|
Câu Hỏi 129: Kính thưa Thầy Phật giáo có tin vào thuyết số mệnh không? và xin Thầy giảng nghĩa chữ túc mệnh, định mệnh luận, và thiên mệnh luận.
.
(Câu hỏi ngày 05 tháng 8 năm 2003 buổi giảng kinh Pháp Cú kệ 50, rơom Diệu Pháp )
TT Giác Đẳng: Chữ định mệnh nghĩa là sự an bày và cái gì an bày rồi thì có nghĩa là không có thay đổi, thì Đạo Phật quan niệm rằng đời sống này là một sự kết cấu của qúa khứ và hiện tại, và khi nó là sự kết cấu quá khứ và hiện tại thì không có cái gì gọi là hoàn toàn cố định hết. Khi mà nói không có gì hoàn toàn cố định có nghĩa là nếu cha mẹ sanh ra chúng ta mà có một thể chất rất cường tráng điều đó cũng không có nghĩa rằng suốt cuộc đời còn lại của mình là lành mạnh hoàn toàn nếu chúng ta trong sự ăn uống không gìn giữ, nếu chúng ta sống bừa bãi trác táng mà không có ý thức rõ là cái gì nên ăn nên uống nên sống thì cơ thể của chúng ta vẫn vị đe dọa như thường. Và khi chúng ta nói đến định mệnh, chữ định mệnh ở đây là một sự an bày không có thể thay đổi được và theo trong đạo Phật thì cái gì gọi là định mệnh, nếu mà thật sự có định mệnh thì chúng ta không thể tu tập được, nghĩa là chúng ta không thể thay đổi bởi vì nó đã được an bày rồi, do đó Đạo Phật không nói đến định mệnh.
Thuyết về túc mệnh luận, chữ túc mệnh nghĩa là thuyết có đời trước, đúng ra quan niệm này là một quan niệm tương đối dựa trên câu nói là "Nếu có đời trước thì phải có đời sau", đó là câu nói của túc mệnh luận. Lấy ví dụ như là chúng ta sanh ra trong cuộc đời này có những khác biệt về tư chất, về cá tính, có những trẻ em còn rất là nhỏ lớn lên cùng một gia đình, cùng cha cùng mẹ cùng một bối cảnh sống nhưng có em rất là giỏi về toán, có em giỏi về văn, có em có thiên tư về âm nhạc. Thì khi mà nhìn thấy sự khác biệt và sự khác biệt trong thời thơ ấu như vậy người ta đi đến một kết luận rằng phải có một đời trước, sau đó thì đời này người ta sanh ra mới có sự khác biệt như vậy, và hễ tin có đời trước thì phải tin có đời sau, bởi vì có kiếp trước rồi có kiếp này thì sau kiếp này cũng phải có kiếp sau, điều đó chúng ta gọi là túc mệnh luận.
Thiên mệnh luận là quan niệm rằng mỗi một nhất cử nhất động trong đời sống của chúng ta đều nằm trong ý của thượng đế, nhất ẩm nhất các do thiên định chẳng hạn, chúng ta quan niệm cuộc đời là một sự sắp xếp qua một sự mặc khải mà chúng ta không hiểu được, chúng ta không biết được cuộc sống đưa đẩy, đạo Phật không nói đến thiên mệnh mà đạo Phật nói đến nghiệp mệnh.
Nghiệp mệnh tức là những hành vi thiện ác trong đời sống của chúng ta có để lại những hậu quả, và những hậu quả đó vốn dĩ là chúng ta không có biết rõ. Có những người nghĩ cuộc sống rất là tình cờ, nhưng mà quả thật nó chỉ là một cái quả được phát sanh từ cái nghiệp ở trong quá khứ. Do vậy trả lời câu hỏi về chữ định mệnh thì Đạo Phật không có nói đến thuyết về định mệnh, Đạo Phật có nói đến một phần của thuyết túc mệnh, nhưng chữ túc mệnh nói trong Đạo Phật thì phải rất là cẩn thận, là bởi vì những quan niệm đó có nhiều điều hơi khác với Đạo Phật, ví dụ như chúng ta nói có kiếp trước có kiếp sau bằng một linh hồn hằng cửu thì điều đó không gần với thuyết về luân hồi của Đạo Phật. Còn thuyết về thiên mệnh thì trong Đạo Phật không đề cập đến mà thay vào đó Đạo Phật nói về nghiệp mệnh ./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 130
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|