|
Câu Hỏi 192: Ý nghĩa kinh hành trong kinh Phật và ý nghĩa chữ Namo Buddhaya
. (Giảng trong đêm tu học thọ hạnh đầu đà lễ Thượng Nguyên tại chùa Pháp Luân ngày 7 tháng 2 năm 2009 )
:TT Giác Đẳng: Bây giờ chúng tôi muốn mời tất cả qúi Phật tử làm một việc với tánh cách an tâm tịnh trí là chúng ta sẽ đi kinh hành nhưng trước khi đi kinh hành chúng tôi giải thích ba ý nghĩa của sự đi kinh hành trong kinh Phật.
Ý nghĩa đầu tiên. Tất cả chúng ta sống trong cuộc đời thường nghĩ rằng mình là trung tâm của vũ trụ và thế giới này phải xoay chung quanh mình, giống như mình là một định tinh là mặt trời tất cả những hành tinh phải đi chung quanh mình, điều đó khổ lắm, tại vì ai làm gì, ai nói việc gì, cũng phải nghĩ đến mình, phải đề cao mình, phải tâng bốc mình, phải làm cho mình được thoải mãn tự ái thì mới hạnh phúc, tại vì mình là trung tâm của vũ trụ. Thì người Ấn Độ có một văn hoá rất đặc biệt là khi mình kính trọng người nào thật sự kính trọng thì mình không còn là trung tâm vũ trụ nữa mà mình đặt để người đó là trung tâm vũ trụ, tức là thay vì mình nghĩ người đó phải đi chung quanh mình thì bây giờ mình đi chung quanh người đó, và không phải chỉ là người Ấn Độ mà Chư Thiên cũng vậy. Chư Thiên khi đến lạy Đức Phật thì cũng đi ba vòng chung quanh Đức Phật, ba vòng chung quanh Đức Phật là hình ảnh rất đẹp, sự quan trọng không phải là ở mình mà sự quan trọng ở Đức Phật. Qúi vị thấy rằng qúi vị là cha mẹ, qúi vị cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, và khi qúi vị là con thì qúi vị cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, là vợ cũng muốn là trung tâm của vũ trụ, chồng cũng muốn là trung tâm của vũ trụ. Bây giờ đối với Đức Phật thì có một lần nào đó trong cuộc đời của chúng ta, chúng ta tưởng nghĩ về Đức Phật là Ngài mới chính là quan trọng hơn chúng ta, do vậy chúng ta đi chung quanh Ngài.
Ý nghĩa thứ hai. Chúng ta đi nhiễu Phật là nhắc lại hình ảnh rất đẹp và rất khả kính của Tôn Giả Ananda, Tôn Giả Ananda là một thị giả trong 25 năm cuối đời của Đức Phật, không có một buổi tối nào mà Tôn Giả Ananda không làm một việc đó là một tay cầm đuốc và một tay cầm cây gậy đi chung quanh am thất của Đức Phật ba vòng, đi xem có cái gì cần phải làm mà chưa làm và đi xem cũng để nói lên sự quan tâm của mình đối với Đức Phật. Ở trong sớ giải có ghi một hình ảnh rất đẹp là năm Tôn Giả Ananda 80 tuổi và lúc đó Đức Từ Phụ của chúng ta vừa viên tịch ở tại Kusinagar sau khi hoả táng xong, sau khi xá lợi của Ngài đã được chia cho các quốc gia thì Tôn Giả Ananda một mình lên đường trở về thành xá vệ và khi Ngài về thành Xá Vệ thì Ngài đến đảnh lễ hương thất nơi Đức Phật đã từng cư ngụ rất nhiều năm trong cuộc đời của Ngài, mặc dầu bây giờ Đức Phật Ngài đã viên tịch nhưng Tôn Giả Ananda cũng làm một việc giống như ngày xưa khi Đức Phật còn tại tiền, Tôn Giả thay nước rửa sạch lu và đổ nước đầy lu, cái giếng Tôn Giả lấy nước ngày hôm nay vẫn còn, tôn giả quét dọn ở trong ở ngoài và buổi tối Tôn Giả đi ba vòng cốc của Đức Thế Tôn, sau đó Ngài đi nghỉ. Ngài ở đó hai ba ngày rồi Ngài mới lên đường đi về Vương Xá để dự pháp hội kết tập Tam Tạng. Ngày hôm nay chúng ta có dịp nào đó để đi chung quanh Đức Phật để chúng ta cảm nhận rằng Đức Phật đã cho chúng ta thật nhiều và cho dù chúng ta là người sanh sau đẻ muộn không cùng thời với Đức Phật nhưng cũng có nghĩa cử để cảm niệm Đức Phật.
Ý nghĩa thứ ba. Ý nghĩa này cũng thuộc về kinh hành nhưng lại liên quan đến sự thực tập thiền định, theo những vị thiền sư và tất cả những người tu tập thiền định không phải là chỉ tu tập ở trong thế tĩnh tức là ngồi mà còn tu tập ở trong thế động nữa tức là đi kinh hành. Do vậy chúng ta sẽ đi kinh hành theo chiều kim đồng hồ ở đây, bắt đầu từ điểm này chúng ta cùng đi và chúng ta đi hết vòng này, đi sau lưng Đức Phật và đi trở lại, đi ba vòng.
Và ngày hôm nay khi chúng ta đi kinh hành để cảm niệm Đức Phật thì chúng ta chỉ niệm một câu niệm Phật, câu niệm Phật này là một câu ở trong chữ Hán cũng có và tương đương với câu Pali mà chúng tôi muốn qúi vị cùng đọc.
Thường thường trong chữ Hán có Namo Phật Đà Gia, Namo Đạt Nạ Gia, Namo Tăng Già Gia. Namo Phật Đà Gia là con xin đảnh lễ Phật, hôm nay chúng ta chỉ đọc một câu là Namo Buddhaya tức là Namo Phật Đà Gia.
Chữ Namo. Na tức là nước, Mo là đất, khi đất và nước hoà nguyện với nhau là điều kiện cho những chủng tử lành tăng trưởng. Nói theo kinh điển của Bắc Truyền là "Năng lễ sở lễ tánh không tận" tức là cảm ứng giữa năng lễ và sở lễ gặp nhau thì tạo rất nhiều cái đẹp. Năng lễ sở lễ là ý nghĩa của chữ namo.
Buddha là Đức Phật, Buddhaya là hướng về Đức Phật trong chỉ định cách. Do đó chúng ta niệm Namo Phật Đà Gia bằng tiếng Phạn là Namo Buddhaya.
Giải thích chữ Namo. Ở trong cách dịch, tất cả những khuôn mặt lớn trong giới dịch thuật Trung Hoa kể cả Ngài Cưu Ma La Thập không phải là người Trung Hoa, Ngài An Thế Cao, Ngài Huyền Trang đều gặp phải một vấn đề giống nhau là có nhiều chữ không dịch được hết mà các Ngài chỉ âm thôi thí dụ như chữ Namo thì thường thường tạm dịch là đảnh lễ, là nhất tâm đảnh lễ, nhưng dịch như vậy không gói ghém được hết nghĩa do đó các Ngài thay vì chữ Namo các Ngài dịch là đảnh lễ thì các Ngài để là Namo.
Chữ Namo có hai phần, chữ "Na" chỉ cho nguyên ngữ "Nước," chữ "Mo" chỉ cho đất. Đất và nước mà hoà nguyện với nhau là nền tảng cho những chủng tử lành được sanh sôi nảy nở.
Hồi nãy chúng tôi có nói rằng ở trong kinh điển chữ Hán có câu mà nhiều vị Phật tử thường tụng là "Năng lễ sở lễ tánh không tận." Thì năng lễ là tấm lòng của mình sở lễ là Đức Phật, năng lễ sở lễ là tâm của mình và Đức Phật giống như đất với nước hoà với nhau, ở đó cây công đức được đâm chồi nảy lộc, thành ra chúng ta có chữ Namo và chữ đó các vị không dịch các vị để âm thôi, ở trong tiếng Phạn là Namo.
Thật ra trước khi Đạo Phật dùng chữ này thì người Ấn Độ họ có một chữ khác mà họ hay sài mà chúng ta thường không dùng đó là chữ Om giống như chữ Om Ma Ni Bát Ni Hum, và ở trong chữ Hán là Án Ma Ni Bát Di Hồng. Chữ Om có nghĩa là hợp nhất hay là nhất thể, hợp nhất có nghĩa là cũng nói "năng lễ và sở lễ " đó là tâm của mình và Thượng Đế là hợp nhất với nhau, chúng ta có chữ hiệp thông hay chữ hiệp nhất thì chữ đó là chữ Om, nhưng Đạo Phật không sài chữ Om mà Đạo Phật sài chữ Namo.
Namo chỉ cho một sự kết hợp giữa năng lễ và sở lễ.
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 192
Phap Am Lưu Trữ
|