dieuphap.com Trang Chính |
|
Phật lịch 2544, Tl 2000
Bốn Nhân Sanh Sợ Hãi
Trong thời giảng hôm nay chúng tôi xin trích 4 chi pháp nằm trong bộ sớ giải Samôn quả. Bốn chi pháp đó các Ngài Giáo Thọ Sư đã có nêu lên, đó là sự kinh sợ hay sự sợ hãi phát sanh ra bốn nhân và thời pháp này thì mang tên là bốn nhân sinh sợ hãi. Nguyên nhân để các Ngài lý giải như vậy bởi vì trong bộ sớ giải kinh Samôn quả khi đức vua A xà Thế cùng với vị lương y của Đức Phật và chư tăng cũng như của vương quốc Magadha đến khu rừng soài nơi mà lương y Jivaka Komàrabhacca cúng dường đến Đức Thế Tôn. Sự vắng lặng của vườn soài, nằm trong khu rừng trúc khiến cho vua A Xà Thế kinh hoàng mới hỏi rằng "này khanh Jivaka có phải khanh hướng dẫn ta đến đây để toan giết ta chăng?" Ngài lương y Jivaka mới trả lời rằng "Tâu đại vương xin Ngài hãy yên tâm. Nếu có ai làm hại đại vương thì thần sẽ đem sinh mạng của mình ra để hứng trước”. Rồi ông dùng những bó đuốt rất lớn để vua A xà Thế yên lòng. Đoạn kinh được nêu ra như vậy các Ngài Giáo Thọ Sư tiền bối lý giải rằng sự sợ hãi phát sanh lên do bốn nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất sự sợ hãi phát sanh lên do từ nơi tâm. Nguyên nhân phát sanh sợ hãi đầu tiên từ nơi tâm. Nguyên nhân này phát sanh lên với một người luôn luôn lo sợ. Thứ nhất là do tưởng, thứ hai là do đã tạo một tội lỗi, tạo một ác nghiệp. Một người đã tạo một tội lỗi ác nghiệp, tâm thường thường ray rứt, tâm không được thảnh thơi. Cho nên với một người giữ gìn được thân, ngữ, ý mình, không vi phạm vào những ác nghiệp, giữ gìn thân, ngữ, ý của mình không rơi vào tội lỗi. Tội lỗi đây có thể là một tội lỗi do quốc độ, tội lỗi có thể do một quy định nào đó của một đoàn thể. Thí dụ người công nhân khi đi trễ chẳng hạn thì họ cũng có thể lo lắng và sợ. Cũng giống như người Phật tử chúng ta đã là người thọ trì tam quy, đã giữ gìn ngũ giới thì khi vi phạm điều giới nào đó thì người này cảm thấy ray rứt và lo sợ người khác thấy được, lo sợ người khác chỉ trích mình v.v... Đây là trường hợp thứ nhất phát sanh sự sợ hãi khởi lên từ trong tâm. Từ trong tâm là do mình vi phạm một điều nội quy nào đó, nếu nói trong giới luật học Phật thì vì mình vi phạm một giới luật nào đó rồi e sợ người ta sẽ phát hiện, e rằng người ta sẽ thấy được những điều đó và khiến mình ray rứt. Chúng ta thấy rằng khi vua A xà Thế (Ajatasattu) phát sanh sự sợ hãi là do ông ta cứ ray rứt về tội giết cha mình. Vua Ba Tư Nặc (Pasenadi Kosala) một đêm không ngủ vì cảm thấy lo sợ kinh hoàng, khi ông ta có ý định muốn giết người hầu cận tốt có cô vợ đẹp để chiếm đoạt, và trong đêm đó ông trằn trọc ngủ không được và trong giấc mơ ông chợt nghe được bốn tiếng "bhaya" tức là tâm trạng của ông ta trong đêm ngủ không được thoải mái bởi vì đang ray rứt một tội lỗi sắp sửa làm cho nên sự lo sợ này phát sanh từ tâm. Thứ nhất là do vi phạm điều học hay là đang thực hiện một tội lỗi. Điểm thứ hai phát xuất từ tâm nữa đó là do tưởng tượng. Như một người đi trong rừng vắng và cảm thấy sợ kinh hoàng là do tưởng tượng có những nguy hiểm tai hại, những hiểm nạn, những gì đó có thể làm hại đến sinh mạng làm thương tổn đến tứ chi, người này cũng do tưởng tượng mà sợ hãi. Một điều nữa sự sợ hãi phát sanh từ tâm đó là người này gây quá nhiều oán thù với người khác. Vì gây nhiều oán thù với người khác cho nên nôm nốp lo sợ đi đâu cũng có cảm giác rằng mình gặp kẻ thù, sống nơi nào cũng có cảm giác người khác sẽ rình rập cơ hội để ám toán mình. Cho nên với người có ba điều là tạo một ác nghiệp, rồi do một sự tưởng tượng, hoặc do trong đời sống bình nhật hằng gây oan trái, hằng gây những sự bất hoà thì người này đi đâu cũng có cảm giác là mình sẽ gặp những điều bất trắc và điều này sở dĩ xảy ra như vậy là vì người này thiếu tâm từ, thiếu tâm rộng mở, thiếu sự hài hoà, lấy tranh đấu làm lẽ sống. Người ta nói rằng sống trên đời này là phải tranh đấu, đúng vậy. Nhưng tranh đấu với ai? Tranh đấu để sanh tồn hay tranh đấu để làm việc gì đó. Thật ra thì không nên. Ngài Minh Đức Triều Tâm Ảnh có nói: "Sống bao lâu mà hận thù nhau mãi" Mình sống được bao lâu mà hận thù và cứ gây oan trái với nhau mãi. Chung quy cái gì của thế gian khi mình ra đi cũng trả lại thế gian, đâu cần gì phải hận thù. Gây oan trái nhiều thì lúc nào tâm tư mình cũng cảm thấy bực bội, ngủ không ngon, ăn không ngon, rồi đi đứng cũng không an lạc, vì sự lo sợ phát xuất từ tâm. Một nguyên nhân nữa phát xuất sự sợ hãi do cảnh: Khi một người gặp cảnh có vẻ làm thương tổn đến tánh mạng, làm thương tổn đến tứ chi, làm thương tổn đến tài sản hay làm thương tổn đến thân bằng quyến thuộc thì cũng cảm thấy sợ hãi. Nhưng nghiệt ngã thay! có nhiều người biết sợ nhưng lại thích làm. Chúng ta thấy có nhiều người nếu không khéo suy sét, trên đường đi gặp những tai nạn giao thông chẳng hạn, những cảnh tượng không vui, những cảnh tượng đó quả thật không đáng xem vậy mà họ vẫn cứ xem. Phải chi nhìn để học tập, nhìn để quán tưởng, nhìn để suy quán thì không nói làm gì. Nhìn để thoả mãn tánh hiếu kỳ để rồi lúc nào cảnh đó cũng ám ảnh rồi sợ sệt. Cho nên đối với những cảnh làm cho tâm tư người ta bấn loạn, thì chúng ta thấy rằng những cảnh thay vì người có trí biết cảnh này sẽ đem sự kinh sợ trong tâm, những cảnh rùng rợn không làm tâm được ổn định thì người có trí sẽ từ chối không nhìn cảnh đó, dù nó như thế nào, không biết những cảnh rùng rợn càng tốt. Nhưng một số người lại thích nhìn những cái cảnh rùng rợn để rồi bị ám ảnh mãi. Đây là nguyên nhân thứ hai sự sợ hãi phát sanh do cảnh. Thì sự phát sanh hai điều sợ này nguyên nhân chủ yếu của nó chính là do ái ngã nhiều. Một người làm việc tội lỗi luôn luôn lo sợ danh tiếng mình bị mất mát rồi bị tù tội hay bị chê cười. Hay những cảnh nguy hiểm mà mình cứ tưởng tượng ra. Hay những cảnh nào ập tới có cảm giác nguy hiểm và cảm thấy kinh sợ thì tất cả những thứ đó xuất phát từ ái ngã. Nỗi sợ hãi này chúng ta tìm thấy Đức Thế Tôn, Ngài dậy trong Trung Bộ Kinh, khi Bàlamôn Janussoni bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, với những samôn thì khu rừng không phải là nơi hoàn toàn thanh nhã tốt đẹp mà là nơi có nhiều hiểm nạn." Đức Thế Tôn cũng xác nhận như vậy. Ngài dạy rằng: "Này Bàlamôn Janussoni khi Như Lai còn là Bồ Tát, Như Lai chưa chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Như Lai trú trong khu rừng Uruvela một khu rừng mà Như Lai đi tìm tới những nơi có thể khởi lên những sự sợ hãi khiếp đảm, một khu rừng có những con thú đi tới, có những con chim công làm rụng gãy những nhánh cây và một cơn gió thổi qua cũng đủ phát sanh sự sợ hãi khiếp đảm kinh sợ.” Để Ngài tìm lấy sự sợ hãi để Ngài chống lại sự sợ hãi đó, để Ngài diệt trừ cái ái ngã. Trong bài kinh "Sợ hãi và khiếp đảm" của Trung Bộ Kinh Ngài nói lên điều này, và Đức Phật nói rằng: “khi Như Lai đang đi kinh hành chẳng hạn mà phát sanh nỗi sợ hãi khiếp đảm thì Như Lai cũng không từ bỏ tư thế đó, Như Lai sẽ chú niệm cho đến bao giờ hết nỗi sợ hãi khiếp đảm Như Lai mới đổi oai nghi.” khác với người thừa nhân. Người thừa nhân chúng ta khi gặp một cảnh gì có vẻ kinh hoàng là bỏ chạy thậm chí không còn giữ gìn một thể chất tư cách của mình. Trong mẫu truyện nói về bà Visakha, khi mưa xuống những cô tỳ nữ bỏ chạy, đây là một sự sợ hãi phát sanh lên do cảnh, cảnh mưa, tại sao những nữ tỳ lại sợ? bởi vì họ cũng có ái ngã, họ sợ hư hao những gì về thân của họ hoặc lấm ướt y phục của họ, vì ái ngã nên họ sợ như vậy. Trái lại bà Visakha thì điềm tỉnh, bà đi một cách khoan thai nhẹ nhàng, những ông bàlamôn xem tướng thấy được bà Visakha có thái độ ung dung như vậy mới hỏi vì sao cô không chạy. Bà trả lời rằng "nhà tôi quần áo nhiều và cha mẹ nuôi lớn rồi, bây giờ vì trận mưa này chúng tôi chạy vấp té thì mang thương tích điều này không hợp lý." Cho nên chúng ta thấy rằng đối với cảnh nguyên nhân sợ hãi khởi lên là do từ cảnh mà có, do vậy gặp những cảnh biết nó không tốt không đẹp thì đừng nhìn, nhưng với những cảnh bất ngờ xuất hiện tới thì với một người có tâm niệm vững thì cũng giữ vững được tâm niệm không để hoảng hốt, nếu như chúng ta tập luyện được như vậy thì dù trong những bối cảnh nào chúng ta cũng có được điềm tỉnh không hoảng hốt, không bấn loạn ở trước cảnh đây là nguyên nhân thứ hai. Nguyên nhân thứ ba phát sanh sự sợ hãi là do trí suy quán. Người có trí suy quán thì họ sẽ gẫm nghĩ cái khổ rồi họ kinh sợ cái khổ, họ kinh sợ cái khổ của địa ngục, họ kinh sợ cái khổ của giòng luân hồi. Trong nỗi sợ hãi này, thật sự là dùng chữ sợ hãi không chuẩn lắm mà phải dùng chữ là nhàm chán đúng hơn. Có những người hành giả họ nhàm chán danh sắc này, thân ngũ uẩn này. Nếu như đã có thời gian tu tập, nếu như trong lúc tu tập nhận thức được chân lý, nhận thức được vô thường, nhận thức được khổ, thì bấy giờ người này sẽ không bao giờ thích thú ở trong giòng luân hồi và cũng không thích thú khi đắm nhiễm vào nhục dục. Bởi vì người này quán xét rằng sở dĩ mình chưa chứng đắc được những gì mình cần chứng đắc, chưa thành tựu những gì mình cần thành tựu bởi do nguyên nhân mình còn dính mắc. Dính mắc trước tiên về dục, người có trí thì suy quán, chính Đức Phật Ngài cũng dạy về ngũ trần này như là khúc xương khô. Và người Phật tử chúng ta thường ai cũng biết tham sân si là những điều không được tốt, nhưng nó luôn luôn khởi lên như vậy. Trong bài kinh Tiểu Khổ Uẩn - Trung Bộ Kinh - ông hoàng Mahànàma trình bày với Đức Thế Tôn như vậy. "Bạch Đức Thế Tôn, con vẫn biết rằng tham là một cấu uế của tâm (Upaklista = ô nhiễm từ bên ngoài) si là một cấu uế của tâm, nhưng bạch Đức Thế Tôn, thỉnh thoảng tham sân si vẫn nổi lên. Chẳng hay có một pháp nào trong con mà con chưa đoạn trừ được. Đức Thế Tôn Ngài phán dậy rằng: "Này Mahànàma bởi vì ngươi là người tại gia thì còn thọ dụng 5 dục cho nên mặc dù ngươi biết rằng tham là một cấu uế của tâm, sân là một cấu uế của tâm, si là một cấu uế của tâm, nhưng thỉnh thoảng tham sân si vẫn xâm chiếm và an trú trong tâm.” Ở đây chúng ta thấy hai từ xâm chiếm và an trú. Nếu tham sân si nổi lên thì không sao, cũng là xấu rồi, nhưng tham sân si đã xâm chiếm mà lại an trú nữa tức là phải qua một thời gian rất dài và rất nhiều, cho nên những đoạn kinh văn những đoạn từ như vậy cho chúng ta thấy người có trí thì suy quán kinh sợ trước tiên là kinh sợ ngũ dục, kinh sợ sự đắm chìm trong ngũ dục. Người có trí sẽ nhàm chán ngũ dục và sẽ không còn ao ước ngũ dục, và đây là trong giai đoạn tiên khởi, sau đó khi vượt qua rồi thì người đó nhàm chán luân hồi, không còn yêu thích luân hồi, cho dù cảnh giới nào chăng nữa thì người có trí họ kinh sợ luân hồi, họ xem luân hồi giống như một hầm lửa nếu chẳng may phải rớt vào đó thì chỉ có đau khổ mà thôi. Cho nên đây là một nguyên nhân trong những nguyên nhân kinh sợ về trí nó đặc biệt vô cùng. Những vị bồ tát thinh văn hay những vị thánh hữu học ngày xưa thời các Ngài còn tu tập các Ngài cũng kinh sợ như chúng ta, nhưng các Ngài khéo léo tu tập, các Ngài cảm thấy nhàm chán nên thấy kinh sợ. Chúng tôi nói về kinh sợ có vẻ không nghịch lý nhưng có thể là nhàm chán vì không ưa thích và chính về điều này chúng ta mới thấy rằng trong chi thiền có ưu, trong bảy chi thiền có chữ ưu, chữ ưu là sự nhàm chán, những chi thiền gồm có là tầm, tứ, hỷ, lạc, định, ưu và xả. Ưu là nhàm chán, một vị tỳ khưu hay một người hành giả hành thiền định mà không nhàm chán ngũ dục thì người này không thể chứng đắc sơ quả được. Và một người hành giả mà không nhàm chán, không buông bỏ những danh sắc này, không buông bỏ những pháp hành, những pháp hữu vi này thì cũng khó chứng đắc đạo quả. Nếu nói cách khẳng định hơn thì nếu như chưa buông bỏ được danh sắc trong giây phút nào đó, chưa nhàm chán nhan sắc này, chưa buông bỏ được pháp hữu vi thì không thể chứng đắc được Niết-bàn. Cho nên sự suy quán về trí, sự kinh sợ về trí đây là một đặc điểm giúp cho chúng ta. Cứ mỗi lúc chúng ta nhìn mỗi cảnh tượng, nhìn việc mình làm, nhìn những cái gì chúng ta đang có và chúng ta suy quán hay chúng ta suy xét bởi trí tạo cho chúng ta một nền tảng trí về sau. Như Ngài Lasa.... trong tiền kiếp chỉ nhờ có một lần người thợ thiêu xác chết, nhìn xác chết thiêu loang lở như vậy rồi quán xét nhàm chán thân xác này dơ bẩn, đó cũng là một duyên lành, cũng là một nhân duyên để sau này cũng từ đó mà Ngài được Đức Thế Tôn tiếp dẫn Ngài dạy, Ngài thuyết pháp và chứng đắc đạo quả từ Tu Đà Hườn cho đến Alahán. Cho nên sự kinh sợ hay sự nhàm chán về trí thì đó là điều đặc biệt tốt. Chi pháp thứ tư là chi pháp cuối cùng là nhàm chán hay kinh sợ tội lỗi. Người không ghê sợ tội lỗi họ thản nhiên vô cùng, và người không ghê sợ tội lỗi họ chỉ có thể sợ tù tội, họ chỉ sợ người ta sát hại, họ chỉ sợ người ta nhục mạ. Nhưng người đã ghê sợ tội lỗi mà xem xét, quán xét những tội lỗi thì dứt khoát người đó ngủ được an vui, và người đó cũng thích được an vui, bởi vì khi người đó xem xét lại thì cảm thấy rằng tội lỗi mình không bao giờ làm. Bởi vì tâm lúc nào cũng luôn luôn đối với tội lỗi thì kinh sợ và không bao giờ vi phạm những tội lỗi, cho dù rằng ở nơi trống trải hay ở nơi khuất lấp thì tội lỗi đó do mãnh lực sợ hãi tội lỗi người đó không hề làm, và chính vì sự kinh sợ tội lỗi này là bước giúp cho hành giả tiến rất dài và rất nhanh trên con đường tu tập, bởi vì đối với một lỗi nhỏ nhặt vị đó kinh sợ không làm. Trong kinh văn chúng ta thấy rằng: Đức Phật dạy khi chư tỳ khưu ở trong giới luật này cảm thấy kinh sợ không dám vi phạm một lỗi nhỏ nhặt, dù là rất nhỏ vị đó cũng không vi phạm, và một người mà làm được điều này. (Trong đoạn kinh văn khác), Đức Phật dạy rằng: Vị này chứng đắc được sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền không phí sức, không tốn công để chứng đắc những tầng thiền như vậy và vị này có thể chứng đắc được sơ quả, nhị quả, tam quả cũng không phí sức, không tốn công là do kinh sợ từng lỗi nhỏ nhặt. Các Ngài chú giải Sư trong bộ luật chú giải rằng các Ngài Thánh Văn ngày xưa thời Đức Phật sợ những lỗi nhỏ, những tác ác nhỏ như một trọng tội. Tác ác chỉ là một sự làm sai thôi tức là không phù hợp với phẩm chất của samôn, không phù hợp với phẩm vị của samôn. Nhưng những lỗi nhỏ nhặt như vậy mà các vị đó sợ như một trọng tội, không hề vi phạm. Như vậy thì bốn điều này cho chúng ta thấy trước tiên hai điều trước thuộc về bất thiện pháp "sợ do tâm". Bởi vì tâm xấu cho nên bị bấn loạn, hễ bấn loạn thì dẫn đến sợ hãi, mà tâm xấu là tại vì tạo những ác nghiệp, tâm xấu bởi vì ái ngã, dính mắc vào tham nên mới tưởng tượng ra, tâm xấu bởi vì nó tạo những oan trái, bởi vì hiềm thù, nó nhìn mọi người như một con sói nhìn một con cừu non, nó hung hăng như vậy thì khi đi đâu cũng cảm thấy rằng mình lo sợ sẽ bị ám hại như vua A xà thế. Vua A xà thế về sau khi qui y Phật thì trở nên hiền triết ít vi phạm lỗi, vậy mà vẫn còn có những lúc không chế ngự được tâm và cũng còn muốn chiếm đoạt quốc độ của dân xứ Kashi. Nhưng khi còn trẻ lúc chưa nghe Đức Phật thuyết giảng ông là người hăng say chinh chiến, thậm chí vua Ba Tư Nặc cũng từng bị ông đánh bại ba lần, nhưng lần cuối thì ông bị vua Ba Tư Nặc bắt và đồng thời gả con cho và thâu hồi binh quyền. Bởi vì mình cứ gây oan trái, gây thù hận, thì điều này là điều xấu. Sợ hãi thứ hai do cảnh tạo ra vì ái ngã mà lo sợ, mà mình không chú niệm được, không tránh được cảnh xấu xí, mặc dù nó chưa vi phạm tới thân tới tài sản mình tới sinh mạng mình, nhưng nó sẽ ám ảnh những cảnh xấu đó cũng không nên. Ngày hôm nay chúng ta rất hữu duyên có nhiều duyên lành khi hiểu biết được về giới về những điều vi phạm và không vi phạm, nhưng chẳng qua chúng ta thờ ơ với chân lý mà thôi. Như vậy bốn nguyên nhân phát sanh sợ hãi này chúng tôi trình bày một cách ngắn gọn. Thứ nhất là sợ hãi phát sanh do tâm, thứ hai sợ hãi phát sanh do cảnh, thứ ba là sợ hãi do trí, thứ tư sợ hãi do ghê sợ tội lỗi./. |
|