Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 14): ChanBinhAn hỏi: Bạch Sư cho con hỏi về giới thứ sáu (không ăn sai giờ), nguyên nhân nào Đức Phật đưa ra giới thứ sáu. Và là người Phật tử giữ bát quan trai giới giống như tu nữ có được không? Kính xin Sư dạy cho con rõ.

(Câu hỏi được hỏi trong rơom Giảng Đường Diệu Pháp, ngày 20 tháng 01 năm 2008)

TT Chí Tâm: Ở đây chúng ta sẽ giải thích hai phần: Phần thứ nhất giới thứ sáu là không ăn sái giờ, phần thứ hai giữa người Phật tử có thể giữ bát quan trai giới giống như tu nữ được không?

Phần thứ nhất: giới thứ sáu là không ăn sái giờ: Chúng ta biết rằng trước khi Bồ Tát Sĩ Đạt Đa được sanh ra đời thì tại Ấn Độ giới không ăn sái giờ cũng đã xuất hiện rồi, do đạo Bà La Môn đã gìn giữ giới này. Khi Đức Thế Tôn thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác và Ngài dạy cho hàng tứ chúng là tỳ khưu, tỳ khưu ni, thiện nam, tín nữ, thì giới thứ sáu này cũng rất quan trọng, tại vì khởi đầu Chư Tăng cũng vẫn ăn chiều, Đức Phật biết rằng giới ăn chiều là một chuyện rắc rối làm trở ngại cho sự tu tập, nhưng Ngài không vì đó mà Ngài đưa ra điều cấm chế, nhưng giới luật đưa ra là do những vị nào có sai phạm và từ chỗ đó có người chỉ trích thì Đức Thế Tôn nhân cơ hội đó Ngài mới đưa ra điều luật cấm chế, tuy Ngài đã biết nhưng Ngài không thể nào độc tài để cấm chế là các vị Chư Tăng không được ăn chiều. Thì câu chuyện này khi xin giới cũng không rõ mấy nhưng vì một vị tỳ khưu vì đi bát ban chiều thì do trời mưa sấm sét trời nháng lên nháng xuống, có một số dân họ thấy như vậy họ la lên là "qủi". Rồi vị này mới nói "Không, tôi không phải là quỉ, tôi đây là vị tăng sĩ đi trì bình khất thực." Thì những người đó mới mắng chửi là "Ông hãy về đi, ông cắt ruột ông cho rồi chứ ông đi chi ban chiều tối mà trời nhá nhem sấm chớp như vậy làm giống như quỉ ma." Câu chuyện này đến tai Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn nhân cơ hội đó Ngài mới nói Chư Tăng là không được phép ăn chiều, đó là sự kiện mà chúng ta thấy rằng xuất hiện giới thứ sáu là do có người phạm cho nên Đức Thế Tôn mới đề cập.

Phần thứ hai: Là người Phật tử có được giữ bát quan trai giới giống như tu nữ không? Thì ở đây giới bát quan trai giới không phải dành riêng cho tu nữ mà giới bát quan trai giới này dùng riêng cho hàng Phật tử, thì hàng Phật tử thì có Upàsikas và Upàsakas,hay gọi là cận sự nam cận sự nữ. Bây giờ hệ phái Nam Tông không còn Bhikkhuni nhưng vẫn có tu nữ, tuy nhiên tu nữ không hẳn là Bhikkhuni, có nghĩa là không hẳn là tỳ khưu ni, tu nữ là tu nữ, tỳ khưu ni là tỳ khưu ni. Do đó chúng ta phải xác định rằng giới bát quan trai giới này chỉ dành cho hàng Phật tử, và hàng Phật tử thì không phân biệt là tu nữ hay Phật tử. Người Phật tử trong một tháng có tám ngày bát quan trai giới nếu ai có sắp xếp được thời gian thì thọ trì trong những ngày 5, 8, 14, rằm, 20, 23, 29, 30, nếu tháng thiếu không có 30 thì 28 và 29, đó là tám ngày bát quan trai giới mà người Phật tử hay là các vị tu nữ phải gìn giữ, nhưng ở đây hơi khác biệt là người Phật tử thì chỉ thọ trì một ngày một đêm, nhưng các cô tu nữ thì có thể họ gìn giữ trong quá trình họ tu tập, là có thể họ xin thọ trọn đời, còn Phật tử thì thọ ngày, đêm tức là chỉ có một ngày một đêm mà thôi. Nếu người Phật tử thọ thêm ngày rước ngày đưa nữa tức là thay vì ngày 5 là ngày chính thức thọ trì bát quan trai giới nhưng mà ngày rước mùng 4 chúng ta xin thọ trì và ngày chính thức là ngày mùng 5. Ngày đưa là ngày mùng 6, thì thời gian này nó cũng chiếm gần hết một tháng trong sự gìn giữ bát quan trai giới.

Ở đây Sư giải thích hơi vòng vo nhưng qúi vị thấy rằng giới bát quan trai giới không phân biệt người tu nữ hay Phật tử, tu nữ cũng vẫn giữ được và Phật tử cũng vẫn giữ được, người tu nữ không hẳn các vị ấy phải buộc là suốt cuộc đời tu phải gìn giữ bát quan trai giới, các vị ấy gìn giữ ngũ giới vẫn được. Tại vì tu nữ là tập sự, là tạo nhân xuất gia rời bỏ gia đình vào hàng gọi là tu chứ chưa gọi là bốn cái tứ chúng tức là tỳ khưu ni. Không gọi được cho nên đối với tu nữ ở bên Nam Tông thì phải nói thiệt thòi nhiều lắm, các vị tu nữ cũng không được mang bình bát đi khất thực tại vì không có tăng tướng của Bhikkhuni, nên không có bình bát để ôm đi khất thực. Nhưng vì có khó khăn cho nên có nhiều chùa cho phép hàng tu nữ được đi khất thực khi có những chùa tổ chức lễ bát hội có đi khất thực thì chư tăng cho lịnh thì các vị tu nữ phải nghe lời.

Nếu căn cứ theo điều luật thì tu nữ không có y bát vì không phải là Bhikkhuni cho nên không được phép đi khất thực, nhưng nếu Chư Tăng cho phép thì các vị ấy được phép, đó là đôi lời Sư xin giải thích câu hỏi là như vậy./.

 

 


Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 14

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ