Buddhist Studies
 

 


Câu Hỏi 58: Trong sớ giải Kudamatha...thì nói rằng chúng sanh thân dị tưởng dị tức là thân và tâm khác với các Chư Thiên dục giới, con người và chúng sanh ở trong bốn đường ác đạo. Nhưng khi nói đến thân dị tưởng đồng, tức là thân thì có khác và tâm thì hoàn toàn giống nhau, đó là những vị đại Phạm Thiên ở cõi sơ thiền. Thân đồng tưởng dị với các vị Quang-âm-thiên ở nhị thiền, và thân đồng tưởng đồng là nói ở Biến-tịnh-thiên ở cõi tam thiền. Ở mỗi tầng thiền, sơ, nhị, tam, tứ thiền đều có ba cõi thiền khác nhau, nhưng tại sao chỉ lấy tầng cao nhất để xác định cái tính như thân dị tưởng đồng, thân đồng tưởng dị, hay là thân đồng tưởng đồng, thì phải chăng có lý do gì đặc biệt ở trong điều này, ví dụ như tại sao cũng thời tam thiền mà khi nói đến thân đồng tưởng đồng thì nói đến Biến-tịnh-thiên mà thôi mà không lấy hai tầng kia?


(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , Ngày 28 tháng 12 năm 2007)

TT Giác Đẳng: Đây là đề tài rất thích thú, vì lần đầu tiên cách đây 15, 16 năm đọc đề tài này qua một bài giảng của Ngài Ledi Sayadaw và sau đó từ buổi giảng của Ngài, đọc lại bộ sớ giải của Ngài Dhammapala. Bạch Chư Tôn Đức và thưa quí Phật tử ở đây thì chúng ta lượt qua những nguyên nhân sâu xa như ở giữa Chư Thiên và nhân loại., Chư Thiên dục giới như từ khung trời Tha Hóa Tự Tại rồi Hóa Lạc Thiên, rồi Đâu Xuất Dạ Ma, rồi Đạo Lợi, Tứ Thiên Vương, rồi cõi người và bốn đường ác đạo thì được xem là cảnh giới của thân dị tưởng dị. Có nghĩa là cùng một chủng loại, thí dụ như Chư Thiên cũng cùng Chư Thiên-Tứ-Vương nhưng tâm và thân ngoại hình không giống nhau, và ở loài người cũng vậy, loài vật cũng vậy.

Thì thưa qúi vị về điểm này ở trong kinh nói rằng bởi vì đa số chúng sanh sống bằng tâm dục giới, bản chất của tâm dục giới là tâm hướng ngoại thì cảm xúc rất là đa dạng, chúng ta nói lấy căn bản là dục giới đối lại với sắc giới và vô sắc giới là tại vì sắc giới và vô sắc giới nó cố định và tâm dục giới dù bất thiện hay thiện thì mang tánh cách là tản tâm không có định mạnh, và vì không có định mạnh như vậy nó tạo nên sự như ngàn cái dạng thể khác nhau.

Ví dụ như cũng thời làm phước trong một buổi lễ trai tăng, như một người làm thiếu chủ lễ Tăng Y thì không phải thiếu chủ nào làm lễ Tăng Y cũng giống nhau hết, trong khi đó một người tu thiền đến chừng độ nào đó thì hai tâm thiền rất giống nhau. Thành ra trên phương diện ngoại giới thì con người mình đa dạng sai biệt, trong khi đó nội giới thì mình mang tánh cách cô đọng và nhất thể, vì vậy chúng sanh ở trong những cõi dục dù là thiện thú tức là cõi an vui hay cõi bất thiện thì đều có một sự khác biệt.

Điều này Ngài Dhammapala Ngài. cũng nói có một số trường hợp có những chúng sanh sống theo đàn theo bày, thí dụ như những đàn le le bay trên trời hay những đàn kiến bò thì dường như thân của nó bộ dạng giống nhau và sinh hoạt của nó cũng giống nhau, thế nhưng nó vẫn có những sự sai biệt và sự sai biệt, chúng ta không ai có thể nhìn thấy sự sai biệt của giữa con kiến này và con kiến kia được, nhưng thân của nó hoàn toàn không giống nhau. Chúng sanh sanh ở trong dạng thai sanh, noãn sanh, thấp sanh tức là sanh ở nơi ẩm thấp, sanh nơi bào thai và sanh trong trứng thì chịu sự khác biệt. Riêng chúng sanh trong cõi ẩm thấp thì giống nhau nhiều hơn còn thai sanh và noãn sanh sanh trong thai bào và trong trứng thì khác biệt nhau rất nhiều, có những khác biệt li chi mà chúng ta không thấy được. Chúng tôi lấy ví dụ là đôi khi những người xem phim thấy những người da đen đóng phim, đôi lúc chúng ta không phân biệt được những người da đen này với người da đen kia, nhưng khi chúng ta sống ở một nơi như nước Mỹ thì chúng ta hiểu rằng những người da đen rất khác biệt, và chúng ta có thể phân biệt khi ông Smith với ông Robert, mặc dầu hai ông này da đen hết, chúng ta gặp mặt là chúng ta phân biệt được liền.

Do vậy ở trong sanh thú chúng sanh sanh trong cõi dục căn bản là tâm thiện dục giới, chúng ta gọi là tâm đại thiện dục giới và tâm bất thiện đều mang tính là bị chi phối bởi ngoại giới sự chiêu cảm những thức khác biệt, do vậy sanh lên thân và tâm không đồng với nhau được.

Ở trong một trạng thái mà tương đối là đồng bộ, theo Ngài Dhammapala giảng thì phải nói đến thiền định. Thiền định ví dụ như một người mà có khả năng để phát triển tầm, tứ, hỉ, lạc, định, chế ngự năm pháp triền cái, tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, hoài nghi, phóng dật. Thì tầm, tứ, hỉ, lạc, định, là khả năng tập trú mà dù là một người ở nơi này một người ở nơi khác thì sự tập trú đó giống nhau. Tuy nhiên những chúng sanh này vẫn còn bị chi phối bởi một thứ đó là căn tính, và căn của người mạnh về định, có người mạnh về niệm, có người mạnh về sự tinh tấn. Do vậy khi sanh lên các cõi trời Phạm Thiên thì như trong cõi sơ thiền thì chúng ta có nhiều cảnh giới khác biệt. Căn bản là như chúng ta thấy ở trong sơ thiền thì có Phạm Trú Thiên, Phạm vụ thiên và Đại phạm thiên. Trong nhị thiền thì có Thiểu Quang Thiên,Vô Lượng Quang Thiên,Quang âm thiên, ở trong tam thiền thì có .Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên và Biến Tịnh Thiên, ở trong tứ thiền thì có Quãng Quả Thiên, Vô Tưởng Thiên chẳng hạn hay là Tịnh Cư Thiên.

Thì những cõi thiền này Ngài Dhammapala dạy rằng tuy rằng cùng một tầng thiền, ví dụ tầng sơ thiền thì có Phạm Trú Thiên, Phạm vụ Thiên, và Đại Phạm Thiên nhưng vẫn có sự khác biệt là bởi vì ở trong sự tu tập thì ngũ căn ngũ lực có sự sai biệt, như vậy nếu nói một cách điển hình một cách tiêu biểu sung mãn trọn vẹn đầy đủ là tiêu biểu nhất thì phải lấy Đại Phạm Thiên chứ Phạm vụ và Phạm Trú Thiên vẫn còn có một số dị biệt nhỏ mà nó không thể lấy chủ lực hoàn toàn được. Và cõi nhị thiền cũng vậy cõi Quang Âm Thiên là cõi cao nhất và tam thiền thì lấy Biến tịnh thiên là cõi cao nhất. Riêng về trong tứ thiền thì ở đây không nói đến tầng thiền, như nói chúng sanh ở vô tưởng, trong cõi vô tưởng ở đây chúng ta thấy rằng đó là một trường hợp hoàn toàn khác biệt chỉ có thân mà không có tâm. Thân mà không tâm là do cái năng lực của thiền định, và chúng sanh trong cõi vô tưởng thì những vị này có một dạng nhất định không có sự sai biệt về hình dạng, nhưng vị này hoàn toàn là không có tưởng.

Điểm cao diệu nhất mà chúng ta được biết ở tại đây là một sự đồng độ hoàn toàn tuyệt đối đó là các vị Phạm Thiên Vô Sắc, các vị Không Vô Biên, ThứcVô Biên, Vô Sở Hữu Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, trước nhất là những vị này không sống lệ thuộc vào sắc mà chỉ có tâm mà thôi và đồng thời những vị này sống dựa lên trên một sự khai triển, theo Ngài Dhammapala thì một vị mà chứng được Thức vô biên thì vị đó có khả năng phải từ bỏ Không Vô Biên, và do trình độ gọi là tâm thuật và trình độ tâm lực của các vị rất là giống nhau dù là Không Vô Biên, Thức Vô Biên, Vô Sở Hữu Phi Tưởng Phi Phi Tưởng thì cũng giống như các vị Vô Tưởng đạt đến sự ảo diệu của thiền định, do vậy các vị có một điểm là trạng thái giống nhau. Tuy nhiên ở đây từ vô tưởng cho đến phi tưởng phi phi tưởng ở trong năm vị này được liệt kê riêng biệt tại vì mỗi vị mang một tâm thái rất khác biệt với những chúng sanh khác và chúng tôi nghĩ rằng qúi vị Phật tử mà đã có dịp học A Tỳ Đàm thì đều có theo dõi về phương diện này.

Thì thưa qúi vị cảnh giới hay sự hiện hữu chúng sanh chúng tôi tạm gọi là sanh hữu, cái sanh hữu đó nó được chiêu cảm, được tạo nên bởi nghiệp, nghiệp quá khứ ở đây tâm tạo nghiệp chúng ta thấy rằng ở trong cõi dục bởi vì nó lệ thuộc ngoại giới nhiều do đó nó đa dạng phong phú mà mang tánh cách khác biệt. Ngay cả trong sở giải nói rằng một vị Trời Đế Thích hiện tại thì khác với vị Trời Đế Thích trước kia cũng cõi trời Đao Lợi nhưng mà hai vị đó không giống nhau. Nhưng trong trường hợp của các vị Phạm Thiên thì các vị có thân tướng nhất định không sai biệt về thân ngoại hình (Phạm thiên sắc giới), về tâm thái thì các vị Phạm thiên vô sắc giới hoàn toàn giống nhau thì khi đào sâu vào lãnh vực thiền định chuyên nhất thì người ta phải đạt đến một cách nào đó, lấy ví dụ là ở trong cảnh giới của chúng ta chẳng hạn, riêng về một số lãnh vực mang tánh cách là ngoại giới, mang tánh cách nhân văn chẳng hạn thì chúng ta thấy nó muôn màu muôn vẻ.

Điều đó tự nhiên khi đề cập đến Nhân Văn, thì chúng ta nói tâm lý học, nói đến xã hội học thì người đa số rất là khó để đồng thuận nhau. Nhưng nói về khoa học nói về những ngành kỹ thuật thì qúi vị thấy rằng có một số ngành cách trình bày có thể khác biệt nhau. Nhưng trí văn phải nhất thiết là giống nhau tại vì nó là những khám phá mà tận cùng. Ví dụ về toán học chẳng hạn thì có những ngành nó bắt buộc người ta phải có một sự đồng thuận với nhau rất lớn. Một nhà toán học của Tây Phương với nhà toán học của Trung Hoa với nhà toán học của Ấn Độ ngồi lại với nhau thì sự đồng ý đồng thuận nhiều hơn là một triết gia, một triết gia của Tây Phương, triết gia của Âu Châu, của Á Châu tại vì bản chất tự nhiên là như vậy, tính chất tự nhiên là như vậy. Nhưng riêng chúng ta nói tại đây là về các hữu tình cư thì chúng ta thấy cái nguyên lý đó cảnh giới nào mà sống từ ngoại giới thì sự dị biệt nhiều ví dụ như chúng sanh ở trong cõi dục, cảnh giới nào mà chúng sanh về thiền định thì thường họ đạt đến chỗ đồng bộ, đồng bộ hoặc về thân hoặc về tâm và ở trong những dạng thức mà tồn tại thì chúng ta thấy rằng có những dạng thức mang tính tương tựa như chúng sanh vô sắc có những dạng thức nó gồm có cả thân lẫn tâm như là chúng sanh ở trong cõi trời sắc giới thì đặc biệt ở tại đây do sự chi phối của tầm tứ hỉ và lạc, bốn chi thiền đầu nó cũng khiến tạo tình trạng thân đồng tưởng đồng thân dị tưởng dị, thân dị tưởng đồng v.v... Nói chung là ngay cả trong cảnh giới của thiền định thì thưa qúi vị đặc biệt một số các thiền chi nó đã tạo ra một chi phối và nó đã thể hiện ra cảnh giới sống, và nó tạo nên hoặc là đồng hoặc là dị thì trong chính cái sanh hữu của chúng hữu tình ở trong cuộc đời này gợi cho chúng ta thấy một thứ mang đến thiện nghiệp và quả sự chi phối của nghiệp nhưng mà qua đó chúng ta cũng thấy sự chi phối của tâm ở trong cuộc đời và nói về thiện phước của tâm là hễ mình càng đi sâu vào nội tại, nói một cách khác thì chuyện ngoại giới nó giống như chuyện bung xung nó muôn màu muôn vẻ nhưng chúng ta càng tập trung vào cuộc sống nội tại chừng nào thì ở tại đó chúng ta tìm thấy được một sự nhất quán là nó đơn giản như Chư Tăng ở trong chùa học kinh điển mà vị nào học ngoại điển nhiều quá thì ý kiến thường khác biệt, nhưng càng đào sâu vào kinh điển nghĩa là càng thuần thuộc kinh điển thì người ta dễ có sự đồng thuận với nhau nó tạo nên một sự đồng bộ mà chúng ta ít có tìm thấy ở trong những nơi khác ở đây căn bản là do sự đồng thuận mà thôi.

Namo Buddhaya

Minh Hạnh chuyển biên