Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 140: Thế nào gọi là đứt tam qui?

. (Câu hỏi ngày 29 tháng 5 năm 2003 buổi giảng kinh Pháp Cú kệ 78, rơom Diệu Pháp )

TT Giác Đẳng: Rất ngạc nhiên nếu chúng tôi nói với qúi vị là tam qui rất dễ đứt, và chúng ta là người Phật tử thì phải hết sức cẩn thận với tam qui của mình. Chúng tôi hồi nãy có nói với qúi vị rằng trong một cái nhìn nào đó thì người ta thường nghĩ rằng ngũ giới quan trọng hơn tam qui. Thật ra ngũ giới khiến chúng ta tránh được những ác nghiệp, nhưng nếu chúng ta đứt tam qui hay phạm phải tam qui của mình thì đó là sự tổn hại rất lớn với đời sống tu tập của mình. Thành ra nếu trong trường hợp một người không thể giữ ngũ giới được thì họ vẫn còn là Phật tử, nhưng một người mà không thành tựu tam qui thì người đó không gọi là Phật tử được.

Thế nào gọi là đứt tam qui? Chúng ta là một người đã qui y Phật nhưng mà rồi cái niềm tin đó không trọn vẹn, gặp Phật thì cũng lạy, gặp tượng thiên thần qủi vật gặp cái gì cũng theo, cũng lạy, cũng cả tin hết, đó là chúng ta không thành tựu lòng tin ở Đức Phật. Chúng ta tin vào giáo pháp nhưng cái niềm tin nhân quả nó không phải là cơ sở của chúng ta, nó không phải là căn bản của chúng ta, tin nhân quả là khi nào qúi Thầy nói thì qúi vị cũng nghe, qúi Thầy nói qúi vị cũng gật đầu, nhưng ra bên ngoài những chuyện mê tín, chuyện gì mà không dựa trên tinh thần nhân quả thì chúng ta cũng tin theo, và điều này nó khiến cho niềm tin của chúng ta đối với pháp bị tổn giảm đi hay bị mất đi. Có thể nói một điều như vầy là tà kiến và chánh kiến hết sức quan trọng với một vị tu sĩ. Chúng tôi nhớ hồi nhỏ khi chúng tôi sống ở gần Sư Cậu tức là Sư Trưởng thì Sư Trưởng thường nói một câu là "một vị tăng sĩ mà có những hạnh kiểm không được tốt vì tham vì sân thì như vậy khả dĩ còn có chỗ chữa được, nhưng nếu vị tu sĩ mà có tà kiến thì đó là một tổn hại lớn hầu như là bất trị" Tà kiến là cái rất là dễ sợ thưa quí vi.

Đối với người Phật tử bình thường thì họ quan niệm rằng cái tri kiến, cái nhìn của mình về đời sống nó chỉ là cái nhìn thôi, cái nhìn là cái nhìn thôi, mà những hành vi của chúng ta mới là vấn đề quan trọng, nhưng mà quả thật thì ở trong Bát Chánh Đạo Đức Phật Ngài đề cập đến chánh kiến là một đầu, cái đức tin nó là một trong những cơ sở rất lớn và rất quan trọng của bất cứ ai muốn tu tập.

Nên chi đạo hữu Hồng Lộc có hỏi về ý nghĩa thế nào mới gọi là bị đứt tam qui? Thì chúng tôi phải trả lời với qúi Phật tử như vầy là; ở trên phương diện tu tập chúng ta phải rất cẩn thận, hãy đặt niềm tin của mình đúng chỗ và niềm tin gọi là tịnh tín, một niềm tin trọn vẹn. Và chỉ có người nào gọi là thành tựu được niềm tin, gọi là "tín thành tựu" thì người đó mới được xem như đã có một bước đi đầu tiên gọi là vững trãi trên đường tu tập. Chúng tôi nhắc lại một lần nữa là chúng ta nên thường tâm niệm về sự qui y của mình, những câu là "con qui y Phật, con quy y Pháp, con quy y Tăng, Buddham. saran.am. gacchāmi, Dhammam. saran.am. gacchāmi, Sangham. saran.am. gacchāmi," nên lập đi lập lại nhiều lần, đó là nơi nương tựa về đời sống tinh thần là căn bản của mình.

Người Phật tử nhất là người Phật tử Việt Nam rất hời hợt về điểm này, và có lẽ chính vì quan niệm về hoà đồng các tôn giáo hay quan niệm về đạo nào cũng tốt, đôi lúc chúng ta quên hẳn rằng chúng ta đã không minh định được niềm tin của mình. Và thái độ hoà đồng tôn giáo, cái việc đó chỉ nên đặt trên khuôn khổ của sự bao dung, có nghĩa là một người có niềm tin Phật Pháp Tăng thì có thể tin rằng cũng việc làm bố thí đó, nếu một người bố thí vì lòng bi mẫn thì cho dù người đó ở đạo nào đi nữa thì lòng bố thí cũng có giá trị, cái đó là tinh thần bao dung, có nhiều đạo họ đi đến cực đoan rằng điều thiện chỉ có đạo của mình làm thì thật sự mới có giá trị, đạo của người khác người khác họ làm thì không có giá trị, thì thưa qúi vị cái nhìn đó đối với Đạo Phật không có chính xác, bởi vì ở trong tôn giáo nào, đạo giáo nào mà con người có thể thể hiện được cái thiện hạnh của mình và trong sự thể hiện thiện hạnh đó có thể nói rằng thể hiện bằng lòng bi mẫn hay bằng một thiện trí thì tất cả điều đó có lợi lạc hết. Tuy nhiên nói theo A Tỳ Đàm thì một việc làm mà đi với trí tuệ về thiện pháp nó có một giá trị lớn, có quả lớn, nhưng nếu một ác nghiệp mà đi với tà kiến thì cái ác nghiệp đó nó lại tạo ra rất nhiều quả nặng về sau này. Nên chi với người Phật tử đối với điều mà chúng ta gọi là tam qui là phải đặt biệt lưu ý, chúng ta phải hết sức là cân nhắc cẩn thận về điều này ./.

Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 140

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ