Câu Hỏi 185: Nếu cha mẹ đang là Phật tử thì con cái có là Phật tử hay không?
. (Kinh Pháp Cú
kệ ngôn 101 giảng ngày 17 tháng 6 năm 2003 )
TT Giác Đẳng: Đối với nhiều tôn giáo thì niềm tin hay là trở thành một tín đồ của một tôn giáo tùy thuộc rất nhiều vào gia đình mà mình sanh vào. Trước nhất ở trong ý nghĩa chân xác nhất để làm Phật tử thì có lẽ đó là một sự lựa chọn của một người hoàn toàn hiểu biết, và không phải chỉ có một lúc lựa chọn mà chúng ta có thể trở thành người Phật tử đầy đủ, mà chúng ta phải đi trọn cuộc hành trình, trong cuộc hành trình đó có thể là chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều để có thể có được một chánh kiến đủ rõ nét để nói rằng mình là một Phật tử.
Nói một cách khác thì một buổi lễ quy y không nhất thiết là chúng ta trở thành một người Phật tử, mặc dù đã quy y Phật Pháp Tăng thì đã trở thành Phật tử nhưng cũng chưa hẳn là một người Phật tử trọn vẹn nếu chúng ta không hiểu được những giáo lý căn bản khác. Ví dụ như là Phật Pháp Tăng là gì, nhân quả là gì, lý duyên sinh duyên hệ là gì .v.v... những giáo lý hết sức cần thiết để chúng ta trở thành một Phật tử.
Và rồi thứ nữa, đã là một người Phật tử không phải là một sự việc thành tựu được do luật định, nghĩa là chúng ta sanh vào gia đình cha mẹ chúng ta là Phật tử thì chúng ta đương nhiên là Phật tử, về phương diện nghi lễ thì những đứa con cũng cần có một nghi thức để quy y Tam Bảo nhưng về phương diện tinh thần thì điều cha mẹ có thể làm được cho các con là trao truyền cho con của mình những tri kiến và niềm tin chân chánh, và rồi đứa con đó cũng phải có khả năng đón nhận và lớn lên phải tìm hiểu mới trở thành một Phật tử.
Chúng ta không có chủ trương là một người Phật tử vì sanh ra đời trong một gia đình Phật tử thì người đó đương nhiên trở thành Phật tử. Về điểm này thì chúng tôi lại nghĩ rằng chúng ta nên đặt ra hai cách nói; một cách nói thường thức và một cách nói chuyên môn thuần về ý lý của đạo. Ở bên ngoài thì dĩ nhiên là khi người ta có những bản thống kê gia đình nào là gia đình theo Phật giáo, và rồi hễ sanh con thì con cũng tính là Phật tử cho dù có quy y hay không quy y cũng vậy. Những con số đó dựa trên thống kê ở bên ngoài và điều đó không nhất thiết có một giá trị thật sự.
Hiện tại bây giờ ở nhiều quốc gia người ta có rất nhiều trường hợp xảy ra đó là cha mẹ cùng khác tín ngưỡng rồi con lớn lên có đôi lúc cha mẹ đều có ý kiến rất mạnh mẽ của riêng mình là con mình thuộc về đạo nào, nhưng đồng thời có những lúc cha mẹ thoả hiệp với nhau là cứ để tự nhiên con cái mình ra sao cũng được. Những trường hợp như vậy thì phải nói rằng chúng ta cũng chưa biết nó lợi hay không lợi cho mỗi cá nhân, ở trong đời này cái lợi cái hại rất là khó nói, hoạ phúc khôn lường chúng ta không biết được. Chúng tôi có gặp một số người tinh thần của họ rất là cởi mở khi mà cha và mẹ có hai tín ngưỡng khác nhau, nhưng cũng có một số người tinh thần của họ rất là vô thần là bởi vì họ không có thuộc về một tín ngưỡng nào hết, ở đó là một hiện tượng mà thế kỷ 21 này chúng ta phải đối diện bởi vì những cuộc hôn nhân đa chủng tộc đa tính ngưỡng càng lúc càng trở nên nhiều hơn giữa các cộng đồng, người ở chủng tộc này lấy chủng tộc khác nữa, đạo này lấy đạo khác. Và người Việt Nam thì nhất là những người Việt Nam theo Kitô giáo đôi lúc rất mạnh mẽ trong việc nhất định bắt người hôn phối của mình phải theo đạo của mình và con của mình phải theo đạo của mình. Nhưng những người Kitô giáo của phương tây nhất là những người da trắng thì họ đã qua được giai đoạn đó, họ nhìn vấn đề đó tương đối là sáng sủa cởi mở hơn. Thì chúng ta thấy rằng điều đó cũng là một điều mà chúng ta phải suy ngẫm ở tại đây.
Tuy nhiên trở lại câu hỏi chúng ta nhớ đến câu Phật ngôn Đức Phật Ngài nói rằng "không phải là vì giòng dõi thọ sanh mà một người thấp hèn hay cao qúi, mà chính là vì hành vi thiện ác mới khiến người cao qúi hay thấp hèn," điều đó có nghĩa rằng Đức Phật Ngài ra đời tại Ấn Độ có vô số người nhận mình là thuộc giai cấp Bàlamôn tức là giai cấp của những người cao qúi, giai cấp Phạm Chí và trong giai cấp Bàlamôn đó họ nghĩ rằng họ được trở thành Bàlamôn vì thọ sanh và cái thọ sanh đó nghĩa là họ sanh trong gia đình thậm chí bảy đời là huyết thống Bàlamôn không có bị pha lẫn bởi những huyết thống khác. Đức Phật Ngài đã xác nhận rất nhiều lần rằng "không phải một người mà thọ sanh trở thành cao qúi hay thấp hèn." Thì điều đó nó cũng là một điều để chúng ta nhớ nghĩ đến trong đề tài mà mình đang thảo luận qua câu hỏi này./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 185
Phap Am Lưu Trữ
|