Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 131: Kính thưa Sư làm thế nào để sống một cuộc đời đầy đủ để chuẩn bị cho cái chết mà không bỏ mất đi thời gian qúi báu vì ta không thể có một ngày đến hai lần.

. (Câu hỏi ngày 18 tháng 5 năm 2003 buổi giảng kinh Pháp Cú kệ 63, rơom Diệu Pháp )

ĐĐ Uyên Minh: Kính thưa qúi vị có một cách duy nhất để tận dụng từng phút từng giây của đời sống này chính là sự tỉnh giác trong từng giây từng phút. Nói một cách chuyên môn hơn, đời sống của một hành giả Tứ Niệm Xứ chính là đời sống trọn vẹn nhất, tranh thủ từng phút từng giây. Mình khác xác chết ở một chỗ là mình có đi, có đứng, có nằm, có ngồi, nhưng nếu mình không có tỉnh thức thì mình sẽ giống xác chết ở chỗ đi đứng nằm ngồi mà không biết mình đi đứng nằm ngồi, như vậy thì mình chỉ khác xác chết là mình có nhúc nhích, có cử động, có ăn, có uống trên hình thức nhưng về nội dung thì mình không biết mình làm cái gì hết. Điều khác biệt giữa một Phật tử có tu tập thiền quán có tu tập chánh niệm, với một người không có tu tập ở chỗ là sống biết mình sống, hít thở biết mình hít thở tùy theo căn duyên mỗi người. Có người thì thích hợp với sự tỉnh giác trong hơi thở, có người thì thích hợp với sự tỉnh giác ở trong tâm trạng, có người thì thích hợp với sự tỉnh giác ở trong đời sống cảm thọ.

Đức Phật dạy mình bốn pháp niệm xứ tức là bốn căn bản để mà sống tỉnh thức.

Để trả lời câu hỏi này thì chúng tôi chỉ nói một cách vắn tắt là theo lời dạy của Đức Phật thì tất cả chúng sanh phải chịu sanh tử luân hồi chỉ một lý do duy nhất đó là nói mà không biết mình nói cái gì, làm mà không biết mình làm cái gì, suy nghĩ mà không biết mình suy nghĩ cái gì, không biết cái nghiệp đó, thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đó có hại cho mình, có hại cho người, có hại cho đời này, có hại cho đời sau hay không, mình không có biết. Chỉ vì cái không biết đó mà mình sanh tử luân hồi. Đó cũng là một cách nói không sai với Phật Pháp cho nên người mà sống trọn vẹn nhất đối với cuộc đời chính là người sống trong từng phút từng giây bằng sự tỉnh thức.

Chúng tôi nhắc lại sự tỉnh thức đó có thể là mình biết rõ mình đang buồn vui như thế nào, mình theo dõi cái buồn vui đó thôi không nghĩ đến chuyện khác, đó cũng là tỉnh thức, mình biết rõ tâm của mình đang thiện hay đang ác, đó cũng là một cách tỉnh thức, mình biết rõ mình đang trong tư thế nào, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, v.v.... mình biết rõ cũng là một cách tỉnh thức, mình biết rõ mình đang thở ra đang thở vào đó cũng là một cách tỉnh thức.

Cái gọi là đời sống thực ra chỉ là từng giây phút hiện tại mà thôi. Vì quá khứ là gì? Quá khứ là cái đã qua mà tương lai là cái chưa đến. Có một câu nói mà chúng tôi thường nhắc đi nhắc lại đó là người Tây Phương họ nói:

"Nếu một người mà trong từng giây phút không biết tự mỉm cười, không biết sống vui vẻ, thì suốt đời không bao giờ họ có thể sống vui vẻ được."

Bởi vì sao? Vì đời sống mang tiếng là sống 70 năm, 100 năm, thật ra nó chỉ là từng giâp phút hiện tại ráp nối lên mà thôi. Chúng tôi thường nói giây phút đã qua rồi nó không trở lại, cho nên nếu ngay giây phút hiện tại mà mình sống không an lạc cho mình, không an lạc cho người, thì đời đời suốt kiếp này mình không có thể nào mà mình sống an lạc được. Cho nên để sống trọn vẹn được đời sống này thì chúng ta cần phải tỉnh thức trong từng giây từng phút và cái tỉnh thức đó là tỉnh thức về cái gì thì chúng tôi cũng đã trình bày rồi. Tỉnh thức đối với từng cảm thọ với mình, tỉnh thức đối với từng tư thế lớn nhỏ của mình.

Người Tây Phương họ có một câu:

"Sống nhiều chưa hẳn là sống lâu, mà sống lâu chưa hẳn là sống nhiều."

Mình sống 100 tuổi đi nữa nhưng mà mình sống không tỉnh thức thì cái đó là sống lâu chứ không phải sống nhiều, còn nếu mình chỉ sống 20 tuổi hay 30 tuổi mà thôi nhưng mà trong sự tỉnh thức luôn luôn biết rõ mình làm gì nói gì, và những điều mình nói mình làm đó có lợi cho mình cho người, thì người đó cho dầu có 30, 40 tuổi thôi nhưng họ đã sống rất là nhiều, nhiều cho họ và cho người khác nữa, thì người như vậy được gọi là người sống tận dụng từng phút từng giây./.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 131

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ