dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
Giảng trong rơom Diễn Đàn Phật Giáo Nguyên Thủy Câu hỏi 340: Có thuyết cho rằng pháp tùy thời khác nhau,có khi mâu thuẫn với nhau, điều này có đúng không? hay Đức Phật luôn thuyết pháp trước sau không thay đổi? TT Chánh Minh: Quả thật nếu như không khéo thì chúng ta dễ dàng bị rơi vào ngụy biện kiến. Đức Phật Ngài tuyên bố rằng chân-lý chỉ có một, cứu cánh Niết-bàn chỉ có một và những gì Như Lai thuyết ra nhằm mục đích đưa tới sự lợi ích, những gì không có sự lợi ích thì Như Lai không thuyết - Trung Bộ Kinh - Khi Ngài nắm lá trong tay Ngài dậy Ngài Ananda như vậy "Những gì Như Lai hiểu nhiều như lá rừng, và những gì Như Lai nói ra như nắm lá trong bàn tay." Vì những gì Như Lai nói ra nhằm mục đích đưa tới sự lợi ích, còn những gì Như Lai hiểu có những điều không đưa tới sự lợi ích nên Như Lai không thuyết. Như vậy thì điều này cho chúng ta thấy rằng dù Đức Phật Ngài thuyết nhiều pháp môn thì cũng chỉ một mục đích duy nhất trước sau như một là thoát khỏi khổ, không thể nào khác hơn được. Như một người lương y, thì tùy theo chứng bịnh của bịnh nhân mà vị này bốc thuốc, bốc thuốc làm sao cho phù hợp với bịnh của bịnh nhân thì bịnh nhân này sẽ hết bịnh, mục đích của người lương y luôn luôn là giúp cho người bịnh nhân hết bịnh, nhưng không phải vì đó mà nói rằng người lương y này lúc bốc thuốc như vầy, lúc khác, mà tùy theo cơ tánh của mỗi chúng sanh. Nhưng nên nhớ rằng Đức Phật Ngài không bao giờ thuyết có tánh mâu thuẫn nhau. Tức là lời này thế này rồi lần sau Ngài nói ngược trở lại - chuyện này không hề có - mà có thể đối với một chúng sanh có cơ trí nhiều, trí tuệ vững mạnh thì Đức Phật Ngài nói ngắn gọn, còn đối với chúng sanh khác trí tuệ không nhạy bén thì Ngài nói rộng ra, đối với chúng sanh khác mà thấy được đạo quả có thể có thì Đức Phật Ngài thuyết rộng ra thêm nữa. Như vậy trước sau vẫn như một, chứ không hề mâu thuẫn nhau, lời trước, lời sau không hề mâu thuẫn nhau. Từ tạng Kinh, tạng Luật hay tạng Luận đều nhất quán với nhau và không hề bị mâu thuẫn nhau. Chỉ có điều là ở đoạn kinh này Đức Phật Ngài nói ngắn, một đoạn kinh khác Ngài nói rộng, một đoạn kinh khác Ngài nói thật dài. Để tế độ cho chúng sanh đó có thể đắc được đạo quả. Đại khái chúng ta thấy rằng có một lần người thợ mộc của vua Ba Tư Nặc một lần tranh cãi với Ngài Udavi. Ngài Udavi nói rằng tự thân nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng ba thọ, thì ông thợ mộc cãi tự thân nghe Đức Thế Tôn thuyết hai thọ, Ngài Ananda chứng kiến cuộc tranh cãi như vậy, Ngài không biết phân xử làm sao vì ông nào cũng khẳng định là tự thân mình nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng ba thọ và hai thọ. Ngài Ananda về thỉnh Đức Thế Tôn, Đức Thế Tôn nói: "Này Ananda, tùy pháp môn mà Như Lai thuyết giảng. Có khi Như Lai thuyết giảng 2 thọ, có khi Như Lai thuyết giảng 3 thọ, có khi Như Lai thuyết giảng 5 thọ, có khi Như Lai thuyết giảng 6 thọ, có khi Như Lai thuyết giảng 18 thọ, có khi Như Lai thuyết giảng 36 thọ, có khi Như Lai thuyết giảng 108 thọ" - bài kinh về Đa Thọ, Trung Bộ Kinh - Cho nên chúng ta thấy rằng trước hay sau thì Đức Phật vẫn thuyết nhất quán không hề có mâu thuẫn, còn lời nào có mâu thuẫn thì không phải. Cho nên trong bài kinh Đại Bát Niết-Bàn Đức Phật dậy rằng: "Này chư tỳ khưu sau khi Như Lai Niết-bàn rồi có vị tỳ khưu nào nói rằng 'tự thân tôi nghe lời này của Đức Thế Tôn', hay một nhóm tỳ khưu nào nói là 'tự thân tôi nghe từ một vị nghe từ Đức Thế Tôn', hay vị nào nói 'tôi nghe nhóm chư tỳ khưu được nghe từ Đức Thế Tôn', hoặc một nhóm tỳ khưu nói rằng 'Tôi nghe từ những vị tỳ khưu thọ trì từ Đức Thế Tôn' thì khoan vội tin cũng như khoan vội bác bỏ mà đối chiếu pháp và luật, nếu pháp và luật tương ưng với nhau thì đó là lời dậy của Như Lai. Nếu pháp có luật không có, nếu luật có pháp không có, thì đó không phải là lời dậy của Như Lai." Và khi Đức Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Xin lưu ý rằng: dù Ngài thuyết muôn 84,000 pháp uẩn hay là gì thì tất cả cũng chỉ nhất quán với nhau, mà do Ngài khéo trình bày trong nhiều khía cạnh khác nhau. Cũng giống một người cầm trong tay viên kim cương, viên kim cương đó có đủ tám mặt thì người này đưa viên kim cương ra mặt thứ nhất để nhận thấy đây là viên kim cương, rồi với người khác vì cơ tánh nên cũng đưa viên kim cương đó nhưng đưa mặt thứ hai. Tức là viên kim cương có tám mặt, nhưng tụ chung vẫn chỉ là một viên kim cương đó. Tức là nhất quán không hề mâu thuẫn nhau. |
|