Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 11): Nếu làm Phật sự mà bị phiền não rồi con bỏ không làm và sống ẩn dật thì như vậy là trốn tránh phiền não, vậy điều đó có tội không, vì trong một câu Phật Ngôn Đức Phật dạy là "Từ bỏ một thiện pháp là bất thiện pháp". Con kính xin Sư từ bi chỉ dạy

(Câu hỏi được hỏi trong rơom Giảng Đường Diệu Pháp, ngày 17 tháng 08 năm 2008)

TT Liễu Tông: Ở đây chúng ta nên hiểu kham nhẫn và sự chiụ đựng khác nhau. Kham nhẫn tức là một hình thức mình diệt trừ phiền não, nhưng chịu đựng tức là mình vun bồi phiền não hay là mình huân tập ác pháp. Sự chịu đựng thì không thấy bậc thiện trí nào tán dương hết nhưng kham nhẫn thì bực thiện trí rất tán dương. Trong ngày đại hội Thánh Tăng, Đức Phật đã dạy là "Kham nhẫn là pháp diệt trừ phiền não tối thượng." Thành ra chúng ta đừng có bao giờ chúng ta nghĩ rằng mình chịu đựng tức là mình ngon. Không có đâu, nó thiêu đốt tâm khảm mình ghê lắm vì phiền não nó vô. Thành ra những nghịch duyên khi nó phát sanh chúng ta phải biết cách suy nghĩ, còn nếu chúng ta không biết cách suy nghĩ là chúng ta huân tập ác pháp chứ không có lợi gì hết.

Ngay cả chuyện mà mình làm Phật sự. Làm Phật sự là làm cái gì, nó là thiện pháp hay ác pháp? Nếu là thiện pháp mà mình từ bỏ thiện pháp đó là cơ hội để ác pháp phát sanh. Bởi vì ít nhất trong thời gian mình làm đây dầu ác pháp có phát sanh đi nữa nhưng bên cạnh đó nó có thiện pháp, chứ còn nếu mình ngồi nhà để tâm mình suy nghĩ, hết chuyện sân này nó sân chuyện kia, nó tham hết chuyện này nó tham đến chuyện kia, nó vô minh hết chuyện này vô minh đến chuyện kia, thì cái đó rất là nguy hiểm.

Thì bây giờ hỏi tội phước là như thế nào? Qúi vị nên hiểu tội là cái nhân cho quả xấu, thành ra mình làm hành động nào cho quả xấu thì cái đó theo thế gian đó là tội, làm hành động nào cho quả an vui thì thế gian gọi là hành động đó là phước. Thật sự nó không chính xác lắm. Bởi vì cái phước trong kinh điển Pali định nghĩa rất là đàng hoàng "Bất cứ thiện pháp nào làm cho tâm người đó được trong sáng, tâm người đó được thanh tịnh thì pháp đó gọi là phước." Thành ra khi việc gì thí dụ như mình từ bỏ việc đó mình không làm tâm mình có trong sáng hay không, tâm mình có an lành hay không, nếu nó không trong sáng không an lành thì đó không phải là phước nữa rồi, mình đang huân tập ác pháp.

Thì thường thường làm cách nào để suy nghĩ cho đúng theo quy trình của các bậc thiện trí dạy - nó không khó - cái đó là THIỀN. Bởi vì THIỀN là công việc của tâm, khi nào tâm có đối tượng cố gắng duy trì trong đối tượng đó thì người ta gọi là thiền, jhàna tức là thiêu đốt phiền não, bởi vì tâm có đối tượng giữ đừng cho ác pháp sanh thì rất qúi, còn nếu mình suy nghĩ thì cũng là công việc của tâm nhưng công việc đó là huân tập ác pháp chứ không phải làm cho thiện pháp phát sanh.

Mình hỏi vị thiền sư nào ở gần mình về những đề mục tốt với mình, thì thay vì mình ngồi mình chọc người đó thì mình dùng tâm mình để quan sát đối tượng đề mục thiền, thay vì mình ngồi mình nghĩ ngày mai mình gặp hắn mình sẽ nói cho hắn một câu hắn đau đầu để cho hắn biết mình là người có bản lãnh, thì mình đếm hơi thở vô ra nó cũng là một cái tốt, thay vì ngày mai đi làm mình sẽ dấu dao theo để cho nó biết mình là thứ thiệt chứ không phải thứ dởm, tốt hơn là mình lựa đề mục nào để cho tâm mình trú vô đó. Thành ra cách suy nghĩ hay nhất là lựa những đề mục trong 40 đề mục thiền định hay 72 đề mục trong thiền Minh Sát, mình dùng tâm mình dính vào đó, mình dán tâm mình vô đó, thì không có anh phiền não nào chun vô kiếm chuyện với mình được cả, mà cũng chẳng có chị phiền não nào vô dẫn mình đi làm tầm bậy được cả, trừ phi mình làm không được như vậy thì những anh phiền não những chị phiền não vô rủ mình đi, mà khi nó rủ mình đi rồi thì sự nguy hiểm đối với mình rất nhiều bởi vì khi tâm đi ra khỏi những đối tượng mà các bậc thiện trí tán dương thì chắc chắn là phải đối diện với phiền não, phiền não đó là tham sân si.

Mình nghe một câu người ta nói, thích thì tham phát sanh, không thích thì sân phát sanh, ngửi một cái mùi cũng vậy, không tham thì cũng sân. Tất cả những điều đó hàng ngày mình phải đối diện với một sự nguy hiểm rất lớn lao là cái nguy hiểm là năng lực làm cho phiền não phát sanh thì bây giờ chúng ta chỉ có 40 đề mục trong thiền định và 72 đề mục trong thiền minh sát mà thôi. Thì chúng ta suy nghĩ trong những đề mục đó thì không bao giờ phiền não phát sanh mà khi phiền não không phát sanh tức là chúng ta đã làm cho luân hồi dừng lại một khoảng. Khi nào phiền não phát sanh trở lại thì luân hồi dài thêm một khoản cho tới khi nào phiền não nó dừng từng lúc từng lúc như vậy cho tới khi nào nó dừng hẳn bao nhiêu kiếp tức là đạo quả, sơ quả phát sanh thì nó dừng rất là nhiều kiếp, chúng ta không hy vọng có thể đắc được đạo quả trong kiếp này nhưng ít nhất chúng ta phải tạo cái năng lực trong một vài kiếp sau chúng ta có hy vọng để làm được việc đó chứ còn nếu bây giờ chúng ta cứ nghĩ rằng mình làm theo xã hội dạy mình "Một câu nhịn, chín câu làm." thì chắc chắn sự luân hồi dài ra. "Một câu nhịn chín câu lành" thì luân hồi ngắn lại mà "Một câu nhịn, chín câu làm" thì nó phải dài ra, thì ít nhất qúi vị vô đây nghe Phật pháp cũng nhiều chắc cũng đủ trí tuệ để quan sát xem cái gì mình nên làm cái gì mình không nên làm. Namo Buddhaya./.


Minh Hạnh chuyển biên

Download cau hoi 11

Phat Hoc Van Dap Lưu Trữ