Buddhist Studies
 

 


Nam Tử Hỏi Đạobài 4 : Thế nào là pháp năm chi? Đó là Ngũ Uẩn

(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , ngày 24 tháng 12 năm 2007)

TT Giác Đẳng: Thưa qúi vị hôm nay là một ngày tương đối lạnh tại thành phố Houston, mùa Chirsmas này Hoa kỳ trải qua một trận bão tuyết lớn ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ kéo dài xuống miền Trung Mỹ, Houston cũng nhuốm cái lạnh của cơn bão tuyết mặc dù bão không đến đây. Ngồi đây để hầu chuyện với Chư Tôn Đức và qúi Phật tử một buổi sáng với tách trà bên cạnh, đúng là một buổi sáng rất ấm áp. Và thưa quí vị, đề tài chúng ta nói đến ngày hôm nay không phải là một đề tài ấm áp như chum trà buổi sáng, mà đề tài đó có thể cho chúng ta trở về một chiều kích tương đối rất lạnh lẽo làm chúng ta kinh ngạc không ít khi nói về thế giới quan của đạo Phật. Cho dù cảm giác của chúng ta thế nào đối với đề tài này thì đây vẫn là một đề tài lớn đặc biệt quan trọng, như tất cả người Phật tử đều biết con người của chúng ta khi nhận rằng mình là ai và mình hiện hữu như thế nào, thì hai điều đó trở thành một nền tảng cho mọi cách xử sự cho mọi cách ứng biến và tự đó tạo thành con người của mình.

Chúng ta là một người nghèo, chúng ta là một người giàu, tôi là người có chức vụ này, tôi là người có địa vị kia, thì điều đó ở trong tâm lý học Tây Phương gọi là sefl identity (tự ngã) là chúng ta tự nhận diện, chúng ta tự cho mình một tấm thẻ căn cước và trong thẻ căn cước này tự dán cho mình một nhãn hiệu mình là ai, "Mình là ai" trở thành một chủng mực quan trọng để chúng ta cư xử ngay cả trong cơn giận dữ hoặc giả đi lại giữa cuộc đời này tiếp xúc với bao nhiêu người. Cứ nói như vầy là hồi chúng ta còn nhỏ cách xử sự khác với một người lớn tuổi, người có tuổi thì tự nhiên self identity (tự ngã) của chúng ta lại khác đi. Một người có học vị đôi lúc cũng đòi hỏi một cư xử khác hơn một người bình thường không có học vị. Vấn đề cuộn tròn ở xung quanh đời sống của chúng ta và biến chúng ta trở thành một trọng điểm của tất cả mọi vấn đề của kiếp nhân sinh "Tôi là ai" và "Tôi hiện hữu như thế nào". Trong Anh ngữ thì khi họ viết về chữ "Tôi" chữ "I" người ta viết hoa và luôn luôn viết hoa điều đó cũng nói lên tánh cách rất đặc biệt trong nền văn hoá của Anh cũng như nền văn hoá Tây Phương. Và động từ "to be" và tương tựa như vậy ở trong động từ "bhavatii" trong tiếng Phạn hay tiếng Sankrist như là vattati hay bhavati. Tất cả những động từ đó đều bao hàm cả hai thứ lạc và hiện hữu, và có khi lại bao hàm cả chữ "Có" "mình là ai", "mình có cái gì" và "mình hiện hữu như thế nào" tất cả đều trong một động từ. Đó có thể là một câu chuyện tình cờ của ngôn ngữ nhưng lại là một cái gì rất bền chặc trong muôn ngàn sợi dây cột chúng ta và không biết bao nhiêu hệ lụy của kiếp người, nếu chúng ta thường có một câu hỏi rằng "Mình là ai", "Mình có mặt như thế nào?" "Mình hiện hữu như thế nào?" "Mình tồn tại như thế nào?" "Mình có được gì?" "Mình thuộc về cái gì?" tất cả những câu hỏi đó xoay chung quanh cái gọi là "tôi" là "Ta", thế giới quan của chúng ta xem nó rộng, nhưng nhân sinh quan của chúng và thế giới quan đều bắt nguồn từ một thứ, đó là ngã tính.

Bây giờ thì chúng ta trở lại với đề tài ngày hôm nay là Đức Phật Ngài dạy cho chúng ta biết về chấp thủ của cái gọi là "Tôi, Ta", sự chấp thủ đó dựa lên trên sự chấp thủ của 5 uẩn. Trước khi chúng ta nói đến thái độ chủ quan thì chúng ta nói về một tánh cách rất khách quan ở trong đạo Phật tức là khi nói về con người của chúng ta hay nói về một chúng sanh. Chúng sanh thì có nhiều dạng, nhiều thể loại, nhiều loại chúng sanh, nhưng bây giờ nói về con người là anh A, bà B, tôi và qúi vị, những người đang nói và đang nghe ở trong rơom này, mỗi con người của chúng ta như vậy được Đức Phật Ngài dạy rằng là một tổng hợp của năm thành tố:

Ngũ uẩn chấp thủ: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, và thức uẩn chấp thủ

Sắc Uẩn

Thành tố thứ nhất là cái gì thuộc về vật chất đó là sắc uẩn là thân gồm; mắt, tai, mũi, lưỡi, đầu, mình, tay, chân, hoặc nói thể trược như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, xương, và nói theo tứ đại là đất, nước, lửa, gió, và nói theo sinh vật học thì đầu, mình, tay, chân v.v... muốn nói cách nào cũng được, nhưng nói chung là hình hài thể xác thân thể của chúng ta thuộc về sắc uẩn, sắc uẩn là cái gì dễ nhận dạng nhất, tại vì nó rõ ràng, qúi vị có thể đứng trước gương soi để thấy được thân, thấy được mặt mũi của chúng ta ra sao, đưa bàn tay lên trong ánh sáng thì có thể nhìn thấy được bàn tay. Tuy rằng năm dài tháng rộng của đời người đôi lúc chúng ta không thấy được cơ thể thay đổi rõ ràng lắm, nhưng cũng nhận rằng ở trong một ngày thì có lúc khỏe, có lúc mệt, có lúc đói hoặc no, và nhiều năm đi qua những vết hằn của thời gian để ở trên trán trên khóe mắt của mình. Rồi từ thiếu niên đến trung niên đến lão niên chúng ta có thể mục kích được sự vô thường của đời sống, nhưng có một hình ảnh một chân dung nào đó chúng ta muốn giữ lại và cho rằng đó là "Tôi" đó là "Ta".

Vài năm trước đây có một Phật tử cũng làm việc trong rơom Diệu Pháp gửi cho chúng tôi một món quà, món quà đó chụp một tấm hình thuở chúng tôi mười ba mười bốn tuổi và lúc đó đi dạy học ở SàiGòn, chúng tôi nhớ rằng thời chúng tôi còn nhỏ đi dạy Vi Diệu Pháp ở chùa Kỳ Viên SàiGòn, lúc đó nghĩ mình đã lớn rồi nhưng bây giờ nhìn lại tấm hình thì thật sự là còn nhỏ xíu, bây giờ thì lâu lâu nhìn lại cuốn album thấy những tấm hình chụp cách đây mười năm, hai mươi năm, hoặc mới chụp trong chuyến đi hành hương vừa rồi thì rõ ràng là mặt mày diện mạo ngoại hình đã thay đổi nhiều theo thời gian, có thời nào đó chúng tôi gầy ốm và bây giờ thì có da có thịt hơn hồi xưa.

Đôi lúc nhìn những tấm hình như vậy chúng tôi chợt nhớ lời Đức Phật dạy về năm thủ uẩn chúng ta chấp "Sắc uẩn là ta, ta là sắc uẩn, ở trong sắc uẩn có ta và trong ta có sắc uẩn". Nhưng khi chấp như vậy thì sắc là sắc nào? Sắc uẩn của chúng ta lúc năm tuổi, mười tuổi, hai mươi tuổi, ba mươi tuổi, bốn mươi tuổi, bẩy mươi tuổi, những thứ đó đến và đi, thật sự con người thay đổi không phải theo mỗi năm mà có thể mỗi tháng, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi một tích tắc, hoặc chóng hoặc chầy chúng ta thay đổi nhưng chúng ta không thấy, nó thay đổi liên tục có người thì thể hiện sự thay đổi rất rõ ràng, có người thì thể hiện sự thay đổi rất chậm, nhưng ai sống cũng có sự thay đổi hết, nhưng chúng ta ráng bám lấy một cái gì đó như là mình đưa máy chụp hình lên chụp con người của chúng ta lúc ăn mặc đẹp đẽ điểm phấn thoa son rồi chụp tấm hình nào đó mình nói là đây chính là tôi, thì như vậy phải chăng là những lúc khác không phải là tôi? nhưng chúng ta vẫn cố tìm một tấm hình đẹp nhất để nói rằng đó chính là mình.

Cái nhìn đó thật sự phiến diện, phiến diện đến đỗi nhiều lúc gọi là tươi tắn đẹp đẽ của chúng ta chỉ là một tích tắc khi bấm máy chụp hình mà thôi, và khi trả về con người bình thường không còn làm dáng, không còn làm điệu bộ nữa thì chúng ta là một con người khác. Lấy ví dụ là có Phật tử nói chúng tôi rằng sao Sư chụp hình thấy Sư tươi quá, tại thường thường chúng tôi có thói quen không để ý sau này chúng tôi mới thấy là mình chụp hình hay cười, nhưng không phải lúc nào mình cũng cười như vậy, có nhiều khi mình cười để chụp hình xong rồi thì không còn cười nữa. Người bình thường thì lấy tấm ảnh nào đó ở trong một thoáng một tích tắc nào đó và nói "đó là tôi, tôi là như vậy đó", nhưng mình thấy điều đó phiếm diện lắm, phiếm diện đến đỗi mà hầu như chúng ta chỉ biết một chân dung ở trong muôn một chúng ta, có trăm ngàn thể cách, trăm ngàn sự biến hoá, trăm ngàn sự thay đổi khác nhau trong đời sống của mình, nhưng mình lựa một cái nói đó là tôi, tôi là kẻ đó, trong sắc uẩn có ta, trong ta có sắc uẩn, sắc uẩn là ta, ta là sắc uẩn thì mình thấy đó là một ảo giác.

Thọ Uẩn

Từ bài học này chúng ta hiểu đến một lãnh vực thứ hai mà Đức Phật Ngài gọi là thọ uẩn. Bài học về cảm thọ thật sự còn mới lắm. Cách nay vài hôm chúng ta có nói về vui, buồn, khổ, lạc, không vui, không buồn, không khổ, không lạc, tức là có những cảm giác thoải mái thuộc về tâm, có những cảm giác thoải mái thuộc về thân, có những cảm giác sầu bi của tâm, có những cảm giác nhức nhối của thân, và có những cảm giác chúng ta gọi là xả. Những cảm thọ, những cảm giác đó thật ra cũng phù du chợt đến chợ đi, nhưng chúng ta rất tin vào những cảm giác như vậy, và chúng ta dễ dàng để chụp lấy cảm giác nào đó "Đây là là TÔI, những lúc có cảm giác đó tôi mới thật sự tìm thấy chính tôi được, những lúc khác không phải là tôi." Nhưng thật sự cảm giác chỉ là cảm giác.

Đức Phật Ngài dạy trong kinh Vô Ngã Tướng là thọ uẩn chỉ là thọ thôi, vui cũng là một cảm giác, buồn cũng là cảm giác. Người Trung Hoa nói một câu nghe rất thú vị đó là "Ngon cũng một bữa ăn mà dở cũng một bữa ăn." Thì cũng vậy, vui cũng là một cảm giác, mà buồn cũng là cảm giác, nó chỉ là cảm giác, nhưng chúng ta hay chụp lấy một cảm giác nào đó rồi cho rằng cảm giác đó mới chính là mình, và cảm giác đó nói lên một sự tồn tại sự có mặt của mình ở trong cuộc đời miên viễn bất tận này và không bao giờ thay đổi. Nhưng thật ra không phải vậy mà cảm giác rất phù du, chúng ta tin vào cảm giác mình đến nỗi có nhiều khi vì cảm giác của mình mà lại dẫn đến quyết định rất dễ sợ. Ngày xưa, trong câu chuyện Bao Tự sống trong một xứ tơ lụa đắc như vàng, chỉ vì muốn nghe tiếng cười của Bao Tự nhà vua phải lấy vải xé ra cho nàng cười. Nhiều lúc muốn tìm một niềm vui cho mình, một bạo chúa hay một kẻ có quyền hành sẵn sàng giết người khác đầy đọa người khác chỉ trong cảm giác của mình thôi, và cảm giác đó đến với họ thật quan trọng tại vì họ muốn họ phải như vậy. Nhiều người trong chúng ta bước vào một ngôi chùa đọc một quyển sách, xem một cuốn phim mình khen tôn giáo đó là chí lý, nhưng chúng ta đừng lầm tưởng, vì nhiều khi một tôn giáo hay một ngôi chùa mà chúng ta thích đó không phải là vì giá trị của đạo hay giá trị của ngôi chùa, mà nhiều khi đó cảm giác của chúng ta thôi. Ví dụ như qúi vị bước vào một nơi nào đó mà cái tự ngã của chúng ta được mơn trớn được vuốt ve được nựng niụ thì chúng ta cảm thấy "À! ở đây mới thật là nơi của mình." Chúng ta tự gạt lấy chính mình là bởi vì những thứ đó không thật, nó chỉ cho chúng ta cảm giác mà thôi. Qúi vị đến một ngôi chùa chẳng hạn rồi có những người Phật tử họ khéo tổ chức họ săn đón họ niềm nở thì qúi vị cảm thấy đây là ngôi chùa của mình, đây là đạo của mình. Nhưng nếu chúng ta là người có hiểu biết thì phải vượt xa hơn điều đó, chứ không thể dừng lại tại đó, tại vì đạo không phải là cái gì cho chúng ta cảm giác không mà thôi. Nhưng mà cảm giác đối với chúng ta lại cực kỳ quan trọng.

Qúi vị có thấy rằng không có thời đại nào mà con người xưng tụng chủ nghĩa cá nhân như ngày nay, ví dụ như trong hệ thống chúng ta gọi là hệ thống Windows, thì khi họ viết lập trình của Windows họ dùng những chữ như "My folder", "My pictures", "My music", cái chữ MY là của tôi, cái hồ sơ của tôi, hình của tôi, âm nhạc của tôi, chữ my cho chúng ta một cảm giác lạ, là cái đó thuộc về mình, mình cảm thấy thích hơn và điều đó họ đánh trúng tâm lý của người tiêu thụ. Hay hoặc giả là bây giờ thì hãng computer Apple khai thác chữ "I" như "I Talk", "I Phone", cái gì cũng có chữ I ở đầu, như là "I music", chữ I cho chúng ta cảm giác rằng cái đó thuộc về mình, nhưng thật sự nó chỉ là cảm giác, cảm giác đánh lừa của thương mại, cái thủ thuật của thương mại khéo đưa chúng ta thôi. Thì thưa qúi vị cảm giác là vui, buồn, không vui, không buồn, khổ lạc, nếu chúng ta là một hành giả tu tập thiền quán một giờ lặng lẽ sống với hơi thở, sống với bước đi, và sống với chính mình, thì chúng ta sẽ nhận ra rằng cảm giác đó phù du đến mức nào. Có khi nào mình nhìn những bọt nổi ở trong một vũng nước của một cơn mưa, mưa xuống rồi đọng lại thành đống nước, rồi thành bọt, ở trong bọt đó nó chợt hiện, vỡ đi, chợt hiện, vỡ đi, chợt hiện, vỡ đi như thế nào thì khi chúng ta hành thiền cũng cảm giác, cũng chực nhận ra cái vui cái buồn đến với chúng ta nhanh như vậy, phù du như vậy, ảo hoá như vậy. Phù du đến đỗi ở trong mười hơi thở thôi chúng ta có thể có hai ba cảm giác khác nhau, cảm giác đó bất chợt lắm, nó đến nhiều khi chúng ta không tiên liệu được, và khi nó đi thì đi một cách lẳng lặng, khi nó đến mình không mời, khi nó đi mình không tiễn, mà chúng ta không chuẩn bị tinh thần những thứ đó nhưng nó đến nó đi, và một vài cảm giác nào đó làm cho chúng ta nhẹ nhàng, làm cho chúng ta sảng khoái tự nhiên mình nắm lấy nó, "À! cái này là tôi, tôi là cái cảm thọ đó, cảm thọ đó là tôi, ở trong tôi có cảm thọ, trong cảm thọ đó có tôi", nhưng đó chỉ là một ảo tưởng ở trong muôn ngàn cái cảm thọ chợt đến chợt đi của đời sống này.

Tưởng Uẩn

Bây giờ chúng ta nói đến tưởng uẩn, khi nói đến tưởng uẩn đạo Phật nói cái gì. Tưởng là kinh nghiệm là cái gì chúng ta trải qua, và kinh nghiệm trải qua chúng ta nói về giáo dục về văn hoá. Ví dụ chúng ta đã được hấp thụ nền văn hoá Việt Nam, cảm giác của chúng ta đối với lá chuối khi bọc bột rồi đem hấp thành bánh thì như thế nào. Có một lần chúng tôi đưa một vị sang bên Ấn Độ và vị đó thấy người Ấn Độ họ đựng cơm vào trong lá chuối để ăn thì có vẻ khinh bỉ, nhưng chúng tôi nhắc cho vị đó nhớ rằng ở Việt Nam chúng ta cũng dùng lá chuối để gói bánh, vị đó nói lấy lá chuối gói bánh thì nhìn có vẻ văn minh, mà lá chuối gói cơm không có văn minh, chúng tôi hiểu ngay đây là văn hoá hấp thụ, chúng ta đã quen nhìn thấy người ta lấy lá chuối để gói bột rồi đem hấp thành bánh và thấy chuyện đó bình thường thấy văn minh thấy lịch sự, nhưng khi thấy một người để cơm trên lá chuối dùng như chúng ta đựng cơm trong tô hay chén dĩa thì thấy nó man ri mọi rợ, không văn minh chút nào. Nhưng đó chỉ là cảm giác thôi. Cũng có nhiều khi người ta khen là chiếc áo dài Việt Nam rất đẹp, chiếc áo kimono coi nó gò bó quá, áo của phụ nữ Đại Hàn coi luộm thuộm thước tha quá v.v... người ta có nhiều cách khác nhau thì tất cả điều đó là văn hoá, và có đi tiếp xúc học hỏi tiếp cận nhiều với nền văn hoá thì chúng ta hiểu rằng phần lớn có thể nói là 8, 90 phần trăm cái gọi là phẩm vị, cái gọi là khẩu vị ,cái gọi là quan niệm đánh giá hay, dở, đẹp, xấu của đời sống phần lớn là đến từ thói quen mà đạo Phật trong A Tỳ Đàm gọi là thường thân y duyên, hay là chúng ta nói từ "Samjnas" từ tưởng, từ văn hoá, từ sự giáo dục, và những thứ này khi đến với đời sống chúng ta, cho chúng ta cảm nhận điều gì đó, thì mai hậu những thứ này trở thành khuôn thước và khi trở thành khuôn thước chúng ta dùng cái đó để chúng ta đánh giá nhiều thứ khác.

Ví dụ chúng ta quen mang giày mang dép đi vào nhiều nơi khác nhau, khi mình sang một nơi nào đó như Miến Điện, mình chưa bước vào chùa, chỉ mới bước vào sân chùa họ đã biểu mình cởi dép thì thấy rất lạ. Nhưng một người ở những xứ đó họ thấy chúng ta mang giày mang dép vào trong khuôn viên của đền tháp thì họ thấy rất kỳ. Ngay cả có nhiều khi qúi vị Phật tử thấy một người Phật tử ăn chay hay không ăn chay, hoặc giả mặc áo tràng hay không mặc áo tràng, hay tụng kinh có chuông mỏ hay không có chuông mõ, những thứ đó đã trở thành những phần của văn hoá quen thuộc thì chúng ta dễ chịu, cái gì không quen thuộc thì chúng ta thấy nó khó chịu thấy nó kỳ kỳ.

Chúng tôi nhớ có một lần một Phật tử than phiền với chúng tôi rằng tại sao đi hành hương mà TT không dặn Phật tử mang áo tràng, khi lên chỗ quan trọng mà không mang áo tràng tụng kinh thì không trang trọng. Thì chúng tôi nhắc qúi vị đó rằng thật ra áo tràng mặc vào thì rất trang nghiêm rất đẹp, nhưng không có thì cũng không sao, mình đừng để chuyện đó làm cho mình bị chi phối, nhưng vị Phật tử đó nói rằng:
"Dạ con quen rồi, chỗ Phật điện trang nghiêm thì phải mặc áo tràng."
Chúng tôi hiểu những thứ đó là phần của văn hoá nào đó mình được hấp thụ quen, nhưng mình không nên nghĩ là nó phải làm chuẩn mực cho tất cả. Trong đời sống của chúng ta những gì thường gọi là phẩm vị hay, đẹp, xấu, điều đó hay, hay dở hầu hết nó đến từ cái gọi là tưởng uẩn. Đó có thể nói là những gì mình đã trải qua, mình đã quen thuộc, mình lớn lên trong nền văn hoá nào đó.

Chúng tôi lấy ví dụ, trong nền văn hoá chúng ta là con cái đi đâu về khoanh tay thưa cha con về thưa mẹ con về, hồi nhỏ chúng tôi cũng làm như vậy và bây giờ chúng tôi sống ở Mỹ bao nhiêu năm rồi tự nhiên có một lần chúng tôi thấy có một cậu thanh niên 18, 19 tuổi đi đâu về khoanh tay lại để chào cha chào mẹ, chúng tôi thấy lạ quá mặc dầu hồi nhỏ chúng tôi đã từng khoanh tay như vậy, nhưng xin thưa rằng người mình ở đây gặp nhau mà đứng lại khoanh tay cúi đầu thì thấy kỳ cục quá vì lâu ngày chúng tôi không thường thấy cảnh đó, qúi vị đừng nói là chúng tôi mất gốc, chúng tôi vong bản, thật sự thì chúng tôi cũng biết điều đó là sự lễ độ, nhưng bây giờ nhìn thấy một thanh niên 18, 19 tuổi đứng chấp tay chào chúng tôi thấy còn quen thuộc hơn là đứng vòng tay lại như chúng tôi đã từng làm hồi nhỏ - đó là vấn đề văn hoá, đó là vấn đề thói quen, là cái gì mình trải qua cái gì hấp thụ. Thành ra tưởng uẩn là kinh nghiệm nói lên sự giáo dục, nói lên sự văn hoá cái gì mình trải qua.

Và đôi khi chúng ta cho rằng: Tưởng uẩn là ta, ta là tưởng uẩn, trong tưởng uẩn có ta, trong ta có tưởng uẩn. Nhưng điều đó lại không chính xác ở một điểm là ngay cả cái gọi là văn hoá, ngay cả cái gọi là kinh nghiệm, ngay cả cái gọi là sự giáo dục thì nó vẫn có nhiều sự dị biệt, giữa cái này dị biệt với cái khác. Những bài học chúng ta học hồi 10 tuổi với bài học chúng ta học năm ba mươi tuổi không giống nhau, chúng ta chỉ trọn lấy một cái gì đó rồi cho là cái đó mới thật là mình, đó cũng là một biên kiến, một thiên kiến, một thiển cận, một ngã chấp.

Hành Uẩn

Sang đến một lãnh vực khác chúng ta gọi là hành uẩn, hành uẩn nếu nói theo A Tỳ Đàm thì trong 52 thuộc tánh của tâm trừ ra thọ và tưởng tất cả những thứ còn lại gọi là hành uẩn, nói một cách nôm na ở trong mạch văn của kinh tạng, hay bình thường theo cách nói chung là quan niệm về hành động, sự thể hiện của hành động như chủ trương của chúng ta như là thiện, ác, đúng, sai, cái quan kiến, cái chủ trương, sự thể hiện, tất cả những điều đó thuộc về hành. Nếu tưởng uẩn thuộc về quá khứ thuộc về kinh nghiệm trải qua và chúng ta dùng nó, thì hành là một thái độ để xử lý, thái độ để hành động đối với hiện tại này. Thái độ về hành động đó thường thường đi chung với chủ nghĩa, chúng ta nói chung với đảng phái, nói chung với thế này, và thế kia, chúng ta thuộc về tông này, thuộc về phái kia, mình làm chuyện này đúng, chuyện kia sai. Nhưng nhiều khi chúng ta phải bình tỉnh để nhận ra là ngay cả những giá trị mà mình cho rằng nó đúng bây giờ cũng chưa chắc mươi năm nữa nó đã đúng, và chúng ta hãy nhìn lại quãng đời mình đi qua có lúc nào đó mình quan niệm rằng sống làm người thì mình phải cương quyết, nhưng tới lúc khác thì nghĩ rằng mình sống làm người mình phải uyển chuyển chút xíu, mình cương quyết quá thì "Răng cứng quá thì nó gãy, lưỡi mềm thì còn tồn tại".

Hoặc giả chúng ta cũng có thể thay đổi rất nhiều trong chủ trương, trong quan điểm hành động, trong cách thể hiện của mình, và dù thiện, dù ác, dù hay, dù dở, dù đúng, dù sai, thì tất cả những thứ đó không hẳn là chúng ta làm chủ nó được, nếu chúng ta làm chủ được tất cả mọi thứ thì chúng ta đã là Phật đã là bậc thánh rồi. Nhưng chúng ta vốn không làm chủ được những sở hành của mình, và thường làm những việc mà sau đó hối hận, sau đó ta phải lấy làm tiếc là chúng ta đã làm như vậy. Người ta nói rằng: "Người trong giang hồ thân như bất tại kỷ." Nhưng không phải chỉ trong giang hồ mới thân bất đại kỷ, mà đối với chính mình thường khi mình cũng không làm chủ được. Tại sao mình không làm chủ được lẽ ra mình rất là tốt nhưng vì cuộc đời có những chi phối làm cho mình trở lên khác đi. Hoặc giả, lẽ ra mình có tiền thì mình cũng rộng rãi cũng hào sản, nhưng vì đi làm cực quá đồng tiền kiếm được hạn chế quá không cho phép mình rộng tay, hoặc giả là nhiều khi mình cũng muốn nhẫn nại nhưng vì bị người khác đả kích chuyện gì đó nên thiếu sự kiên nhẫn, thiếu sự nhẫn nại đối với những người chung quanh. Thì nói chung là những hành động của chúng ta mới xem ra thì có vẻ như là nhất cử nhất động là do mình chủ trương điều khiển theo ý của mình, nhưng nhìn lại thì thấy là bị chi phối bởi nhiều yếu tố bởi nhiều nguyên do, và những yếu tố nguyên do đó trở lên sự việc rất bất thường ở trong đời sống của mình.

Như qúi vị cứ thấy một điều là mình đi một chuyến hành hương có nghĩa là cơ hội để mình thể hiện được đạo tâm của mình, nhưng mình không biết là có nhiều người khổ nhiều thì đạo tâm của họ tăng trưởng, có người khổ nhiều thì tâm họ thối thất, có người tiện nghi nhiều thì làm cho đạo tâm của họ tăng trưởng, có người tiện nghi nhiều thì đạo tâm của họ thối thất, và đôi lúc chúng ta đi trên một đoạn đường hành hương ngoài sự tiện nghi ,ngoài những người bạn chung quanh mình rồi nó cũng tùy thuộc vào rất nhiều thứ, ví dụ như có khi chúng ta nghe được một pháp thoại, có khi chúng ta đi trên đường rồi chúng ta gặp một sự trợ duyên gì đó đặc biệt thì tâm tư của chúng ta lại khác đi, do đó nếu chúng ta thường có chánh niệm giống như một thiền sinh hành thiền quán thì một ở trong những điểm mà vị thiền sinh cần làm là quán sát hiện tượng của danh và sắc. Ví dụ ý muốn và sự thể hiện của ý muốn, ý muốn là muốn đi kiếm nước uống thì ý muốn đó cần được ghi nhận trước khi đứng dậy lấy nước uống, đang đi mà muốn đứng lại thì cũng nên biết có ý muốn đứng lại, và trong ý muốn sự thể hiện ý muốn thì một vị thiền sinh sẽ chợt nhận ra rằng ý muốn đó không phải đến từ một thứ mà nó đến từ nhiều nhiều nguyên nhân khác nhau, nó do yếu tố ngoại giới bên ngoài nội giới. Ví dụ mình ngồi thiền mà người ở bên cạnh mình họ gây những tiếng động làm cho mình bực mình chẳng hạn, sự bực mình đó mình không tự chủ được tại vì nó đến từ tiếng động của người ngồi kế bên mình. Hoặc giả là mình muốn ngồi thiền lâu nhưng chân mình mỏi quá không cho phép mình ngồi lại và có ý muốn đứng dậy đổi oai nghi đổi tư thế của mình chẳng hạn. Thì trong một giờ thực tập thiền định chúng ta sẽ thấy rằng mình làm rất nhiều quyết định và những quyết định này nó đến từ nhiều căn nhiều nguyên do chứ không phải là có một căn nguyên có một lý do duy nhất là mình muốn nó như vậy thì nó là như vậy.

Nên chi sống trong một kiếp người, một người có hiểu biết là người có tâm dung nhị, tâm dung nhị đó là chúng ta có khả năng để nhận ra rằng những gì chúng ta cho rằng tuyệt đối 100% thì thật ra chỉ có giá trị ở một thời nào đó, ở một tuổi nào đó, trong một hoàn cảnh nào đó - nó không áp dụng cho tất cả - và khi chúng ta hành thiền tứ niệm xứ rồi thì chúng ta sẽ thấy rằng có rất nhiều hành động, có rất nhiều sự thể hiện, có rất nhiều chủ trương, có rất nhiều quan kiến trong đời sống của mình do đủ cách đủ thứ hết nó không phải là một thứ, đặc biệt là một người có tôn giáo có tín ngưỡng đôi khi chúng ta tuyên bố một cách thẳng thừng giống như là chuyện đó phải như thế này hay là chuyện đó phải như thế kia, nhưng chúng ta đừng quên ngay cả Đức Phật Ngài cũng dạy rằng: "Này các Tỳ kheo hành uẩn là vô ngã không phải là của ta, nếu hành uẩn là của ta thì ta có thể bảo hành uẩn như thế này, hoặc đừng như thế kia, nhưng bởi vì hành uẩn là vô ngã nên không thể nói rằng hành uẩn như thế này hoặc như thế kia".

Ngài Ajhan Cha Ngài thường cười và nói một ví dụ rất đơn giản "Nếu mình sanh, rồi mình nói rằng đừng sanh nữa, và mình có thể ra lệnh cho mình đừng sanh nữa, mà lệnh đó là phải là lệnh tuyệt đối được thì mình thành Phật rồi." Ví dụ bây giờ chúng ta ra lệnh đừng có tham nữa, đừng có sân, đừng có si nữa, nhưng chúng ta vẫn tham sân si thì như vậy một con người sống và đặc biệt là một người Phật tử và hơn thế nữa là một người tu thiền thì phải hiểu rằng có nhiều thứ và tất cả mọi thứ là vốn không nằm ở trong quyền năng của mình và chúng ta nên tập sống khiêm tốn chấp nhận như vậy

Thức Uẩn

Sau cùng là chúng ta nói đến thức uẩn, thức uẩn ở đây nói một cách nôm na đó là những giác quan, ví dụ như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, những giác quan này cho chúng ta một sự cảm nhận đối với màu sắc, đối với âm thanh, đối với mùi hương, đối với vị, đối với những gì mình xúc chạm, và những giác quan này nó đã trở thành một sự lượng định, một nấc thang giá trị trong đời sống của mình. Ví dụ như chúng ta thấy được những cảnh đẹp, nghe được những âm thanh hay, ngửi được mùi thơm, nếm được vị ngon, cảm xúc khoái lạc, thì những thứ đó chúng ta cho rằng mình có được cái tốt cái hay, mình hữu phước hữu duyên hữu phần, chúng ta như thế này, chúng ta như thế khác. Và đôi khi có người đặc biệt ưa thích một mùi vị, ưa thích một món ăn, có người rất chú trọng về màu sắc, chú trọng về tranh vẽ, chú trọng về cảnh, có người chú trọng về âm nhạc về âm thanh v.v... Những thứ đó là một giác quan nào của đời sống chúng ta, đôi khi nó chiếm hữu, nó chế ngự, và đối với chúng ta nó là tất cả, nhưng nếu chúng ta nhìn thật kỹ thì thấy rằng cái đó là do chúng ta tự nhận, giống như người ta nói là "Thấy người sang thì bắt quàng làm họ." Âm thanh nào thích nghe thì chúng ta nói "cái đó mới thật là tôi, tôi mới là cái đó, trong cái đó có tôi, trong tôi có cái đó." Cho dù ghiền thuốc lá, ghiền cafe, ghiền rượu, ghiền ma túy, tất cả những thứ đó chỉ là một phần của cơn ghiền, chỉ là một phần của sự lệ thuộc chớ nó không phải là một sự chủ động, nó không nằm ở trong quyền lực của chính mình, bởi vậy khi mình nói về những giác quan thì thường thường chúng sanh lệ thuộc vào nó rất nhiều, và vì sự lệ thuộc đó chúng ta cố gắng tìm một cái gì đó để cho rằng nó là thế này và nó là thế kia, khi nào mà mình muốn có được cảm giác thật sự thì chúng ta trở về với "Seft identity" của mình là "Tôi là cái đó, cái đó là tôi, ở trong tôi có cái đó, trong cái đó có tôi."

Năm uẩn mà chúng ta gọi là ngũ uẩn là sắc uẩn hay là thân thể của chúng ta: Thọ uẩn là cảm giác vui buồn, hoặc không vui, không buồn. Tưởng uẩn chúng ta nói đến kinh nghiệm, đến sự giáo dục, nói đến văn hoá. Hành uẩn chúng ta nói đến những chủ trương hành động những sự thể hiện. Thức uẩn chúng ta nói đến các giác quan. Thì nếu chúng ta nhìn thật kỹ, thật rõ, không cần nhờ đến một người tu tập thiền định, dĩ nhiên tu tập thiền quán là một điều kiện rất lý tưởng, nhưng ở trong thế giới bình thường của chúng ta thấy ở tại đây thì những thứ đó là một thành phần, mỗi thứ là một phần quan trọng của đời sống mà chúng ta thường sống rất nhiều ảo giác với những thứ này, sống với rất nhiều ảo tưởng với những thứ này. Ảo tưởng lớn nhất đó là cho rằng những thứ đó là ta, hay ta là những thứ đó, và trong đó có ta, và trong ta có cái đó. Thì khi chúng ta nghiệm cho kỹ mình sẽ thấy rằng tại sao mình khổ? là tại vì mình hiểu sai. Hiểu sai ở chỗ nào? Nếu cái đó thực là của ta, thì nói như Đức Phật là mình có thể biểu nó như thế này hoặc đừng như thế kia, nhưng một khi mình không thể biểu nó như thế này hoặc đừng như thế kia, thì không nên nói nó là của ta.

Có một ví dụ đơn giản là cha mẹ nuôi con bao nhiêu tình thương, và bao nhiêu sự cố gắng, bao nhiêu sự nỗ lực, và luôn luôn ở trong lòng mình nghĩ rằng con là của mình, đã là con của mình thì mình muốn nó sẽ theo ý của mình, sẽ theo sự sắp xếp của mình, con phải đi học như vậy, phải chọn nghề như vậy, ra đời phải chọn người bạn đời như vập, phải quen biết người như vậy, rồi lập sự nghiệp như vậy v.v... Nhưng một khi đứa con không theo những thứ đó như mình muốn nó học ra làm bác sĩ mà nó lại học về âm nhạc, hay mình muốn nó tiếp tục đi học mà nó lại muốn ra trường sớm để đi làm việc khác, hay muốn nó cưới vợ người cùng tôn giáo mà nó lại thương một người khác tôn giáo v.v... thì những lúc đó tạo nên sự căng thẳng tột độ. Căng thẳng đó là gì? Thật sự căng thẳng đó không phải đến từ sự kiện đó mà đến từ tâm tư trong lòng mình, nghĩ rằng tại sao con của mình mà mình nói nó không nghe, cái gì nó là của mình thì mình phải nói nó nghe, nếu mình nói nó không nghe thì sao nó là con của mình được. Cũng như Đức Phật Ngài nói rằng "Sắc thọ tưởng hành thức là vô ngã" Nếu nó là của ta thì mình có thể biểu nó như thế này hoặc đừng như thế kia, nhưng bây giờ mình biểu nó như thế này mà nó như thế kia, biểu như thế kia thì nó như thế này, thì không nên cho nó là của ta. Bài học đó thật sự khó tiêu hoá lắm.

Có rất nhiều người Phật tử đến chùa gặp chúng tôi và than thở chuyện đó, và bản thân của chúng tôi thì là một nhà Sư là một người chịu khó lắng nghe và cố gắng an ủi, nhưng trong lòng chúng tôi biết rằng nếu mình có giúp được gì thì rất mảnh may rất tương đối rất khiêm tốn, bởi vì sao vậy? bởi vì mỗi người có cuộc sống riêng của họ, cái gọi là con của mình phải như thế này, con của mình phải như thế kia, cái cảm giác nó tương đối, chẳng những nó tương đối mà còn là một ảo giác, nó có thể nghe qúi vị ở một mức độ nào đó nhưng vĩnh viễn nó không thể mãi mãi được như vậy.

Thì bây giờ khi chúng ta đề cập đến năm thủ uẩn, chúng ta có hai phần phải đề cập: Một là nói về khách quan thì chúng ta có năm hiện tượng, hiện tượng của sắc, của thọ, của tưởng, của hành, của thức. Và thái độ chủ quan ở đây là chúng ta cố gắng để dán nhãn hiệu mình là ai, mình là cái đó, cái đó là mình, hoặc giả là ở trong cái đó có ta, trong ta có cái đó, chúng ta có cảm giác ngã, ngã sở thì lúc bấy giờ mình mới thấy rằng thật sự mình mới có mặt ở trong cuộc đời này có ý nghĩa. Nhưng Đức Phật cho chúng ta biết rằng chúng ta đặt rất sai chỗ, mà đặt sai chỗ nó không phải là chuyện vô thưởng vô phạt, mà đặt sai chỗ làm cho chúng ta khổ ghê lắm. Chúng tôi lấy ví dụ là trong đời sống là con của mình, là bạn của mình, là đệ tử của mình, là học trò của mình, là người thân của mình, là người yêu của mình, tất cả là của mình, mà chữ CỦA đó thì dĩ nhiên cho chúng ta cảm giác rất đặc biệt. Nhưng nói cho cùng nó là một ảo giác, ảo giác ở đây là gì cái đó tương đối lắm, có nhiều khi quan hệ đó chỉ là quan hệ cho có quan hệ, hay là hình thức ở bên ngoài nhưng nó không nhất thiết là bảo đảm rằng mình có thể điều khiển, có thể bắt được nó phải như thế này hoặc là đừng như thế kia. Vì vậy một ở trong cái căn bản của khổ đau lý duyên sinh này đó là chấp thủ năm uẩn, cũng như trong kinh Chuyển Pháp Luân Đức Phật Ngài nói "Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, chết là khổ, thương phải xa là khổ, ghét phải gần là khổ, muốn không được là khổ, nói tóm lại chấp thủ năm uẩn là khổ." khi mà Đức Phật nói rằng: "Nói tóm lại chấp thủ năm uẩn là khổ" thì thưa qúi vị chúng ta thấy là như vầy là những hiện tượng sanh, già, đau, chết, thương phải xa, ghét phải gần, muốn không được, đó là cái bung xung nhưng mà cái gốc cái rễ tận cùng của sự đau khổ đó là thái độ, thái độ ở tại đây là: "Cái đó là ta, ta là cái đó, trong cái đó có ta, trong ta có cái đó." Nhưng trên thực tế thì nó không đúng như vậy, và một khi chúng ta chấp sai quan niệm lầm lẫn thì chúng ta phải trả giá khổ đau rất là nhiều đó là chúng ta nói về năm thủ uẩn.
Chúng tôi xin được kết thúc bài nói chuyện về năm thủ uẩn ngày hôm nay tại đây ./.

Minh Hạnh chuyển biên


Download bai giang

Phap Am Lưu Trữ