|
Câu Hỏi 124: Khi mình làm lỗi với một người có căn tu tốt rộng lượng thì không chấp với mình, còn người tu chưa đến đâu thì họ bực tức có thể chửi lại hoặc làm điều khác nữa, vậy những tội nghiệp này ai gánh khi mình xin lỗi có người tha cho mình có người khác không tha mặc dù cũng lỗi đó, vậy tội nghiệp khác nhau phải không? có khác thì khác ra sao thưa Thầy.
.
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp, ngày 06 tháng 05 năm 2003 lớp Diệu Pháp kinh Pháp Cú kệ ngôn 48)
TT Giác Đẳng: Thưa qúi Phật tử, một người sống trong cuộc đời này khi quan niệm về nghiệp báo thì chúng ta cũng nên có một ghi nhận rằng chúng ta có quan niệm rất chừng mực về quả của nghiệp. Chúng tôi dùng chữ chừng mực ở tại đây là tại vì chúng ta không hiểu hết qủa về nghiệp của mình đâu. "Kammavipāko acinteỳa-Cái quả của nghiệp thì bất khả tư nghì" có đôi lúc chúng ta không hiểu hết cái giây mơ rễ má, những hậu quả xa, hậu quả gần của nghiệp quả và chúng tôi thành thật nghĩ rằng mình không nên nghĩ về việc đó quá nhiều, vì nghĩ quá nhiều nó trở thành những vương vấn những khúc mắc ở trong lòng. Chúng tôi tin rằng ở trong đời sống này nếu chúng ta nhận rằng mình là người có lỗi thì mình cứ xin lỗi, và dù có được tha lỗi hay không được tha lỗi thì bản thân của mình xin lỗi một cách thành thật, thì nói như Đức Phật là một người có làm lỗi và đã phát lộ tức là đã nói lên cái lầm lỗi của mình một cách thành thật, như vậy là đủ, chúng ta không cần phải bức rức, không cần phải ăn năn tiếp tục, không cần phải để chuyện đó dày vò với chính mình, tại vì mình đã nhận lỗi một cách thành thật đó là một thái độ rất sáng suốt mà chúng ta tìm thấy ở trong các kinh điển. Đặc biệt nếu chúng ta gặp được một bậc thiện trí thức để phát lồ tức là để nói lên sự lầm lỗi của mình, bậc đó là một bậc Thánh Trí hay là đó là bậc Thiện Trí thì chúng ta có thể trình bạch được là mình đã làm những lầm lỗi như vậy. Và không có nghĩa rằng khi chúng ta nói như vậy mà chúng ta chấm dứt những nghiệp quả đó, mà chúng ta nói như vậy là trên phương diện lương tâm, trên phương diện tiến hoá, ở trên phương diện thái độ của một chứng nhân quân tử thì Đức Phật Ngài cho như vậy là đủ, như vậy là đẹp và chúng ta không cần phải băn khoăn nhiều về người ta có tha thứ hay không tha thứ cho mình.
Có một việc khác là ngược lại nếu mà người khác họ đến xin lỗi với chúng ta một cách thành thật về một lần lỗi trong quá khứ của họ đã làm, thật ra thì đó là một điều rất tốt để chúng ta tha thứ cho họ bởi vì nếu chúng ta để tâm đến một lầm lỗi của người khác đối với mình hoài thì điều đó nó chỉ làm nặng trong lòng mình thôi, cuộc sống con người mình không dài mà mình phải ghi nhớ những lầm lỗi của thế nhân đối với mình thì thiệt là buồn quá. Chúng tôi nhớ Phạm Thiên Thư nói là:
Kiếp người có là bao mà tình sầu vô lượng, còn chi trong giã tướng với chân chim."
Phải nói rằng kiếp người có là bao mà tình sầu vô lượng, không phải chỉ có tình yêu mới làm cho người ta sầu muộn, mà bao nhiêu cái cảm xúc được mất hơn thua, những thị phi của trần gian, và bao nhiêu cái phiền lụy để lại trong lòng mình thì mình không thoải mái được, do vậy nếu có thể tha thứ được thì hãy tha thứ, và có thể quên được thì hãy quên lầm lỗi của cuộc đời là bởi vì mình nhớ điều đó thì cũng không làm cho mình thoải mái hơn chút nào, mà mình chấp vào điều đó thì cũng không làm cho chúng ta thay đổi được cái gì mà lầm lỗi người khác tạo cho mình, thì tốt hơn hết là bỏ qua nó đi, và đừng nghĩ nhiều về chuyện đó là cái nghiệp nó ít hay nhiều, tại vì thưa quí vị quả của nghiệp rất khó để mà chúng ta đong đấu được hay đo lường được.
Nên chi đối với chúng tôi thì chúng tôi nghĩ rằng không cần phải trả lời rằng người ta về phương diện nghiệp quả có nặng hay nhẹ, người ta tha thứ hay không tha thứ cho mình, mà chỉ nên nếu mình là người có lỗi thì hãy phát lộ cái lỗi của mình, nói như vậy là đủ mà nói một cách thành thật một cách chân thành là mình đã có lỗi và mình xin nhận lỗi, như vậy là đủ. Và trong trường hợp người khác đến xin lỗi mình mà mình thấy người ta xin lỗi một cách thành thực hay không thành thực cũng được, nhưng hãy hoan hỷ và hãy quên đi việc đó là bởi vì chất chứa trong lòng thì cũng không có gì lợi lạc cho bản thân của mình hết ./.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi 124
Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ
|