Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 145: Sám hối khi mình lỡ phạm đến Tam Bảo.

. (Câu hỏi ngày 3 tháng 6 năm 2003 buổi giảng kinh Pháp Cú kệ 83, rơom Diệu Pháp )

TT Giác Đẳng: Việc sám hối khi mình phạm đến Tam Bảo thì ở đây là một quan niệm hết sức đặc biệt mà chúng ta phải để ý khi nào mà chúng ta phạm đến Tam Bảo. Cái tội mà hủy báng Tam Bảo là một trọng nghiệp nhưng nó có ba trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là một người hủy báng Tam Bảo là bởi vì người này có tâm sân hận. Như trường hợp của nàng Kanà mà chúng ta được nghe đến trong bài kệ ngày hôm qua. Đó là câu chuyện của một nàng thiếu nữ từ bên nhà chồng trở về thăm nhà mẹ của mình. Rồi trong lúc về nhà của mẹ bởi vì thường khi mỗi lần về nhà thì mẹ hay làm bánh để mang về nhà chồng, lúc bà mẹ làm bánh xong thì có các vị tỳ kheo đi khuất thực đi ngang, bà mẹ thấy như vậy đem tất cả bánh cúng dường cho chư tỳ kheo, và không phải cúng cho một nhóm mà cúng cho bốn nhóm tỳ kheo như vậy trước sau, bởi vì trên con đường đi khuất thực thấy chư tăng đi ghé từng nhà, mà ai cúng xong thì tiếp tục đi tới thôi. (Thật ra Đức Phật Ngài có đặt ra luật cấm các vị tỳ kheo trong một ngôi chùa không được đi bát nhiều lần trên một con đường cũng là vì lý do này.) Thì chính vì lý do mẹ của Kana cúng dường bánh cho Chư Tỳ Kheo như vậy, nó đã tạo nên một sự việc là Kanà đã phải chờ để lấy bánh, khi lấy được bánh rồi thì chuyến đi về bị trễ, và chuyện này dẫn đến chuyện lục đục giữa vợ chồng rồi dẫn đến sự đổ vỡ của hôn nhân, và sau khi hôn nhân đổ vỡ thì Kanà về nhà mẹ mình sống và thường hay thống trách các vị tỳ kheo là tại vì các vị tỳ kheo mà nàng bị đổ vỡ hôn nhân như vậy, và vì lời nói của nàng cũng nặng chứ không phải là không nặng. Một lần Đức Phật đến nhà Ngài gọi Kanà lên và dạy cho Kanà biết về sự hơn thiệt, lúc đó Kana đã xin sám hối với Đức Phật và nghe pháp chứng được quả dự lưu như là câu chuyện Pháp Cú mà chúng ta nghe hôm qua, ở trong trường hợp đó là vì sân tâm nó khác.

Và trường hợp kế mà chúng tôi nói là vì tà kiến, tà kiến ví dụ như một người Phật tử đã qui y Tam Bảo rồi sau đó đi theo ngoại đạo mà phỉ báng lại Tam Bảo thì đó là một sự tổn hại, một sự tổn hại lớn lắm, sự tổn hại đó giống như một cây dừa hay cây cau mà chúng ta chặt đứt đầu ngọn cây thì nó khó có cơ hội mọc lại được. Một người không biết Tam Bảo, không biết Phật Pháp Tăng là gì, người đó nếu họ là người ngoại đạo hay đi theo ngoại đạo mà chỉ trích Phật Pháp Tăng thì việc đó tội không nặng, ở đây một người biết Phật Pháp Tăng đã học rồi nhưng mà vì tà kiến của mình mà đi theo ngoại giáo để phỉ báng lại Tam Bảo, thì người đó tương đương với một giới luật ở trong đạo Phật gọi là bất cộng trụ, tức là một điều không có cứu vãng được, thì người này sau này có sám hối đi nữa thì sự sám hối đó chỉ là một sự sám hối mảy may nhưng mà họ không có bao giờ có thể thành tựu lại được tam qui của mình.

Ở đây là một trường hợp rất tế nhị, một trường hợp rất đặc biệt khi đề cập đến trong luật cư sĩ.

Và thưa qúi vị, có một sự xúc phạm đến Tam Bảo khác mà ở đây đạo hữu Anidhaparami nói về sự vô ý phạm đến Tam Bảo, vô ý phạm đến Tam Bảo là trong trường hợp chúng ta học pháp mà chúng ta học sai, chúng ta diễn giảng sai lạc đi thì chúng ta tụng bài Uttamangena vandeham., tụng bài đó để xin sám hối nghiệp mà vô ý, mình có thành tâm thiện ý để diễn giảng Phật Pháp, nhưng mà mình đã diễn giảng một cách sai lạc bởi vì mình không đủ kiến thức để diễn giảng Phật Pháp, thì mình xin sám hối, thì chuyện này hoàn toàn mang một ý nghĩa khác.

Như vậy trong trường hợp phạm đến Tam Bảo chúng tôi chia ra ba phần như trên để qúi vị thấy rõ ./.

Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 145

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ