Câu Hỏi : Vì lý do nào mà Đức Phật không trực tiếp đến thuyết giảng cho Tôn Giả Girimànanda mà lại để Tôn Giả Ananda đi thay?
. (Giảng trong đêm tu học thọ hạnh đầu đà lễ Thượng Nguyên tại chùa Pháp Luân ngày 7 tháng 2 năm 2009 )
Sau đây là những ý kiến của các Phật tử được TT Giác Đẳng tóm lượt lại và TT Giác Đẳng đã triển khai thêm trong mỗi ý kiến
:TT Giác Đẳng: Người Phật tử thứ nhất có ý kiến. Ngài Ananda quả thật như là lời đạo hữu Viên Hạnh vừa nói thì Ngài Ananda là thị giả của Đức Phật là một vị có trí nhớ phi thường và rất trung thành với lời dạy của Đức Phật, do đó khi Ngài chuyển tải lời dạy của Đức Phật thì Ngài chuyển tải rất là trung thực. Đó là điều mà đạo hữu Viên Hạnh đưa ra, là Đức Phật không đến thăm bịnh trực tiếp mà chuyển lời qua Ngài Ananda vì lý do là nghĩ rằng đó là phương thức để Tôn Giả Ananda trong vai trò của vị thủ khố chánh pháp có thể ghi nhớ về lời dạy của Đức Phật là một người rất khả tín ở trong việc chuyển đạt lời dạy của Đức Phật, về sau này chính Tôn Giả là người kết tập Tam Tạng.
Phật tử thứ hai có ý kiến. Thưa qúi vị câu này cũng quan trọng lắm, câu này nói rằng nếu mà Đức Phật Ngài gửi thông điệp như là một người cho toa thuốc đến rồi Tôn Giả Girimànanda dựa trên lời dạy đó để khai triển thiền quán là một người tự cứu mình thay vì nghĩ rằng ngồi đó để chờ Đức Phật Ngài đến, Đức Phật Ngài làm một cái gì đó, thì cái khả năng là nghe để tự cứu mình thật ra ở trong kinh nói như vậy nhiều lắm, nhiều lắm thưa qúi vị. Có lẽ qúi vị đi chùa cũng từng nghe chúng tôi kể câu chuyện là có một con voi chiến của vua Ba Tư Nặc bị sa vào bãi lầy, ngày xưa không có xe kéo như chúng ta bây giờ, cũng không có trực thăng thành ra con voi nặng quá, gọi là chiến tượng, thì con chiến tượng này nặng quá nó không thể ra khỏi vũng lầy, người ta kéo cách gì người ta làm cách gì nó cũng không thể ra khỏi vũng lầy được, thì có một vị quan ở trong triều nghĩ ra một chuyện lạ lùng, vị đó cho mời một dàn quân nhạc, tức là ngày xưa người ta đi đánh trận người ta mang theo cờ xí và một đội quân nhạc, lúc tiến quân thì những vị này trổi nhạc lên để làm gia tăng sĩ khí của quân đội, do đó vị này cho một dàn quân nhạc đến trổi nhạc thì khi con voi này nghe tiếng nhạc thôi thúc tiến quân thì ý chí phấn đấu cầu sinh, cái ý chí mà vượt thoát vươn lên tiến tới rất mạnh mẽ và tự nó vượt ra khỏi, đó là khả năng tự cứu. Mặc dầu có sự trở lực của đoàn quân nhạc đó nhưng con voi đã có khả năng tự cứu mình được là do sự thôi thúc trong lòng. Có những sức mạnh ở trong lòng mà nó mạnh mẽ, có những sự thôi thúc mà nó lớn hơn bất cứ điều gì khác. Thành ra đạo hữu có nói lên một điều ở đây là đạo hữu nghĩ rằng chuyện mà Đức Phật Ngài gửi một toa thuốc hay một phương cách để tự cứu chính mình thì ở đây có trổi dậy một tinh thần một nội lực rất sung mãn trong lòng Tôn Giả Girimànanda, nó có hiệu lực lắm, đó là một ý kiến mà chúng ta không thể không cân nhắc.
Phật tử thứ ba: Cô Hiếu có ý kiến là chuyện đó là nhất cử lưỡng tiện. Tại vì Tôn Giả Ananda có một yêu cầu với Đức Phật là bất cứ pháp thoại nào Đức Phật giảng ở nơi khác mà không có mặt Tôn Giả thì Ngài Ananda thỉnh cầu Đức Phật giảng lại cho Ngài được biết. Thì cô Hiếu nói là tại sao Ngài lại phải đi dạy cho Ngài Girimànanda rồi về phải lập lại cho vị thị giả nữa, bởi vậy Đức Phật giao cho Ngài thị giả chuyển đi thì là nhất cử lưỡng tiện.
Phật tử thứ tư: Đạo hữu Hải Băng nói làm chúng tôi nghĩ tới một việc là người ta nói rằng là có đôi khi chúng ta không nên quên cái gọi là thường thức (common sense) đôi khi mình nghĩ triết lý xa xôi quá. Đạo hữu Hải băng có nói một chuyện mà chi tiết rất là quan trọng. Có khi sự có mặt của Đức Phật khiến cho phản ứng của một người khác đi. Chúng tôi lấy ví dụ là bài kinh ngày hôm nay chúng tôi tạm dùng đề tài "Sống với dĩ vãng," tức là mình đối với quá khứ, cái gì đã qua mình sống như thế nào gọi là khôn ngoan và bài kinh này rõ ràng là Đức Phật Ngài đã dạy cho Ngài Girimànanda là khi mình nằm ở trên giường bịnh và quá khứ nó chạng đi chạng lại trong đầu óc của mình, mình nên đối diện với nó mình nên nhận thức nó như thế nào, nhưng đó là câu chuyện Đức Phật chuyển cho Tôn Giả Ananda đến nói chuyện với Ngài Girimànanda, nếu giả sử như Đức Phật có mặt ở tại đó thì không chừng câu chuyện nó phải về quá khứ và câu chuyện về hiện tại cũng có nữa. Qúi vị đồng ý không? Với một người nằm miên mang về quá khứ mà Đức Phật có mặt ở đó họ không nghĩ quá khứ nữa mà họ chỉ nghĩ về Đức Phật. Và đạo hữu Băng có nói rằng không chừng Đức Phật Ngài có mặt ở đó thì Ngài chưa nói được mười điều thì Ngài Girimànanda đã đi rồi. Đôi khi chúng ta đừng nghĩ cái thường thức (common sense) đó không có, và chưa chắc là khi Đức Phật có mặt thì bài học nhận thức về dĩ vãng thế nào là khôn ngoan đã là bài học gửi đến chúng ta ngày hôm nay.
Chúng tôi không hiểu tại sao mà tối hôm nay qúi vị lại nói nhiều chuyện mà giống như chúng tôi đang đọc trong một quyển sớ giải.
Phật tử thứ tư. Ở trong sớ giải có một câu chuyện như vầy đó là nếu toa thuốc mà thật sự là hay thì không cần phải ông thầy mang toa thuốc đến cho người ta mà ai đem đến cũng có giá trị hết, thì giá trị là nằm ở pháp mà vị đó lãnh hội chứ không phải nằm ở ai nói pháp đó, dầu Đức Phật đi hay Tôn Giả Ananda đi thì không là vấn đề mà vấn đề là toa thuốc có trị được bịnh đó hay không.
Thưa qúi vị chúng tôi xin được đúc kết lại ý kiến của tất cả qúi vị đang có mặt hôm nay ở tại đây.
Một vị đã có ý kiến là sở dĩ Đức Phật không đi mà chuyển lời qua Tôn Giả Ananda là bởi vì Đức Phật đã biết cái vai trò của Tôn Giả Ananda là một người có khả năng làm việc đó và nếu Tôn Giả Ananda có khả năng làm việc đó thì tại sao Đức Phật làm.
Và đồng thời có một vị Phật tử nói rằng thì như vậy là một việc nhất cử lưỡng tiện là Đức Phật vừa thuyết pháp cho một người và cũng để gửi gấm lại cho một người khác tức là cho Tôn Giả Ananda cả hai người đều được lợi ích.
Có một vị Phật tử cũng có một ý kiến là có thể sự có mặt của Đức Phật sẽ làm mất đi một cái yếu tính rất là quan trọng đó là khả năng tự cứu lấy chính mình, ví dụ như mình bị chuyện xảy ra mà có ông cha bà mẹ ở đó thì tự nhiên mình không muốn tự mình nỗ lực giải quyết vấn đề mà mình ỷ lại là có cha có mẹ ở đây, nếu có Đức Phật ở đó thì có lẽ ý thức mà tự cứu lấy chính mình nó không mạnh và cái thái độ và cái tinh thần tự cứu chính mình rất là quan trọng ở trong trường hợp đối với người bịnh.
Có một ý kiến nữa thì nói rằng sự có mặt và không có mặt của Đức Phật rất khác biệt, có khi sự có mặt của Đức Phật làm câu chuyện khác đi, nó không phải là câu chuyện về quá khứ mà nó là câu chuyện của hiện tại. Ví dụ như Tôn Giả Girimànanda đang sống rất nhiều với quá khứ, bây giờ Đức Phật có đến thì Tôn Giả quên bẳng đi điều đó và chỉ nghĩ đến điều gì mà đang tiếp xúc với Đức Phật thôi, thành ra sự có mặt của Đức Phật nó tạo sự khác biệt.
Và có một vị Phật tử sau cùng có ý kiến là, cái hay không phải là sự là ai thuyết mà cái hay là cái pháp đó có phải là một phương diệu dược hay không. Đã là một cái pháp có công năng trị được căn bịnh phiền não thì dầu là Tôn Giả Ananda nói hay Đức Phật thuyết thì cũng giống nhau.
Thật ra hồi nãy chúng tôi ngồi đây, chúng tôi nghĩ rằng có lẽ tối nay chúng ta có hai ý kiến rất là xuất sắc thì chúng tôi sẽ gửi đến qúi vị hai món quà, tức là qúi vị thấy ở trên bàn thắp đèn có hai pho tượng Phật ở trong tháp bằng thủy tinh, thì có lẽ chúng tôi sẽ gửi biếu một vị một bức tượng, nhưng mà bây giờ chúng tôi thấy không chỉ có hai người xuất sắc mà hình như có bốn năm người trả lời xuất sắc, chắc chỉ còn cách là mời qúi vị ăn cháo buổi sáng vậy. Chúng tôi rất tán thán sự suy nghĩ của qúi vị, sự suy nghĩ như vậy rất lợi ích. Thật ra thì ở trong những điều mà qúi vị nói trong năm ý kiến thì có hết bốn ý kiến là được tìm thấy trong bản sớ giải có đề cập đến chuyện đó. Nhưng mà thưa qúi vị cho dù là chúng ta có được tượng Phật hay là một buổi cháo sáng thì chúng ta vẫn có món quà đó là lời dạy của Đức Phật đã để lại cho chúng ta từ giai thoại liên quan đến Ngài Girimànanda
Minh Hạnh chuyển biên
Download cau hoi
Phap Am Lưu Trữ
|