Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 189: Tâm, ý, thức, trí và niệm khác nhau như thế nào?

. (Kinh Pháp Cú kệ ngôn 95 giảng ngày 11 tháng 6 năm 2003 )

TT Giác Đẳng: Có lẽ nền văn hoá của Ấn, chúng ta có thể nói rõ hơn là trong Phạn ngữ là ngôn ngữ của Ấn Độ, Bắc Phạn cũng vậy Nam Phạn cũng vậy, cổ văn cũng vậy, kim văn cũng vậy, đó là một ngôn ngữ có rất nhiều từ đề cập đến cái mà chúng ta gọi là tâm hay là đời sống nội tại. Thật ra thì giống như người Eskimos ở vùng bắc cực họ có mấy chục từ để chỉ về tuyết và có sự phân biệt rất rõ về các loại tuyết.

Nói về những từ vựng như tâm, ý, thức, chúng ta có thể có ba bốn chữ, nhưng bên tiếng Phạn thì có mấy chục chữ, chúng tôi liệt kê một vài chữ mà qúi vị có thể thấy, ví dụ chúng ta nói "ceta" như "cetasika" là thuộc tánh của tâm, thì chữ "ceta" cũng là tâm, chữ "citta," rồi chữ "viññā" thường dịch là thức, chữ "manā" chúng ta dịch là ý. Tâm ý là những chữ mà chúng ta thường được dịch.

Có một vài chữ ở trong tiếng Việt đôi lúc dùng theo thường thức thì nghe được nhưng dùng ý thì lại không chính xác, ví dụ chữ "tâm linh" hay chữ "tinh thần" nói thì nghe rất là dễ nghe, nhưng trong thường thức thì nghe được, nhưng về phương diện tâm linh có dịp nào đó chúng ta nói thêm về điểm này. Những chữ "tinh thần" nghe thì dùng ở chừng mực nào đó nhưng lại không chính xác như bên chữ Phạn được.

Chữ "tâm" định nghĩa trong đạo Phật nghĩa là biết cảnh, và chữ tâm, ý, thức, có nhiều trường hợp dùng giống nhau, nhiều trường hợp dùng có chút phân biệt. Ví dụ chúng ta nói; nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý, thì chữ "ý" ở đây có đôi lúc được dùng trong mạch văn nằm ngoài ngũ quan của chúng ta. Chữ "thức" cũng vậy, chữ "thức" có nhiều trường hợp thì dùng giống nhau nhưng có những trường hợp dùng hoàn toàn là khác nhau. Như có một lần chúng tôi giảng về 18 giới có một loại tâm ý thức, tâm nhãn thức, tâm nhĩ thức, tâm thiệt thức, tâm thân thức, tâm ý thức. Qúi vị thấy chữ tâm, ý, thức, chữ tâm, chữ ý, chữ thức, ba chữ đó nằm trong một chỗ mà ở trong mạch văn đó thì nghĩa hoàn toàn được dùng tương đối khác.

Chữ "trí" là cái nhìn có khả năng nhìn xuyên, nhìn thấu triệt lý nhân quả gọi là trí. Đôi khi trí được hiểu là có khả năng phân biệt, có khả năng đến gần với sự thật xuyên qua sự thật gọi là liễu ngộ. Thì chữ "trí" có nhiều trường hợp nhưng mà được xem như là một trong những tinh yếu của đời sống nội tại của chúng ta. Và nếu trí tuệ mà được phát triển đúng thì trí tuệ đó có thể chấm dứt cả luân hồi đọan tận được vô minh.

Chữ "niệm" được định nghĩa bình thường như là một sự ghi nhận, sự ghi nhận ở đây thông thường là cái gì đã xảy ra gọi là mới xảy ra ở trong thời gian rất gần mà chúng ta còn để lại một hình ảnh chưa tan biến trong ký ức. Ví dụ như chúng ta vừa mới có một tâm hận thù với ai đó khởi dạy mà chúng ta ghi nhận là chúng ta đang có tâm hận thù, thì cái chập tư tưởng mà hận thù mới vừa trôi qua.

Nhưng chữ "niệm" cũng đề cập đến sự tỉnh táo đối với một cái gì đang xảy ra, ví dụ như những oai nghi, đại oai nghi, tiểu oai nghi, oai nghi lúc chúng ta đi chẳng hạn thì việc này về phương diện thiền học chúng ta lại nói khác đi. Cái yếu tố của "niệm" thường dịch được nhiều chữ, trong tiếng Anh dịch là mindfulness tức là chúng ta có chú ý có để ý đến cái đó chứ không để cho nó chìm vào quên lãng, và trong tiếng Việt chúng ta cũng có nhiều chữ như chữ "ghi nhận" hay là "tỉnh táo" "biết mình" v.v...

Thì những chữ "trí" và chữ "niệm" khác xa với chữ tâm, nó không giống mấy chữ này. Chúng tôi chỉ có thể giảng ngắn gọn là như vậy

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Minh Hạnh chuyển biên

 

Download cau hoi 189

Phap Am Lưu Trữ