dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
[04] Chánh Hạnh chuyển biên thành văn bản Hãy bắt đầu vào một tư thế ngồi thiền tập một cách thoải mái vững vàng, an trú tâm vào chánh niệm, có thể bận rộn lắng nghe những âm thanh hiện khởi chung quanh, an lập chánh niệm trong hơi thở, với hơi thở vào và hơi thở ra chúng ta chánh niệm. Ghi nhận hơi thở vào và hơi thở ra hoặc giả là phồng hoặc xẹp ở da bụng. Cái nào quen thuộc, cái nào trợ giúp có thể dùng để làm phương cách theo dõi hơi thở. Bây giờ chúng ta có thể quan sát chất liệu của cảm xúc sanh khởi trong tâm, tâm tư có đang lắng đọng không, tâm tư có được an tịnh, tâm tư có đang vô ngại không, trong tâm có trạng thái vui hay trạng thái buồn hoặc giả không vui không buồn hay là tâm đang ở trạng thái quân bình giữa vui và buồn. Hãy thử xem tâm có an không, nhận ra những cảm xúc thầm kín, những cảm xúc tiềm ẩn, những gì chúng ta có thể quan sát hơi thở hay quan sát những cảm giác. Hãy chú ý vào những cảm xúc nổi bật, những cảm xúc đó có thể chiếm ngự toàn thể tâm tư chúng ta, ví dụ như cảm xúc liên quan đến ký ức, liên quan đến trù liệu, đến tương lai. Đặc biệt ghi nhận sự hiện khởi của suy tư, của sự phập phồng lo sợ hoặc giả là một sự hào hứng, đó là một vài cảm xúc hiện ra rõ ràng trong tâm tư mình. Sự lắng đọng của những cảm xúc hay là sự trống vắng của những cảm xúc nổi bật có thể khiến hành giả bắt đầu trạng thái buồn nản. Khi ta quan sát cảm xúc mà không có cảm xúc nào rõ ràng sanh khởi, các hành giả có thể thấy không có chút thú vị nào hay là thiếu hứng thú để theo dõi cảm xúc. Trạng thái buồn nản đó là trạng thái cần được ghi nhận, quan sát không nên nhìn sự buồn nản đó qua cái nhìn liên quan đến tôi liên quan đến tự ngã của tôi, liên quan đén tính cách cá nhân là tôi đang buồn nản, tôi không thích. Sự buồn nản hiện khởi như thế nào ghi nhận như thế ấy. Buồn nản cũng là một cảm xúc cần được ghi nhận như bất cứ cảm xúc nào khác. Những cảm xúc cũng thường hiện khởi chung quanh những trạng thái đau nhức hay là tê mỏi của thân xác. Hành giả có thể có phản ứng không thoải mái bực bội khó chịu khi đối diện những cảm xúc này như đã được nói tới ở trong pháp triền cái như là sân triền cái. Hãy ghi nhận những cảm xúc xảy ra chung quanh khổ thọ hay lạc thọ. Nghĩa là từ một điểm chung tạo nên những cảm xúc liên hệ cảm giác sung sướng hay cảm giác chán ghét. Phương cách chánh niệm đối với những cảm xúc giống như đối với những triền cái, chúng ta có thể nhìn những thứ này trong một diện tích rộng lớn từ điểm sanh cho đến điểm dừng. Hiện khởi ở một điểm nào đó và chủ yếu ở một điểm mà thôi, ghi nhận sự xuất hiện và sự biến mất làm cho chúng ta có thể hiểu rõ ràng sự có mặt của các cảm xúc. Ban đầu hành giả có thể ghi nhận những cảm xúc thô thiển dễ nhận ra nhưng càng lúc càng quen thuộc hành giả có thể chánh niệm được những cảm xúc tế nhị trong tâm chúng ta. Chỉ ghi nhận, quan sát chánh niệm nhưng không phản ứng, hành giả đi vào thế giới tự do để cảm giác để chánh niệm những cảm xúc ở trong lòng, không chống đối cũng không bám víu, đơn thuần ghi nhận cái gì đến thì đến, cái gì đi thì đi. Chánh niệm có khả năng hiện diện quan sát bất cứ điều gì hiện khởi, điều đó là tốt hoặc xấu, là thích hay không thích, tất cả đều nằm trong tầm nhìn của chánh niệm. Chánh niệm thiền quán đưa chúng ta đến cảnh giới cùng tận của sự ghi nhận bất cứ điều gì sanh khởi và đó là một thử thách lớn. Chúng ta vốn không quen ghi nhận một cách bình tỉnh, ghi nhận một cách tự tại đối với sự đến và đi của cảm xúc và chính chánh niệm những cảm xúc giúp cho chúng ta có được ghi nhận khách quan tuy không bám víu chấp giữ nhưng lại có mặt một cách tỉnh táo đối với những gì đang xảy ra trong lòng của mình. Chúng ta có thể quan sát có thể ghi nhận sự sanh khởi của các cảm xúc nhưng chỉ ghi nhận thôi, không cố gắng để nhào nặn để chống đối. Bằng sự ghi nhận rất nhẹ nhàng khách quan cái gì sanh ra ghi nhận nó sanh ra, cái gì biến mất ghi nhận biến mất, một cách nhẹ nhàng trầm tỉnh đối diện với cảm xúc của mình. Vừa rồi là bài hướng dẫn của Joseph Goldstein một trong những sáng lập viên hướng dẫn thiền tập tại trung tâm thiền viện IMS. Cũng giống như những lần trước khi chúng ta nói về hơi thở, nói về các pháp triền cái. Kinh nghiệm liên quan đến cảm xúc ở đây là một sự ghi nhận làm thế nào để chúng ta thấy rõ được những mảnh vụn của cảm xúc, sự rời rạc của cảm xúc, sự phức tạp của cảm xúc. Hoặc vui hoặc buồn hoặc dễ chịu hoặc khó chịu, hoặc sung sướng hoặc bực bội, những điều này sanh khởi, đến và đi. Có vài điểm ở đây rất quan trọng: _Đối với những cảm xúc rõ nét chúng ta dễ dàng chánh niệm nhưng đối với trạng thái trống vắng, nghĩa là đối với chúng ta không có cảm giác gì hết. Sự trống vắng đó có khi tưởng là thọ xả, đối với hành giả đó là một sự tẻ nhạt buồn chán, và chính cảm giác tẻ nhạt buồn chán đó cũng là mục tiêu để được quán sát để được ghi nhận. _Điểm thứ hai chúng ta thấy tại đây là thông thường đối với những cảm giác hiện khởi chúng ta thường dán một nhãn hiệu vào đó, tôi buồn, tôi vui, tôi thích. Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy đó là vui là buồn thì nó mang một ý nghĩa khác, nhưng khi chúng ta thêm một chữ tôi buồn tôi vui thì tự nó khiến chúng ta có một ý nghĩ khác . Đơn thuần là cảm xúc hoặc vui hoặc buồn, hoặc dễ chịu hoặc không dễ chịu, cho phép chúng ta trong cương vị khách quan để chúng tự hiện ra và tự tan biến, nhưng khi chúng ta nói tôi vui, tôi buồn thì đó là một chánh niệm được gắn liền với tự ngã, với thị dục hữu ngã vốn không cần thiết. _Cũng từ bài học về cảm xúc này, chúng ta một lần nữa ôn lại chánh niệm đối với những cảm xúc thô hoặc rõ ràng, đối với những cảm xúc tế hoặc là khó thấy và cũng có những cảm xúc liên hệ với những trạng thái khác. Ở đây chúng ta phải thấy rõ cái nào là chính, cái nào là phản ứng dây chuyền. Nếu cái đau nhức của thân hiện lên chúng ta chỉ thấy nó là đau nhức thôi, như vậy không có vấn đề lớn, nhưng từ sự đau nhức của thân nó lại có một phản ứng dây chuyền tạo nên nhiều phản ứng vui hay buồn khác. Lúc đó chúng ta sẽ thấy một sự sanh khởi cực kỳ phức tạp. Chánh niệm không rời cảm xúc chúng ta nhận ra rằng sự sanh khởi của một cảm thọ chỉ mới trong một dạng rất là phôi thai, nhưng chính phản ứng của những cảm thọ, phản ứng đối với các pháp đã sanh khởi lại là một vấn đề khác và chúng ta thường phản ứng một cách thiếu nhẫn nại, chúng ta thường phản ứng một cách thiếu trách nhiệm, chúng ta thường phản ứng một cách chủ quan và do vậy chúng ta phí rất nhiều thì giờ năng lực cho những cảm xúc mà đáng lẽ nếu chúng ta để tự nhiên một chút cho những phản ứng này thì những phản ứng này tự đến tự đi, tự sanh tự diệt. Giống như bao nhiêu thứ vui buồn thương ghét ở trong đời sống của chúng ta. Nếu chúng xuất hiện mà ta chỉ ghi nhận, thấy biết nó đang xuất hiện thì không tạo nên những vấn đề trầm trọng. Nhưng bởi vì chúng ta có phản ứng lại, thường là phản ứng mông nổi quá đáng. Chúng ta giống như con bò nhai lại , ngồi nghiền ngẫm trong tâm tư của mình chuyện bé xé to, từ chuyện này tạo ra chuyên khác. Trong bài học liên quan đến vấn đề cảm xúc, chúng ta ghi nhận hai dạng của cảm xúc: _ Một dạng chúng ta gọi là tiềm ẩn mà ở đây ông Joseph Goldstein gọi là a back ground emotion. Chúng ta đang thở, đang chánh niệm hơi thở nhưng đằng sau đó lại có những cảm xúc và đôi khi cảm xúc đằng sau đó cũng cần được ghi nhận. Đối với những cảm xúc nổi bật rất dễ nhưng những cảm xúc tiềm tàng rất khó để mà ghi nhận. Ví dụ như có những ngày chúng ta nhìn hơi thở cùng với một tâm thái phấn chấn. Có những ngày chúng ta nhìn hơi thở với tâm thái uể oải không hứng thú. Những trạng thái phấn chấn hay không hứng thú hay buồn nản không phải là vấn đề, không nên để nó là vấn đề và quả thật chúng ta không nên phản ứng quá mạnh với nó, nó tích cực phấn chấn cũng được, nó buồn nản tẻ nhạt cũng được. Quan trọng là chúng ta có ghi nhận cảm xúc hay không. _Một người quá nhiều cảm xúc không sống trong tư thế lựa chọn gạn lọc, cũng không sống trong tư thế xử lý những cảm xúc mà chỉ đơn thuần ghi nhận cài gì đến biết nó đến, cái gì đi biết nó đi và ở trong bất cứ tình huống nào, trong bất cứ thời điểm nào chúng ta sống bằng những cảm xúc hoặc vui hoặc buồn, hoặc không vui không buồn mà đời sống thường xoay quanh những cảm xúc đó. Nếu ta sống chánh niệm với những cảm xúc chúng ta thấy rằng những thứ này rất phù du, thật là mỏng mảnh, bao nhiêu cái vui buồn lẩn lộn chợt đến chợt đi. Nó không bền chặt, không ổn định ,không chắc chắn như chúng ta nghĩ. Hôm nay phần lớn những cái chúng ta quan niệm về cuộc sống đều dựa trên sự mong manh, sự bất thường của những cảm xúc này. Xin kết thúc bài hướng dẫn tại đây. |
|