Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 137: Ý nghĩa các chữ viên tịch, cầu siêu và hồi hướng công đức.

. (Câu hỏi ngày 27 tháng 5 năm 2003 buổi giảng kinh Pháp Cú kệ 76, rơom Diệu Pháp )

TT Giác Đẳng: Nhân buổi lễ cầu siêu ngày hôm nay liên quan đến sự ra đi của Ngài Bửu Hạnh chúng tôi cũng muốn nhân dịp này để chia sẻ với qúi Phật tử một vài điều liên quan đến buổi lễ cầu siêu và tưởng niệm cho Chư Tăng. Thật ra thì chúng ta quen trong cách nói của người Việt Nam đôi lúc chúng ta có một số từ ngữ mà có vẻ như là lạm dụng, và đôi lúc chúng ta lại dùng không có chính xác, nhưng mà rồi bởi vì nó trở thành thường thức ai cũng sài như vậy lâu ngày thì chúng ta lại quen.

Chúng tôi lấy một ví dụ là ngày xưa như chữ "viên tịch" là dành cho Đức Phật và các vị Thánh Đệ Tử đã đạt đến quả vị vô sanh. Những vị Thánh Đệ Tử đạt đến quả vô sanh nghĩa là vị đó hoàn toàn giải thoát chứng đạt được quả vô dư Niết-bàn thì mới dùng chữ "viên tịch". Nhưng ngày hôm nay thì chúng ta vẫn dùng chữ đó để chỉ cho Hoà Thượng A hay Thượng Tọa B hay một vị Thầy nào đó vừa mệnh chung thì chúng ta đều dùng chữ "viên tịch". Mặc dầu chữ "viên tịch" nghĩa chính là một sự "tịch lặng hoàn toàn" ở đây chỉ cho "Niết-bàn" chỉ cho một sự chúng ta nói cho đúng là "viên tịch Niết-bàn".

Rồi chúng ta lại có một vài từ nữa, ví dụ chúng ta dùng chữ cầu siêu, chúng tôi nghĩ rằng chữ cầu siêu đã quen thuộc với tất cả chúng ta, một người nào đã mất thì chúng ta làm buổi lễ cho người đó, chúng ta gọi là lễ cầu siêu. Siêu có nghĩa là chúng ta mong cầu một người ra đi từ cõi trần gian này để vãng sanh về một cõi một cảnh nào đó. Chúng ta gọi là cầu siêu chẳng hạn là cầu cho một người được siêu sinh. Nhưng thật sự ở trên thực tế thì với người Phật tử một trong những hình thức mà chúng ta mong cầu cho những vị Tăng vừa mệnh chung có lẽ thích hợp nhất là chúng ta mong cầu cho các vị sớm đắc đạo chứng quả.

Thưa qúi Phật tử, chúng tôi muốn chia sẻ một điều này là khi qúi vị sang Tích Lan, người Tích Lan họ thường có một câu mà nó không hợp với người Việt Nam mình, người Tích Lan ngay cả trong ngày sinh nhật của chúng ta đi nữa, ví dụ như qúi vị có ngày sinh nhật mời người ta đến và câu chúc lành họ chúc chúng ta là "sớm chứng đạt được Niết-bàn". Sớm chứng đạt được Niết-bàn, người Việt Nam của chúng ta mà nghe nói sớm chứng đạt được Niết-bàn thì chúng ta lại nghĩ rằng chắc là sắp tịch đến nơi rồi do đó mới nghĩ đến là sớm chứng Niết-bàn. Nhưng ở trong văn hoá Tích Lan thì sớm chứng Niết-bàn là từ ngữ rất đẹp, nó không phải là cầu nguyện cho mình chết đi mà cầu nguyện cho người đó sớm được giác ngộ giải thoát. Và giác ngộ giải thoát ở đây thì cái chuyện sống hay chết không thành vấn đề, nghĩa là giác ngộ là quan trọng, cái thường thức thì nó cũng ra nhiều như vậy.

Và thường thường trong cách ở chùa một cách cung kính của một người Phật tử đối với nhà Sư hay một vị Sư nhỏ đối với vị Sư lớn thì chúng ta không cầu cho vị đó tu hành tinh tiến, như trường hợp trong rơom có Sư Trưởng chẳng hạn, Sư Trưởng là vị Thầy của chúng tôi và cũng là vị Sư lớn thì chúng tôi không thể nói là cầu mong cho Sư tu tập được sự tinh tấn, đó là cách lịch sự trong đạo. Ở trong đạo thì mình chỉ mong cho các Ngài "Phật sự được viên mãn" hay là cầu mong cho các Ngài "sớm thành đạo quả" như vậy thôi. Chúng ta không dùng chữ cầu cho các vị tu hành tinh tấn, chữ đó thường dành cho những vị lớn đối với vị nhỏ hơn mình, đó là sự lịch sự chứ không phải trong kinh điển.

Lại thêm một cách khác ở đây là liên quan đến hồi hướng công đức. Khi chúng ta nói hồi hướng công đức thì chúng ta thường nghĩ rằng chỉ hồi hướng cho những người đã mất thôi. Đúng ra thì theo trong tinh thần Phật pháp cho dù chúng ta sống ở cảnh giới này hay chúng ta sanh về bất cứ cảnh giới nào thì cũng là một chúng sanh thôi, và trong cái nhìn thường thức thì có kẻ âm, người dương, kẻ sống, người chết. Nhưng trong cái nhìn tuyệt đối của kinh điển thì ở trong tam giới ở trong 31 cõi tử sanh này, dầu chúng ta sanh ở cõi này hay cõi khác thì chúng ta là một chúng sanh. Ở trong đời này thì có những chúng sanh thọ nhận được phước lành, có những chúng sanh không thọ nhận được phước lành, nhưng khi chúng ta bằng thiện chí của mình đem tất cả phước lành gì mình đã tạo để nguyện hồi hướng cho một người nào đó và ở đây đối với một vị Tôn Trưởng, đối với một bậc Thầy, một người lớn thì chúng ta thường dâng phước báu của chúng ta đến những vị đó. Đó là một cách nói phải chăng của người Phật tử.

Và trong những buổi lễ như vậy thì có thể nói rằng người ta thường hỏi rằng danh từ nào là danh từ thích hợp nhất để dùng cho một vị Hoà Thượng hay là một vị Tôn Túc vừa mệnh chung, thì chúng tôi thường trả lời rằng chúng ta có nhiều cách, nhưng một chữ chúng ta thường dùng đó là lễ tưởng niệm, ở trong lễ tưởng niệm này thì chúng ta có hồi hướng công đức, chúng ta có dâng phước báu đã làm đến cho các Ngài.

Buổi lễ cầu siêu thì có nhiều người lại rất nhạy cảm là bởi vì ở trong nền văn hoá của Việt Nam có hai quyển sách, hai quyển sách này tuy không phải là kinh Phật và được viết hoàn toàn là do người Trung Hoa được lưu truyền đến dân gian nhưng lại ảnh hưởng người ta rất là lớn đó là quyển "Hồi dương nhân quả" và quyển "Ngọc lịch minh kinh". Trong quyển "Hồi dương nhân quả" này người ta đề cập đến có những người sau khi chết đi vào thế giới bên kia đó là ngôn ngữ thường tình, và đi vào cõi chết thì họ đi xuống dưới âm phủ chỗ Diêm Vương, và họ đã chứng kiến cái tiến trình chết đi và tái sanh lại, thì trong tiến trình đó người ta thường nghĩ rằng tất cả mọi người ở trần gian này chết đi rồi thì trạm đầu tiên phải đi qua đó là phải đi vào địa ngục, sau khi đi vào địa ngục thì sẽ nhận được sự phán xét của Diêm Vương, sau khi nhận được sự phán xét của Diêm Vương nếu có tội thì phải quăng vào địa ngục phải đầy vào 18 tầng địa ngục, và nếu có phước thì sẽ được quỉ sứ dẫn đi đầu thai làm người hay sanh vào làm chúng sanh ở trong cõi khác. Thì như vậy mỗi lần mà thân nhân của mình mà chết đi thì chắc chắn vào trong địa ngục trước để nhận sự phán xét và vì vậy chúng ta mới làm cái lễ gọi là lễ cầu siêu. Lễ câu siêu này là lễ cầu nguyện để được siêu thoát, chúng ta cầu với Diêm Vương, cầu với Thập Điện Phán Quan cho những vong linh được siêu thoát. Và vì vậy bản thân cá nhân của chúng tôi đôi khi hơi có một chút nhạy cảm đối với chữ cầu siêu. Và chữ cầu siêu dành cho các vị Tôn Túc tiền bối thì nó cũng là một chữ chúng ta phải rất là cẩn thận. Mặc dù thường tình người ta thường dùng những chữ đó.

Hay là chúng ta cũng có một chữ khác dùng cho chữ gọi là đầu thai, chữ đầu thai cũng là chữ quen thuộc nhưng nó lại không chính xác. Thưa qúi vị hồi còn nhỏ chúng tôi ở miền quê người ta thường hay nói rằng nếu mình đi ngang cái sào phơi quần áo hay có ai lấy cây chổi đập đầu mình thì mình không đầu thai được. Nghe chuyện đó thì ai nói sao thì mình nghe như vậy thôi. Nhưng theo trong kinh Phật thì có bốn loại chúng sinh gọi là noãn, thai, thấp, hóa.

Sanh ở trong trứng gọi là noãn thai.
Sanh ở trong bào thai thì gọi là thai sinh.
Sanh ở nơi ẩm thấp thì gọi là thấp sinh.
Sanh làm các vị Chư Thiên hay làm một số các loài phi nhân gọi là hoá sinh.

Thì noãi thai thấp hoá này, chỉ có một loại trong bốn loại đó là thai sinh, tức là sinh vào thai bào mà thôi.

Người ta nói đến chuyện đầu thai, ở đây có hai điểm không có chính xác:

Thứ nhất là không phải tất cả ai chết đi sanh lại đều là sanh vào thai bào hết. Hồi nãy chúng tôi nói rằng có bốn loại là noãi, thai, thấp, hoá, chứ không phải chỉ có thai bào không. Và chữ đầu thai nó cũng cho chúng ta cái cảm giác là con người có một linh hồn đi từ cái thế giới này rồi nhập qua thế giới khác, chứ không phải là một cái giòng tâm thức mà các tâm thức đó nó được khởi đầu bằng kiếp sanh thức và chấm dứt cũng bằng tâm tử của kiếp sanh thức, nó có vẻ nặng về thường kiến hơn. Nên chi về điểm này là điểm rất tế nhị ,chúng tôi ít có dùng chữ đầu thai, và thật sự là chúng ta sài chữ này phải rất cẩn thận. Và chúng ta vẫn quan niệm rằng một người chết đi mà không có sanh được trở lại làm người, chết đi mà không có sanh được trở lại thì chúng ta trở thành một chúng sanh vất vưởng vô hình, nhưng mà chúng sanh này ở trong thời kỳ Trung Ấm nghĩa là không phải là một chúng sanh nó chỉ là một cái mà chúng ta nói là một trạng thái giữa hai kiếp sống.

Thì trong đạo Phật và lời dậy của Đức Phật mà chúng ta được biết là con người của chúng ta sống ở trong bất cứ trạng thái nào, ở trong bất cứ thời điểm nào, thì chúng ta đều là một chúng sanh đúng nghĩa với chữ một chúng sanh.

Thật ra sở dĩ chúng tôi phải nói điểm này để qúi vị Phật tử thấy một điểm là đạo Phật nói nhiều về sự chết, chúng tôi nói đạo Phật chứ chúng tôi không nói Phật pháp, chữ đạo Phật ở đây chúng tôi nói chung là kể cả văn hoá của Phật giáo, kể cả Phật tử, kể cả các sinh hoạt gì xa gần liên quan đến Phật giáo, thì ở trong đạo giáo này chúng ta nói nhiều về cầu siêu. nói nhiều về sự chết. nói nhiều về tái sanh. Nhưng chúng ta cũng có vô số sự ngộ nhận ở trong đó, và những ngộ nhận này có nhiều cái ngộ nhận mà nó rất là tai hại, nó ảnh hưởng lớn đến cái nhìn chung của chúng ta về Phật Pháp.

Ví dụ hồi nãy chúng tôi có đề cập đến câu chuyện trong quan niệm ảnh hưởng bởi quyển "hồi dương nhân quả" và "Ngọc lịch minh kinh" thì trong quan niệm của hai tác phẩm này cứ đưa quan niệm rằng tất cả mọi người chết đi cái trạm đầu tiên phải đi qua là phải sanh vào địa ngục, hay là chết đi rồi quỉ sứ dẫn chúng ta đi vào địa ngục, rồi qua địa ngục phán xét rồi chúng ta mới được sanh vào cõi khác, và trước khi sanh thì phải ăn cháo lú v.v... Chúng tôi xin thưa rằng đó là quan niệm hoàn toàn là của Trung Hoa.

Quan niệm nhân quả của đạo Phật là một quan niệm nhân quả rất là thiên nhiên rất là tự nhiên, nghĩa là con người bị mất đi là theo cái nghiệp của mình đưa đẩy đi tái sinh chứ không phải qua bất cứ một sự phán xét nào./.

 Đó là câu trả lời của chúng tôi.

Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 137

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ