|
Câu Hỏi 169: Niệm Phật, lạy Phật mà không thề thành Phật. Câu nầy có ý nghĩa gì?
.
(Kinh Pháp Cú kệ ngôn 80 giảng ngày 31 tháng 5 năm 2003 )
TT Trí Siêu : Thật ra câu nầy như đối với những người tu tập hiểu biết mà nói lên như các vị thiền sinh, các vị tu tập đã thấy rõ được sự thực chúng Pháp của chính mình. Quả thật như thế, nếu như chúng ta chỉ niệm Phật, chỉ lạy Phật thì chúng ta không thể thành Phật. Vì sao vậy? Lạy Phật mà chúng ta lạy không đúng nghĩa, hay chúng ta lạy Phật để tỏ lòng tôn kính Đức Phật, chỉ đơn giản như thế mà chúng ta đòi thành Phật thì điều nầy quá ư là dễ dàng, như vậy các vị xuất gia, các vị tu hành không cần phải khó khăn để tu tập, trường kỳ khổ hạnh hay các vị ấy không gặp chướng ngại trong đời sống tâm linh. Chúng ta phải biết rằng niệm Phật là một trong mười pháp tùy niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, niệm Thí, Chư Thiên. v.v…. Thật ra khi chúng ta niệm Phật lạy Phật chỉ để chúng ta duy trì niềm tin của chúng ta và chúng ta tìm được nơi nương tựa. Khi chúng ta tập trung tư tưởng niệm hồng danh của Đức Phật hay chúng ta suy xét, suy niệm về ân đức của Đức Phật trong mười hồng danh đó thì khi ngay khi đó tâm của chúng ta an trú qua một cảnh khác và nhờ chúng ta lập đi lập lại nhiều lần với tư tưởng là chúng ta chỉ hướng về Đức Phật thôi thì tạm thời đè nén được những sự phiền não, âu lo, phiền toái.
Chúng ta niệm Phật thì không thể nào giúp chúng ta đạt được chánh trí giải thóat, điều nầy chính ngay trong A Tỳ Đàm và trong kinh cũng có nói một cách rõ rang. Niềm tin thì người Phật Tử chúng ta cần phải củng cố, suy niệm, niệm về ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng, điều đó cũng rất cần cho đời sống tâm linh của chúng ta, nhưng có được con đường duy nhất đưa đến sự giải thoát hay đưa đến thành Phật thì chúng ta phải thành tựu những phước báu ba la mật như là bố thí, trì giới, ly dục, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, hành xả, từ tâm, chí nguyện…Những ba la mật đó thành tựu, già dặn rồi thì bắt đầu đi vào con đường, chúng ta đi vào con đường chánh đạo, tức là chúng ta phải tu tập về giới: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng rồi giới đó làm nền tảng cho định tức là chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định rồi chúng ta mới thành tựu được tuệ là chánh kiến, chánh tư duy. Nếu nói theo Bát Chánh Đạo thì Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Nói theo Tam Học là Giới, Định, Tuệ, chúng ta phải tu tập theo con đường đó thì chúng ta mới thành Phật được.
Danh từ Phật được gọi là Buddha hay là Buddho, như chúng ta thường niệm câu Nammo Buddhaya, Buddho, Buddha ở đây là Phật Giả hay Giác Giả. Chữ Phật là tiếng đọc trại từ chữ Buddha, gọi là Bụt, hay phiên âm là Phật Đà, rồi người Việt Nam chúng ta bỏ bớt đi một âm, gọi là Phật, có nghĩa là Giác Ngộ. Khi chúng ta giác ngộ, được gọi là Phật. Giác ngộ cái gì? Giác ngộ bốn đế, bốn sự thật ở đời, giác ngộ về khổ, giác ngộ về nhân sanh khổ là Tập Đế, giác ngộ về sự diệt khổ tức là Niết Bàn giải thóat chấm dứt khổ đau, giác ngộ về đạo lộ hay là con đường đưa đến sự diệt khổ, chúng ta gọi là Đạo Đế. Muốn giác ngộ được Tứ Đế như vậy, đâu đơn giản là chúng ta chỉ niệm Phật, lạy Phật rồi chúng ta thành Phật đâu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu thêm rằng nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận lợi ích vấn đề chúng ta lạy Phật hay niệm Phật. Niệm Phật lạy Phật cũng có lợi ích cho chúng ta nhưng sự lợi ích đó chỉ là sự hỗ trợ, hỗ trợ về niềm tin, có niềm tin thì có thể thành tựu được những thiện pháp khác.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Như Trúc chuyển biên
Download cau hoi 169
Phap Am Lưu Trữ
|