Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 111: Thưa Thầy có phải ngồi thiền mới trụ tâm không?

. (Bài giảng trong rơom Diệu Pháp, ngày 29 tháng 04 năm 2004)

TT Giác Đẳng: Thưa qúi vị về cách nói của đạo Phật thì thường thường đạo Phật nói chuyện có phương pháp, ví dụ như chúng ta muốn tâm được an trụ thì chúng ta phải làm gì, thì đạo Phật có một số lời dậy để làm việc này, nhưng không nhất thiết rằng đem những lời dậy đó áp dụng cho tất cả mọi trường hợp.

Chúng tôi lấy ví dụ như Ngài Ajhan Chaa, Ngài thường ví dụ mình dạy một người lái xe, nếu họ có khuynh hướng nghiên về phía bên trái thì mình phải kéo họ về bên mặt, hoặc bên mặt thì mình phải kéo họ về bên trái. Thật ra trạng thái trụ tâm là một cách tâm an trụ, ở đây là chúng ta có thể hiểu được nhiều cách khác nhau.

Từ một cách hiểu rất ly chi, rất chuyên môn giống như nói về 5 căn, chúng ta nói tín, tấn, niệm, định, tuệ, thì trụ tâm ở đây như là định lại khả năng có thể bám sát với đề mục, sống với đề mục của mình, thì đó là một cái nhìn tương đối rốt ráo nhất, gần nhất. Nhưng tâm an trụ ở tại đây mình có thể hiểu được cách khác, là một người có khả năng sống với những gì mình đang làm, và có thể sống với thời gian rất dài.

Ví dụ như chúng ta ăn cơm, trong lúc vừa ăn cơm vừa mở TV ra coi, hay vừa ăn vừa nói chuyện và chúng ta không để ý tới chuyện ăn của mình, thì lúc đó tâm của chúng ta một lúc phân tán hai ba việc, thật ra không lợi cho một người hành thiền, mặc dầu đời sống hàng ngày thì việc đó không phải là việc lớn.

Cũng có những người không thể làm việc gì lâu dài, tâm của họ chỉ có thể tập trung vào việc gì đó một lúc rồi bỏ. Lấy ví dụ có một số Phật tử đến học Phật pháp, ban đầu thấy người ta học thì mình cũng vào học, cái gì mới thì mình rất thích, người ta làm thì mình cũng hăm hở làm, nhưng mình làm một đổi rồi tự nhiên chán, không làm lâu được. Tại sao mình không làm lâu, có đôi khi không phải tại Phật pháp làm cho mình chán, mà phần lớn tại vì khả năng cảm nhận của mình không có, khi không cảm nhận được thì chúng ta không cảm thấy hoan hỷ, khi chúng ta cảm nhận được cái hay rồi, thì khi người khác họ đuổi chúng ta, hay chúng ta vào trong internet tốn rất nhiều tiền đi nữa, chúng ta cũng cố gắng vào. Vì lý do chúng ta tìm ở đó cái gì thật sự lợi ích.

Chúng tôi thấy có một số rất lớn những vị ở trong cuộc đời hòan toàn không thể tập trung vào làm một việc gì hết, làm việc gì cũng như ăn cơm bỏ mứa, làm đôi chút rồi bỏ cuộc. Do vậy nếu nói về tâm trụ để thiền định thì việc đó dĩ nhiên rất tốt, tuy nhiên ở trong đời sống hàng ngày của chúng ta không nhất thiết chúng ta phải thiền định, phải vào trường thiền để hành thiền chúng ta mới nói đến sự trụ tâm.

Chúng ta có thể nói đến một số thái độ làm việc của chúng ta, thái độ làm việc là khi nào chúng ta tập trung vào việc gì đó, thì chúng ta cố gắng tìm một công việc nào mà mình nghĩ rằng nó hợp với mình nhất, và mình có thể làm công việc đó lâu dài, hơn là chúng ta làm việc nào cũng bắt đầu nhưng rồi không bao giờ có kết thúc hết. Hãy cố gắng để hoàn tất những gì chúng ta đề xướng ra, hay chúng ta có thể trung thành với một việc nào đó lâu dài hơn chúng ta nghĩ, và điều đó cho chúng ta phần thưởng rất lớn, nên chi nó cũng là một thái độ sống ở trong đời sống.

Chúng ta thường thấy rằng trẻ em còn nhỏ, các em buông cái này bắt cái kia, buông cái kia chụp cái nọ, bởi các em thực sự không có đi sâu vào một cái nào hết. Khi tâm của chúng ta nông cạn, khi tâm của chúng ta không có chiều sâu, khi tâm của chúng ta không có khả năng thẩm thấu, thì chúng ta dễ bị một trường hợp là không có việc nào chúng ta làm lâu được, không có một quan hệ nào mình giữ hoài được, không có một lý tưởng nào chúng ta theo đuổi suốt cả cuộc đời mình được.

Bởi vì sao, bởi vì chúng ta không tìm thấy ý nghĩa chân thực, và chúng ta không có hoà mình, chúng ta không có cảm nhận bằng chính tâm tư của mình đối với sự việc đó. Do vậy, thưa qúi Phật tử đối với một người tu tập thì nói đến thiền định dĩ nhiên là phương pháp rất rốt ráo để tập sự trụ tâm, nói như vậy thì có nghĩa là ở trong đời sống hàng ngày chúng ta cũng có thể tập như vậy.

Lấy ví dụ một người Phật tử mỗi ngày tụng kinh và tụng kinh đều đặn hay không tụng kinh nhưng mỗi ngày thắp nhang đều đặn, sự đều đặn nhiều năm nhiều tháng thì điều đó cũng chứng tỏ rằng chúng ta có khả năng làm một việc nào đó, mà công việc đó không mang tánh cách hấp dẫn nhưng nó lại mang tánh cách trường kỳ.

Và những công việc nào trường kỳ, đặc biệt những công việc đơn giản sẽ giúp cho chúng ta hun đúc được khả năng gọi là bám rễ bám trụ đối với những việc mình theo đuổi. Còn nếu không có việc nào mình có thể bám trụ lâu dài, thì thưa qúi vị chúng ta phải coi chừng thái độ của mình, mong rằng những lời này có thể giúp cho một phần nào cho một đạo hữu vừa hỏi là có phải ngồi thiền tâm mới trụ được không.

Namo Buddhaya

Minh Hạnh chuyển biên


Download cau hoi 114

Phat Hoc Van Dap Phap Am Lưu Trữ