|
Câu Hỏi 139: Bổn phận của người Phật tử đối với Tam Bảo như thế nào?
.
(Câu hỏi ngày 29 tháng 5 năm 2003 buổi giảng kinh Pháp Cú kệ 78, rơom Diệu Pháp )
TT Giác Đẳng: Thông thường thì trên phương diện đạo chúng ta hay nói đến chữ bổn phận, thật ra khi dùng chữ bổn phận chúng tôi rất miễn cưỡng về điều này. Trong Phật giáo có những từ rất đẹp nếu qúi vị Phật tử để ý, ví dụ như những đạo khác khi nói đến những tín đồ thì họ gọi đó là con chiên, và những vị lãnh đạo thì họ gọi là những người chủ chăn như trường hợp của Thiên Chúa giáo, còn bên Phật giáo thì dùng chữ Phật tử, Phật tử là con của Đức Phật và khi dùng đối tượng tôn kính thì chúng ta dùng chữ Ratana gọi là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Phật Pháp Tăng như là những ngôi báu, là những gì mang lại lợi lạc thù thắng cho đời sống của mình.
Khi mà nói như vậy thì chữ bổn phận thật sự không có quá quan trọng để chúng ta đặt ra ở đây, mà ở đây chúng ta chỉ nói đến cái lợi ích và sự cảm nhận lợi ích đó, nếu chúng ta nhìn thấy lợi ích đó thật sự thì chúng ta sẽ không thấy đó là một bổn phận, mà chúng ta sẽ đặt câu hỏi rằng làm sao để chúng ta có thể thấm nhuần được cái ân của Tam Bảo, có thể đi tìm thấy cái lợi lạc của những ngôi báu đó.
Thì thưa qúi Phật tử với tất cả chúng ta những người tu Phật khi đã chọn Tam Bảo là nơi nương tựa của mình thì chúng ta phải ý thức được một điều rõ ràng rằng trong thái độ lựa chọn đó hết sức quan trọng để chúng ta có thể thật sự là lựa chọn thật sự là gần với Tam Bảo. Một người Phật tử đúng nghĩa một Phật tử thì người đó sẽ gọi cho mình là Upasaka nếu là người nam và Upasika là một người nữ, tức là mình nhận mình là Ưu bà tắc hay là một Ưu bà di trong chữ Hán. Chữ Ưu bà tắt, Ưu bà di hay là Upasaka hay Upasika dịch là cận sự nam và cận sự nữ, có nghĩa là một người thân cận gần với Tam Bảo, là những người dùng theo chữ đúng là "chữ sát cánh" đối với Tam Bảo. Thì chữ sát cánh đó chỉ trong sự hợp tác thôi. Nhưng mà chữ "gần" ở đây nói lên ý nghĩa là có khả năng, có tư cách, và có điều kiện để gần với Phật, Pháp, Tăng.
Tại vì gần đó là với một niềm tin gọi là tịnh tín, tịnh tín tức là niềm tin trong sạch, niềm tin đầy đủ. Thế nào gọi là một niềm tin trong sạch trọn vẹn? Bây giờ nếu chúng ta vào chùa gặp Phật cũng lạy, gặp thiên thần qủy vật cũng lạy, chùa nào cũng lạy, miếu nào cũng lạy, thì điều đó chúng ta tin Phật nhưng mà Đức Phật chỉ là một trong nhiều thứ, một ở trong những thứ mà chúng ta gọi là có đối tượng để tôn kính, có đối tượng để thờ phượng không hơn không kém thì niềm tin như vậy chưa phải là niềm tin trọn vẹn. Khi chúng ta là một người Phật tử đã qui y Phật và thấy rằng Đức Phật thật sự là một vị Đạo Sư Tối Tôn Tối Thượng ở trong cuộc đời và chúng ta chọn Đức Phật là vị đạo sư của mình, là vị dẫn đạo con đường tu tập của mình thì lúc đó ngoài Đức Phật ra chúng ta sẽ không chọn một thứ gì khác. Như trường hợp chúng ta không thể ở dưới hai ngôi nhà, và nếu chúng ta phải lựa chọn thì chúng ta sẽ lựa chọn ngôn nhà nào mà ngôi nhà đó khả dĩ an toàn, ngôi nhà khả dĩ tốt đẹp và chúng ta lựa chọn đây là nơi mà chúng ta muốn gởi thân, đây là nơi mà chúng ta muốn tìm sự nương tựa.
Thì thưa qúi Phật tử, đối với pháp lời dạy của Đức Phật cũng vậy, nếu chúng ta thật sự là cận sự nam cận sự nữ ở trong hình thức gọi là có hiểu biết thì chúng ta qui y Phật là bởi vì chúng ta thấy được sự lợi lạc của chánh pháp, và chánh pháp có một hướng đi rõ ràng trong đời sống của chúng ta, chúng ta qui y pháp thì chúng ta phải biết lựa chọn thế nào là pháp của Đức Phật thật sự, và thế nào là điều không phải pháp của Đức Phật.
Có một câu nói mới nghe thì rất hay nhưng ở trên thực tế thì rất tai hại khi người ta nói rằng "đạo nào cũng tốt". Khi nói đạo nào cũng tốt thì điều đó là thái độ mà chúng ta hoàn toàn không có một thái độ phân biệt rõ ràng thế nào là lời dạy của Đức Phật, và thế nào không phải là lời dạy của Đức Phật, thế nào là chánh pháp, thế nào là phi pháp, mà chỉ là một thái độ ẩm ờ, thái độ đó là một thái độ khiến cho chúng ta không minh định rõ cái đức tin của mình.
Chúng ta lấy ví dụ là một niềm tin chân thật của người Phật tử là niềm tin dựa trên lý nhân quả, lý nhân quả có nghĩa là nếu chúng ta muốn được phước lành, nếu chúng ta muốn được sự an lạc thì chúng ta phải có một thể hiện thiện pháp trong đời sống này, và rồi nếu mà trong quá khứ chúng ta đã tạo những bất thiện nghiệp, những bất thiện nghiệp đó có khi tránh được, có khi không tránh được, thì khi nó xảy ra chúng ta cũng chấp nhận, không phải vì phải trả những quả nghiệp trong quá khứ mà chúng ta bất mãn hay là chúng ta đi tìm qua một niềm tin khác. Chúng ta thấy vô số trong đời này có những đạo giáo họ hứa những lời rất hảo huyền thí dụ như là đây là đấng mà qúi vị có thể tin tưởng được hãy cầu nguyện đi hãy theo ngài đi.
Chữ "bổn phận" ở đây có thể được dùng rất là tương đối, bởi vì đối với chúng ta, chúng ta gọi Phật là một ngôi báu, Pháp là một ngôi báu, Tăng là một ngôi báu. Đã là ngôi báu thì là nguồn lợi lạc, và chúng ta có thể đến đó để tìm sự lợi lạc, nói như vậy thì chúng ta nói chữ "bổn phận" có hơi nặng. Và một người mà thật sự muốn tìm về với đạo, muốn tìm thấy hạnh phúc ở trong cuộc sống tu tập của mình thì không có gì hơn là minh định rõ niềm tin của mình, thế nào là tin Phật, thế nào là tin Pháp, thế nào là tin Tăng. Và khi chúng ta đã minh định rõ thì chúng ta sẽ thực hành để đạt đến một kết quả đầu tiên, kết quả đó Đạo Phật gọi là tín thành tựu. Tín thành tựu có nghĩa là sự thành tựu về niềm tin thật trọn vẹn. Thì hồi nãy chúng tôi có đề cập đến qúi vị là có thể một người học rất nhiều và tu rất nhiều nhưng niềm tin của mình chưa có xác tín, tức là chưa có rõ ràng thì vẫn còn là một người chưa có được giai đoạn đầu là thành tựu về lòng tin được. Do vậy nếu qúi vị hỏi chúng tôi cái gì cần làm khi chúng ta nghĩ đến Tam Bảo thì việc đầu tiên chúng tôi nghĩ rằng chúng ta phải thành tựu niềm tin, niềm tin thật sự thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng, nếu chúng ta tin vào pháp của Đức Phật mà chỉ nghe pháp như là quá hay thôi, không phải là thái độ lựa chọn nhất là áp dụng được lý nhân quả cái tinh thần của tứ đế trong đời sống thì chúng ta vẫn còn rất là xa. Đó là một vài trả lời cho câu hỏi "Bổn phận đối với Tam Bảo."
Có một câu hỏi nữa là: Một người Phật tử có thể nghe pháp qua hai vị Thầy và Sư không?
Ở đây khi chúng tôi nói về việc đó ý chúng tôi muốn đề cập đến hình ảnh của Đức Phật, nếu chúng ta chọn lựa niềm tin ở Đức Phật mà chúng ta vẫn tin những thiên thần qủi vật, chúng ta vẫn tin những vị giáo chủ khác thì như vậy đó là niềm tin của chúng ta nó phân lập, niềm tin của chúng ta không có trọn vẹn, chúng ta chưa thành tựu được niềm tin của mình. Còn việc mà một Phật tử có thể học và có thể nghe pháp của vị này vị kia thì việc đó là việc bình thường thôi. Tuy vậy chúng tôi cũng phải nói ở tại đây là nếu chúng ta thật sự muốn theo đuổi một môn học nào hay một pháp môn tu tập nào thì chúng ta cũng phải xác định lại cái niềm tin của mình cho được trọn vẹn. Về một điểm rất là khó nói đối với người Phật tử là thường thường người Phật tử hay nói đến tam qui và ngũ giới, thật ra một người Phật tử có thể không giữ ngũ giới nhưng vẫn là Phật tử, nhưng một người mà không thành tựu được tam qui thì người đó không thể gọi là một Phật tử được, tại vì tam qui là cái gì hết sức là quan trọng./.
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 139
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|