dieuphap.com Trang Chnh |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
Tánh Chất Của Nghiệp TT Giác Đẳng: Trong tuần lễ chúng ta thảo luận chung quanh đề tài về nghiệp, một điểm mà chúng ta ít nhất cũng phải đồng ý với nhau đó là quan niệm thường thức của chúng ta về nghiệp tương đối rất đơn giản. Trong lúc những lời dạy của Đức Phật về điều này thì hết sức tế nhị khúc chiết. Ví dụ như trong đề tài ngày hôm nay, thật ra thì chúng ta khó đưa ra một đề tài cho phù hợp với nội dung của bài giảng này, có thể nói như vậy. Khi mà nói đến nghiệp và quả của nghiệp được trổ như thế nào thì chúng ta sẽ thấy được một sự gay cấn giữa quá khứ và hiện tại, nhiều yếu tố gọi là tiền định tức là yếu tố đã được quyết định từ xưa từ nhiều đời nhiều kiếp và những yếu tố hiện tại này. Chúng ta hay có khuynh hướng là đặt trọng tâm hay là chúng ta quy hết tất cả mọi thứ vào một góc, một hướng. Ví dụ có những người tin vào số mạng thì chỉ tin vào số mạng thôi. Có những người không tin số mạng thì phủ nhận tất cả. Thì ở đây là một điểm rất tế nhị, bởi vì sao? Bởi vì sự tu tập của chúng ta dựa trên sự lãnh hội này. Nếu tất cả mọi thứ đã an bày, không thể thay đổi, thì sự tu tập không có ý nghĩa. Nhưng nếu trong sự tu tập chúng ta nghĩ rằng, chúng ta sẽ làm tất cả, sẽ xắp đặt tất cả mà không chịu ảnh hưởng gì bởi quá khứ, thì cũng là con đường cực đoan khác. Ngày hôm nay chúng ta sẽ xuyên qua bài giảng này để đi vào một suy tư rất tế nhị cần được cân nhắc kỹ lưỡng là thế nào là sự trổ quả của nghiệp. Nó liên quan đến hai yếu tố: Quá khứ hiện tại của tiền định và của ý trí. và điều này có thể nói rằng là một góc cạnh khiến cho Đạo Phật khác hơn bất cứ tôn giáo nào khác. Xin nghe bài giảng rộng rãi của TT Tuệ Siêu về đề tài này. TT Tuệ Siêu: Bài học ngày hôm nay chúng ta có đề tài về "Tánh chất của nghiệp". Thật ra thì nội dung của bài học này chỉ nói đến một góc độ của nghiệp, do đó như TT Giác Đẳng vừa nói trong lời dẫn nhập thì thật khó để đặt tựa đề cho bài học ngày hôm nay, nhưng dù sao đi nữa thì bài học này cũng đã nói lên một phần tính chất của nghiệp, nhưng chỉ ở trong một khía cạnh của tính chất của nghiệp thôi, chúng ta chỉ lấy một phần ở trong bài học trong chương 21 của quyển "Đức Phật và Phật Pháp". Cái nét đặc thù của Phật giáo khi nói đến nghiệp quả đã được trình bày không giống như một luận thuyết nghiệp của đạo Nigantha đã nói đến, và nó cũng không phải tương đương như là thuyết tiền định của một vài hệ thống tôn giáo khác. Rất đa dạng thưa qúi vị, điều căn bản, mặc dầu Đức Phật Ngài đã dạy rằng "gieo giống nào gặp quả nấy". Mặc dù ở trong kinh Pháp Cú kệ ngôn 127 Đức Phật dạy: "Không phải bay lên trời cao, lặn xuống biển sâu, hay chui vào hang núi, mà có thể tìm được nơi nào trên thế gian nầy để lẫn tránh quả dữ của Nghiệp xấu.". Nói như thế có nghĩa là ở đây có một số việc ác khi chúng sanh đã tạo bằng một loại tâm phiền não đặc biệt, trong trường hợp đó thì chúng sanh gieo ác nghiệp này chắc hẳn phải lãnh hậu quả, không chạy đâu khỏi. Trong kinh Tăng Chi Bộ Anguttara Nikaya Đức Phật Ngài cũng đã nói rõ về tính chất của nghiệp: "Nếu một vị Samôn Bà la Môn nào cho rằng; con người phải gặt hái hết quả dị thục của tất cả những hành động trong quá khứ, thì không có thể có một đời sống đạo đức và con người cũng không có cơ hội để tận diệt phiền não. Nhưng nếu nói rằng; quả gặt tương xứng với nhân và tuyên bố điều đó, thì ắc có đời sống đạo đức và con người sẽ có cơ hội để dập tắt phiền não." Ý nghĩa câu Phật Ngôn này tức là chúng ta không thể xem nghiệp quá khứ như là một định mệnh và hễ làm ra, tạo ra nghiệp đó thì phải gặt lấy hết tất cả những hậu quả. Mà nếu nói như vậy thì con người sẽ nghĩ rằng do nơi nghiệp ở quá khứ đã làm thì một khi nghiệp đã gieo rồi tạo ra quả khổ dầu cho mình có sự cố gắng cũng không thể chuyển sửa được, do vậy cho nên người này sẽ không hướng tâm đến sự nỗ lực để tu tập để thực hành những thiện pháp, để giảm thiểu được ác quả của nghiệp và không thể nào người đó khởi lên sự ước muốn hay có sự hành động tích cực đoạn trừ các phiền não. Đó là hậu quả của vấn đề mà chúng ta hiểu sai về lý nghiệp báo. Cho nên Đức Phật mới dạy điều này. Còn nếu như các vị Samôn, Bà La Môn tuyên bố và những người nghe họ chỉ biết rằng nếu có gặt quả, thì nhân nào quả nấy và tương ứng với nghiệp, và khi nghĩ như vậy thì con người sẽ có cơ hội hướng đến một đời sống đạo đức, và nhờ sự chuyên cần nỗ lực đó người này có thể chuyển cải được nghiệp bằng một hành động thiết thực tích cực và nhờ cơ hội này mà có thể dập tắt được phiền não. Ở đây trong Phật giáo khi Đức Phật thuyết về nghiệp quả, thì luôn luôn Ngài trình bày rằng sự nỗ lực ngay trong kiếp hiện tại có thể làm cho giải trừ được cái nghiệp trong quá khứ như trong một bài kệ Pháp Cú Đức Phật Ngày dạy "Ai dùng các hạnh lành, để xoá mờ ác nghiệp, sẽ sáng chói đời này, như trăng thoát khỏi mây. Ai trước sống dễ duôi, sau lại sống chuyên cần, sẽ sáng chói đời này, như trăng thoát khỏi mây" Hai bài kệ đó đã nói lên giá trị hiện tại mà con người tu tập tích cực nỗ lực làm những điều thiện thì chính do sự nỗ lực này có thể làm cho ác nghiệp nhẹ đi hoặc là loại bỏ. Như vậy chúng ta thấy ở đây, nghiệp tính chất nào thì cho quả ấy. Tính chất bất thiện thì cho quả đau khổ. Tính chất thiện thì cho quả an vui. Đó là điều cố định, đó là điều nhất định phải là như vậy. Nhưng về cái hiệu năng, cái công suất để nghiệp có thể trổ quả hay không thì còn tùy thuộc vào một hành động khác, tức là một hành động ngay trong hiện tại người đó khéo tu tập, khéo an trú trong thiện pháp thì người này cũng có thể chuyển được nghiệp. Ở đây khi đề cập đến nghiệp thì chúng ta nên nhớ có bốn trường hợp tức là sanh nghiệp, trì nghiệp, trú nghiệp và đoạn nghiệp. Nghiệp luôn luôn có bốn chức năng như vậy, chớ không phải lúc nào nghiệp cũng là sanh nghiệp và trì nghiệp. Một việc thiện mà chúng ta làm cái công năng của nghiệp đó tức là trổ sanh ra quả, nhưng nghiệp này nó còn có một công năng khác tức là nó áp chế được nghiệp đối lập. Thí dụ như chúng ta tạo nghiệp thiện, chẳng những nghiệp thiện có tánh chất là trổ quả riêng, mà nghiệp thiện đó còn có ba chức năng khác, tức là duy trì sự an vui đó gọi là trì nghiệp, và có thể làm chướng nghiệp tức là áp chế được ác nghiệp đã làm, thiện nghiệp có công năng như vậy. Lại nữa cũng có trường hợp công năng thứ tư của nghiệp thiện đó là chuyển nghiệp có nghĩa là nó phá vỡ mãnh lực của ác nghiệp. Như trường hợp chúng ta biết rằng tướng cướp Angulimala là một sát nhân lừng danh khép tiếng một thời đã giết chết cả ngàn người, nhưng vị ấy đã tỉnh ngộ vì nghe lời giải thích của Đức Phật cho nên vị ấy đã quăng bỏ khí giới và xuất gia sớm trở thành vị A La Hán và thoát khỏi quả dữ của hành động tàn ác ấy. Nàng kỷ nữ Ambapali, một cô gái giang hồ biết hồi tâm chuyển ý tu hành cũng trở thành một vị thánh. Dạ xoa Alavaka hung tợn nhưng khi được Đức Phật cảm hóa thì dạ xoa này đã từ bỏ hung dữ và cố gắng tu tập và chứng đắc được quả thánh. Hoặc như vua A Dục trước đây là một vị ác vương A Dục, người ta thường gọi như vậy là bởi vì vị vua đó có tánh tình hung ác tàn bạo, nhưng sau này khi đã thấu hiểu được lời dạy của Đức Phật, đã trở thành một minh vương đến độ mà người ta đặc cho một biểu danh là Dhamma Asoka Pháp Vương A Dục. Thì như vậy chúng ta nhớ rằng con người có thể nhờ ý trí, nhờ sự nỗ lực có khuynh hướng theo thiện pháp họ có thể thay đổi tâm tánh, có thể chuyển cải từ xấu qua tốt, từ dữ qua lành được. Khi chúng ta nói về tánh chất của nghiệp, thì niềm tin của người Phật tử khi chúng ta tin lý nhân quả đó là chánh tín. Chúng ta tin bản thân mình là kẻ thừa tự những quả của nghiệp mà mình đã gieo dù thiện hay ác, niềm tin đó là một niềm tin chân chánh. Nhưng không phải tin như vậy là đủ, mà chúng ta còn biết rõ giá trị thiết thực khi chúng ta muốn cải chuyển được những ác nghiệp chúng ta đã lỡ lầm gieo trong quá khứ. Chúng ta cũng còn cách để cứu vãng được, đó là sự nỗ lực cá nhân, sự tinh tấn tích cực làm các điều thiện, tích cực tu tập. Điều đó cũng sẽ đem lại cho chúng ta một đời sống an vui hạnh phúc. Ở đây khi nói đến sự tu tập để cải chuyển được nghiệp hay để ngăn chận được hậu quả của nghiệp. Đoạn kinh dẫn chứng một pháp thoại mà đức Thế Tôn đã thuyết trong Tăng Chi Bộ kinh phẩm "Hạt Muối" : là đối với một người không tu tập về thân, tu tập về giới, tu tập về tâm, tu tập về trí tuệ, vì rằng không tu tập như vậy tâm của họ bị hạn hẹp. Do tâm hạn hẹp thì dù một hành động ác nhỏ nhặc của người ấy cũng đủ để tạo quả đưa vào cảnh khổ. Ngài có thí dụ trường hợp này: Như một chén nước với dung lượng rất nhỏ nếu để vào đó một muỗm muối thì cũng đủ làm cho chén nước mặn. Nhưng ngược lại với một người biết tu tập về thân, về giới, tu tập về tâm, tu tập về tuệ có đạo đức cao thượng, biết làm điều thiện và tâm từ vô lượng đối với chúng sanh, tâm tư của họ bao la trải rộng như biển cả, như một giòng sông lớn thì như vậy đối với người này dầu cho có lỡ phạm vào một việc ác tầm thường nhỏ nhặc, hành động đó cũng không đủ sức để tạo quả đau khổ cho người ấy ngay trong kiếp này hoặc trong kiếp tương lai. Đức Phật Ngài có ví dụ khi Ngài hỏi các vị Tỳ Kheo "Nếu người ta bỏ muỗm muối vào sông Hằng thì như vậy nước sông Hằng có vì một muỗm muối đó mà trở lên mặn khó uống không?" "Bạch Đức Thế Tôn không" "Tại sao?" "Bạch Đức Thế Tôn, vì sông Hằng rộng lớn nước mênh mông nên muỗm muối đó không đủ làm mặn" Đức Phật Ngài dạy rằng "Cũng vậy, nếu người kia khéo tu tập về giới, về thân, về tuệ, thì tâm tư của người đó trải rộng, một hành động lỗi lầm nhỏ nhặc cũng không đủ sức để tạo ra quả dẫn đến tái sanh vào cảnh khổ." Như vậy thì có trường hợp một người vi phạm một lỗi mà chịu cảnh khổ, còn một người khác cũng phạm một lỗi tương tựa nhưng chịu quả nhẹ hơn, hoặc là không thể trổ sanh quả. Đó là do nơi khéo tu tập. Bài kinh này đã cho chúng ta một hướng đi về con đường mà chúng ta tìm cầu hạnh phúc an lạc. Chúng ta vững tin vào lý nghiệp báo, nhưng sự vững tin vào lý nghiệp báo đó không phải để chúng ta cúi đầu chấp nhận như một định mệnh được an bày, như một số phận trong quá khứ đã sắp đặt. Người Phật tử chúng ta luôn luôn tin vào lý nghiệp báo để biết rằng không nên tạo những ác nghiệp, vì ác nghiệp sẽ đi đến quả khổ đau, nên tạo những thiện nghiệp vì thiện nghiệp đưa đến quả hạnh phúc an lạc. Chúng ta chỉ có niềm tin ở lý nghiệp báo bao nhiêu đó thôi, còn lại thì chúng ta luôn luôn nỗ lực tích cực trong việc hành thiện, trong việc tu tập. Bởi vì chính việc thiện chúng ta tu tập cho thuần thục, cho lớn mạnh thì việc thiện đó sẽ giúp cho chúng ta cải chuyển được ác nghiệp ở trong quá khứ. Mặc dù có đôi lúc không cải chuyển được nhưng ít ra thì nó cũng giảm thiểu được mãnh lực của nghiệp ác trong quá khứ. Thí dụ như trong quá khứ chúng ta tạo những nghiệp ác có thể đưa đến ngay trong hiện tại là phải bị tai nạn và chết, nhưng chính người này ngay trong hiện tại do vì người ấy khéo tu tập trì giới , từ bỏ sự sát sanh không đánh đập không đả thương chúng sanh khác, luôn trải rộng lòng từ đối với chúng sanh khác, chính do thiện hạnh tốt đẹp này, tâm bao la này mà có thể cản bớt được ác nghiệp thay vì phải bị chết trong một tai nạn, nhưng có thể giảm nhẹ, chỉ bị xây sát thương tích thôi. Hoặc giả nếu như nghiệp ác ở trong quá khứ không mức độ trên quá 50% hay 100% thì chính do sự tu tập thiện nghiệp này có thể chuyển cải đoạn trừ được ác nghiệp. Một điều mà người đệ tử của Đức Phật có trí tuệ, chúng ta suy tư và chúng ta có niềm tin về lý nghiệp báo, nhưng luôn luôn chúng ta có niềm tin trên hết là sự nỗ lực, sự cố gắng cá nhân của hiện tại sẽ giúp cho chúng ta được rất nhiều. Luôn luôn chúng ta phấn đấu vươn lên đi tới phía trước. Chúng ta đừng nghĩ nhiều về quá khứ và chấp nhận quá khứ như là một sự thủ phục với định mệnh, làm như vậy thì đời sống của chúng ta sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ thực hiện được một đời sống đạo đức, và làm như vậy chúng ta mới có cơ hội để chúng ta ngay trong hiện tại đoạn trừ được các phiền não. Giả như tướng cướp Angulimala mặc cảm về tội lỗi của mình mà không chịu nỗ lực tu tập, mặc dù sau khi tỉnh ngộ mà không chịu nỗ lực tu tập thì không thể đạt được sự giải thoát cứu cánh. Đàng này thì Ngài Angulimala đã bỏ qua những gì ở quá khứ, chuyện gì đã qua thì cho qua, chỉ biết ngay trong hiện tại trước mặt là vị Đạo Sư tuyệt vời với giáo pháp thậm thâm vi diệu, với một đời sống phạm hạnh đầy hứa hẹn sự an vui hạnh phúc cho nên vị này đã vững tâm nỗ lực tu tập, rồi do nhờ phước duyên đầy đủ vị này chứng đắc được quả A La Hán. Nếu như chúng ta có suy nghĩ về cái nghiệp mà chúng ta đã tạo trước đây thì chúng ta chỉ nên suy nghĩ thoáng qua để rồi chúng ta có một sự ý thức hối cải thì được. Nhưng nếu để chúng ta chấp nhận như một định mệnh buông xuôi, thì như vậy là không nên. Ở đây thì Đức Phật rõ ràng là Ngài đã từng dạy cho chúng ta một khả năng ngay trong hiện tại nếu khéo tu tập, chúng ta có được một cái cơ may để có thể đoạn trừ được phiền não và thành tựu được sự an vui. Điều đó chúng ta không có gì để nghi ngờ cả. Lời nói của Đức Phật không phải vì Ngài an ủi chúng sanh mà Ngài nói lên những điều không thể xảy ra nhưng Ngài vẫn nói - không phải như vậy - Với một bậc đại giác như Đức Phật, Ngài chỉ thuyết nói lên những gì sự thật chân lý là như vậy. Như Ngài nói đến một sự tích cực nỗ lực ngay trong hiện tại có thể làm xóa mờ ác nghiệp trong quá khứ và khiến cho một con người trước đây đen tối bây giờ trở thành chói sáng trong cuộc đời như trăng thoát khỏi mây. Điều đó Đức Phật đã nói lên những gì có thể xảy ra trong cuộc sống này. Chưa có một vị giáo chủ nào mà tuyên bố được điều đó, mặc dù có vài vị cũng nói về vấn đề tội phước nghiệp quả. Nhưng vì họ không có được một sự giác ngộ thật sự, một sự hiểu biết thật sự, một kinh nghiệm bản thân từ cái giác ngộ cho nên họ không dám tuyên bố. Họ chỉ nói những gì được nghe từ bên đây hay từ bên kia hoặc do sự suy đoán, chỉ là suy đoán thôi , cho nên giáo thuyết của họ vẫn chưa thể thuyết phục được người trí. Trong khi đó thì Đức Phật Ngài đã trình bày, Ngài đã nói lên những gì mà Ngài đã tự giác ngộ, Ngài đã hiểu biết thật sự. Do vậy những gì Đức Phật đã thuyết ra, nếu là bậc trí thì chúng ta cần phải hiểu rõ điều đó. Và chúng ta phải tin chắc điều đó để chúng ta tự mình cố gắng rút chân khỏi vũng bùn. Như con voi chiến của vua Pasenadi sơ ý để sa chân lún vào vũng bùn, không thể nào nhấc chân ra được với thân đồ sộ của nó, tưởng chừng như nó sẽ chết ở đó, nhưng nhờ người ta khéo đánh thức được sự can trường của nó bằng cách đánh lên một hồi trống trận, nó đã quen xông pha với những hồi trống như thế cho nên vừa nghe hồi trống thì lúc bấy giờ nó không còn cảm thấy bạc nhược và khuất phục, nó đã nỗ lực nhất chân lên khỏi vũng bùn như thế nào thì đối với một người tu tập Đức Phật Ngài cũng dạy chúng ta về phương pháp đó. Như vậy thì đề tài của buổi giảng hôm nay nói về tánh chất của nghiệp, chỉ nói một phần là nghiệp quả chắc chắn là nó sẽ trổ quả giống như nhân, quả dị thục sẽ trổ quả giống như nhân, hễ nhân xấu thì cho quả xấu, nhân tốt thì cho quả tốt. Điều đó là chắc chắn. Nhưng vì tánh chất nghiệp trổ quả thì vẫn có thể cải chuyển được bằng sự nỗ lực của hiện tại. Nội dung của đề tài mà chúng tôi xin được trình bày đến đây cũng vừa đủ
|
|