Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 12): Tại sao văn hóa Ấn Độ là sùng bái khổ hạnh ? và tại sao khuynh hướng của phần đông chúng sanh thường nặng nề về cực đoan hơn là trung đạo ?

(Câu hỏi được hỏi trong rơom Diệu Pháp, ngày 21 tháng 11 năm 2007)

TT Giác Đẳng: Trước nhất chúng ta nên phân biệt sự hâm mộ và sự thực hành đôi lúc khác nhau rất nhiều. Quần chúng có thể rất hâm mộ khổ hạnh nhưng không nhất thiết là sẽ có một số đông tu khổ hạnh, người ta hâm mộ tại vì họ nghĩ rằng việc đó khó làm. Ví dụ ở miền Nam Việt Nam chúng ta thỉnh thoảng thấy có những người ăn ớt, hoặc họ nằm: đạo ớt, đạo nằm, đạo chuối v.v... có nhiều người hâm mộ vì thấy chuyện đó lạ chuyện khó làm mà nếu có người làm được thì họ rất ủng hộ, tuy nhiên sự ủng hộ như vậy mang tánh cách là thưởng thức cái gì lạ khó làm. Đức Phật ở đây dạy rất rõ rằng những cái gì mà lạ lùng, cái gì khó làm nó không nhất thiết là việc mang đến kết quả cao siêu. Chúng tôi lấy ví dụ là nếu qúi vị đi xem xiệc chẳng hạn, những người hát xiệc họ vẫn có những tài năng công phu vượt ngoài sự tưởng tượng của mình, nhưng công phu thì đạt đến mức độ đó thôi, không thể nào đi xa hơn nữa và nó không làm cho họ trở thành cái gì được. Có những lần chúng tôi xem trên TV họ trình diễn hát xiệc, họ có thể dùng một cái cây để trên sóng mũi của họ và ở trên đầu ngọn cây thì họ để ba, bốn cái bàn ghế ở trong thế rất quân bình và sự quân bình đó làm cho bàn ghế không rớt xuống được, thì chúng ta phải phục họ, và do công phu điêu luyện như vậy họ làm được rất nhiều việc. Nhưng nên nhắc cho chúng ta biết một điều rằng cái gì mình tán thưởng, mình thấy rằng hay, rằng lạ, nó không là một bảo chứng về gía trị thật sự của chân lý, của con đường tu tập giải thoát. Chúng ta đừng lầm lẫn hai điều đó. Chúng tôi nói điều này là bởi vì có nhiều người họ thấy cái gì có vẻ hấp dẫn có vẻ là khó có thể tưởng tượng được thì họ hâm mộ và từ chỗ hâm mộ đó dẫn đến chỗ tín ngưỡng, ham mộ dẫn đến tín ngưỡng nó chỉ nằm ở trong gang tấc thôi và điều này nó thường dẫn chúng ta đến những niềm tin rất tai hại.

Điểm thứ hai là mỗi người chúng ta phải nhắc là; chúng sanh trong cuộc đời này thường sống bằng thái độ cực đoan, cực đoan có nghĩa là hoặc là không làm gì hết, hoặc là làm thì làm quá đáng. Quí vị thấy như trường hợp internet chẳng hạn, có nhiều người họ sợ internet, họ không thích, không muốn đụng vào internet, cho rằng internet như là một kẻ thù hay là cái gì rất là sợ hãi, với những người đã biết internet thì vào trong đó cắm cúi hết giờ này qua giờ khác cả ngày, thì cả hai đều là thái độ cực đoan. Không may trong chúng ta là chúng ta thường cực đoan như vậy, hễ không thích thì thôi, thích thì quá đáng, hễ không vui thì thôi, vui thì thật là vui, mà khổ thì thật là khổ. Do vậy trong lời dạy của Đức Phật đặc biệt khi Ngài nêu lên trong kinh Chuyển Pháp Luân về con đường trung đạo thì Ngài cho chúng ta một gợi ý rằng trái với ý tưởng nhiều người suy nghĩ là trung đạo là phương pháp dễ dàng - không dễ đâu - Giữ được sự quân bình là một chuyện rất khó, chúng tôi lấy ví dụ là nếu qúi vị sống trong căn nhà có nhiều người để lập phe lập đảng theo bên này theo bên kia thì nó dễ, nhưng là một người không theo phe đảng mà đứng ở giữa nói một tiếng phải chăng cho tất cả mọi phe phái thì chuyện đó rất là khó, bởi vì chúng ta thường có thói quen đi theo phe đảng như vậy.

Do vậy, thưa qúi Phật tử điều chúng ta đặt ra ở tại đây là tại sao văn hóa Ấn Độ lại sùng bái khổ hạnh, người Ấn Độ rất chí thành trên phương diện tâm linh, trên phương diện tôn giáo và đặc biệt nữa Ấn Giáo là một tôn giáo thần ngã, người ta nói nhiều thượng đế, nhưng sự nói nhiều về thượng đế của người Ấn Độ khác xa người Âu Châu, khác xa với những người Ky Tô giáo, họ nói không phải chỉ đặt để sự cầu nguyện hay trọn tin là đạt đến mục đích hội thông với thượng đế, người Ấn Độ còn rất chú trọng đến điểm khác, điểm mà họ chú trọng đó là làm sao bản thân của mọi người được tịnh hoá, tịnh hoá nghĩa là làm cho trong sạch tốt đẹp để trở về với thượng đế và không có con đường nào thanh tịnh hoá con người mình theo họ nghĩ hơn là tu khổ hạnh do vậy người ta sùng bái khổ hạnh rất nhiều, một phần là vì tinh thần hâm mộ cực đoan, một phần nữa làm cho chúng ta thấy do cơ sở giáo lý của Ấn giáo.

Thưa quí vị, tại sao phần đông chúng ta thiên về cực đoan hơn là trung đạo, con người sống và biết cái gì gọi là phải chăng, là vừa phải, thì người đó phải có nội hàm, phải có trình độ và phải có kinh nghiệm rất nhiều. Đức Phật Ngài dạy những pháp bậc thiện trí, Ngài có dạy những pháp như là tri nhân, tri quả, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội, tri tri độ, khi chúng ta nói tri thời, tri hội, tri độ thì qúi vị sẽ thấy rằng rất quan trọng để mỗi người hiểu thế nào là sự vừa phải, không quá nhiều hay không quá ít, không quá dư hay không quá thiếu, xem ra nó khó hơn là cái cực đoan. Tại vì sao vậy? là tại vì một người biết thế nào là phải chăng, thế nào là hợp thời, thế nào là vừa phải về thời lượng, cái gì cần phải nói trong đám đông, cái gì cần phải có chừng mực, thì thưa qúi vị người đó phải là người có trí tuệ, có trình độ, có kinh nghiệm, chứ không phải bình thường, mà đa số chúng sanh ở trong cuộc đời lại không nhận ra được điều đó. Do vậy một ở trong dấu hiệu của người làm việc có hiệu năng, một ở trong dấu hiệu của một người mà có thể đạt được nhiều tiến bộ trong đời sống, đó là tinh thần biết cái gì là phải chăng, biết cái gì là vừa phải. Chúng ta không vốn quen với sự vừa phải, hễ mình vui thì vui hỉ hả, thật nhiều, mà khóc thì khóc buồn da diết, chúng ta không có sống vừa phải được ở trong đời này, và do vậy nó tạo cho chúng ta rất nhiều cái xáo trộn./.


Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 12

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ