dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[06] Chánh Hạnh chuyển biên thành văn bản Tiếp theo loạt bài hướng dẫn thực tập thiền quán theo cách của Ngài Mahasi Sayadaw được hướng dẫn tại IMS, chúng ta đi sang một bài học mới, đó là hướng dẫn sự duy trì chánh niệm trong lúc đi kinh hành. Chúng tôi xin nêu lên tại đây một vài điểm: 1/ Đây là bài hướng dẫn tại trung tâm thiền định cho những thiền sinh đang có mặt trong thiền đường. Đó là ngôi nhà rộng lớn có đủ chỗ cho các thiền sinh chia nhau những lối đi để vừa đi tới đi lui vừa lắng nghe những điều cần lưu ý trực tiếp của thiền sư. Bài hướng dẫn này được trực tiếp hướng dẫn bởi ông Joseph Goldstien, vị sang lập viên của Insight Meditation Society, một trong những vị giảng sư đầu đàn của trung tâm thiền này. 2/Chữ tiếng anh Walking Meditation rất đơn giản. Chữ Walk chúng ta dịch là đi bách bộ, đi tản bộ hay đi bộ. Đối với tiếng Việt từ này có một chút đặc biệt. Tiếng Phạn Cankamana dịch là kinh hành, sau này HT Nhất Hạnh dịch là thiền hành. Chữ Hành ở đây là đi, không có nghĩa thực hành ( practise) là đi gíông như có chữ Dạ hành là đi ban đêm hay là Song hành : cùng đi trên đường. Từ Kinh trong tiếng Hán, tuy có một cách đọc nhưng có rất nhiều nghĩa như Kinh tướng , Kinh điển v.v…chữ Kinh hành ở đây được hiểu như Đi có chánh niệm , trong cái Đi đó có sự thực tập. Trong Tịnh độ tông có chữ Kinh hành niệm Phật. Sau này có một số vị trong đó có HT Nhất Hạnh dịch là Thiền hành. Thiền hành có nghĩa là chánh niệm trong bước đi của mình. Chữ Thiền hành cũng có đôi chút làm bối rối, vì nhiều người tưởng là đảo ngữ của chữ Hành thiền. Hành thiền là tu tập thiền Thiền hành là chánh niệm trong từng bước đi. Hai chữ Hành này mang hai ý nghĩa khác nhau. Một bên là thực hành (practise) một bên là đi (walk). Bài hướng dẫn này cho các thiền sinh đang ở trong thiền đường và mỗi người đều có một lối đi. Quý vị đa số ngồi trước máy computer theo dõi bài học. Nếu quý vị có điều kiện như đang ở trong phòng tương đối rộng và có một speaker lớn để trong lúc chúng tôi nói chuyện qúy vị có thể nghe được. Với những động tác được hướng dẫn nhịp nhàng trong bài học này quý vị có thể tự thực hành đi kinh hành được. Cách đi thiền hành của HT Nhất Hạnh khác hoàn toàn với cách đi nói theo chữ Sankrit giống như cankamana. Cách đi kinh hành trong Tịnh độ tông và cách đi kinh hành trong thiền quán khác nhau. Nhiều người khi nói đến chữ thiền hành trong cách của HT Nhất Hạnh là đi tản bộ bên ngoài trời và đi một đoạn đường rất xa, có thể đi cả một khu rừng từ lối này qua lối kia. Cách đi này không phải như vậy. Thêm nữa trong cách đi kinh hành niệm Phật. Thường trong mùa an cư của quý Thầy Bắc tông hay trong cách kinh hành niệm Phật của Tịnh độ tông, người ta đi chung quanh một tượng Phật và vừa đi vừa niệm Phật. Kinh hành đó giống như cách đi nhiễu Phật ở trong kinh điển Pali nhiều hơn cách đi kinh hành trong thiền quán. Chúng tôi sở dĩ giải thích như vậy vì chữ thền hành hay kinh hành được dùng theo ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam, một cái theo HT Nhất Hạnh đi một đoạn đường rất dài đi xuyên qua một khu rừng hay đi qua một công viên, cách đi đó không được gọi là walking meditation mà chúng ta gọi tại đây. Trong cách hướng dẫn này người ta làm một con đường đi cho mỗi một thiền sinh. Ví dụ tại một am thất nào trong trường thiền như tại các trường thiền lớn tại Thái Lan hay Miến Điện dưới các am thất có đắp một con đường cao khoảng một tấc (10cm) bằng đất hoặc có khi lót gạch. Con đường đó dài khoảng 30 feet tức khoảng 10 thước. Con đường đó có giới hạn nhất định, ban đêm có thể cắm nhang hai đầu, nhang giúp cho thiền sinh biết thời lượng nào thích hợp, đi từ đầu này đến đầu kia tàn cây nhang là kể như xong thời gian đi kinh hành. Hành thiền lâu họ sẽ tự biết giờ nào thích hợp. Con đường kinh hành không thể quá ngắn và không thể quá dài.Thiền sinh đi một chiều đến cuối đường sẽ quay trở lại, nếu con đường quá ngắn phải quay nhiều lần như vậy sẽ làm chóng mặt. Nếu con đường quá dài sẽ làm mất khả năng định vị của hành giả, tức là khả năng tạo nên một thói quen có tính cách bản năng là hành giả đi đến một mức độ nào đó sẽ thấy cần quay lại. Hành giả đi kinh hành với chánh niệm nhưng phải ngó con đường sẽ bị phân tâm. Bởi thế cách đi kinh hành trong thiền Vipassana rất khác với cách đi thiền hành của một số người Việt Nam thực hành theo cách của HT Nhất Hạnh. Lý do vì cách đi trên đoạn đường dài và không quen thuộc băng qua công viên của HT Nhất Hạnh, bắt buộc hành giả phải đi theo đám đông hoặc giả phải vừa đi vừa ngó chung quanh. Hành giả trong vòng mươi phút phải quen thuộc với con đường kinh hành của mình, lúc đó hành giả sẽ thấy một thời lượng vừa phải trong quãng cách đi tới và quay trở lại chứ không tiếp tục đi mãi. Trong thiền tập có những điều không giải thích được nếu quý vị không hành thiền, nhưng khi thực hành quý vị sẽ thấy đúng như vậy. Ví dụ trong kinh nói một hành giả tu tập lúc ngủ có chánh niệm nghĩ đến, tác ý đến giờ thức dậy sẽ thức giấc đúng vào giờ đó không cần báo thức. Ví dụ quý vị muốn ngày mai thức dậy lúc 4 giờ, trước khi đi ngủ quý vị để ý hơi thở của mình, để ý vào oai nghi cử động của quý vị, và mình tác ý thức dậy ( nghĩa là nói ngày mai mình thức dậy lúc 4 giờ ). Ngày mai lúc 4giờ quý vị sẽ bật thức dậy không cần chuông đồng hồ, không cần người báo thức. Tất cả chư Phật và các vị giác ngộ như các vị Thánh đệ tử Phật, những vị hoàn toàn giải thoát, các Ngài đều nằm nghỉ với chánh niệm, lúc đi nghỉ tác ý lúc thức dậy. Và nếu quý vị nằm xuống và tác ý lúc mấy giờ thức dậy, đem ý đó vào trong lòng lâu ngày quý vị sẽ thấy rằng thự nhiên đến giờ đó quý vị sẽ thức dậy. Một điểm khác chúng tôi muốn nói đến là tiêu chuẩn con đường kinh hành trong các thiền viện dài khoảng 10 thước (10m). Trong cung cách đi kinh hành của thiền quán theo phương pháp Ngài Mahasi và theo các quốc gia Phật giáo Nam truyền không phải là hình thức đi một đoạn đường dài mà phải đi theo một con đường đã được dọn sẵn trước am thất nơi mình hành thiền.Sau đây chúng ta hãy đi vào phần thực tập chánh niệm trong lúc đi kinh hành. Trong bài hướng dẫn ngày hôm nay với yêu cầu tất cả các thiền sinh bắt đầu với tư thế đang đứng, đứng một cách thư thả, thoải mái tự nhiên, có thể để buông xuôi hai tay, hoặc giả có thể chắp tay để phía sau, và cũng có thể giữ hai tay trước ngực, trong cách thế nào mình cảm thấy thoải mái. Hai bàn chân đứng dang ra song song với chiều vai của mình, nghĩa là không đứng chụm lại hoạc không đứng dang ra quá xa, tư thế đứng vừa phải thăng bằng. Đứng trong tư thế vững vàng thoải mái và trong lúc đứng như vậy nhắm mắt lại và hướng sự chú ý của mình từ trên đỉnh đầu để có thể cảm nhận, ghi nhận cảm giác gì hiện có trên vùng đầu của mình. Và trong một thế rất chậm rãi, nhẹ nhàng hướng chánh niệm chú ý trên đỉnh đầu dần dần hướng sự chánh niệm đến trước mặt xem những cảm giác như thế nào ở trán, ở mắt, ở mũi, ở gò má, ở xương quai hàm của mình. Từ phía trước mặt ta hướng sự chánh niệm sang một phía hoặc bên trái hoặc bên phải thử xem lỗ tai mình có cảm giác gì không? Một cách đơn giản là trong lúc đứng như vậy hãy hướng sự chú ý của những cảm giác đang xảy ra trên phần đầu của mình, sau đó từ từ quét chánh niệm qua phần cổ, vai của mình. Ghi nhận cảm giác ở hai tay và chậm chậm đưa sự chú ý đến hai chân. Hướng chánh niệm chú ý từ phần trên cánh tay, khuỷ tay, cườm tay rồi bàn tay rồi ngón tay từ từ ghi nhận những cảm giác, bất cứ cảm giác gì hiện khởi mình ghi nhận ở đó. Có thể an trụ chánh niệm tại đầu ngón tay trong giây lát. Mang sự chú ý chánh niệm đến những cảm giác ngay cổ và xuống lồng ngực để thử xem những cảm giác nào đang tồn tại. Từ từ hướng sự chánh niệm của mình xuống ngang chấn thuỷ, xuồng bụng, hướng tâm vào khu vực đó và ghi nhận những gì đang xảy ra chứ không thực sự tìm kiếm cái gì đang xảy ra, một cách nhẹ nhàng thư thới bình thản, đặt chánh niệm tại đó và ghi nhận những gì đang xảy ra nếu có. Mang sự chú ý trở về cổ và hướng ra sau lưng để xem cảm giác gì đang sanh khởi. Hãy ghi nhận những cảm giác như là căng thẳng tê cứng hay rung động hoặc nóng hoặc lạnh, bất cứ điều gì liên quan đến xúc giác, ghi nhận những cảm giác đang xảy ra nơi ta hướng sự chánh niệm về. Thong thả tỉnh táo chậm rải quét chánh niệm đến phần trên của lưng, giữa lưng và phần dưới của lưng và ghi nhận những cảm giác đang sanh khởi . An trú chánh niệm chung quanh khu vực xương chậu thử xem cái gì đang sanh khởi, cái gì mình đang cảm giác, tiếp tục ghi nhận và chỉ ghi nhận thôi . Chậm rải hướng chánh niệm đến đôi chân, đưa chánh niệm xuống phần đùi, đầu gối, ống chân, mắt cá, để chánh niệm ghi nhận cảm giác sanh khởi dưới chân. Hướng sự chú ý đến đôi bàn chân, phần trên của bàn chân, vùng chung quanh bàn chân thử xem có những cảm giác gì. Ghi nhận cảm giác bàn chân tiếp xúc với mặt đất, với mặt phẳng. Và bây giờ bắt đầu bước đi bằng cách nhón gót chân một cách chậm rãi và khi nhón gót chân lên lưu ý những cảm giác của chân, của bàn chân như thế nào trong lúc mình nhón gót. Nhón gót chân trái lên rồi từ từ giở chân lên đưa tới và bước một bước ngắn và trong bước ngắn đó lưu tâm tất cả những cảm giác của chân trái. Ghi nhận sự di động của chân, một cách châm rãi đặt bàn chân xuống. Bây giờ từ từ nhón gót chân phải lên, giở chân lên, đưa tới và đặt chân xuống bằng tất cả sự chú ý để ghi nhận.Trở lại trong tư thế đứng và đứng một cách thư thả hướng chánh niệm vào trọng tâm điểm. Vừa rồi một cách thức hành kiểu mẫu tiêu biểu cho sự quan tâm cho sự hướng chánh niệm trong lúc ta đi kinh hành. Bây giớ quý vi có thể mở mắt ra và đi tìm một khoảng trống khả dĩ có thể đi kinh hành, không cần phải quá dài, độ chừng 20 bước để bắt đầu thực tập chánh niệm trong mỗi bước đi. Khi đã tìm được một nơi có thể đi kinh hành tới lui, đầu tiên hãy bắt đầu với tư thế đứng và quét chánh niệm của mình từ đỉnh đầu đến bàn chân để ghi nhận những cảm giác toàn thân trước khi bắt đầu sự di động. Sự thực hành chánh niệm trong lúc đi kinh hành, chúng ta có thể chia làm ba phần 1/ Giai đoạn đầu chúng ta đi tương đối chậm rãi, nhưng không chậm hơn bình thường bao nhiêu, nhẹ nhàng khoan thai. Chỉ là hơi chậm thôi chứ thực sự không chậm lắm. Và trong lúc đi với nhịp độ bình thường đó chúng ta ghi nhận thoang thoáng nghĩa là chân trái bước chân mặt bước, hoặc ghi nhận cảm giác đặt chân xuống. Chúng ta chỉ ghi nhận một điểm nào thôi chứ không thể ghi nhận trọn bước chân của mình. Điều mà chúng ta thực hành tại đây là chú ý một cách đơn thuần, chú ý trực tiếp giản dị những cảm giác xảy ra trong lúc chúng ta đi. Tất nhiên đó là những cảm giác trên thân. Chúng ta không những ghi nhận những cảm giác trong thân mà chúng ta còn có thể ghi nhận sự biến đổi cảm giác đó trong lúc cơ thể đang di động, những chuyển động nhỏ nhặt cũng tạo ra một số cảm giác dễ dàng ghi nhận lúc chúng ta đang đi. Cũng nên ghi nhận sự phóng tâm, ghi nhận những ý tưởng thất niệm trong lúc chúng ta đi kinh hành nều điều đó chi phối chúng ta. Nếu tâm ý đang nghỉ vẩn vơ, hoặc giả đang chú ý tới điều gì khác, cũng ghi nhận sự phóng tâm sau đó trở về ngay với bước đi của mình. 2/ Khi khả năng chánh niệm tương đối hơi thành thục, chúng ta có thể chia bước đi ra làm hai nhấc chân lên, đặt chân xuống. Có những cảm giác liên quan đến cử động nhấc chân lên và đặt chân xuống. Tất cả cần được ghi nhận một cách tỉnh táo, rõ ràng. Khi ta nhấc bàn chân lên, cái gì là cảm giác của chân và bàn chân, đó là điều cần phải ghi nhận. Khi đặt chân xuống cái gì là cảm giác hiện khởi khi đặt chân xuống ta ghi nhận cảm giác. Khi chúng ta bắt đầu đi chậm lại ta ghi nhận bước chân gồm có 2 phần: nhấc chân lên và đặt chân xuống, và trong mỗi phần như vậy có những cảm giác hiện khởi đi kèm với sự di động này. Tất cả là điều chúng ta cần ghi nhận. Quý vị cảm giác như thế nào khi nhón gót chân lên, khi nhấc bàn chân lên, cảm giác như thế nào khi đặt bàn chân xuống, những cảm giác đó trong mỗi bước chân đều cần được ghi nhận. 3/ Khi chánh niệm đã thuần thục hơn đã tinh tế hơn ta chia bước chân làm 3 phần: _Nhấc chân lên. _Đưa chân tới _ Đặt chân xuống Nhấc lên, đưa tới, đặt xuống. Đó là ba phần của một bước chân. An lập chánh niệm của mình trong sự di động rất chậm rãi của bàn chân, đối với bất cứ gì xảy ra trong từng cử động cần được ghi nhận một cách rõ ràng. Và làm sao cho chánh niệm song hành với những bước chân. Nhịp điệu của sự di động hoàn toàn chậm hơn cách chúng ta đi hằng ngày, và tại đây bước chân phải được thực hiện trọn vẹn với ba đông tác, trước khi nhấc chân kia. Nói cách khác thông thường chúng ta vừa đặt chân này xuống, chưa đặt xuông hết thì bàn chân kia đã nhấc lên, đó là cách đi nhanh. Trong lúc thực tập tại đây bàn chân được thực hành theo ba bước nhấc lên, đưa tới, đạp xuống phải được thực hiện trọn vẹn, đầy đủ, hoàn tất trước khi chúng ta giở bàn chân kế tiếp, đó là cách theo dõi bước chân của mình. Nhấc chân lên, đưa chân tới, đặt chân xuống, ngưng một chút rồi bắt đầu nhón gót chân kia, cũng nhấc lên, đưa tới, đạp xuống như vậy. Với một người trong giai đoạn thực tập chánh niệm, mức độ chậm rãi của bước đi có thể so sánh với một người đang tập Thái cực quyền hay người đang thực tập những lôi vũ cổ điển. Nhấc chân lên, đưa chân tới, đạp chân xuống hay nói một cách ngắn là _giở, bước, đạp_ giở, bước, đạp.Mỗi một phần của sự di động đều được ghi nhận và ghi nhận một cách rõ ràng. Kinh hành ở trong giai đoạn này nhịp điệu chậm rãi giở bước đạp mỗi một phần của sự di động đều được ghi nhận và ghi nhận một cách rõ ràng. Mức độ nhanh châm quyết định vào khả năng ghi nhận chánh niệm trọn vẹn trong lúc chúng ta đi. Đối với rất nhiều người bắt đấu bằng nhịp điệu tương đối nhanh, từ nhịp điệu bình thường, nhanh, đến chậm dần dần song song với khả năng thuần thục của định tâm của chánh niệm. Khi chánh niệm càng tinh tấn nhịp điệu càng lúc càng chậm và theo dõi rõ ràng chi tiết từng bước chân, có nghĩa là từ nhanh đến chậm. Có lúc qúy vị cảm thấy thực sự hữu hiệu nếu mình bắt đầu đi một cách chậm rãi để duy trì chánh niệm, tuy nhiên nếu cảm thấy bị phóng tâm hơi nhiều, cảm thấy bị gián đoạn chánh niệm ta hãy bắt đầu đi nhanh một chút, làm thế nào để có sự hoà nhịp giữa chánh niệm với bước chân. Qúy vị có thể tự trắc nghiệm chính mình nhịp độ nhanh chậm của trong lúc đi, cứ thử như vậy. Có những người thích hợp với nhịp độ nào đó, hoặc nhanh hoặc chậm. Điều ghi nhớ tại đây làm thế nào chánh niệm có thể bắt kịp, đi song song, duy trì với từng chuyển động của bước đi, cũng đừng quên ghi nhận những phóng tâm những chi phối của những ý tưởng bâng qươ sanh khởi trong lúc chúng ta đang đi. Sau khi ghi nhận sự chi phối của những tâm ý miên man đó, ngay lập tức trở lại với việc mình đang làm đó là chánh niệm trong từng bước chân. Cách duy trì phát triển chánh niệm, tu tập chánh niệm trong từng bước chân trong lúc đang đi, đó là hình thức kiểu mẫu rất có lợi cho hành giả trong việc đem chánh niệm vào đời sống hằng ngày. Cuộc sống hằng ngày là một tập hợp của những động tác và nếu chúng ta có khả năng theo dõi từng bước đi của mình, chúng ta cũng có thể đem khả năng đó ảnh hưởng một cách lợi lạc trọn cả ngày còn lại với những động tác khác. Ví dụ như bước tới bước lui, co duỗi, xoay người, đụng chạm, cầm lấy một vật nào đó tất cả đều được diễn ra với chánh niệm, tất cả đều được ghi nhận bởi vì chúng ta đã quen thuộc với bước chân của mình. Điểm cần nhấn mạnh tại đây tất cả sự chú ý đều có sự trưởng dưỡng của chánh niệm, một khi chúng ta đã bén nhạy đã thuần thục chúng ta dễ dàng ghi nhận những động tác, những thay đổi, những cử chỉ của thân thì càng lúc sự nhận thức của tâm càng tinh tế hơn, có chiều sâu hơn, đối với những gì đang xảy ra. Chính điều này cho chúng ta thấy sự khác biệt đối với những người có thiền tập hay không có thiền tập đối với nhận thức chánh niệm rõ ràng về những gì xảy ra trong thân của mình. Vừa rồi là phần hướng dẫn sự tu tập chánh niệm trong lúc đi kinh hành bởi ông Joseph Goldstien, một trong những truyền nhân của Ngài Mahasi. Trong phần hướng dẫn này thiền sinh học một kinh nghiệm khác và chính kinh nghiệm này nói lên từ ngữ Vipassana. Chữ passana có nghĩa là thấy, biết. Ở đây chỉ cho sự đa dạng hay là bằng nhiều khác nhau. Vipassana là là khả năng ghi nhận thấy biết trong nhiều dạng thức khác nhau. Chúng ta muốn nói đến tại đây là khả năng tỉnh và động. Những lúc chúng ta ngồi yên là trạng thái tỉnh, khi chúng ta đứng dậy đi là động, trong tỉnh lẫn động hành giả tu tập chánh niệm đều có cách thấy để ghi nhận. Chúng ta phải hiểu được tướng nào của thân của tâm để nắm bắt trong lúc tu tập thiển quán. Tất nhiên theo phương pháp Ngài Mahasi chúng ta cần lưu ý một số điểm như sau: 1/ Khi tu tập chánh niệm không phải khởi đầu bằng bước đi mà khởi đầu bằng tư thế đứng, hầu hết các thiền sư đều hướng dẫn cho người mới tập thiền bắt đầu đi kinh hành bằng một phút hay hai phút đứng và đứng tại đây các vị không hướng dẫn theo dõi hơi thở trong lúc đứng mà thực tập bằng cách quán sát những cảm thọ đang sanh khởi từ đỉnh đầu đến bàn chân. Trong danh từ A tỳ đàm có một từ ngữ khi chúng ta học về các pháp là kềm tỉnh oai nghi. Một hành giả đứng niệm hơi thở thường không vững vàng như một hành giả quét chánh niệm của mình. Chữ quét ở đây chúng tôi tạm dịch từ chữ Scan có nghĩa là rà, soi, quét qua giống như ra-đa quét qua một vùng nào đó trong bầu trời để ghi nhận tất cả những gì có trong bầu trời như phi cơ chẳng hạn. Như Scan ta hướng chánh niệm từ đỉnh đầu cho đến bàn chân để ghi nhận những cảm giác từng phần một, một cách tinh tế. Thông thường chúng ta biết rất ít về cảm giác của mình, biết rất ít về những gì đang xảy ra. Nếu chúng ta đứng trong tư thế thư giản, khoan thai, nhẹ nhàng, hướng chánh niệm từ đỉnh đầu xuống trước mặt, rồi mắt, má, hàm, và hướng chánh niệm phía sau từ cổ lưng v.v.. cánh tay rồi xuống dần đến bàn chân. Ở mỗi nơi chúng ta hướng sự chú ý như vậy có thể ghi nhận một số những cảm giác, có thể những cảm giác nhẹ nhàng căng thẳng hay là nhức,là tê, khó chịu căng thẳng, rung động v.v..Tất cả những cảm giác đó đều nên được ghi nhận. 2/ Trong bài học này qua phương pháp của Ngài Mahasi, thường tạo ra một số tranh luận nên đi nhanh hay đi chậm. Phần cuối bài bài hướng dẫn ông Joseph Goldstien đã nhắc rằng điểm trọng yếu là chánh niệm chứ không phải là nhịp điệu đi nhanh hay chậm. Thế nhưng về điểm này có nhiều người bắt đầu bằng phương pháp đi nhanh dần dà do có chánh niệm được bén nhạy hơn tinh tế hơn bước đi của họ chậm lại để có thể ghi nhận từng chi tiết một. Có những người lại bắt đầu bằng phương pháp đi rất chậm cho phép họ ghi nhận rõ ràng từng động tác. Nhanh hay chậm cũng tuỳ theo tánh của mỗi người. Lúc chúng tôi hành thiền với Ngài Mahasi, chúng tôi nhận thấy rằng Ngài đi nhanh. Quý Ngài đi nhanh trong lúc đi kinh hành, quý Ngài là những vị tốc trí, tức là có trí tuệ nhanh nhẩu, nhưng trong lúc hướng dẫn thiền tập đặc biệt là Ngài Mahasi hướng dẫn thiền sinh nên đi chậm và trong bài ông Joseph Goldstien đã đưa ra một ví dụ như lúc chúng ta thực hành Thái cực quyền, người ta gọi là Taichi. Những người học vũ có những vũ điệu cổ điển, họ phải di động bước chân một cách chậm rãi, trong cái chậm rãi đó cho phép họ được sống với những động tác nhỏ nhỏ, những động tác này tuy rằng nhỏ nhặt, không quan trọng nhưng chính động tác nhỏ nhặt đó được ghi nhận sẽ tạo ra sự bén nhạy tinh tế của chánh niệm. 3/ Trong bài hướng dẫn này chúng ta thấy ở mỗi cách thực tập chúng ta có đặt để một chỗ gọi là căn bản để định tâm. Thí dụ như trong lúc mình ngồi căn bản là hơi thở, khi có sự phóng tâm hay một âm thanh tới lui, chúng ta ghi nhận những thứ đó và mau mắn đưa vào hơi thở. Trong lúc đi chúng ta cũng như vậy, niệm phóng tâm niệm chuyển biến hiện khởi chi phối như âm thanh ồn ào xảy ra, mau mắn đưa chánh niệm trở lại với bước chân của mình. Quan trọng mình biết cái nào chính, cái nào phụ. Ví dụ như chúng ta đang sinh hoạt trong room tại đây, vào giờ phút này công việc sinh hoạt chúng ta là tại đây và có việc gì xảy ra chung quanh chúng ta nhanh chóng ghi nhận giải quyết. Nếu không phải việc qúa quan trọng, quá thúc bách chúng ta sẽ đưa sự chú ý của mình trở lại với sinh hoạt tại đây. Hành giả cần có căn bản hậu cứ để đưa tâm trở về. Phải biết đựoc lúc nào chúng ta xuất phát lúc nào chúng ta trở về, không bao giờ để chánh niệm trong thế gọi là điệu hổ ly sơn. Nghĩa là chúng ta bị chi phối bởi một điều gì đó và chúng ta cứ niệm cái đó, niệm một lúc chúng ta đánh mất đề mục của mình. Đôi lúc có nhiều người cảm thấy không thoải mái khi đi kinh hành ở nhịp độ quá chậm. Về điểm này như khi nãy chúng tôi có tóm tắt tuỳ theo cá tính có những người bắt đầu thật chậm có những người bắt đầu nhanh nhưng một khi chánh niệm thuần thục thì nhanh hay chậm tuỳ thuộc khả năng song hành giữa bước chân và sự chú ý của mình. 4/ Một điều chúng ta thấy được ở đây làm thế nào chúng ta biết được tướng nào khởi lên, những trạng thái nào cần ghi nhận. Trong lúc đi cũng như lúc ngồi có rất nhiều thứ để ghi nhận và nếu chúng ta buông cái này chụp cái kia chúng ta sẽ bị phóng tâm hơn là chánh niệm. Do vậy chúng ta thấy rằng cảm giác như tê nhức, uể oải của thân cần được chú ý nhưng rồi khi ngồi căn bản là hơi thở, khi đi căn bản là bước chân. Sau những ghi nhận đối với những chi phối, ta trở về ngay lập tức với bước chân của mình (trong trường hợp đi kinh hành ). Chúng tôi cũng xin lưu ý cách đi chúng ta gọi là kinh hành ở đây có khác với cách đi một số phật tử Việt Nam đã quen trong truyền thống Tịnh độ tông, hay chư Tăng Bắc tông đi kinh hành niệm Phật thường đi vòng tròn chung quanh Phật đài trong chánh điện ta thường gọi là đi nhiễu Phật. Đi kinh hành ở đây không phải là đi nhiễu Phật, vì cách đi kinh hành đó bắt buộc chúng ta phải chú ý nhiều về vị thế về con đường, về những vật bài trí chung quanh nhiều hơn khả năng ghi nhân bước chân của mình. Chúng ta cũng không đi kinh hành như trong cách đi tản bộ của HT Nhất Hạnh gọi là thiền hành, HT hướng dẫn một đoàn gồm trẻ em người lớn đi ngang qua một khu vườn hay công viên, vừa đi chậm rãi. Đối với thiền quán, cách đi đó cũng cho chúng ta hướng sự chú ý hướng chánh niệm của mình đối với bối cảnh chung quanh như cây, rừng, đướng mòn v.v... Ở đây hành giả một cách gián tiếp không nói rõ nhưng chúng ta phải làm quen với con đường kinh hành của mình, nghĩa là phải tạo nên được thói quen nhất định đi cho đến mức độ nào thì quay lại mà không cần phải quan sát nhiều lần, và nên nhớ một điểm trong bài này cho chúng ta thấy rằng chỉ duy bước chân thôi, chia ra từng giai đoạn, chúng ta chỉ ghi nhân một điểm nào đó như đặt chân xuống, chân phải bước_ chân trái bước_ chân đặt xuống. Nhưng trong 1 giai đoạn nào khác chánh niệm tinh tế hơn chúng ta có thể chia bước chân làm hai phần_ nhấc chân lên_ đặt chân xuống. Ở mức độ tinh tế hơn chúng ta có thể chia làm 3 phần _nhấc chân lên _ đưa chân tới _ Đặt chân xuống _ hay Ngài Kim Triệu thường nói _ Giở _ Bước _ Đạp. Một vài cảm giác ban đầu cũng khơi mào cho chánh niệm chú ý vào sức nặng của mình đang được đặt tại đâu khi bước, đặt bên chân trái hay đặt bên chân phải. Khi đi chậm bước chân nào ta chánh niệm chú ý trọn bước chân đó, hoàn tất bước chân đó trước khi chân sau giở lên. Chúng ta thường đi vội vã chân này vừa đặt xuống thì đã nhón chân sau lên, chúng ta chưa an lập được bước chân của mình nghĩa là đầu ngón chân vùa đặt xuống chưa ổn định đã nhấc chân sau lên. Hoàn tất mỗi bước chân trước khi chúng ta bắt đầu bước tiếp theo. Đó là một vài điểm chúng tôi xin tóm tắt lai. Chúng tôi xin dừng tại đây. |
|