dieuphap.com Trang Chính


Pháp Thoại

TT. Thích Chánh Minh

Phật lịch 2544, Tl 2000


Ý Nghĩa Của Cầu Siêu


TT Chánh Minh giảng trong rơom Diễn Đàn Phật Giáo Nguyên Thủy
giảng ngày 16 tháng 5 năm 2007
Minh Hạnh chuyển biên ngày 20 tháng 6 năm 2007

TT Chánh Minh:   Đề tài hôm nay xin nói về ý nghĩa của cầu siêu.  Định luật vô thường thì chúng ta ai cũng biết rồi, hữu sinh là hữu tử, đã có sinh ra thì một sự kiện là phải có từ giả nơi đang sống để ra đi ở cảnh giới khác, đó là một điều tất nhiên cho tất cả mọi chúng sinh.  Chí đến Đức Phật hay bậc thánh A La Hán cũng đều phải chịu định luật vô thường này.  Nhưng ở đây chúng ta có nghi thức cầu siêu, thì sự cầu siêu mang ý nghĩa nào?  Thưa qúi vị, đối với một số chúng sinh mà sinh xuống khổ cảnh thì ý nghĩa cầu siêu này có thể tạm thiết thực.  Nhưng đối với một chúng sinh mà sinh về cõi thiên giới hay ở nhàn cảnh thì ý nghĩa cầu siêu này hình như không thiết thực, và đồng thời nếu không khéo thì chúng ta sẽ bị hiểu lầm là một hình thức mà xem thường người thiện nhân, tại sao vậy? Đức Phật Ngài dạy rằng: "Tất cả chúng sinh đều có nghiệp riêng của mình và mỗi khi chấm dứt kiếp sống hiện tại thì nghiệp lực này nó sẽ liên kết với ái để đưa tới một cảnh giới khác."  Ở đây nghiệp lực mà liên kết với ái ám chỉ tới từ bậc A Na Hàm trở xuống, vì hễ còn ái thì còn sinh tử luân hồi, chỉ khi nào nghiệp lực này nó không còn liên kết với ái nữa thì nó không thể cho quả tái sinh.

 Ngài Mahashi cho ví dụ rằng:  “Giống như hạt giống khi gieo xuống đất nếu không có độ ẩm của đất, nếu không có những giọt nước tưới vào thì hạt giống kia không thể nẩy mầm được.”  Cũng vậy hạt giống chính là nghiệp lực người đó đã tạo ở quá khứ và cả trong hiện tại.  Còn chất ẩm chính là mãnh lực của ái, bao giờ không còn mãnh lực của ái này thì sự tái sanh sẽ được chấm dứt, nghiệp lực kia sẽ trở thành vô hiệu và chỉ có bậc A La Hán thì mới chấm dứt được điều kiện tái sanh này, còn từ bậc A Na Hàm trở xuống tất cả đều phải chịu luật sinh rồi tử và tử rồi sinh.

Chúng ta sẽ hỏi rằng nghiệp lực nào sẽ dẫn đi tái sinh.  Xin thưa ở đây các vị luận sư trong luận A Tỳ Đàm có giải thích rằng: “Ở trong giây phút cận kề bên bờ ranh giới  của sinh tử thì những nghiệp nào mình thường tạo hàng ngày gọi là thường cận nghiệp hay thường nghiệp, tức là quen tạo thường gặp, thì bây giờ cái hình ảnh đó sẽ rạng lại trong giòng tâm thức của người sắp sửa mệnh chung, ở ngay trong lộ tâm mà sắp sửa chấm dứt đời sống cũ này thì những hình ảnh đó sẽ mang tới một điều tốt hoặc một điều xấu, thông thường là như vậy, ngoại trừ những nghiệp cực nặng như những ác cộng nghiệp; đánh cha đánh mẹ, giết cha giết mẹ, hay là mắng cha mắng mẹ v.v... nhất là những ngũ nghịch đại tội thì dứt khoát phải rớt xuống khổ cảnh tức là rớt xuống địa ngục. 

Ở đây với một hương linh mà ĐĐ Thiện Minh vừa trình bày và với một quá trình là người Phật tử thì bà Hồng thị Nhơn thường làm những công việc phước thiện, chúng tôi hy vọng rằng với những triều tâm như vậy, với những việc lành như vậy, sẽ rạng lại trong giòng tâm thức ở vào những lộ cận tử để cho bà đạt được những nhàn cảnh. 

Thế thì khi bà đạt được nhàn cảnh thì chúng ta cầu siêu thì cầu siêu cái gì?  Đây là vấn đề chủ chốt mà chúng ta cần phải nắm bắt.  Trong những bài kinh dường như chúng ta thấy rằng có một cái gì đó bất ổn, có một cái gì đó không có được trung thực, đại khái như vừa rồi chúng tôi tụng một bài kinh mà qúy vị nghe "việc lành của người cũng chẳng có" tại sao vậy, như vậy thì bài kinh này quả thật bài này có trong kinh tạng.  Nhưng nói như vậy thì những người làm việc lành mà bảo rằng không có, việc lành của người cũng chẳng có thì quả thật là một chuyện nếu không gọi là trò đùa thì cũng là một sự phỉ báng 

Xin thưa, chúng ta phải hiểu như vầy khi một chúng sanh vừa mệnh chung, vừa tắt thở thì nguồn nghiệp lực sẽ đưa đi ngay dù xa hay gần đều tái sanh trong nháy mắt, dù cho người đó đang ở cõi người tái sanh về cõi chư thiên, hay quay lại tái sanh về cõi người, hay người đó chứng đắt được thiền định sanh về cõi phạm thiên hay cõi phi tưởng phi tưởng v.v... thì sự kiện tái sanh xảy ra trong chớp mắt.

Điều này được Đức Nagasena trả lời vua Milanda: “Giống như bóng con chim bay trên trời khi nó đậu xuống một cành cây thì bóng nó dọi xuống cành cây và bóng nó dọi xuống mặt đất đều như nhau, trong thời gian cũng như nhau, không xê xít.  Không phải cành cây gần con chim hơn mà cái bóng tới trước, hay mặt đất xa mà bóng tới sau, mà cùng một lúc dù xa hay gần thì cái bóng của con chim vẫn chạm vào cành cây hay chạm vào mặt đất như nhau.  Như thế nào cũng vậy khi luồng tâm thức vừa chấm dứt thì luồng nghiệp lực liên kết với ái đó nó sẽ hướng dẫn người đó tái sanh vào cảnh giới mới.  Với những người làm thiện thì những nhàn cảnh mở rộng. Với những người bất thiện thì cảnh giới khổ nó sẽ mở rộng ra.

 Và ở đây chính vì điểm này khi người thân nhân bị mất đi như vậy thì với tâm lý của thường nhân, những người thường tình thường hay khóc lóc, thường hay luyến tiếc, thường hay thương cảm, thì nỗi sầu càng lúc càng tăng, và có những người đi tới chia buồn cùng với gia đình tang chủ họ lại không nói những việc lành, họ không nói những lời tốt đẹp mà họ lại nói quá khứ của người mệnh chung, khiến cho gia đình buồn thêm, đang buồn khổ lại càng thêm buồn khổ, cho nên những bài kinh cầu siêu mà qúi vị nghe chúng tôi tụng hoặc nghe Chư Tăng tụng thật ra nó chỉ là những bài kệ động tâm. 

Ở trên thế gian này có bốn hạng ngựa, hạng ngựa thứ nhất là biết thân phận mình cho nên khi bắt ách vào thì nó sẽ chạy đi đến mục đích, hạng ngựa thứ hai thì nó hơi cứng chút xíu, bắt ách vào không chịu chạy nhưng một khi thấy bóng roi thì nó mới chạy, rồi hạng thứ ba lại cứng hơn là khi bắt ách rồi thấy bóng roi cũng không chạy phải đánh một roi nhẹ mới chạy, hạng ngựa thứ tư dù cho đánh như thế nào cũng không chạy.  Hạng thứ tư muốn ám chỉ là người phàm nhân như như, mọi chuyện đều xem là thường tịch.  Người trí xem chuyện sống chết là thường tình, nó khác với người không trí họ xem sự sống chết là thường tình. 

Với hạng người ví như hạng người thứ nhất là khi biết có danh sắc này là khổ và một lúc nào đó cũng phải ra đi thì người này lo tu tập, lo làm những việc lành giống như loại ngựa thứ nhất nó biết thân phận của nó, nó sẽ cố gắng để chạy không đợi bóng roi. 

Hạng ngựa thứ hai là còn dễ dui nghĩ rằng sự việc đều là thường tồn bền vững, nhưng khi có một người thân trong gia đình ra đi lúc đó mới ngẫm nghĩ lại rồi đây ta cũng sẽ như vậy, rồi đây ta cũng phải ra đi từ giả tất cả,  thấy người khác ra đi mệnh chung ví như con ngựa thấy bóng roi thì người đó suy nghĩ rằng rồi đây ta cũng phải ra đi như vậy, rồi đây ta cũng phải từ giả những gì mà chúng ta đang có và mang theo cái phước và cái tội hay nghiệp lành hay nghiệp bất thiện nên cố gắng tinh tấn tu tập.

 Hạng người thứ ba là thấy người khác thân bằng quyến thuộc của người khác nào đó mất đi cũng vẫn dửng dưng đến khi bị roi khá nặng tức là thân bằng quyến thuộc mình mất đi thì mới chợt nghĩ lại rồi đây thân phận mình cũng sẽ như vậy và nỗ lực để mà tu tập.

 Nhưng hạng người thứ tư dù thân bằng mình mất đi hay bất kỳ ai mất đi cũng vẫn không cố gắng tu tập, cho nên những bài kinh thuộc về cầu siêu đó chính làm động tâm để nhắc nhở rằng: “Này người kia (người đang sống) thân này chẳng tồn tại bao lâu, thân này như lá cây đang chín ở trên cành cây, một ngọn gió nhẹ thổi đến nó sẽ rơi rụng xuống, nhưng cái rụng này, người này nếu như không có việc lành thì sẽ phải rơi xuống mà không thể đi lên được, thì người này sẽ quán tưởng rằng việc lành của người cũng chẳng có, thử coi việc lành của mình, mình làm đã tạo được như thế nào.  Trong những lúc quán xét lại việc lành mình đã tạo có hay không có thì bấy giờ cái khối ưu tư, cái khối sầu não sẽ không còn. 

Cho nên mới nói cầu siêu là cầu siêu cho người sống làm cho những người sống động tâm, để thấy rằng sự ra đi như vậy với người không có hành trang làm phước thiện, việc lành mà không có thì cảnh khổ đang chờ đợi. 

Đối với người phàm nhân thì Đức Phật Ngài khẳng định rằng,  khi Ngài lấy một ít đất ở trong móng tay ra hỏi: “Này chư tỳ khưu đất trong móng tay của ta nhiều hay là đất ở quả địa cầu này nhiều.” 
"Bạch Đức Thế Tôn, đất trong móng tay của Ngài ít và đất của quả địa cầu nhiều.”
"Cũng vậy, này chư tỳ khưu rất ít chúng sanh được tái sanh làm người, từ cõi người tái sanh làm người mà rất nhiều những chúng sanh từ cõi người rớt xuống bốn khổ cảnh".

Điều này nói lên như thế nào? nói lên rằng nếu như cái người cứ hằng mãi tạo nghiệp bất thiện như vậy thì việc lành người đó không có, người đó sẽ rớt xuống bốn khổ cảnh, giờ mình quán xét lại việc lành mình tạo ở trong đời sống này trong hằng ngày hằng tháng hằng giờ như vậy nó nhiều hay không nhiều, nó được bao nhiêu, bởi vì tất cả những phàm nhân đều bị khuynh hướng của bất thiện nghiệp lôi kéo chứ không được thiện nghiệp lôi kéo, những tư tưởng sai lầm nếu rạng lại trong những lúc mệnh chung như vậy thì rất là cực kỳ nguy hiểm.  Điển hình như bà Mallika chỉ một lần sai lầm mà nó nung nấu trong tâm như vậy khiến cho bà phải rớt xuống khổ cảnh địa ngục hết bảy ngày.  Đây là chúng tôi nói rằng đối với người mà khi nằm khi ngồi khi đi đều suy nghỉ là ngày mai ta phải cúng dường đến Đức Thế Tôn cùng Chư Tăng những món vật thực nào,  một tâm ý hướng về Tam Bảo, hướng về sự cúng dường đến Tam Bảo nhiều như vậy, nhưng chỉ một lần nói dối với vua Ba Tư Nặc mà ray rứt để rồi phải xuống khổ cảnh. 

Thì cũng vậy đối với thân chủ với những người thân trong gia tộc khi cụ bà ra đi thì mình xem như mất đi một người bà, một người mẹ, một người thân thiết nhất thì lúc đó mình phải nghĩ tới những công đức của các Ngài, của vị đó đã tạo được, tưởng niệm được những công đức đó thì mình mới hồi hướng để cầu siêu được, mình hồi hướng những ân đức, chứ còn những bài kinh này chỉ làm cho những người sống động tâm mà thôi.  Giờ qúi vị thử nghĩ rằng nếu bài kinh này mà có thể vực một người đáng lẽ xuống khổ cảnh tái sanh tới nhàn cảnh được, thì xin thưa chúng tôi khỏi cần đi tu chi cho mệt, chỉ cần làm lụng cho có nhiều tiền để khi nào đó chết đi thì con cháu sẽ thỉnh nhiều người tới hoặc mua nhiều cuộn băng tới để tụng lên để siêu sanh.  - Không phải như vậy. 

Vậy thì tác dụng của sự cầu siêu này không có tác dụng?  xin thưa vẫn có tác dụng,  tác dụng ở một điểm là đối với người còn sống thường hay quán tưởng về sự chết, quán tưởng về sự vô thường, quán tưởng về sự khổ, quán tưởng về sự vô ngã.  Chẳng may mà do một phút sai lầm nào đó trong lúc lâm chung chẳng hạn rớt xuống rồi chợt nghe nên quay trở lại và những vị tụng kinh như vậy thường phải là chư tăng, mà nếu là những vị thánh tăng thì lại càng tuyệt vời, nếu là vị phàm tăng mà có giới cũng là vẫn tuyệt vời.

 Chúng tôi thí dụ  như một người có đèn bin, nếu bin yếu thì ánh sáng rọi không xa, trái lại nếu bin mạnh thì rọi rất xa, cũng vậy, với những vị có giới hạnh giới đức thì âm thanh của vị đó vang vọng nhiều.  Như chúng ta thấy rằng khi Đức Ananda học bài kệ của Đức Thế Tôn tức là bài kinh Tam Bảo dài, Ngài đi ba vòng thành Vesali. Ngài quậy nước trong bát và vẩy khiến cho mười muôn triệu thế giới phải rúng động, rung động tại vì do  giới hạnh, như những âm thanh của những vị chư tăng tụng kinh như vậy, những bậc có giới như vậy lan rộng ra, khi lan rộng được như vậy thì  hương linh mà chẳng may rớt xuống khổ cảnh nghe được rồi quán tưởng trở lại, nhớ trở lại, một khi nhớ trở lại như vậy thì là bất thiện bị trả về,  tức là thiện nghiệp sẽ trổ quả, khi thiện nghiệp trổ quả thì bốn khổ cảnh này sẽ bị tạm thời chấm dứt để tái sanh lên cõi nhàn cảnh.

Cho nên chúng ta thấy rằng Đức Phật Ngài tụng bài kinh Tirokuḍḍakaṇḍagāthā để hồi hướng cho những ngã qủy và thân bằng quyến thuộc của vua Bình Sa Vương, uy lực của Đức Phật, ta không còn phải bàn cãi nữa rồi, uy lực chư tăng các bậc thánh tăng cũng không có gì bàn cãi nữa, những vị phàm tăng thì những vị có giới đó là điều rất là tốt đẹp, lại nữa điều kiện cầu siêu này cũng phải có một điều kiện khác để được thành tựu dù cho chư tăng có giới hạnh như thế nào, dù cho Đức Phật chăng nữa mà ác nghiệp đang hồi trả quả rất nặng rất dày thì không thể nào chúng sanh đó có thể hưởng được, phải là những chúng sanh không có ác nghiệp dày tức là các ác nghiệp lúc nó muội lượt, nó yếu ớt như những thân bằng quyến thuộc của vua Bình Sa Vương chẳng hạn, nó muội lượt rồi, yếu ớt rồi, người này nghe là được vậy, được tái sanh về nhàn cảnh. 

Thì đối với hương linh của cụ bà Hồng Thị Nhơn chúng ta nghĩ rằng trong đời sống hằng ngày với những sự hướng dẫn giáo dục con cái như cô Ba Lan hay cô Hai Hoa chẳng hạn thì chúng ta thấy rằng bà có một tâm niệm rất tốt, chúng ta tụng những bài như vậy để một cảnh giới nào đó bà thoáng nghe được thì bà sẽ nhớ lại những nghiệp lành của mình, nhất là những pháp quán tưởng là pháp nào có tên gọi vô thường, pháp nào có tên gọi là khổ, pháp nào có tên gọi là vô ngã, chỉ những người thường quán tưởng như vậy khi nhắc lại nhớ lại được thì sẽ ra khỏi khổ cảnh và tái sanh về nhàn cảnh.  Như vậy thì điều kiện tiên quyết để chúng ta thấy có được một sự cầu siêu cho người quá cố đó thì nghiệp quả phải là đang hồi muội lượt hoặc là nó yếu ớt, và với một giới hạnh thật tốt đẹp của những vị chư tăng. 

Nhưng ở đây cái mốc chính chúng tôi muốn trình bày với qúy vị là việc cầu siêu là cầu siêu cho người sống chứ không phải cầu siêu cho người chết, người chết đã hưởng những quả phước đó rồi, nhưng thật ra tâm sầu muộn, cái mũi tên sầu muộn đang cắm sâu vào trong tâm của những người mất đi thân bằng quyến thuộc cho nên những pháp nào có tên gọi vô thường, pháp đó không phải để dành cho một gia tộc mà dành cho tất cả mọi chúng sanh luôn đến ma vương cũng phải bị, luôn đến Phạm thiên cũng phải bị chứ không phải mình.  Như trường hợp bà Visakha ôm đứa con chạy đi tìm hạt cải ở nhà không có người chết, nhưng nhà nào cũng có người chết,  khi đó bà mới tỉnh ngộ. À! sự chết này không phải chỉ mình mình mất thân bằng quyến thuộc mà tất cả đều có.  Lúc đó mới trực nhận ra được lý vô thường, mới trực nhận ra được lý khổ, và từ nhận ra được lý vô thường, những lý khổ đó thì người này sẽ nghĩ rằng nếu những người Phật tử thuần thành lâu năm thì nghĩ rằng một khi còn sinh tiền thì là thân bằng quyến thuộc, một khi đã mất đi rồi, một khi người đó đã ra đi rồi thì ý nghĩ thân bằng quyến thuộc chỉ còn tồn tại trong tư tưởng mà thôi, chứ thực chất chưa hẳn là còn thân bằng quyến thuộc.  Người chết đã tái sinh vào một cảnh giới khác thì cảnh giới đó phù hợp với người ấy tùy theo nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện và thân bằng quyến thuộc thì không thể được, mình không thể là thân bằng quyến thuộc với người không phải cảnh giới của mình, ngay cả trong bản thân sự sống trong hiện tại có những người mà chúng ta cảm thấy không là thân bằng quyến thuộc thì nói chi với một cảnh giới khác mà chúng ta gọi là thân bằng quyến thuộc, thì sự thân bằng quyến thuộc này nó chỉ tồn tại trong tâm tưởng chứ nó không có thực chất, người này mới cảm thấy rằng "không phải là ta, không phải của ta".

Mỗi chúng sanh đều đi theo hạnh nghiệp riêng của mình, quán tưởng được lý vô ngã là như vậy. "Pháp nào có tên là vô ngã là pháp có trạng thái không phải của ta" để nghĩ rằng những thân bằng quyến thuộc chỉ là của ta ở trong khoản thời gian nào đó thôi, sau khi đã mệnh chung rồi thì đã ra đi cho nên không ai là của ta, cho nên những sầu khổ, những ưu bi, những uất ức, những thương tiếc, những khóc lóc, những ăn năn đó trở thành vô ích, nó không có tác dụng gì cả, nhờ nghe được những bài kinh như vậy thì mũi tên sầu muộn được rút ra.  Tức là chúng tôi muốn nói rằng cầu siêu đây là cầu siêu cho người sống chứ không phải cho người chết.  Người sống đang buồn, đang phiền, đang khổ, đang than van khóc lóc mà khi nghe được những bài kinh đó làm động tâm trở lại. 

Pháp nào có tên gọi là vô ngã là pháp có trạng thái không phải là của ta, trên thế gian này không có gì là của ta cả, nó chỉ trong tạm thời nào đó, trong khoản thời gian nào đó chúng ta cần để xử dụng, cần để nương nhờ, nhưng một lúc nào đó thì cũng phải buông bỏ để siêu thoát đi nỗi sầu muộn, nỗi uất ức, nỗi ưu tư, nỗi buồn chán, để quán xét lại coi việc lành mình có hay không, việc lành là nơi nương của mình, Đức Phật dạy rằng: "Ta là hải đảo của ta".  Người nào mà tự thương mình hãy tạo những việc lành, một khi tạo được việc lành thì đẩy lùi đi một cái bất thiện.  Tạo được nhiều việc lành nhưng tư tưởng lúc nào cũng phải nghĩ rằng trên thế gian này thì đều là vô thường, trên thế gian này đầy những khổ lụy, trên thế gian này không phải là của ta, không bám chấp, không nắm giữ, không bị một kiến sai lạc, làm điều thiện cho những nghiệp bất thiện nó không sanh khởi. Người đó tập trung như vậy, hiểu được như vậy, thì chính những thân bằng quyến thuộc cũng vậy, không phải là phận sự tụng những bài kinh là phận sự của Chư Tăng, không phải vậy.  

Nghĩa tử nghĩa tận đồng ý rồi, nhưng làm thế nào để được nghĩa tận, mục đích nào mà cha mẹ muốn có con cái, cứ nghĩ rằng là sau khi mình mệnh chung thì nó sẽ làm những việc phước để hồi hướng, nhưng hồi hướng như thế nào, không phải là cung thỉnh Chư Tăng tới rồi sau đó cúng dường vật thực đến Chư Tăng việc như thế là xong, còn phần còn lại là Chư Tăng tụng kinh.  Xin thưa không phải, tâm lý đó thường thường hiện diện ở trong tư tưởng của đa số Phật tử. Qúi vị nghĩ như thế nào về trường hợp này, qúi vị mời một người thân mình, bạn bè thân hữu mình chẳng hạn, tới để dự một bữa cơm rồi qúi vị dọn cơm xong rồi mời ăn cơm, mà qúi vị không ăn cơm thì người khách đó có thể dùng vật thực đó được thoải mái ngon miệng hay không? còn nếu như người chủ khéo thì sẽ cùng với người khách của mình hay người bạn thân hay thân bằng quyến thuộc dùng cái bữa tiệc đó thì không khí sẽ tốt đẹp nhiều, cũng vậy tuy rằng những người Phật tử chúng ta làm những lễ cầu siêu, cũng thỉnh Chư Tăng tới, cũng dâng những vật thực để hồi hướng phước báu này lên hương linh, sau bài tác bạch xong hương linh của ai đó, thân bằng quyến thuộc mình rồi sau đó để tâm vẩn vẩn vơ vơ, không nhớ lại những hình ảnh, không nhớ lại những công đức, không nhớ lại những công hạnh của người thân của mình nó chẳng khác nào là mời một buổi tiệc mà bạn muốn ăn thì ăn đi, bạn cứ ngồi vào ăn mà không tiếp đãi, thì như vậy thì tác dụng không lớn tác dụng không cao.  Trái lại khi Chư Tăng tụng những bài kinh cầu siêu như vậy đó, mình vừa đưa tâm quán tưởng mình vừa nghĩ tới những công hạnh những điều tốt đẹp của người thân của mình, có nhiều người lại có thể nghĩ tới những điều mà trước đây còn sống là hành hạ mình hoặc chực nhớ lại, nhưng những tư tưởng đó phải chấm dứt ngay lúc đó để cho được cái nghĩa tận.  Nghĩa tử thì nghĩa tận để làm tròn phận sự trong vào lúc đó, những sự khóc lóc , sự thương tiếc, sự uất ức, sự ăn năn chỉ làm rối rắm lên thêm, làm rối rắm cho những người chung quanh mà thôi chứ không mang một tác dụng gì hết

Cho nên ý nghĩa cầu siêu ở đây chúng tôi vừa trình bày là có hai ý nghĩa, thứ nhứt là giúp cho người thiện nhân chẳng may rớt xuống những cái khổ cảnh đó nghe lại được những lời kinh, những lời kinh này người này thân quen, ý nghĩa người này thường thẩm thấu, thường đi theo mình, thường quán tưởng về vô thường khổ vô ngã chẳng hạn, quán tưởng về sự chết có như vậy khi nghe lại thì tâm thiện khởi lên cho tâm quả thoát khỏi khổ cảnh.  Nhưng mục đích chính là nói cho người sống bớt phiền não, làm cho siêu thoát bớt những phiền não đó, hãy làm cho những tâm tư sầu muộn bớt đi, vơi đi, hãy nhổ mũi tên sầu muộn trong tâm.  Việc lành của người nếu như người buồn ngườì khổ người sầu não thì việc lành của người không có, cái buồn cái sầu cái não đó, cái đau khổ đó dẫn dắt bất thiện sanh khởi dẫn dắt những nghiệp bất thiện sanh khởi, nên cần phải hiểu rằng nếu như còn sầu, còn khổ, còn ưu, còn bi, còn buồn, còn than tiếc, thì việc lành của người không có, cho nên hãy làm cho những cái đó mất đi thì việc lành của người mới có siêu bớt.  Rồi quán tưởng tới những pháp mới để rồi gia công tu tập để mà làm tốt đẹp thêm cho một sự kiện bình an, nó không bị rối rắm lên qua những tiếng khóc qua những tiếng than van, qua những tiếng nức nở.

Như vậy ý nghĩa cầu siêu là vừa siêu cho người sống và cũng vừa siêu cho người chết với điều kiện là người chết thường quen với những lời kinh hoặc quen với những cách quán tưởng, quen với những cách thức tốt đẹp và không tạo những ác cộng nghiệp, còn riêng với người sống thì tự động tâm lấy mình làm cho tâm mình cảm thấy như một con ngựa bị một cái roi nặng là biết thân phận mà kéo ách chạy đi, chứ đừng như con ngựa thứ tư là bị roi đau cỡ nào thì vẫn đứng yên.  Cho nên chúng tôi xin nói về ý nghĩa cầu siêu như vậy để qúi vị phải hiểu rằng đối với những chúng sanh có nghiệp thiện lớn thì họ sẽ tái sanh về cõi thiên giới, thì chúng ta đừng suy nghĩ rằng mình cầu siêu cho họ, nhưng mà  là mình hồi hướng bằng cách khác, những chúng sanh ở cõi thiên giới họ chỉ cần chút phước đức phước trí còn những chúng sanh ở khổ cảnh thì mới cần đến những phước vật tức là những vật thực vậy qúi vị muốn hồi hướng cho thân bằng quyến thuộc của mình như bà Hồng Thị Nhơn chẳng hạn chúng tôi ước đoán qua bản tiểu sử của bà do ĐĐ Thiện Minh đọc và với cách sở hành của Ba Lan hay cô Hai Hoa thì cũng có thể là bà đã tái sanh vào nhàn cảnh là vị chư thiên nào đó, nhưng mình đi cúng dường vật thực không thì cũng chưa hẳn là một cách trọn vẹn tốt đẹp, bởi vì Chư thiên cần nhứt là phước đức và  phước trí.  Bởi vì phước đức lẫn phước trí làm tăng trưởng năng lực của Chư Thiên nhiều hơn, cho nên để mà hồi hướng đến cho thân bằng quyến thuộc thì người thân bằng quyến thuộc phải giữ giới một cách nghiêm tịnh, quan sát lại giới hạnh của mình, quan sát lại những giới học đã được thọ trì trong sạch hay chưa, có như vậy mình mới hồi hướng đối với những hạng Chư Thiên, rồi tụng những bài kinh để hồi hướng phước trí lên.

 Chúng tôi thuật lại cho qúi vị thấy một sadi bình thường mà siêng năng tụng kinh không thôi cũng đủ làm cho thân bằng quyến thuộc mình tăng trưởng quả phước, đây là câu chuyện của Ngài Sanu.  Ngài Sanu xuất gia làm sadi, ngày thường rất siêng tụng kinh, hễ tụng kinh xong là nói: “con hồi hướng phước báu này đến thân bằng quyến thuộc đã quá vãng.”  Bấy giờ có một người mẹ kiếp trước và vị đó làm nữ dạ xoa, nhờ người con kiếp trước của mình đang làm vị sadi tụng kinh hồi hướng cho mình cho nên bà tăng trưởng về quyền lực của mình.  Ông sadi đó về xin bà mẹ hiện tại của mình được hoàn tục, bà mẹ nói rằng: “Nè con ơi tu là cõi phúc, con đừng có hoàn tục.”   Vị sadi đó nằn nặn đòi hoàn tục thì bà mẹ rất đau buồn, bà nói: “Thôi được rồi Sư muốn hoàn tục cũng được nhưng xin Sư cho tôi làm một việc phước lần cuối trong khi sư còn đời sống samôn rồi sau đó Sư hãy hoàn tục.” Ngài Sanu đồng ý, thì bấy giờ là bà mẹ kiếp trước là quỉ dạ xoa thấy mình mất những điều tốt đẹp cho nên nhập vô ông sadi làm cho ông ngã xỉu xuống sôi bọt mép, cả nhà xúm lại than khóc thì dạ xoa nói rằng khi ông sadi này tỉnh dậy thì nhớ bảo rằng tu tiếp, nếu mà hoàn tục thì ta bẻ cổ, nói xong thì xuất ra khỏi ông sadi, ông sadi tỉnh dậy thấy ai cũng khóc mới hỏi rằng: “Thưa mẹ người ta thường khóc cho người chết tại sao con còn sống lại khóc.” Thì bà mẹ nói đúng vậy con à, người ta thường khóc cho người chết, trong đời sống phạm hạnh mà con bỏ đi, con không giữ gìn thì xem như con là người chết, rồi chỉ là một xác chết biết đi mà thôi.” và thuật lại lời dạ xoa nói.  Ngài sadi Sanu chán quá dùng bữa cơm xong về tiếp tục tu và sau chứng quả A La Hán.  Cũng như thế trong câu chuyện này chúng tôi dẫn chứng qúi vị thấy để chi, người nào bỏ đời sống phạm hạnh tức là không giữ gìn giới hạnh mình thì cũng giống như một xác chết biết đi cho nên để hồi hướng những thân bằng quyến thuộc của mình thuộc dạng Chư Thiên thì người này phải nhủ toàn lòng là ta nên giữ giới, ta nên hành những pháp về trì giới cho tốt đẹp rồi tụng kinh làm tăng phước trí mình, làm tăng luôn cả giới hạnh mình nữa, chúng ta làm như vậy là có lợi cho mình và có lợi cho người.  Những người  thường quen giữ giới, thường quen tụng kinh như vậy vào lúc gần chết thân bằng quyến thuộc đưa những băng kinh nghe rồi chợt nhớ.  Chúng tôi nói với quí vị là nghiệp thường làm sẽ dẫn dắt trong phút lâm chung nếu như không có những trọng nghiệp thì sẽ sanh về nhàn cảnh đây là những cách thiết thực và cầu siêu là mang những ý nghĩa như vậy. Thời giảng đến đây cũng vừa phải lẽ./.

 

 

 


| | trở về đầu trang | Trang Chính |

© 2006 dieuphap.com. All Rights Reserved. Kỹ thuật trình b y nội dung: Minh Hạnh & Chánh Hạnh |