dieuphap.com Trang Chính |
|
Thất tịnh qua bài kinh "Trạm Xe" Chúng ta nên có một chút tác ý để tưởng nghĩ về tất cả những công hạnh mình đã tạo trong ngày rằm tháng giêng. Đức Phật Ngài dạy rằng ngày nào thân khẩu ý được thanh tịnh, ba nghiệp được thanh tịnh, ngày đó là ngày cát tường, sự việc hanh thông . Do vậy hôm nay dĩ nhiên đa số Chư Tôn Đức có vài vị còn hơi mệt một chút vì sau một đêm dài thức trọn đêm, hy vọng rằng trong vài giờ sinh hoạt sinh hoạt trong room Diệu Pháp, quý Ngài và quý vị đều có sức khoẻ để chúng ta hoàn tất lớp học ngày hôm nay một cách viên mãn. Như đã trình bày trước đây TT Tuệ Siêu và chúng tôi sẽ luân phiên giảng với giáo trình mới, đó là Thanh Tịnh Đạo. Thỉnh thoảng chúng ta sẽ trở lại với những phương pháp học thiền qua sự chuyển ngữ những bài hướng dẫn thiền tập tại các trung tâm thiền định. Ngày hôm nay là ngày khởi đầu cho giáo trình Thanh tịnh đạo. Và để quý vị có khái niệm Thanh tịnh đạo nói gì, TT Tuệ Siêu đã dùng bài kinh Trạm Xe. Bài kinh này ghi lại cuộc đối thoại giữa Tôn giả Sariputta ( Ngài Xá-Lợi-Phất ) và Ngài Punna. Trong cuộc đối thoại này bậc Tướng quân chánh pháp Ngài Xá-Lợi-Phất đã không tự giới thiệu mình là ai mà chỉ có một cách đào tạo là đi ngay vào đề tài về cứu cánh Phạm hạnh. Ngài đã hỏi một câu rằng: “ Hiền giả hành theo pháp có phải là do Đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư của chúng ta thuyết giảng hay không ?” Ngài Punna xác định như vậy. Ngài đã hỏi: “ Cứu cánh của Phạm hạnh?” Khi hỏi về điểm này Ngài không hỏi một cách hỏi bình thường như chúng ta hỏi mà ở đó Ngài nêu lên: “ Mục đích của đời sống Phạm Hạnh có phải là để viên mãn giới không? Tức là có phải làm cho giới được thanh tịnh, giới được tốt đẹp, đó là mục đích Phạm hạnh không? Ngài Punna trả lời Không. “Có phải đoạn nghi để đạt được tri kiến để phân biệt chánh tà, để thấy mình chính có tri kiến không? Ngài Punna cũng trả lời là không. “ Mục đích gì để đạt Niết Bàn vô thủ trước”. Bắt đầu Ngài Xá-Lợi-Phất lại hỏi: “ Niết Bàn vô thủ trước là gì?” là giới thanh tịnh chăng? Là tâm thanh tịnh chăng? Là ý thanh tịnh chăng? Là đoạn nghi thanh tịnh chăng?v.v… Những câu hỏi của Ngài Xá-Lợi-Phất đã mang tính rất chuyên môn. Ngài Punna trả lời chẳng những chuẩn xác mà còn đưa ra một ví dụ. Ngài ví dụ từ Xá-Vệ ( Savatthi) đi đến Saketa. Trên đường đi có bảy trạm. Bảy trạm này để xe ngừng lại nghỉ ngơi, lấy nước uống và thực phẩm, và cho ngựa có thể phục hồi sức để tiếp tục lên đường. Ngài hỏi rằng phải chăng mục đích đi đến trạm xe thứ nhất ?trạm xe thứ hai? trạm xe thứ ba ?v.v…Có thể nói mỗi một đoạn như vậy người ta có thể lấy trạm kế làm điểm đi đến nhưng không nên gọi nó là cứu cánh. Như vậy đây là một trong những tư tưởng đặc biệt rất quan trọng trong đạo Phật. Khi đề cập đến giá trị của cuộc sống tâm linh người ta thường chủ quan thấy rằng có một số thành tựu nào đó là sự thành tựu tối hậu. Đôi lúc vì quá sùng bái, đặc biệt là quá chú tâm vào điểm đó, người ta quên đi rằng tất cả những điều được nói đến trong đời sống của chúng ta chỉ là một giai đoạn phải đến phải đi qua. Cũng như một trạm xe là nơi chúng ta cố gắng đi đến nhưng mà rồi cũng từ nơi này là nơi chúng ta phải rời bỏ. Điểm này được nói đến nhiều trong thiền tông của Trung Hoa, tư tưởng này cũng được nói nhiều trong những bộ luận được viết về sau này. Nhưng để tìm một sự quân bình không phải chuyện dễ. Tại vì sao vậy? Ở trong thiền tông của Trung Hoa và Nhật Bản đôi khi người ta nói một cái gì đó chỉ là tạm thôi, không may là cái tạm đó khiến người ta dẫn đến chỗ phủ nhận nó . Tại vì nó tạm người ta phải bỏ, ví dụ như về giới tịnh. Ý nghĩa đó cũng làm lệch đi với quan niệm về trạm xe. Trong kinh Trạm xe không nói rằng trạm thứ nhất, thứ hai thứ ba…là cứu cánh. Nhưng cho biết rằng đó là một giai đoạn quan trọng phải đi qua, khi người ta nói rằng, “Ồ cái đó không có thật, cái đó chỉ có giá trị giai đoạn” Thì không có nghĩa là vì nó có giá trị giai đoạn mình phải phủ nhận phải bỏ nó đi. Ý nghĩa của kinh Trạm xe quan trọng ở một điểm làm thế nào thấy rõ tầm quan trọng của mỗi giai đoạn nhưng không bị kẹt vào đó, không lấy đó làm một cứu cánh, làm một mục đích tối hậu và dĩ nhiên hành giả phải tiếp tục lên đường. Chúng ta dễ thoả mãn và dễ bằng lòng khi làm được điều gì tốt và nói theo ngôn ngữ thế gian chúng ta dễ ngủ say trên chiến thắng. Được một cái gì đó làm cho chúng ta cảm thấy sung sưóng và nghĩ rằng đó là tất cả, đó là tối hậu. Nhưng những gì được đề cập trong kinh Trạm xe này nói lên những ý tưởng đặc biệt vô cùng quan trọng, đó là người tu tập phải nhận ra cái gì là cứu cánh và một khi hiểu biết được nó không phải là cứu cánh thì phải tiếp tục lên đường. ví dụ như Đức Phật Ngài đã từng đến với các bậc danh sư có những sở đắc sở trí của những tầng thiền như vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng. Ngài tự hiểu rằng đó không phải là cứu cánh và Ngài tiếp tục lên đường. Cái khó và cái tế nhị của chúng ta khi chúng ta tiếp tục lên đường bởi vì cái mình đang có trong tay là cái mình hăm hở từ lâu, mình kỳ vọng từ lâu. Mình mong đạt đến nó và có được chúng ta cho đó là thành đạt, chúng ta quên đi rằng đó chỉ là một trạm dừng xe, một giai đoạn phải đi qua. Giai đoạn đó là điểm mình phải đến, đồng nghĩa với mình phải đi qua. Cái phải đến và phải đi qua, nó không đơn giản về phương pháp mà nó ăn sâu vào trong tâm não của mỗi người. Khi chúng ta dồn hết tâm tư để đạt đến điều gì, khi đạt được điều đó rồi, chúng ta không muốn rời xa nó. Chúng tôi lấy ví dụ ngay cả trường thiền có những vị đạt đến mức độ an trú trong chánh niệm, cảm thấy trong người rất thư thái, cảm thấy hết sức an lạc và vị này bỗng nhiên muốn lập đi lập lại tiếp tục trạng thái đó, cảm giác đó. Trong những trường hợp như vậy không những không giữ được những trạng thái đó mà còn lui sụt. Tại sao như vậy? Trạng thái bám víu vào nó, nó đã không còn là một sự hưng phấn trong tâm tư khi ta thấy trong cuộc hành trình mà trái lại nó là một sự cố chấp bám víu. Ở đây chúng ta lưu ý một điểm Như Lạt Ma Gobinda đã từng nói: “Đạo Phật không nói đến những điều tốt đẹp mà đạo Phật rất chú trong phương pháp”. Kho tàng kinh điển của đạo Phật nói nhiều về phương pháp hơn là ca ngợi những giá trị. Trong kinh điển các tôn giáo thì ca ngợi những giá trị hơn là nói về các phương pháp. Khi nói đến phương pháp, chúng ta nói từng bước một, bước thứ nhất, bước thứ hai, bước thứ ba… và trong mỗi bước đó chúng ta tìm thấy được cái gì là cái cần phải đạt đến, rồi sau đó chúng ta phải tiếp tục như thế nào. Nói tiếp tục có nghĩa là phải lên đường, tiếp tục có nghĩa là không thể ngủ yên ở đó, không được lui sụt phải cải thiện, phải có tiến bộ. Đó là ý nghĩa kinh Trạm xe. Quý vị khoan nóng lòng chúng tôi chưa đi vào chi tiết kinh Trạm xe, với tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh, tri kiến thanh tịnh. Chúng ta khoan đề cập đến, chúng ta chỉ đưa ra khái niệm rằng trong cuộc đối thoại này, hai Bậc Long trượng của Đạo Phật đã nói đến cứu cánh và hành trình của những cứu cánh. Các vị minh xác rằng có những pháp xem ra là tối thắng tối thượng, có những thiện pháp phần lớn người ta thành tựu được người ta hoan hỷ nằm tại đó. Nhưng không đối với một người tu tập phải tỉnh táo nhìn nhận đó chỉ là một giai đoạn. Sau khi Đức Phật viên tịch, có nhiều công trình để quảng diễn giáo lý của Đức Phật. Nhưng mãi cho đến thế kỷ thứ 19, mới biết rằng có một bậc danh sư lỗi lạc đã làm một công trình. Công trình đó trở thành dàn bài, một cái sườn cho nhiều công trình Phật học về sau này. Và dĩ nhiên ảnh hưởng và tư tưởng công trình này không phải là nhỏ trong thế giới Phật giáo Nguyên thuỷ. Nói thẳng ra nếu có một người nào chưa am tường thanh tịnh đạo này mà nói rằng mình đã biết tư tưởng Phật giáo Nguyên thuỷ thì việc đó đáng cho chúng ta đặt một câu hỏi lớn. Ngài Buddhaghosa là nhà chú giải, nhà dịch thuật, đã làm nhiều công việc san định kinh điển, đã tạo nên tác phẩm này, không phải chỉ là một kỳ công mà là một tác phẩm vượt bậc trên phương diện giáo pháp. Ngài đã xử dụng một số khái niệm trong đó có bài kinh Trạm xe để làm cái sườn cho một tác phẩm đồ sộ. Tác phẩm này từng phần giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh, kiến thanh tịnh, đoạn nghi thanh tịnh, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh, đạo tri kiến thanh tịnh và tri kiến thanh tịnh. Ngài đã cho chúng ta những khung trời rộng lớn từ đời sống của những vị khổ tu đầu đà cho đến thế giới của thiền chỉ và những hành trình qua thiền quán. Chẳng những như vậy mà có những môn học được đi thật sâu, khi nói về uẩn xứ giới đế, khi nói về các pháp ví dụ như niết bàn. Và một trong những điều khiến nhiều học giả trong quá khứ lấy làm ái ngại để chuyển dịch bộ này là vì bộ sách này mang qúa nhiều Phật ngữ và mang qúa nhiều khái niệm mà chỉ có một vị Tam tạng Pháp sư mới có khả năng làm việc đó. Ni Sư Trí Hải dịch giả cuốn Thanh tịnh đạo đã thực hiện một công trình với một chút may mắn, nhưng phải nói rằng may mắn lớn. Ni Sư đã ghi nhận phần lớn những thuật ngữ được dùng lấy từ công trình phiên dịch của Hoà Thượng Thích Minh Châu, người đã dịch ra kinh tạng và cũng là dịch giả của cuốn Thắng Pháp Tập Yếu Luận. Dĩ nhiên trong cái nhìn của những nhà A-tỳ-đàm những thuật ngữ trong bản dịch của Ni Sư Trí hải có rất nhiều điều cần phải nói rõ, cần phải đặt lại. Dù sao đi nữa một cách tương đối chúng ta đã có một tác phẩm được dịch và may mắn thay không phải dịch từ tiếng Thái, tiếng Campuchia, mà được dịch lại từ bản san định của Ngài Nanamoli. Quý vị Phật tử có dịp so sánh nguyên tác tiếng Thái và bản tiếng Anh, quý vị sẽ thấy một điều Là trong bản tiếng Anh của Ngài Nanamoli, cách trình bày đã là một đóng góp lớn cho bộ Thanh tinh đạo. Ngài đã đánh số, đánh từng phần và làm chú thích theo hình thức sách vở của ngày hôm nay. Do vậy từ một tác phẩm vĩ đại chuyển dịch sang Anh ngữ bởi một nhà Sư lớn lên trong thế giới nói bằng tiếng Anh và có thể nói là một thiên tài dịch thuật. Chúng ta cũng nhìn nhận Ni sư Trí Hải có một quá trình rất dài nhiều tác phẩm dịch thuật đã có một đóng góp lớn cho quyển sách này. Tất nhiên tác phẩm Thanh tịnh đạo tiếng Việt do Ni sư Trí Hải dịch vốn đã y cứ rất nhiều, đã tìm thấy một lợi ích to lớn cho chương trình dịch thuật từ bản dịch của Hoà Thượng Minh Châu. Có thể nói đó là gặp gỡ của bao nhiêu nhân bao nhiêu duyên rất thù thắng. Chúng tôi biết rằng có nhiều vị không hài lòng với bản dịch này nhưng dù sao đi nữa đó là bản dịch bằng tiếng Việt tốt nhất mà chúng ta có hiện nay trong nền Học Phật Việt Nam.
Trở lại với tác phẩm Thanh tịnh đạo, tác phẩm này chẳng những đưa ra một cái sườn hay đưa ra một bản đồ về tu chứng giải thoát mà qua đó còn gói ghém nhiều lãnh vực rộng lớn của Phật học. Chưa bao giờ pháp học và pháp hành được song song một cách nhuần nhuyễn như tác phẩm Thanh tịnh đạo. Với những vị nghiên cứu về Pháp học tìm thấy ở đó một sự trình bày rất khúc chiết mạch lạc về hệ thống tư tưởng của Đạo Phật. Với vị Pháp hành đó là một bản đồ vô cùng quan trọng, chiếc chìa khoá những gì cần được làm, cần được nói, cần được thực hành. Đặc điểm của bộ Thanh tịnh đạo cho chúng ta một cái nhìn liền lạc về rất nhiều đề tài đáng hết sức rời rạc. Phải nói rằng tại Trung Hoa một vị tổ của Hoa Nghiêm Tông là Khiết Hải Đại Sư đã tìm một phương pháp để dung hợp các truyền thống Phật giáo bằng cách đưa ra chủ thuyết “ Ngũ thời thuyết giáo”. Thời nào Đức thế Tôn thuyết Lăng Nghiêm, thời nào Đức Thế Tôn thuyết A-hàm, rồi Pháp Hoa, Bát nhã….Nhưng công trình đó là một công trình rất guợng gạo và cũng có nhiều học giả cố gắng có một mô tả toàn diện về giáo pháp của Đức Phật nhưng chỉ từ thất bại này đến thất bại khác. Không ai vẽ được bức tranh rộng lớn có thể gói ghém và trình bày mạch lạc. May mắn cho chúng ta quyển Thanh tịnh đạo là một tác phẩm rất hiếm hoi đã thành công về điểm này.
Vừa giới thiệu trình bày được pháp học và pháp hành, kinh tạng, luật tạng, A-tỳ-đàm, và nói lên được phương pháp nói lên được sở chứng. Chẳng những như vậy đã tiết lộ được một cách thâm sâu mênh mông của Pháp của Đức Phật từ mọi lãnh vực. Đọc những gì viết trong Thanh tịnh đạo, dù đó là một người ngoan cố ngoại đạo cũng phải nhận rằng Phật Pháp không đơn giản, chưa có đạo giáo nào trên thế giới này khi đề cập đến cuộc sống tâm linh nói bằng một phương pháp rõ ràng mạch lạc như vậy. Tại đây chúng ta có một kho tàng quý giá từ sự mô tả về chi tiết về giới, định và ngay cả ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng lại từng một công trình lớn có sự trình bày li chi những điểm quan trọng mà đáng lẽ người ta đặt riêng một tác phẩm. Chúng ta không có nhiều thì giờ để tán thán để ca ngợi. chúng tôi mời quý vị đến với kinh trạm xe như là sự bắt đầu cho chương trình học Thanh tịnh đạo. Trong đó bằng một ý niệm là mỗi một bước chân chúng ta đi đều quan trọng cho cuộc hành trình. Nhưng nó cũng chỉ là giai đoạn của cuộc hành trình. Người tu tập biết gì là giai đoạn gì là cứu cánh. Đồng thời chúng ta tránh khỏi cái nhìn có lúc chấp nhận chấp nhận một cách điên cuồng, có lúc phủ nhận phủ nhận như bài xích không ai chịu nổi. Cách đó rất cực đoan và không ai trong chúng ta ngay cả trong cộng đồng Phật giáo đôi khi ta nói một câu vô thưởng vô phạt, “ Cái này tu cao, cái kia tu thấp”. Cái nào tu cao dĩ nhiên người ta phải theo, cái tu thấp là quăng nó đi. Gíông như chúng ta đi chợ, chúng ta có trong túi một ít tiền chúng ta thấy cái này tốt cái kia xấu, cái xấu thì không đoái hoài đến. Cách tu tập cũng vậy. Hiểu như vậy là không hiểu được giá trị kinh Trạm xe. Trong kinh Trạm xe không nói rằng bước nào trong bảy bước đó là hoàn toàn quan trọng. nhưng không phải bước nào trong bảy bước đó là đều phủ nhận. Chính vì vậy chúng ta có thể nói giá trị kinh Trạm xe như giá trị Đức Phật nói lên lý duyên khởi, lý duyên sinh và nó nói lên giá trị của toàn bộ giáo pháp của Đức Phật. Mỗi pháp sanh ra một trình tự nào đó và trình tự này một đoạn cũng quan trọng và cũng không quan trọng. Nó không quan trọng bởi vì nó không phải là cứu cánh tối hậu nhưng nó quan trọng là vì nó phải đi qua. Chúng ta không thể đi một cuộc hành trình mà chúng ta nói rằng có những bước chân không muốn, chắc chắn bước chân nào chúng ta cũng phải bước. Bởi vì nó là một phần trong cuộc hành trình. Cái nhìn của duyên sinh cái nhìn của giáo lý duyên khởi. cái này có cái kia có nó đi theo một trình tự nhất định. Nó giúp chúng ta phá vỡ rất nhiều kiến chấp và kể cả sự bám víu vào một cái gì đó mà mình nghĩ rằng, “Nó phải như thế này không phải như thế kia”. Hình ảnh của người mù rờ voi, hình ảnh của người biết có một thứ mà không biết nhiều thứ, để lại bao nhiêu là quái tật, quái thai những tư tưởng trong nền học Phật. May mắn cho chúng ta có tác phẩm như Thanh tịnh đạo, ít nhất nếu một người không hiểu hết đạo Phật đọc qua tác phẩm này trên phương diện trí văn trên phương diện học thuật trên phương diện tu tập ít nhất chúng ta học sự khiêm tốn, và sự khiêm tốn có thể đến từ mỗi trang mỗi chương của Thanh tịnh đạo. ở nơi nào cũng thấy bao nhiêu là sự thâm sâu kỳ ảo, chúng tôi biết rằng có những phần trong Thanh tịnh đạo, Ngài Buddhaghosa đã có một số trích dẫn không chuẩn xác bởi vì dựa trên quan niệm thời bấy giờ. Không phải vì một vài điều nhỏ nhoi chư vậy làm đánh mất đi giá trị lớn của bộ Thanh tịnh đạo. Chắc chắn khi chúng ta đi sâu vào nội dung tác phẩm này sẽ thấy được điều đó. Đây là một tác phẩm lớn, mất rất nhiều thì giờ, chúng tôi hy vọng rằng trong vài ba năm nữa chúng ta có thể đi qua tác phẩm này. Chúng tôi xin dứt lời ở đây. Thảo luận Trong tác phẩm Thanh tịnh đạo, trên phương diện Pháp học, chứa đựng một kho tàng Pháp học ở đây. Trên phương diện pháp hành nếu có người đưa ra câu hỏi nó có quá nhiều pháp hành, có vẻ dư thừa không cần thiết. Xin TT Tuệ Siêu cho biết ý kiến. TT Tuệ Siêu: Thanh tịnh đạo quả thật là bộ sách chuyên chú về Pháp hành, tức là mỗi mỗi vấn đề được nêu lên, được giải thích đều có khuynh hướng Pháp hành. Thế nhưng trong đó mỗi một điề được giải thích qúa nhiều. Nếu có người hỏi, “ Trường hợp trình bày giải thích quá nhiều như vậy, làm sao có thể nắm bất khái niệm thực hành.” Chúng tôi xin giải thích rằng: Trước hết chúng ta đọc kỹ lưỡng những điều được giải thích, sau khi chúng ta đã hiểu, chỉ còn một việc là chúng ta bỏ những cái chúng ta đã đọc qua, bởi vì khi chúng ta thực hành chúng ta không cần nhớ đến chi tiết những điều giải thích đó. Nói như vậy quý vị sẽ hỏi thêm rằng, “ Nếu bỏ qua không nhớ làm sao thực hành?”. Xin thưa khi chúng ta đọc và hiểu được rồi thì lúc bấy giờ tự nhiên cái khái niệm về đường lối thực hành đã bắt đầu ăn sâu vào tiềm thức. Khi chúng ta áp dụng tu tập tự nhiên những khái niệm đó sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong việc tu hành. Ngược lại nêu chúng ta chấp vào những gì đã được giải thích. Chúng ta đọc qua nhưng không hiểu vấn đề đó, đọc qua chỉ để cố gắng thuộc lòng những điều đó. Nếu chúng ta đọc qua Thanh tịnh đạo để chúng ta thuộc lòng những gì được giải thích, sẽ làm chúng ta lúng túng khi thực hành. Khi chúng ta hiểu những gì đã giải thích khi hiểu được rôì thì việc thực hành không phải là khó. Theo chúng tôi có hai vấn đề: Có người đọc Thanh tịnh đạo với những lý giải chi tiết như vậy, quá nhiều như vậy, họ đọc để hiểu. trường hợp đó tốt . Người đọc để nhớ thuộc lòng sẽ làm trở ngại việc thực hành vì quá nhiều chi tiết. Chúng tôi chỉ nêu ra hai điểm này gom lại thành một. Mặc dù giải thích quá nhiều nhưng chúng ta hãy đọc để hiểu. Hiểu rồi loại bỏ nó đi như khi chúng ta ăn mía, chúng ta có cảm giác không thể nuốt hết cây mía, vì nhìn thấy nó dài quá chúng ta ngao ngán. Chúng ta chỉ nhai những miếng nhỏ, nuốt lấy nước ngọt của mía còn xác chúng ta nhả ra. Cứ như vậy chúng ta có thể ăn hết cả cây mía. Khi chúng ta đọc Thanh tịnh đạo mặc dù giải thích cặn kẽ chi tiết nhiều, nhưng chúng ta đọc qua để hiểu như lấy từng phần chất ngọt của cây mía, còn xác mía nhả ra. Có nghĩa là từng chi tiết về ngôn ngữ, về cách trình bày hay những sự kiện chúng ta chỉ đọc sơ qua thôi. rồi bỏ qua. Như vậy chúng ta thực hành sẽ tốt. Ngược lại chúng tôi có cảm giác nếu giả sử như một quyển sách nói về pháp hành mà không giải thích một cách cặn kẽ, một cách chi li, không có sự dẫn chứng một cách rõ ràng về những sự kiện ngôn ngữ, hoặc sự kiện có áo nghĩa, thì cũng khó thực hành. Theo cá nhân chúng tôi thích quyển sách nào giải thích cặn kẽ, nhưng không quá dài dòng lượm thượm. Giải thích như Thanh tịnh đạo, phần nào ra phần đó. Mỗi chút đều trình bày dẫn chứng, tuy có nhiều nhưng giúp cho chúng ta hiểu, khi thực hành chúng ta sẽ loại bỏ. Đó là ý kiến của chúng tôi.
|
|