Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 167: Sự lợi ích của việc quy y Tam Bảo?

. (Kinh Pháp Cú kệ ngôn 80 giảng ngày 31 tháng 5 năm 2003 )


TT Giác Đẳng : Quy y Tam Bảo là một sự xác chứng niềm tin của mình đối với Phật, Pháp, Tăng, và không những chỉ xác chứng niềm tin của mình mà còn nói lên một thái độ rõ ràng ở trong cuộc sống. Một người có thể xác chứng niềm tin của mình và có một thái độ nghiêm túc ở trong cuộc sống tinh thần, thì chúng ta làm một lựa chọn, mà sự lựa chọn đó không thể không cân nhắc. Đúng ra Phật, Pháp, Tăng trong một lý lẽ rất đơn thuần. Chúng ta không nói đến một Đức Phật lịch sử, chúng ta không cần phải nói đến một hình ảnh xa xôi, chúng ta chỉ nói riêng giá trị của Phật, của Pháp, của Tăng. Gía trị của Phật là sự giác ngộ, giá trị của Pháp là lẽ thật, và giá trị của Tăng là sự hòa hợp. Tự ba giá trị đó là ba giá trị lớn trong đời sống.

Chúng ta nói một giá trị trừu tượng thôi. Nếu như trong cuộc sống, chúng ta tin rằng một tâm hồn đủ trí năng để bừng tỉnh ở trong cơn mê của đời sống, tự phản tỉnh lại mình, biết những gì mình đang làm, đang nói, đang suy nghĩ, giá trị của sự giác ngộ, giá trị của sự tỉnh thức, giá trị mà một người có giáo dục, có hiểu biết luôn luôn nhận rằng cái giá trị đó lớn. Ở trong cuộc sống của chúng ta nếu chúng ta biết giá trị của sự thật thì chúng ta sẽ hiểu được rằng sự thật cho chúng ta nhiều thứ vượt ngoài khả năng suy luận bình thường của mình. Con người của chúng ta thường sợ sự thật, chúng ta mặc cảm với sự thật cũng giống như Khema, Khema là một vị hoàng phi, đệ tử Phật rất lỗi lạc, nhưng trước khi xuất gia là một vị hoàng phi nổi tiếng rất là đẹp ở trong hoàng cung của vua Bình Sa Vương. Vị hoàng phi này có mặc cảm với chánh pháp bởi vì mỗi lần thấy những người thị nữ ở trong cung đi vào chùa Trúc Lâm nghe pháp thì vị hoàng phi nầy hỏi rằng đi chùa nghe Đức Phật dạy gì, thì những người thị nữ nầy trình bày là nghe Đức Phật trình bày về vô thường, khổ não, về bất tịnh. v.v.... Và vị hoàng phi Khema nầy có mặc cảm là Đức Phật là một người không ưa thích sắc đẹp, Ngài lên án sắc đẹp, vì vậy vị hoàng phi nầy không bao giờ đặt chân đến chùa. Cho đến khi vua Bình Sa Vương làm một công việc hết sức dụng tâm đó là nhờ các thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ sáng tác những bản nhạc để ca ngợi những cảnh đẹp của chùa Trúc Lâm. Chính những bản nhạc nầy đã đưa hoàng phi Khema đến chùa và trong một hình ảnh mà Đức Phật cho Khema thấy hình ảnh của sự vô thường, hình ảnh của sự biến họai của sắc đẹp phù du của cuộc sống và rồi Khema đã trở về với Chánh pháp, vượt qua khỏi mặc cảm của mình. Mặc cảm đối với sự thật không phải là mặc cảm của riêng Khema mà đối với tất cả chúng ta. Chúng ta rất là sợ sự thật. Bây giờ chúng ta quy y Pháp là chúng ta xác định rằng cho dù sự thật đó không vừa lòng, cho dù sự thật đó là một cái gì có thể làm cho chúng ta chấn động nhưng mà chúng ta sẽ chấp nhận sự thật. Một thái độ chấp nhận sự thật quan trọng như thái độ tin vào khả năng tỉnh thức. Thái độ sống hòa hợp, sống có liên đới, một thái độ sống có trách nhiệm ở trong cuộc sống, đó là tinh thần của tăng. Khi một người phật tử quy y mà hiểu giá trị của ba thái độ đó thôi thì ba giá trị đó là một hành trang rất lớn.

Chúng ta chưa nói đến đạo Phật của lịch sử. Một Đức Phật của lịch sử là một Đức Phật mà lòng đại bi và đại trí của Ngài có thể cho chúng ta một sự an ủi vô biên, chữ an ủi sẽ cho chúng ta thấy Đức Phật là ai, không có một đoạn kinh nào mà chúng ta đọc qua đó chúng ta thấy rằng Đức Phật đã bỏ thì giờ, công sức của Ngài ra để dạy dỗ và Ngài mong mỏi một điều gì kể cả cung kính, kể cả danh vọng. Trong cuộc sống của chúng ta nếu như có ai đó dành cho chúng ta một sự quan tâm, nghĩ về lợi ích của chính mình mà không có hậu ý, thì người đó chúng ta có thể nói rằng suốt cuộc đời đủ để cho chúng ta cảm kích. Đối với Đức Phật chúng ta hãy đọc kỹ lại những ngày Ngài đã đi, những đọan đường Ngài đã đi qua khi Đức Thế Tôn còn trụ thế, không có một đọan kinh nào cho chúng ta thấy rằng Đức Phật cần gì ở chúng ta hết, thế mà Ngài đã phải làm rất nhiều việc cho chúng ta từ việc giáo hóa từng cá nhân cho đến những lợi lạc cho hậu thế về sau nầy. Tất cả những việc làm đó cho thấy tình thương vô hạn của Đức Phật đối với trần gian đau khổ. Nếu ở trong đời nầy được thờ phượng một vị như vậy, được quy y một vị như vậy thì cho chúng ta một cuộc sống mới hoàn toàn.

Pháp của Đức Phật không có một mục đích nào là làm cho chúng ta bị ru ngủ, ràng buộc mà Pháp của Đức Phật cho chúng ta được suy tư, cho tâm trí của chúng ta đi giống như một con cá đi về đại dương mênh mông hơn là bị giam hãm trong một ngục tù chật hẹp, giáo pháp của Đức Phật chẳng những cung cấp cho chúng ta những gợi ý mà qua đó cho chúng ta thái độ hết sức đẹp về cuộc sống, đó là chúng ta phải biết nhận thức cuộc sống chân thật nầy.

Nói đến Tăng Bảo, một cộng đồng tăng lữ, nói đến những vị đệ tử Phật, nói đến những người đã tự thân làm chứng cho lời dạy của Đức Phật lại mang một giá trị khác, mà trong giá trị nầy cho phép chúng ta nghĩ đến một xã hội mà ở đó mọi người sống trong thiện pháp, và thiện pháp là nhịp cầu của họ. Có thể nói rằng ở trong lịch sử của nhân loại bao giờ cũng vậy khi một quốc gia, một xã hội được kết cấu được hình thành có một nền đạo học vững mạnh, giữa con người với con người không chỉ có những bản năng gì khác ngoài ăn uống ngủ nghỉ thỏa mãn nhục dục….. mà còn có một cái gì gọi là ánh sáng của văn minh, và ánh sáng văn minh đó là những con người biết sống tu tập, hợp quần với nhau ở trong lẽ phải, ở trong tình thương chân thực thì khi chúng ta quy y Tam Bảo cho chúng ta rất nhiều giá trị.

Nhưng điều quan trọng nhất của quy y Tam Bảo là làm cho chúng ta nhìn cuộc sống nghiêm túc vì đời sống tinh thần của chúng ta thường không được nghiêm túc như chúng ta nghĩ. Có một vài lần chúng tôi đến nhà một vài Phật tử, bước vào trong nhà chúng tôi thấy họ đã dành rất nhiều thì giờ để lo cho bàn Phật, bàn Phật đặt nơi trang trọng, thờ phượng trang trọng, những cuốn kinh sách hết sức có giá trị được để ở trong nhà, ngay lúc đó chúng tôi có cảm tình với người Phật tử, mặc dù người Phật tử đó không thân và hoàn toàn xa lạ nhưng chúng tôi hiểu rằng người đó có một cuộc sống tinh thần rất nghiêm túc. Nếu chúng ta không có một thái độ tương đối kính trọng đời sống tinh thần của chúng ta thì ai sẽ làm chuyện đó cho chúng ta? Mọi người nếu có tử tế lắm thì cho chúng ta một bữa ăn ngon, những buổi nói chuyện hết sức thú vị thôi nhưng cuộc sống tinh thần của mình thì tự mình phải biết lo lấy, phải biết làm lấy những gì cần thiết cho mình nên chi nếu chúng ta có một thái độ có trách nhiệm, có ý thức và có sự suy tư về cuộc sống nội tại thì sự quy y Tam Bảo là một khúc quanh của cuộc đời, nói lên một thái độ lựa chọn cuộc sống.

Và dĩ nhiên quý vị cũng có thể hỏi rằng sao mình phải chấp mê về hình thức? Mình quy y thì mình quy y trong lòng, tại sao mình phải nói lên bằng lời, phải đối diện với chư vị tôn chứng, phải đối diện với chư tăng để trao truyền quy giới? Khi mình hành thiền thì ai cũng nói rằng mình tự hành thiền ở nhà cũng được nhưng khi chúng ta vào một khóa thiền thì không khí của đại chúng tu tập thiền, và hình ảnh của vị thiền sư làm cho chúng ta dễ dàng trú tâm, sẽ khiến cho chúng ta có một trợ duyên lớn. Hoặc giả là chúng ta có thể tự học, nhất là ngày hôm nay có nhiều phương tiện giáo dục nhưng rồi đến trường đến lớp có những buổi học rất nhàm chán, không có gì hứng thú hết, nhưng nhiều năm nhiều tháng sống dưới mái trường vẫn cho chúng ta những giá trị nhất định, giá trị đó không thể đo đạc bình thường được. Ngay cả khi chúng ta phạm lỗi, ta biết sửa lỗi, tự mình nhận ra lỗi và tự mình sửa lỗi thì việc đó đôi lúc không bằng chúng ta tìm một vị thiện trí thức để phát lộ, có thể chúng ta tìm một vị như là Đức Phật, như là những bậc có trí, để chúng ta nói lên là chúng ta đã phạm lầm lỗi, ý thức đó sẽ rất tốt đẹp nếu nó được sự chứng minh. Nên sự quy y Tam Bảo từ thái độ lựa chọn đến nghi thức quy y mà nếu chúng ta có được sự hướng dẫn đầy đủ chúng ta sẽ cảm thấy có giá trị. Điều đó sẽ là một sức bật quan trọng để nâng cao cuộc sống tinh thần của mình và để có một thái độ nghiêm chỉnh hơn, một thái độ đàng hoàng hơn là mình nên đối xử với bản thân mình như thế nào.

Thật ra quy y Tam Bảo là một cái gì rất là đẹp ở trong đời sống nầy. Chúng ta cứ thử tưởng tượng điều nầy là hãy làm một sự so sánh đơn giản thôi. Chúng ta gọi Đức Phật là ai? Chúng ta gọi Đức Phật là vị giác ngộ, vị đã bừng tỉnh giữa cuộc đời tăm tối. Rồi chúng ta gọi mình là ai nếu mình đã quy y Tam Bảo? Chúng ta gọi chúng ta là con của Đức Phật, tức là người thừa kế gia tài của Đức Phật, là người được trưởng thành ở trong lời dạy của Đức Phật, là người nhận được tình thương của Đức Phật. Chữ Phật và chữ Phật tử đã là một chữ rất là đẹp, và nếu chúng ta trở thành một người Phật tử thật sự thì chúng ta có một nơi nương tựa tinh thần hết sức quan trọng.

Bây giờ chúng tôi muốn nói thêm một yếu tố về tâm lý. Có lẽ mọi người dễ dàng nhận ra rằng chúng ta rất dễ bị dao động đặc biệt là trong những hoàn cảnh làm cho chúng ta nhất thời không tự chủ được như là đối diện với sự nguy hiểm, đối diện với cái chết. Có những lần chúng tôi đi trên máy bay và khi máy bay sắp đáp xuống, thời tiết rất xấu, máy bay chồng chềnh, và chúng tôi để ý thấy rằng những người ở chung quanh rất lo sợ. Và có một lần chúng tôi đi máy bay khi máy bay mới cất cánh lên một chút thì trong cabin bốc khói và máy bay phải đáp xuống, trở lại cổng cho mọi người đi ra. Khi quý vị đang ở trên máy bay và ở trên cao độ khỏang 1.000m, máy bay bị bốc khói từ trong toilet hay máy bay bị dao động mạnh bởi turbulence (sự nhiễu loạn của không khí) thì quý vị sẽ nghĩ rằng lúc đó cuộc sống của chúng ta mỏng manh lắm. Một chiếc máy bay như chiếc Boeing 777 thì nó có cả hàng triệu bộ phận kết cấu với nhau và người ta cho biết rằng chỉ một. hai bộ phận trong đó bị trục trặc thì rất có thể chiếc máy bay sẽ rớt. Có nghiã là chúng ta ngồi trên máy bay mà được an tòan thì sự an toàn đó phải được bảo đảm bằng sự làm việc nhịp nhàng của hàng ngàn, hàng triệu bộ phận kết cấu lại với nhau. Như vậy cuộc sống của chúng ta có lúc bị đe dọa rất lớn chỉ tại chúng ta không biết thôi. Nếu chúng ta đang lái xe mà lạc tay lái thì ta phải làm gì trong giờ phút đó, thưa quý vị? Chúng ta rất sợ. Chúng ta đang đi máy bay mà bị turbulence hay bị trục trặc máy móc thì chúng ta run sợ. Trong sự run sợ đó, chúng ta phải làm một công việc mà ngày xưa Đức Phật đã từng dạy là một người có trí ở trong hoàn cảnh nào thì người đó biết cái gì phải nên buông, cái gì phải nên gìn giữ. Một người đi buôn mang theo rất nhiều của cải, rất nhiều vật quý, kể cả hàng hóa của mình, nếu gặp ăn cướp thì nên hy sinh vật ngọai thân để bảo vệ sự bình an của mình. Và nếu người ta đánh mình thì mình phải dùng tay chân để đỡ, để giữ cái mạng của mình. Nhưng nếu người ta đọat mạng mình thì trong giây phút đó mình phải biết giữ cái tâm của mình. Tâm của mình rất quan trọng. Và trong giây phút mà đời sống của mình bị đe dọa, trong giây phút chúng ta hoàn toàn bị chao đảo, bị chấn động mạnh thì cái gì là nơi nương tựa của mình, thưa Quý vị? Chúng ta tự hỏi là chúng ta có nơi nương tựa thật sự hay không. Một người có quy y Tam Bảo, và nếu người đó thường xuyên lặp đi lặp lại

"Buddham saranam gacchami, Dhamman saranam gacchami, Sangham saranam gacchami, con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng"

Thì người nầy có chỗ nương, con về nương tựa với Phật, nương tựa với Pháp, nương tựa với Tăng. Sự nương tựa nầy có được giá trị trong đời sống hay không là sự ý thức của chúng ta. Đó là câu trả lời của chúng tôi đối với câu hỏi vừa đặt ra.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Như Trúc chuyển biên

 

Download cau hoi 168

Phap Am Lưu Trữ