|
Câu Hỏi 190: Làm thế nào để chia sẻ Phật Pháp cho một người mới bắt đầu tìm hiểu về đạo Phật?
. (Kinh Pháp Cú
kệ ngôn 96 giảng ngày 12 tháng 6 năm 2003 )
: TT Trí Siêu: Câu hỏi này không liên hệ đến việc tìm hiểu các pháp môn tu tập, nhưng đây cũng là một ý nghĩa học Phật pháp là bởi vì hướng dẫn cho người khác tìm hiểu về giáo lý để tu tập theo Phật pháp thì đây không phải riêng về trách nhiệm của chư tăng, trách nhiệm này có đôi lúc người cư sĩ phải có trách nhiệm đó. Những người sơ cơ khi họ mới bước chân vào để tìm hiểu Phật giáo thì đôi khi họ không tiện trực tiếp gặp mặt chư tăng, thì lúc đó họ sẽ thân cận với các thiện nam các tín nữ trong Phật giáo tức là những người cư sĩ đồng đẳng với họ. Do vậy làm thế nào người Phật tử chúng ta có thể chia sẻ sự hiểu biết về giáo lý với một người sơ cơ, vấn đề này rất đa dạng, chúng ta tùy theo trường hợp để có thể nhiếp phục được người đó. Chúng ta cần phải lưu ý rằng khi hướng dẫn người khác về mặc giáo lý thì ít ra chúng ta phải tạo cho họ có cái nhìn thiện cảm về mình trước, bởi vì lúc bấy giờ họ đến với mình thì tự nhiên mình sẽ là một tiêu biểu Phật pháp cho họ. Do vậy chúng ta cần phải có những đức tánh và những đức tánh đó được gọi là Saṅgahavatthu bốn nhiếp pháp, trước tiên khi chúng ta có được những đức tánh này thì chắc chắn người đối thoại với chúng ta hay người thân cận với chúng ta họ sẽ bắt đầu có thiện cảm do đó chúng ta sẽ dễ dàng nhắc nhở họ.
Bốn nhiếp pháp là xả tài, ái ngữ, lợi hành, và bình đẳng.
Xả tài hay gọi là Dāna, đó là một đức tánh rộng rãi biết chia sớt của mình cho người khác, khi chúng ta sống với hai bàn tay rộng mở sẵn sàng để chia sẻ cho người khác những gì mình có được, với đức tánh xả tài đó sẽ khiến cho người khác có được tâm cảm phục, vì khi họ thấy rằng mình sống với sự vị tha và phóng khoáng thì tự nhiên họ đặt chúng ta vào một đối tượng niềm tin, và họ nghĩ rằng một người như vậy thì chắc chắn ở bên trong chứa đựng một tinh thần cao cả, do vậy họ sẵn sàng nghe những gì chúng ta nói. Đây là đức tánh nhiếp phục nhân tâm, đức tánh thứ nhất một người hành đạo chúng ta phải có.
Thứ hai là ái ngữ Piyavācā hay peyyavajja , là lời nói dịu ngọt, một lời nói thông cảm đến tâm, một lời nói khiến người khác nghe cảm thấy mát lòng mát dạ, lời nói đó cũng hết sức quan trọng để giúp chúng ta có thể nhiếp phục nhân tâm. Tuy nhiên ở điểm này chúng tôi cũng xin gợi ý vì rằng nhiếp pháp là một thiện pháp, nên lời nói ái ngữ chúng ta phải được xuất phát từ trạng thái tâm hiền lành một từ tâm gọi là mettàyati. Khi chúng ta nói lời dịu ngọt với người khác xuất phát từ một trạng thái tâm mát mẻ hoà bình và một trạng thái tâm thật sự tốt đẹp thì cảm hoá người khác thì lời nói dịu ngọt đó mới có tác dụng. Nếu như lời nói dịu ngọt chỉ là lời nói sáo ngữ môi miếng ở đầu môi chót lưỡi nhưng tự đáy lòng lại có một sự hiềm khích, có một sự phân biệt chia rẽ hay có một ác ý thì lời nói có tánh cách sáo ngữ hay ngọt dịu bằng cách môi miếng như vậy sẽ không có tác dụng trong việc nhiếp phục nhân tâm. Bởi vậy đây là ý nghĩa thứ hai mà chúng ta phải biết là lời nói dịu ngọt thật sự, thì lời nói đó sẽ có tác dụng nhiếp phục nhân tâm, và khi chúng ta nói chuyện với người khác mà người khác đã có thiện cảm qua lời nói của mình thì chúng ta có thể dẫn họ vào trong giáo lý.
Thứ ba là lợi hành Atthacariyā khi chúng ta có đức tính lợi hành có nghĩa là có tấm lòng vị tha, chúng ta luôn luôn chỉ nghĩ tới điều lợi ích cho người khác thì người ta sẽ thấy ở mình có cái gì đó đẹp, một cái gì đó rất đáng thân cận, thì lúc bấy giờ chúng ta đã thành công, chúng ta có thể nhiếp phục họ được, có thể nói cho họ nghe đuợc. Trong ý nghĩa lợi hành thì người Phật tử chúng ta phải biết rằng tùy theo cách mà lợi hành, có đôi khi chúng ta dùng những cử chỉ những hành động để giúp đỡ cho người khác đem lại lợi ích cho người khác, ngay cả lợi hành về vật chất hay lợi hành về công sức hoặc lợi hành về tinh thần, tất cả đều cần thiết đối với chúng ta, và tùy theo trường hợp mà áp dụng để làm lợi hành cho người khác. Tuy nhiên chúng ta phải nhớ một điểm duy nhất là bỏ tâm mình sống vì người khác, hễ bỏ tâm mình sống vì tâm người thì có nghĩa là chúng ta lợi hành, và khi phục vụ cho chúng sanh làm lợi ích cho chúng sanh thì tất nhiên chúng sanh sẽ có thiện cảm và họ sẽ quy phục nơi mình lúc bấy giờ chúng ta sẽ hưóng dẫn Phật pháp cho họ
Và cuối cùng là đặc tánh bình đẳng Samānattatā có chỗ dịch là đồng sự. Cái gọi là bình đẳng hay đồng sự trong hai nghĩa này gần giống nhau nhưng có một vài điểm khác. Chữ Samānattatā khó có thể xác định được là trạng thái bình đẳng hay là đồng sự nhưng chúng ta có thể nói rằng nếu như chúng ta biết vận dụng thì trường hợp nào chúng ta cũng có thể áp dụng được đức tánh Samānattatā này. Đồng sự có nghĩa là chúng ta phải biết tìm điểm tương đồng giữa mình và người khác để nói chuyện như vậy thì chúng ta sẽ thuyết phục được người ta, sẽ gây cho người ta một thiện cảm trong buổi nói chuyện. Thí dụ như bây giờ chúng ta gặp một người là người thương mãi, khi nói chuyện với họ thì chúng ta cũng bàn bạc về thương mãi. Khi chúng ta muốn thuyết phục người khác và muốn hướng dẫn người khác nhưng chúng ta lại quá khen tặng về mình, về tín ngưỡng của mình, về tôn giáo của mình, về sở trường của mình, mà chúng ta bài bác, khích bác, bác bỏ những ý kiến những quan niệm của người đối diện thì như vậy chúng ta sẽ bị thất bại. Do vậy cần phải có một đức tánh gọi là đồng sự. Trong nghĩa thứ hai của từ này có nghĩa là bình đẳng, khi chúng ta sống trong cuộc sống này nếu muốn tạo cho người khác có thiện cảm và đem lại người khác gần với mình thì chúng ta phải có một cái thái độ cư xử bình đẳng, mặc dù chúng ta giàu nhưng đừng khinh khi người đối diện với mình là người nghèo, mặc dù chúng ta ở địa vị cao trong xã hội nhưng đừng chê họ đừng khinh thường họ là địa vị thấp, chúng ta là người có học thức cao nhưng nói chuyện với họ chúng ta phải biết tôn trọng họ, trân trọng họ, chúng ta giữ một thái độ bình đẳng như vậy và xem mình với họ là những con người và con người, đều là những người có lý trí, đều là những người biết ăn biết nói và có thể đến gần với nhau, và tìm hiểu tư tưởng nhau thì khi chúng ta áp đặt tâm tánh mình như vậy và chúng ta cư xử như vậy thì sẽ khiến người khác được vui lòng, người đối diện ta họ sẽ xóa tan mặc cảm và lúc bấy giờ họ sẽ gần gủi thân cận với chúng ta một cách dễ dàng, và lúc bấy giờ muốn nói chi cũng được cả, chúng ta muốn hướng dẫn cho họ cái chi cũng được.
Nhưng ở đây ngoài việc thành tựu bốn đức tánh của một nhà truyền đạo là xả tài, ái ngữ, lợi hành và đồng sự, chúng ta còn phải biết thêm một vài yếu tố để giúp thành công trong việc này. Đức Phật Ngài dạy rằng nếu một người không có đức tin mà mình giảng quá nhiều về niềm tin tán thán quá nhiều về niềm tin, đây là vụng về chứ không phải là khéo thuyết. Một người họ chưa từng bố thí, họ chưa có sự hoan hỉ trong sự bố thí mà chúng ta giảng về công hạnh của việc bố thí thì như vậy đó là vụng về chứ không phải khéo thuyết. Một người không tuân giữ giới, không thích việc giữ giới khi chúng ta gặp họ mà vội vàng giải thích tán thán về hạnh giữ giới với người đó thì gọi là vụng thuyết chứ không phải là khéo thuyết. Nói một cách chung chung như vậy để chúng ta biết rằng tùy theo đối tượng tùy theo sở hành của họ tùy theo cái nhìn của họ mà chúng ta thuyết giảng. Bởi vì giáo pháp đa dạng, khi chúng ta thấy họ có những cái gì thích hợp, họ muốn nghe những gì, họ thích gì thì chúng ta sẽ tùy theo sở thích của họ, tùy theo điều họ mong mỏi mà chúng ta giải thích cho họ nghe như vậy thì sẽ không bao giờ mắc phải lỗi lầm là chúng ta nói những điều phản tác dụng. Một ý khác nữa là khi nói chuyện với người khác, muốn hướng dẫn cho người khác thì điều này chúng ta nên tránh không bao giờ có lời nói giống như áp đặt người đó phải nghe theo mình, chúng ta hãy để cho họ tự lựa chọn tự suy tư và tự hiểu lấy những đề tài những vấn đề mà chúng ta nói, và khi chúng ta để cho họ một cách tự do tư tưởng và tự do suy nghĩ tự do lựa chọn thì trong trường hợp đó có nghĩa là chúng ta tạo cho họ một sự thoải mái và tạo cho họ một trí tuệ để tự họ xác nhận, và khi họ đã xác định được Phật pháp thì lúc bấy giờ họ sẽ hoan hỉ và họ sẽ nghe theo chúng ta nói.
Đó là những điều mà ở đây chúng tôi xin mạo muội trình bày một vài khía cạnh cũng là một điều chúng tôi được học hỏi từ trước đến giờ đối với các bậc thầy tổ cũng như các nhà truyền đạo lớn, và một phần nữa là chúng tôi cũng dựa theo kinh nghiệm bản thân của chúng tôi trong suốt thời gian mà đi thuyết giảng chỗ này chỗ kia và chúng tôi thuyết dẫn cho các Phật tử vào trong đạo tu tập, thì chúng tôi thấy những điều này rất ích lợi và hữu hiệu cho nên ở đây trả lời câu hỏi là như vậy.
Namo Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 190
Phap Am Lưu Trữ
|