đối mà đạo Phật gọi là tính đối đãi, là tùy theo trường hợp, tùy theo lúc, tùy theo người. Và sự tương đối đó không dẫn đến chỗ tuyệt đối là có một yếu tố nào quyết định.

Như vậy ba tướng mà anh Châu vừa hỏi đó là; vô thường, khổ, và vô ngã thì sự biểu hiện của nó là gì? Cái gì có sanh có diệt đó là tướng của vô thường, mình thấy được nó xuất hiện nó biến mất đó là tướng của vô thường. Cái gì mình không thoải mãn hoàn toàn được đó là tướng của sự khổ não. Và cái gì nó cũng có giá trị tương đối mà nó không thể có giá trị tuyệt đối được cái đó là tướng của sự vô ngã.

Thì ba trạng thái đó nói lên tánh chất giả hợp, nói lên tánh cách phù du của cuộc sống và do ba tướng đó khi chúng ta nắm được thì chúng ta hiểu là mình có thể nhận diện cái gì đó như một người chuẩn mạch chẳng hạn, chuẩn mạch là nghe cái mạch trầm mạch phù có thể biết được căn bệnh. Thì bắt mạch giống như mình nhận ra tướng của vô thường, khổ, não vô ngã vậy.

Thì chúng tôi xin được trả lời câu vừa rồi và cũng phải nói rằng Tứ Đế mà chúng ta đề cập đến khổ, tập, diệt, đạo, đó là những sự thật mang tánh cách trình bày toàn diện của ba tướng mà chúng ta gọi là vô thường, khổ não, vô ngã, tức là cái hiện tượng mà chúng ta có thể nắm bắt có thể dùng nó để làm cơ sở để nhận ra đây là vô thường, đây là bản chất của đời sống là bất toại nguyện, đây là bản chất tương đối không có tuyệt đối của đời sống ./.

Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 194


Phap Am Lưu Trữ