Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 122: Mỗi sự thật được nói lên đều mang nhiều sự phản tác dụng, theo tinh thần của người con Phật có nên trốn tránh những sự thật, yên lặng để cầu yên thân hay không, kính quí Ngài chỉ dạy cho.

. (Bài giảng trong rơom Diệu Pháp, ngày 22 tháng 10 năm 2003 lớp Diệu Pháp kinh Pháp Cú Phẩm Pháp Trụ )

TT Giác Đẳng trả lời : Thưa quí vị đúng ra thì sự thật nó chỉ là phân nửa câu chuyện khi chúng ta đề cập đến mỹ quan giảng giải về chân lý trong đạo Phật, thật ra nếu chúng ta để ý trong kinh , chúng ta nhận thấy rằng có những sự thật rất tầm thường, có những sự thật hết sức là vi diệu, có những sự thật cao siêu, có những sự thật mang lại lợi lạc. Không phải sự thật nào người Phật tử cũng nói, và ở trong thế gian này nói đến sự thật nó có muôn trùng sự thật, có sự thật mang lại lợi lạc cho chúng ta và mang lại hạnh phúc, mang lại lợi lạc cho mình và người thì Đức Phật Ngài dạy chúng ta nên trân quí sự thật đó.

Không những thế, ngay cả sự thật của chánh pháp, chánh pháp là một sự thật, nhưng phải đúng lúc và đúng người, nếu nói không đúng người, điều đó cũng phản tác dụng, nghĩa là cũng gây tai hại. Ví dụ như chúng ta nghe câu chuyện của một vị Tỳ kheo, mà trong ngày hôn lễ của Phật tử lại giảng về : sanh,già, đau, chết. Và một người bị bệnh mà nói về quả phước của sự giàu có, thì những điều đó không có thật và hoàn tòan sai . Cũng tương tự như chúng ta ăn uống, có những thực phẩm chúng ta ăn uống vào buổi tối nó hợp, và buổi chiều nó không hợp. Có những lời nói, có những câu kinh mà lúc này hoặc lúc khác, đặc biệt đến từ một người không thích hợp thì nó cũng không phải là tốt, nên chi Đức Phật Ngài cũng dạy cho chúng ta rằng ngay cả nghe pháp và đàm luận pháp thì cũng phải đàm luận pháp đúng thời, chứ không phải nghe lúc nào cũng như vậy.

Đây là một việc tương đối rất tế nhị, có nhiều người họ nhân danh sự thật để bài xích người khác, chúng ta dùng sự thật như một lợi khí, như một vũ khí để tấn công người khác, thì việc đó từ đầu không có giá trị. Với người trình bày sự thật, tức là trình bày pháp cũng trình bày với tâm từ, trình bày đúng thời, trình bày vì lợi ích của người khác chứ không phải mình vì mục đích nào khác hơn,. Cũng tương tựa như vậy khi chúng ta nói sự thật, không phải cái gì gọi là sự thật cũng đem nói hết, có những sự thật chúng ta không nên biết, chứ không phải không nên nói ra, chúng ta cũng không nên biết đến vì biết đến nó gây phiền phức cho chính mình.

Ở trên đời, người có trí biết cái gì thuộc về phần hành của mình, thuộc về trách nhiệm của mình, cái gì mình nên nói, cái gì mình nên làm. Nói chung không phải cái gì gọi là sự thật cũng nên nói, bởi vì có những sự thật nó không đáng để lưu ý, nhưng mà có những sự thật hết sức là thậm thâm vi diệu. Cho dù đối với chúng ta những sự thật như là thế gian này con người sanh ra bị sanh, già, bệnh, chết, đó không phải chuyện lớn đối với chúng ta, chúng ta xem nó là điều hiển nhiên, nhưng nếu chúng ta nghiền ngẫm chúng ta sẽ thay đổi đời sống của mình rất nhiều.

Trong câu hỏi này đạo hữu có hỏi, chúng ta có nên trốn tránh sự thật để cầu yên thân hay không, câu hỏi này nó lại đi xa hơn một chút nằm vượt ngoài quan niệm về sự thật. Người ta trong thế gian này, có khi mình muốn sống cho được yên thân, thì mình giả làm ngơ, giả mù, giả điếc, giả dại qua ải để được sống yên thân, cũng một phần khác họ đề cao đến một người trượng phu quân tử, sống với tinh thần vô úy không biết khiếp sợ, và nếu cần phải nói thì nói chứ không phải vì sợ hãi mà không nói.

Thưa quí vị, câu trả lời xác quyết nhất rằng về quan niệm của Đạo Phật phải thế này hay thế khác, chúng ta nhớ rằng Ngài Ravata là đệ tử của Đức Phật, Ngài rất ít nói, Ngài Xá Lợi Phật Ngài lại nói nhiều, thậm chí Đức Phật khen ngợi. Chúng ta không thể đem Ngài Ravata để đáng giá Ngài Xá Lợi Phất, và cũng không đem Ngài Xá Lợi Phất đánh giá Ngài Ravata. Mình làm thì mình phải biết, và mình làm thì mình chịu trách nhiệm, Đức Phật Ngài dạy cho mình biết con người sống phải ý thức về nhân quả, người đó hoàn toàn chịu trách nhiệm những gì mình làm, chính bản thân của người đó phải quyết định cái gì mình nên làm, chứ ở đây chúng ta không có quan niệm mình nên sống yên lặng bàn quan tọa thủ.

Có những người họ mang lại lợi ích cho cuộc đời cũng nên tán thán họ. Nhưng cũng không phải nói tán thán về những người đó mà nói rằng Đạo Phật dạy tất cả chúng ta đều phải lăng xả ra để làm giống như vậy. Ðể trình bày với quí vị rằng cuộc sống là một cái gì lựa chọn rất riêng tư và sự lựa chọn này hoàn toàn nằm ở ý thức, ở sự nhận thức, ở sự cảm nhận của mỗi chúng ta. Quí vị đang đi học rồi bây giờ cha mẹ ở nhà cần quí vị ở nhà phụ việc nhà, và quí vị nói rằng theo tinh thần của đạo, quí vị phải bỏ học để ở nhà phụ cha mẹ mới gọi là con có hiếu, hoặc quí vị nói rằng thà đi học chớ nghĩ ở nhà làm cực, nếu mình ráng học ra trường để giúp cha mẹ được nhiều hơn. Thì xin thưa rằng chúng tôi không có câu trả lời cho việc đó, việc đó là một sự lựa chọn của mỗi một cá nhân phải tự quyết định lấy, hễ mình chấp nhận sống mình không muốn vương vào những khó khăn như vậy thì mình không làm, điều đó hoàn toàn cá nhân của mình.

Cũng như trong những câu chuyện Ðức Phật Ngài bố thí tay chân, Ngài bố thí tài sản, việc đó không phải mình phải làm giống như vậy, hay mình tu thì nên làm như vậy, mà việc đó hoàn toàn do sự quyết định, do sự lựa chọn cá nhân mà thôi. Nên nếu chúng tôi trả lời thì câu trả lời ba phải là nếu một người sống, đứng ngoài những thị phi, những hệ lụy của cuộc đời, biết chọn trong cuộc sống của mình, nói như vậy cũng dễ bị hiểu lầm, nhưng mà nếu nói rằng tất cả mọi người đều phải dấn thân vì chánh nghĩa, dấn thân vì những sự thật, mà không thể yên lặng được ở trong cuộc đời này, thì chúng tôi không thể có câu trả lời, chúng tôi chỉ nói như vậy, có những trường hợp mà một người sống thủ phận, một người sống hiểu biết sự bình an của mình, bảo trọng lấy chính mình là một điều đáng tán thán.

Nhưng mà rồi có những người sống dấn thân, có khi tánh mạng mình nó nặng như thái sơn, mà có khi nó nhẹ tựa lông hồng, thành ra những việc đó chúng ta không đem quyết định của một người này đem áp dụng nên cho một người khác, hay so sánh với bất cứ ai, phải nói đó là một chuyện hết sức khó khăn.

Chúng ta thường nghe rất nhiều trong quan điểm tu tập, có người nói tu như thế này mới hay, cái kia là dở, và những người nào bỏ tất cả để đi hành thiền, chúng tôi cũng xin nhất tâm tán thán, còn những vị không hành thiền mà ở nhà lo việc chùa chiền, chúng tôi nghĩ rằng thiện tâm và thiện trí của mỗi người có những cái đẹp mà mình kính ngưỡng hết, chứ rất là khó nói, dĩ nhiên ở trong trường hợp Đức Phật, Ngài thấy điều gì lợi ích thật sự, một vị Tỳ kheo quá nặng về công việc trách nhiệm của mình mà chểnh mãng trong việc thiền định thì Đức Phật Ngài có khiển trách, nhưng đó là công việc của Đức Phật, còn bản thân của chúng ta thì hết sức là khó khăn để chúng ta làm một việc phê phán nhận định. Chúng tôi mong rằng câu trả lời của chúng tôi sẽ không làm cho vị mang nick Ly Khổ cảm thấy rằng câu trả lời nó lưng chừng, nó không rõ ràng lắm. Nhưng mà thật sự đó là câu hỏi không đơn giản để mà có quyết định một chiều .

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Minh Hạnh chuyển biên


Download cau hoi 122

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ