Câu Hỏi 162: Làm sao để gần bạn lành, là người Phật tử tại gia thì làm sao gần bạn lành trong khi thế giới chung quanh đây rất là bao la rất là nhiều thành phần khác nhau, nếu mà nói thu gọn lại thì bạn lành ở đây có thể gọi là bạn đạo, thì con thấy rất khó tìm bạn đạo ở ngoài đời sống thực tại của chúng con, chỉ khi nào mà vào những rơom Phật Pháp như vậy thì mới thật sự là có bạn lành còn ở ngoài đời thì rất là khó kiếm bạn lành ngay cả những người thân trong gia đình hoặc những người mà trong giòng họ bà con thân thuộc thì tư tưởng xấu tốt rất là khác biệt nhau thì làm cách nào để gần bạn lành được. Xin Sư nói thêm về bạn lành, con thấy là nếu gần bạn lành thì chỉ có những người tu xuất gia giống như qúi Chư Tăng thì thế giới hẹp lại thì bạn lành dễ tìm hơn là ở ngoài đời, ở ngoài đời con thấy là nếu thật sự tìm bạn lành này thì mình bị cô lập rất nhiều, mình không thể nào quan hệ tốt được, có người bạn tốt thật sự được ở ngoài đời cho nên con muốn tìm hiểu bạn lành này nếu thật sự mình muốn tìm nó rất là khó và rất là bị cô lập.
.
(Giảng tại rơom Diễn Đàn Phật Giáo Nguyên Thủy )
TT Chánh Minh trả lời : Chúng tôi vừa trình bày bạn lành nó có hai ý nghĩa: một ý nghĩa bạn lành ở cuộc đời và một bạn lành ở nội tại.
Bạn lành ở cuộc đời là những người có nếp sống đạo đức, tức là thân không rơi vào ác nghiệp, ngữ không rơi vào ác nghiệp. Và đặc biệt người bạn lành là khi mình sắp sửa làm việc tội lỗi thì ngăn cản liền. Còn trái lại khi mình làm việc ác bất thiện pháp mà người bạn mà đốc xúi mình làm thì người này trên danh nghĩa là bạn nhưng thật sự không phải là bạn. Đây là lời dạy của Đức Phật trong Trường Bộ kinh, kinh Thầy Giáo Thọ Thi Ca La Việt. Trái lại người bạn khi mình sắp sửa vi phạm vào các ác bất thiện pháp nào thì cản ngăn liền đó là người bạn lành. Và đối với người bạn lành khi mình chưa muốn làm việc thiện đã khuyến khích mình làm việc thiện, tán trợ ủng hộ mình thì đó là người bạn lành. Còn nếu như mình chuẩn bị làm việc thiện thì cản ngăn nói này nói kia, thì người này trên danh nghĩa là bạn nhưng thật sự thì không phải là bạn. Đây cũng là lời Đức Phật dạy ở trong bài kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt.
Cho nên cuộc đời chúng ta biết là phải chọn bạn thì chọn những người đạo đức có nếp sống tốt đẹp còn nếu trên đường đời không gặp những người bạn như vậy thì chúng ta cũng có những người bạn nhưng chúng ta xem là những người bạn theo tính chất thường tình cuộc đời không giao du thân mật, cũng giao du vậy nếu không thì chúng ta trở thành kẻ cô đơn nhưng chỉ là xã giao.
Chính Đức Phật Ngài dạy "Nếu không gặp bạn đồng hành hiền nhân chân chánh hiểu rành lối đi, am tường thắng phục gian nguy như voi rừng thẳm thà đi một mình" hay là "Như vua bỏ nước phong suy như voi rừng thẳm thà đi một mình" hay là "Thà rằng chiếc bóng độc hành không cùng đứa dại kết phần thâm giao, độc cư chẳng phạm nỗi nào, an nhàn như tượng ra vào rừng sâu." Nếu trên đường đời mà chúng ta không gặp được những người bạn tốt, những người bạn có đạo đức, thì dĩ nhiên trong một cộng đồng chúng ta không thể sống một cách biệt lập, dĩ nhiên phải có giao du, dĩ nhiên cũng phải có tiếp xúc, nhưng sự giao du đó sự tiếp xúc đó nó không phải là cận giao, nó không phải là thân thiết. Vì trên phương diện xã hội thì phải như vậy, nhưng xem như những người thông thường mà thôi chứ không có chú ý lắm, không có cận giao lắm. Người bạn khi gặp được mà là người có trí, người sống theo thiện pháp, người có nếp sống đạo đức thì kết giao để học tập những nếp sống đạo đức của người đó.
Nhưng đặc biệt quan trọng nhất là người bạn ở bên trong chúng ta tức là những thiện pháp, những thiện pháp đó chính là người bạn chân tình nhất và những người bạn xấu ở bên trong chúng ta chính là những ác pháp nó là kẻ tai hại nhất./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Minh Hạnh chuyển biên
|