Buddhist Studies
 

 


Nam Tử Hỏi Đạobài 2 : Thế nào là pháp hai chi? Đó là Danh và Sắc

(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , ngày 20 tháng 12 năm 2007)

TT Giác Đẳng: Thưa qúi vị, ít có bài học nào của chúng ta mà bài đọc thì rất ngắn ý nghĩa thì có nhiều điều phải giảng dạy giống như bài học hôm nay, bài học Nam Tử Hỏi Đạo, trong bài học này nói một cách rất ngắn gọn về mười điều khoản ở trong đó mỗi điều khoản là một đề tài pháp số, từ pháp một chi cho đến hai chi, ba chi, bốn chi cho đến hết mười chi. Tương đương với phần này chúng ta nói đến pháp hai chi đề cập đến danh và sắc. Đây là một đề tài rất lợi lạc nếu chúng ta đươc nghe từ nhân quả của A Tỳ Đàm, chúng tôi sẽ cố gắng để dành thì giờ phần đầu trong buổi giảng này để trình bày một số trọng điểm của bài học.

Nói một cách tóm tắt thì danh và sắc là nói về thân và tâm của chúng ta, nhưng nói ngược lại thì danh nghĩa là tâm và sắc là thân. Dĩ nhiên là chữ danh và sắc còn có ý nghĩa rộng hơn đó là cái gì thuộc về vật chất và thế giới không phải vật chất. Vật chất là sắc (rupa), và không phải vật chất là danh (nama). Đây là một đề tài mang tánh cách tương đối chuyên môn ở trong đạo Phật. Như bối cảnh ở Ấn Độ thời xa xưa khi Đức Phật còn tại thế thì có một số người không nhỏ trên phương diện tín ngưỡng thì họ tin rằng ngoài phần xác còn có phần hồn

Tức là đời sống của chúng ta khi nhìn mặt nhau thì người trắng, người đen, cao, thấp, mập, ốm, rồi những hiện tượng về vật chất giống như mưa gió, sấm sét, những cảnh vật như là núi non sông suối đồng ruộng hoặc giả màu trắng đen vàng đỏ v.v.... tất cả những thứ đó thuộc về thế giới của vật chất. Thế giới của vật chất là một hiện tượng tự nhiên mà ngày hôm nay ở trong thời đại của chúng ta là thời đại người ta nhìn với sự cực kỳ đam mê, hàng năm không biết có bao nhiêu là những phát minh mới về những định luật của vật chất, có thể những định luật gồm vật lý rất xa vời khi chúng ta nói về hấp lực của các thiên thể chẳng hạn, cũng là hiện tượng vật chất. Hoặc giả là những hiện tượng cực vi, ví dụ chúng ta nói về số hoá, nói về điện toán v.v.... tất cả những điều đó đều dựa trên những quy luật nhất định về vật lý,

Trong thời đại này chúng ta đặc biệt chú trọng về vật chất thì thời xa xưa là thời đại người ta nói rất nhiều về một thứ không phải vật chất. Chữ không phải vật chất đó đạo Phật và đạo Bàlamôn khác biệt. Đạo Bàlamôn nói đến một từ ngữ mà chúng ta gọi là attama hay là đại ngã hay là linh hồn, linh căn cái gì đó mà nó vượt ngoài hiện tượng vật chất của chúng ta. Hiện tượng vật chất hay linh hồn đó được nói tuy rằng rất quan trọng nhưng tương đối phiếm diện ví dụ như là một thức thể, một thể phách mà hằng cửu. Nhưng khi Đức Phật Ngài ra đời thì Ngài đặc biệt đề cập đến hiện tượng danh sắc, chữ danh và sắc trong đạo Phật mở ra một vùng trời rất lớn. Chữ danh nói về tâm của chúng ta thì từ ngữ rất rộng lớn, như chúng ta nói trong danh pháp gồm có tâm và những thuộc tánh của tâm. Và sắc pháp thì nó thuộc về nội thân và ngoại thân. Những thứ sắc vật chất thuộc về chúng sanh, có những hiện tượng không thuộc về chúng sanh này chúng sanh khác cũng đề cập đến sắc. Nhưng chữ danh và sắc ở trong A Tỳ Đàm thì bao gồm tất cả những hiện tượng mà chúng ta gọi là Samkhàram - hiện tượng hữu vi, tức là cái gì do duyên tập khởi ở đời này.

Trong bài học hôm nay, Bài kinh Nam Tử Hỏi Đạo, qúi vị sẽ nhận thấy một điều rằng tuy mỗi một câu trả lời rất cô đọng, ví dụ "Thế nào là pháp một chi - tất cả chúng sanh được tồn tại là do dưỡng tố hay là do vật thực" - đó là một chi. Ngày hôm nay chúng ta học "Thế nào là pháp có hai chi - pháp hai chi là danh và sắc." Mới nghe thì rất là bình thường nhưng mà đây là một đề tài lớn và chúng tôi hy vọng rằng TT Tuệ Siêu vị giảng sư của bài học ngày hôm nay lại là một vị giáo thọ về A Tỳ Đàm với kiến văn của TT về lãnh vực này, TT sẽ cung ứng cho chúng ta rất nhiều khía cạnh rất tế nhị về danh và sắc. Và chúng tôi cũng phải nói thêm một điều rằng bài học này đặc biệt rất quan trọng với những người tu tập thiền quán và do vậy sau khi TT Tuệ Siêu nói về danh và sắc trong thế giới A Tỳ Đàm hay là Phật học thì chúng tôi cũng sẽ có một phần để nói về phân biệt danh sắc ở trong phép tu tập thiền quán, mà chúng ta thường được nghe các vị thiền sư ở trong đó nổi bậc nhất là Ajahn Naeb đương đại đã giảng dạy và nhấn mạnh rất nhiều về điểm này.

TT Tuệ Siêu: Trong bài kinh Nam Tử Hỏi Đạo (Kumàrapanhaü), hôm qua chúng ta đã học bài thứ nhất nói về pháp một chi tức là tất cả chúng sanh tồn tại là do vật thực, hôm nay thì chúng ta sẽ học pháp hai chi, pháp hai chi ở đây tức là Dve nàma kiü? - Thế nào gọi là pháp hai chi? thì đồng tử Sopamka đã bạch với Đức Phật rằng Nàman-ca råpan-ca - tức là danh và sắc. Đề tài rất đơn giản nhưng thật ra khi phân tách kỹ nó không phải đơn giản như từ ngữ chúng ta nghe.

Danh là gì? tức là tên gọi, chỉ có tên gọi thôi chứ không có hình tướng gọi là arupano là các pháp phi sắc được gọi Namadhamma tức là danh pháp.

Và Sắc ở đây là gì? là pháp nào thuộc về vật chất và có tánh hoại diệt biến đổi, biến đổi vì có sự biến dạng bởi thời tiết chi phối hay do vật thực chi phối v.v... thì như vậy được gọi là sắc.

Nói một cách cho dễ hiểu thì danh ở đây tức là phần tâm linh của chúng ta, phần tư tưởng của chúng ta, còn phần sắc ở đây tức là chỉ cho sắc thân tứ đại này thì như vậy gồm cả hai phần danh và sắc.

Chúng ta định nghĩa như vậy thì thấy rất đơn giản, nhưng danh và sắc nếu được trình bày theo khía cạnh đề tài của thiền quán thì có lẽ không đơn giản - không phải là khó hiểu - nhưng có tánh chất đặc biệt quan trọng, bởi vì đối với một vị hành giả tu thiền, thiền chỉ (Samatha Bhàvanà) thì vị đó sẽ chọn đề mục như trong mười đề mục kasina tức là đề mục chế định, đề mục chế định này sẽ lấy màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng hay lấy hình thức đất, nước, lửa, gió để làm đề mục tập trú tư tưởng. Nhưng đối với một vị thiền quán thì lúc bấy giờ không nhìn vào khía cạnh tục đế bởi vì có mục đích của thiền quán là làm sao để khởi lên trí tuệ và liễu tri được tánh chất pháp hữu vi là vô thường, khổ và vô ngã, cho nên khi một vị tu tập thiền quán thiền chỉ nhìn vào thân này cái mà bình thường được gọi là tôi, là anh ta, hoặc người trời, chư thiên, phạm thiên v.v.... thì khi tu tập thiền quán chỉ nhìn vào và chỉ thấy rõ cái này là danh, cái này là sắc thôi. Và thưa qúi vị chính vì điểm đó cho nên chúng ta sẽ có dịp được nghe sau khi chúng tôi trình bày xong về chi pháp cũng như ý nghĩa rồi TT Giác Đẳng sẽ nói thêm một phần ý nghĩa danh và sắc xuyên qua đó để tu tập thiền quán.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh Đức Phật Ngài dạy rằng: "Này Chư Tỳ kheo danh và sắc là pháp cần phải biến tri, vô minh và ái là pháp cần phải đoạn trừ, minh và giải thoát là pháp cần phải được chứng ngộ, chỉ và quán là hai pháp cần phải được tu tập." Dựa trên bốn khía cạnh của Tứ Đế Đức Phật Ngài thuyết về danh và sắc, thay vì khổ đế là pháp cần phải biến tri thì ở đây hình thức của khổ đế Đức Phật Ngài nói đến danh và sắc hiệp thế, thay vì nói tập đế là tham ái, thì ở đây Đức Phật Ngài nói rộng hơn ở trong duyên khởi là có vô minh và ái, bởi vô minh là gốc thuộc về quá khứ và ái hay là gốc thuộc về hiện tại. Rồi minh và giải thoát là một cách nói của diệt đế, bởi vì sự giải thoát ở đây tức là chỉ cho Niết-Bàn, cho nên minh và giải thoát thì được xem là diệt đế. Đạo đế chính là con đường bát chánh đạo, nhưng ở trong trường hợp này thì Đức Phật Ngài đặt trọng tâm vào thiền chỉ và thiền quán, đó là một thể tài được trình bày ở trong Tăng Chi Bộ kinh phẩm bốn chi.

Chúng ta trở lại vấn đề là danh và sắc. Thế nào gọi là danh và sắc là hai pháp cần phải biến tri, tức là hai pháp cần phải được thấu triệt, phải được hiểu rõ về tánh chất, về tập khởi cũng như về sự phân loại của danh và sắc? Khi chúng sanh thấy, nghe, ngửi, nếm đụng suy nghĩ có sự nhận thức có sự cảm xúc có sự cảm thọ và có những tư tưởng thì ở đây khi đề cập đến vấn đề danh và sắc nếu như nói trên phương diện Vi Diệu Pháp thì danh tức là chỉ cho tâm, tâm sở, sắc pháp, và niết bàn, nhưng khi nói đến danh pháp hữu vi thì chỉ là tâm và tâm sở thôi, tâm ở đây là chỉ cho thức uẩn và tâm sở ở đây là chỉ cho thọ uẩn, tưởng uẩn và hành uẩn.

Niết Bàn cũng là danh nhưng danh pháp vô vi thuộc về ngoại uẩn, chúng ta cần phải nắm rõ được điều đó, và khi chúng ta nói đến thọ uẩn thì phải biết rằng là một trong bốn thành phần của danh uẩn, là chỉ cho những cảm giác cảm thọ với đối tượng do căn cảnh phát sanh thức, thì trong thức đó lại có thọ tưởng hành thức thì thọ ở đây tức là chỉ cho cảm giác vui buồn sướng khổ và bình thản, thì cảm giác vui buồn sướng khổ và bình thản được xem là cảm thọ của danh pháp hay là danh pháp hữu vi, và khi chúng ta đề cập đến tưởng uẩn thì tưởng đây cũng thuộc về danh pháp hữu vi và là một yếu tố để giúp cho tâm nhận thức được đối tượng, như là có sắc tưởng, thinh tưởng, khí tưởng, vị tưởng, xúc tưởng và pháp tưởng. Một thành tố để giúp cho thức uẩn nhận ra được đối tượng là cảnh sắc, cảnh thinh, cảnh khí, cảnh vị, cảnh xúc đó là tưởng uẩn. Và hành uẩn ở đây là chỉ cho những thành tố cấu tạo thành một tâm tốt hay tâm xấu tịnh hảo, hay vô tịnh hảo cấu tạo thành ra có tâm bất thiện, có tâm thiện, có tâm vô ký.

Khi đề cập đến hành uẩn chúng ta cũng nên biết rằng đối với hành uẩn thì bao gồm cả 50 tâm sở ngoại trừ thọ tưởng. Tâm sở có tất cả là 52 thứ, thọ tâm sở tức là thọ uẩn, tưởng tâm sở là tưởng uẩn, và 50 tâm sở còn lại là hành uẩn. Nói chung là 50 tâm sở này gồm 3 danh uẩn là thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn xem như là những thành tố được tạo nên một trạng thái tâm thức. Khi 3 thành tố đó hiệp lại với thức uẩn gọi là viññān.am-skandha tức là gồm có nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức, những trạng thái tâm này được phối hợp bởi sự hòa quyện hổ tương duyên với thọ, tưởng, hành để tạo nên cái gọi là một trạng thái tâm thức, và sát na tâm thức này khi sanh khởi có sanh có diệt và tạo nên một chuỗi dài gồm có những sát na tâm nối tiếp nhau sanh và diệt bằng cách vô gián duyên, không gián đoạn, liên tục như một sâu chuỗi có nhiều hạt chuỗi thì chúng ta gọi đó là một tiến trình tâm thức gọi là Cittavīthi thì như vậy cái gọi là danh (Nàma) gồm có thọ, tưởng, hành, thức, đó gọi là danh pháp hay nói đúng hơn là danh pháp hữu vi, để chúng ta phân biệt được giữa danh pháp thuộc về niết bàn, niết bàn gọi là danh pháp nhưng đó là danh pháp vô vi.
Ở đây chúng ta lại đề cập đến sắc, sắc là sắc uẩn, và sắc này nếu nói theo Vi Diệu Pháp gồm hai phần tức là sắc tứ đại hay là sắc đại hiển gọi là Mahābhūtarūpa tức là bốn yếu tố vật chất căn bản là đất, nước, lửa và gió, và từ nơi bốn đại này phát sanh ra 24 loại sắc pháp chúng ta gọi đó là sắc y sinh (upādāyarūpa). Chẳng hạn như bây giờ khi chúng ta nói thần kinh nhãn hay nhãn vật hay nhãn căn hoặc nhãn quyền thì gọi là con mắt là nhãn đây là sắc y sinh, bởi vì con mắt cũng được tạo nên bởi bốn yếu tố căn bản là đất, nước, lửa, gió, cũng vậy đối với tai, mũi, lưỡi, thân, thần kinh nhãn, thần kinh nhĩ, thần kinh tỷ, thần kinh thiệt, thần kinh thân, ý vật, sắc tố nam ,sắc tố nữ hay là vật thực mạng quyền v.v... thì như vậy đều gọi là sắc y sinh do bốn đại hình thành. Thì ở đây thưa qúi vị một điều mà chúng ta khó có thể nhận ra được là bởi vì chúng ta đã thường nhìn vào đời sống này cái thể xác và tâm hồn chúng ta có sự chấp thủ là "Tôi" là "Ta" rồi ngoài cái "Tôi ta" này ra thì những danh sắc khác chúng ta lại cho rằng "Người nam ấy người nữ ấy" v.v... đây là "Người là trời là chư thiên là phạm thiên" chúng ta cứ suy nghĩ như vậy thành thử khó nhận thức được khi chúng ta học để hiểu được cái gì gọi là thân này chỉ gồm có thân danh và thân sắc, khi chúng ta hiểu được như vậy nó sẽ giúp cho chúng ta loại bỏ sự ngã chấp thành kiến và điều này chắc chắn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta khi đã quán triệt, sự quán triệt đó sẽ giúp nhiều lợi ích khi chúng ta đoạn trừ tham sân và si khi thấy rõ tính chất vô thường, khổ và vô ngã./.

TT Giác Đẳng: Có rất nhiều vị thiền sư nhấn mạnh là khi một người bình thường bị nhức mỏi, bị tê chân hay hoặc vui hoặc buồn thì việc đầu tiên mà chúng ta làm là chúng ta đưa quan niệm về ngã "Tôi vui, tôi buồn, tôi hạnh phúc, tôi bực dọc" nếu qúi vị nghĩ cho kỹ chữ đau nhức nếu chỉ là đau nhức thôi thì lại mang một ý nghĩa khác, nhưng khi chúng ta đi vào đó ý niệm là "Tôi đau nhức" thì chữ "Tôi" đó lại làm cho vấn đề khác đi. Ví dụ như vầy là một tiếng nói khó nghe nếu chúng ta ghi nhận vấn đề đó là một sự việc đụng chạm giữa anh A và bà B thì không có gì hết, nhưng khi chúng ta nói là "Tôi bị đụng chạm" hay là "Tôi bị xúc phạm" chữ "Tôi" đó lại làm cho chúng ta có phản ứng khác.

Với một người không tu tập và không học Phật pháp thì những gì đụng tới thân và tâm của chúng ta thì thông thường nó gắng liền với cái tôi, và do gắng liền với cái tôi thì chúng ta có một phản ứng đặc biệt là mang đầy ngã tính. Một trong những việc làm của một vị thiền giả hay một người tu thiền phải làm là để phá vỡ đi ngã chấp là chúng ta phải nhìn thấy được hiện tượng đó là hiện tượng. Hiện tượng là hiện tượng có nghĩa là cái gì thuộc về thân nó là thân, cái gì thuộc về tâm thì nó là tâm. Tại sao chúng ta lại nói về sự phân chia thân tâm ra ở đây? khi mình đề cập đến tôi và ta nó là một khối, thì thưa qúi vị mình dễ có phản ứng với bất cứ việc gì. Ví dụ như bây giờ mỗi người chúng ta vào nghe pháp, thì mỗi người có một vị thế, một bối cảnh cá nhân, và một sự tham dự khác nhau, nhưng có những thứ gom chúng ta trở về thành một, ví dụ như mình nói rằng tất cả chúng ta là Phật tử, hay tất cả chúng ta là tông này phái kia, cái mà gom lại một khối đó thì thường thường sự lợi thì không biết lợi bao nhiêu nhưng một điều là chúng ta rất dễ bị đụng chạm, rất dễ bị phiền não, phiền não khi những thứ đó bị xúc phạm tới, chúng tôi lấy ví dụ là có một Phật tử A và một Phật tử B đang tham dự trong rơom này, hai Phật tử đó bất đồng ý kiến với nhau và hai vị có lời nói nặng nhẹ qua lại, nick A chỉ trích nick B và nếu chúng ta thấy nick A chỉ trích nick B tức là hiện tượng là nick A có sự đụng chạm với nick B thì không nói chi, nhưng nếu chúng ta thấy nick A thuộc về nhóm của chúng ta và nick B là người ngoại cuộc thì chúng ta phản ứng ngay lập tức là chúng ta trở nên bực bội là bởi vì không phải chỉ có nick B bị xúc phạm mà toàn thể chúng ta bị xúc phạm.

Trong truyền thống tu tập thiền quán chúng ta phải nhìn thấy được bản chất của hiện tượng, dầu là hiện tượng thuộc vật chất hay hiện tượng không phải vật chất, và để thấy được bản chất của hiện tượng đó thì chúng ta phải biết phân tích, phải biết chia chẻ ra, và cái "vỏ trứng đầu tiên" hay một "vỏ hạt dẻ đầu tiên" mà chúng ta phải tách ra là chúng ta thấy được sự khác biệt giữa thân và tâm. Ví dụ mỗi khi ngón chân của chúng ta bị đau hay bị tê thì đầu tiên chúng ta phản ứng liền lập tức là thay đổi tư thế để làm cho chúng không bị tê, tại vì sự tê đó chỉ là một chuyện mà bên cạnh đó còn có một thứ khác là "Làm tôi bị tê", tôi bị tê đó tự nhiên đưa ra vấn đề là "Tôi phải giải quyết tại vì tôi bị tê chân", thì bây giờ một lúc nào đó hành giả có thể để cho sự tê của chân là một hiện tượng cũng như vô số hiện tượng khác xảy ra trong thân của chúng ta, chúng ta chỉ nhìn nhưng không phản ứng.

Thì trước nhất chúng ta biết phân biệt cái nào thuộc về thân và cái nào thuộc về tâm. Thân vốn thuộc về vật chất và thân chịu những ảnh hưởng về vật chất, thí dụ như nóng và lạnh, êm ái hay không êm ái, tất cả những điều đó thuộc về hiện tượng của vật chất. Khi chúng ta phân biệt được cái gì thuộc về thân cái gì thuộc về tâm thì chúng ta thấy mọi vấn đề thuộc về hiện tượng, tức là nó như vậy thì chuyện đó phải như vậy chứ nó không hẳn là có việc gì mà chúng ta phải làm cho nghiêm trọng là nó phải đi theo một cách thế riêng. Mình phải giỏi mình phải hay mình phải ngồi thiền lâu - không phải như vậy - mà chúng ta chỉ thấy rằng thân vốn thuộc về xương, về máu, về thịt, do vậy khi ngồi lúc lâu máu không chảy tuần hoàn đều đặng thì tự nhiên phát sanh ra hiện tượng tê cứng khó chịu, thì hiện tượng khó chịu đó hoàn toàn là hiện tượng về thân, không nhất thiết là chúng ta phải nhìn là "Tôi bị tê" hay "Tôi bị nhức" hay là Tôi phải thế này" hay "Tôi phải có thế kia". Sự phân biệt giữa thân và tâm là một mảng vỡ đầu tiên, là một vết tách ra đầu tiên giống như qúi vị tách trái sầu riêng hay là qúi vị đập hạt điều chẳng hạn, chúng ta làm sao tách vỏ cứng để lấy hạt bên trong.

Thì để nhận định sự khác biệt giữa thân và tâm đôi lúc chúng ta không thấy được, ví dụ một trạng thái nhức hay tê của chân khi chúng ta ngồi thiền thì cái nhức và tê đó chúng ta không biết là cái nào thuộc về thân và cái nào thuộc về tâm, tại vì thân khi mình ngủ mà không có tri giác thì nó tê là tê chuyện của nó, nhưng bây giờ mình thức thành ra mình biết được nó tê nhức thành ra tê nhức đó có mặt.

Nhưng chính thật với một người hành thiền lâu ngày sống với thân tâm thì hiểu rằng thân có hiện tượng của nó, và bên cạnh hiện tượng của nó thì tâm có làm hai hiện tượng để cho chúng ta biết rằng có sự có mặt của tâm: Thứ nhất là hiện tượng phản ứng đối với sự việc xảy ra. Thứ hai là cảm thọ, cảm thọ tức là bây giờ chân bị nhức thì làm cho tâm khó chịu, tâm không ngồi thiền được, tâm không theo dõi hơi thở được đó là chúng ta gọi là cảm thọ. Nhưng khi đau nhức như vậy thì chúng ta có phản ứng, phản ứng là gì, phản ứng là muốn thay đổi oai nghi, thay đổi tư thế, thì phản ứng đó thuộc về tâm. Chúng ta phải thấy chuyện phản ứng và hiện tượng là hai chuyện khác nhau.

Giống như qúi vị có con đi gây gỗ với hàng xóm đó là chuyện nhức đầu, là một việc, nhưng thái độ phản ứng của cha mẹ khi biết được chuyện đó là một chuyện khác, không phải lúc nào con gây lộn hàng xóm thì mình phải nổi đoá lên, không phải như vậy, thái độ phản ứng của cha mẹ dựa vào sự giáo dục và trình độ, dựa vào tư cách của cha mẹ nữa, thành ra phải phân biệt là sự việc mà con gây gỗ hàng xóm, chuyện con cái là con cái mà chuyện phản ứng của cha mẹ là phản ứng của cha mẹ.

Thì bấy giờ một hành giả khi niệm về thân tâm thì phải hiểu rằng bên cạnh hiện tượng của thân còn có phản ứng của tâm. Hiện tượng của thân là chuyện đau nhức, và phản ứng của tâm thì có khi một vị thiền sư hay một vị ngồi thiền lâu họ cũng nghe tiếng động, họ nghe tiếng ồn ào của xe cộ, mà một người mới ngồi thiền cũng nghe tiếng ồn ào của xe cộ thì âm thanh đập vào lỗ tai là hiện tượng về vật chất, một vị thiền sư và một thiền sinh cả hai hiện tượng về vật chất đều giống nhau tức là âm thanh của tiếng xe hơi xe gắn máy đập chát chúa vào trong tai, nhưng phản ứng của một vị ngồi thiền lâu và phản ứng của vị mới ngồi thiền thì hai phản ứng đó khác nhau hoàn toàn. Một vị mới ngồi thiền thì cảm thấy bực bội nghĩ rằng mình ngồi thiền không biết tại sao người ta làm ồn quá hay hôm nay không biết ai rồ máy xe lớn quá hay hoặc giả mình lựa không đúng chỗ mình bực bội. Nhưng một vị có kinh nghiệm tu tập lâu thì tiếng ồn ào đến thì chỉ ghi nhận tiếng ồn ào đến và khi tiếng ồn ào không còn nữa thì vị đó trở về với đề mục hơi thở của mình, không còn để cho tâm phải biết vướng bận về cái vừa xảy ra, và cái vừa biến mất, cái gì nó đi thì để cho nó đi. Thì qúi vị thấy ở tại đây là hiện tượng và phản ứng của hiện tượng thông thường một người bình thường không phân biệt được, nhưng chúng ta tu tập thiền định lâu thì chúng ta sẽ thấy rằng hiện tượng là một lẽ mà phản ứng của hiện tượng là một lẽ. Hiện tượng ở đây là khi chúng ta nói đến sắc, và khi nói đến phản ứng của hiện tượng thì chúng ta nói đến tâm.

Có một điều nữa chúng ta cũng nói về danh sắc đó là ý muốn và những gì xảy ra theo ý muốn. Chúng tôi lấy ví dụ với một hành giả đang đi kinh hành, bước đi, nhấc chân lên, bước tới, đặt chân xuống, mà các vị thiền sư thường dùng gọi là dở, bước, đạp, thì theo dõi từng bước chân như vậy là chánh niệm về hiện tượng của thực, hiện tượng di động của bàn chân, nhưng khi vị đó đi cuối con đường kinh hành vị ấy có ý nghĩ rằng mình dừng lại thì nếu một vị phân biệt danh sắc thì vị đó sẽ ghi nhận được ý muốn dừng lại, thì ý muốn dừng lại thuộc về danh và sự dừng lại không bước nữa nó thuộc về sắc, ý muốn xoay người trở lại thuộc về danh, sự xoay người trở lại theo ý muốn đó là sắc. Dần dà một hành giả tu tập phân biệt được danh sắc thì việc này sẽ phân biệt được ý muốn và những gì thể hiện bởi ý muốn đó, hoặc những gì xảy ra và phản ứng với những gì xảy ra. Thì thưa qúi vị, đây là một điểm rất là tế nhị, nó tế nhị lắm khi một người hành thiền có thể nhận chân ra được và có thể thấy được hiện tượng của danh và sắc, thì lâu ngày khi một hành giả thật sự là có trình độ hay trưởng thành ở trong thiền quán thì vị đó mới thấy rằng không nhất thiết là đối với tất cả hiện tượng đều có chung một phản ứng - đây là điểm quan trọng - ví dụ như hồi nhỏ tới lớn chúng ta được dạy rằng hễ ai ăn hiếp mình thì mình phải chống trả lại, nhưng khi mình lớn khôn lên rồi thì mình hiểu rằng không phải sự ăn hiếp nào cũng cần chỉ có một thái độ duy nhất mà thôi đó là sự chống trả lại, mà chúng ta còn có nhiều sự lựa chọn khác, có đôi khi chuyện không đáng như người ta chơi xấu mình, hay người ta đối xử với mình không tốt, mình chỉ yên lặng bỏ đi để không phiền não nữa, thì cũng là một thái độ khôn ngoan chứ không phải là sự không khôn ngoan. Và có nhiều khi mình hiểu rằng sự ăn thua đủ với tính toán hơn thiệt từng chút có nhiều khi thấy là hay nhưng thật sự không hẳn là hay, thành ra qúi vị thấy một điều như vậy là khi một người có thể phân biệt được hiện tượng và sự phải ứng hiện tượng cũng như ý muốn và sự thể hiện của ý muốn đó thì người ta mới phá vỡ được những mô thức căn bản, những mô thức cố hữu, tức là cách thế mà luôn luôn phải là như vậy, chúng ta thường phản ứng theo một cách thế nhất định, cách thế này vốn do sự giáo dục do thói quen của mình, và muôn đời chúng ta không thay đổi được. Ví dụ như chúng ta không quen bị người ta nói nặng, một ngày nào đó mà có người nói nặng chúng ta thì chúng ta đâm ra khổ sở, và bởi vì sao vậy? Bởi vì khổ sở là một thái độ duy nhất của chúng ta cho rằng hợp tình hợp lý nhất khi người ta nói nặng mình. Nhưng trên thực tế thì lời nói nặng của người khác không nhất thiết là mình phải khổ sở vì mình còn có nhiều sự lựa chọn khác.

Chúng tôi lấy một ví dụ cổ điển mà Ngài Ajahn Chah thường đề cập ví dụ của mặt hồ cuốn "A still forest pool - Mặt Hồ Tĩnh Lặng", Ngài lấy ví dụ ở trong rừng sâu có một hồ nước, mặt hồ nước bình thường thì rất phẳng lặng rất yên tịnh, nhưng khi những con vật đến uống nước làm quấy trộn mặt hồ, nhưng khi nó uống nước xong thì nó ra đi, thì bởi vì mặt hồ không có phản ứng, không tức tối, không bực dọc không có niềm hiềm hận và không để lại cái gì trong lòng, do vậy mặt hồ được trả về ngay lập tức với sự yên tĩnh liền trong vài giây thôi, tại sao mặt hồ trở lại yên tĩnh trong vòng vài giây, tại vì nó không có một cái gì để nó cố gắng nắm víu lại, sự việc xáo trộn khuấy động là do những con vật đến làm cho nó xáo trộn. Bây giờ tưởng tượng tâm của chúng ta là một mặt hồ chẳng hạn, như sáng nay chúng ta vào trong rơom bỗng nhiên có một người nào vào đây nói một vài câu nặng nề hay chửi bới chúng ta, khi họ nói nặng nề chửi bới rồi thì họ sẽ ra đi, chúng ta có mặt hai ba tiếng đồng hồ, không nhiều hơn nữa, nhưng sau hai ba tiếng đó cái gì còn giữ lại trong lòng của chúng ta? nếu chúng ta đem chuyện đó để mà nhai đi nhai lại để bực dọc thì tâm của chúng ta không giống như mặt hồ, là tại vì sao? Tại vì chúng ta còn tiếp tục phản ứng với một hiện tượng đã qua rồi. Rất nhiều hiện tượng ở trong đời sống của chúng ta nó chỉ chợt đến chợt đi nhưng chúng ta thì thường cố gắng để hoài niệm, cố gắng để tưởng tiếc, cố gắng để bực dọc những gì dĩ vãng, bực dọc với quá khứ, mà sự bực dọc những dĩ vãng, bực dọc những chuyện đã qua hầu hết là không cần thiết.

Có vị nào nhớ trong cổ học tinh hoa chúng ta có một câu chuyện một người nằm mơ, ở trong giấc mơ này thấy mình bị sỉ nhục, ở trong giấc mơ nhìn thấy một người bước vào trong nhà kêu tên của mình và nhổ nước bọt vào trong mặt mình và sau đó ra đi, thì khi vị này thức dậy bực mình vô cùng, ở trong đời mình chưa có ai sỉ nhục mình như vậy, rồi sau đó vị này đã khổ sở nhiều ngày nhiều tháng. Cái gì ở trong mộng trong cơn chiêm bao thì chắc chắn không phải là người thật, và đã không là người thật thì mình biết giận ai biết phiền ai và biết trả thù ai bây giờ, nếu biết có ông A bà B nào đó hiện hữu trong cuộc đời này mà nhổ nước bọt vào mặt mình, sỉ vả xúc phạm tới mình thì mình nên hận thù, nhưng ở đây tức một người mà không tức được thì thật sự khổ sở lắm thưa qúi vị, chúng ta đã có rất nhiều khổ sở trong cuộc đời vì một lý do đơn giản là chúng ta nắm víu lại cái mà đáng lẽ cần cho nó qua đi.

Một năm sắp qua, còn mươi ngày nữa là chúng ta hết năm 2007, suốt một năm dài đó có lắm chuyện vui, nhiều chuyện buồn, hết chuyện này tới chuyện kia mà chúng ta nghĩ rất quan trọng để chúng ta giữ lại lưu lại trong lòng, nhưng với một người hành thiền thì sự nắm víu còn lại liệu rằng có cho chúng ta được những gì hay không, hay chỉ là một sự hoài niệm hay chỉ là một sự tưởng tiếc. Hoặc giả chúng ta đang bực bội với một cái bóng, bực bội với một người trong chiêm bao, bực bội với một điều mà chúng ta không sửa được, nó đã như vậy thì nó phải như vậy thôi. Chúng tôi lấy ví dụ là hai tuần lễ trước chúng tôi đi Ấn Độ với TT Tuệ Siêu thì gặp một người Ấn Độ nào đó rồi họ làm phiền phức cho mình, bây giờ chúng tôi ngồi nghĩ bực bội, nhưng rồi sự bực bội đó có lợi cho chúng ta không? Nó không có lợi gì hết, tại vì như thế này, chuyện đó là chuyện đã rồi, chuyện đó đã thuộc về dĩ vãng và chuyện đó là chuyện đã qua cho dù chúng ta có muốn làm gì đi nữa thì nó cũng vậy.

Thành ra khi chúng ta phân biệt sự khác biệt giữa danh và sắc thì việc đầu tiên là chúng ta thấy được sự khác biệt giữa hiện tượng và phản ứng với hiện tượng, hay là ý muốn và sự thể hiện của ý muốn. Thông thường thì hiện tượng mà chúng ta thường nhận biết đó là hiện tượng về những gì mình thấy, mình nghe, mình ngửi, mình nếm, mình đụng, tức là thuộc về ngũ quan nhiều hơn, và những hiện tượng đó chợt đến chợt đi nó thuộc về sắc. Chúng tôi lấy ví dụ, những gì mình thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng, thuộc về sắc, nhưng phản ứng của chúng ta với những điều đó thì thông thường lạ lắm, có nhiều người bị đau chân một chút là phải đổi chân vì không thể ngồi thiền được, qúi vị có tin là khi mình ngồi thiền thí dụ mình ngồi một giờ thì đến khoảng chừng 20 cho đến 30 phút thì tê chân, nhưng nếu qúi vị lì một chút xíu, qúi vị kệ nó, qúi vị trở về với hơi thở để tiếp tục thì trong vòng khoảng mươi phút sau thì cái tê nhức đó không còn lớn chuyện nữa. Có lẽ là qúi vị không tin điều này tại qúi vị nghĩ rằng vị đau nhức đến mức độ không chịu nổi phải đứng dạy, phải bỏ đi, chứ không thể nào chịu nổi nữa. Khi qúi vị ngồi thiền qúi vị sẽ thấy nếu vị nào làm lì với sự đau nhức một vài lần thì khoảng chừng 40 phút sau khi qúi vị ngồi thiền thì chuyện tê nhức không còn lớn chuyện nữa mà nó sẽ trả lại cho qúi vị trạng thái rất là bình thản đối với tê nhức của chân. Giống như là qúi vị ở nhà có con nhỏ nếu nó đòi cái gì mà cha mẹ cũng chìu thì lâu ngày nó cứ đòi hoài, nhưng nếu cha mẹ không chìu nó thì nó sẽ biết thích nghi. Thì tương tựa như vậy thân của chúng ta khi ngồi thiền mà mỗi lần bị tê một chút, nhức một chút phải thay đổi oai nghi cho dễ chịu thì trong cuộc đời của chúng ta trở lên nhu nhược, lẫn tránh những khó chịu để đi tìm những dễ chịu, và một khi mình không lẫn tránh được nó nữa thì khổ vô cùng khổ vô tận tại vì mình không tiếp tục né tránh phiền não.

Trong cuộc đời của một thiền sinh một lần nào đó là cứ làm giống như một đứa nhỏ đòi không được khóc lóc, qúi vị lại lăn xăng phải tìm cái này tìm cái kia vỗ về, qúi vị cứ làm mặt lạnh thản nhiên thì từ từ nó sẽ thay đổi, đó là cách tốt để chúng ta hiểu được khi phản ứng hiện tượng là hai sự kiện khác nhau, chúng ta thường ghép chung lại và khi chúng ta ghép chung lại cho nó trở thành một định luật cố hữu là nó phải như vậy không thể làm gì khác hơn, thật sự không cần thiết phải như vậy. Ví dụ như có những chuyện người ta nói phần gì làm mình mắc cở, có những chuyện người ta nói mình thì mình giận, có những chuyện người ta nói thì mình vui, bây giờ mình xem là không nhất thiết người ta khen mình là để cho mình vui, không nhất thiết người ta chửi mình để cho mình giận, như trong lúc người ta nói lời thầm kín làm chúng ta mắc cở, chúng ta đi theo cách thế nhất định là bây giờ chúng ta cứ thản nhiên qúi vị sẽ thấy nó khác đi. Thì ở đây là một sự trở thành một định luật cố hữu là phải như vậy không thể khác hơn.

Chúng ta theo một cách thế nhất định, bây giờ cứ để thản nhiên mình sẽ thấy nó khác đi thì đó là một sự phá vỡ đầu tiên về các ảo giác đối với "Tôi" với "Ta" bằng cách phân biệt danh sắc. Hồi nãy chúng tôi nói rằng ý muốn và sự thể hiện luôn luôn là một sự gắng liền giữa thân và tâm.

Ví dụ như khi một hành giả khát nước thì vị hành giả cần có sự tỉnh táo để thấy rằng có một ý muốn sanh khởi, ý muốn đó là muốn rời chỗ ngồi để đi tìm nước uống, ý muốn đó phải được ghi nhận.

Hay là đang đi mà muốn dừng lại thì vị đó phải thấy được ý muốn dừng lại, ý muốn trước khi mình dừng lại hay dừng lại, mà trước khi đi phải thấy được ý muốn đi, trước khi mình cất bước.

Ý muốn và sự thể hiện ý muốn đó cũng cho chúng ta thấy được căn bản giữa danh và sắc.

Thì thưa qúi vị một số các vị thiền sư mà trong đó có Ngài Mahasi Sayadaw, Ngài là vị Tam Tạng Pháp Sư và Ngài chuyên chú trọng về A Tỳ Đàm và nhiều vị thiền sư Miến Điện khác mà chúng tôi biết ở Thái Lan thì có bà Ajahn Naeb một vị thiền sư đồng thời với HT Tịnh Sự tức là vị đồng song có thể nói rằng là những vị rất giỏi về A Tỳ Đàm và dạy thiền, thì những vị này rất chú trọng về sự phân biệt giữa danh và sắc. Tại sao cần có phân biệt giữa danh và sắc như vậy? là bởi vì chính sự thông diệt này giúp cho hành giả tách rời được ảo giác về "Tôi" về "Ta" và do tách rời khỏi ảo giác "Tôi" và "Ta" thì thưa qúi vị, người ta sẽ cảm thấy mình có nhiều sự lựa chọn hơn cảm thấy mình không nhất thiết phải đi theo một khuôn mẫu một cách thế nhất định, một quan niệm khư khư trong cuộc đời của mình, giống như hồi nãy chúng tôi nói là không phải lúc nào người ta khen mình cũng để cho mình vui, và không phải lúc nào chỉ trích mình để cho mình khổ, có lúc nên hiểu chuyện là người ta khen mình là một lẽ, nhưng chuyện đó có đáng để mình suy nghĩ hay không, có đáng để quan tâm hay không thì đó là một chuyện khác, không nhất thiết, nhưng mình cảm thấy trong lòng mình ấm áp, mình cảm thấy người ta đưa mình lên mây rồi mình cảm thấy vui không phải như vậy.

Thì thưa qúi vị nói chung là khả năng để phân biệt được danh sắc, đó là hiện tượng của các giác quan, của thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, là phản ứng những hiện tượng đó. Đó là sự phân biệt về danh sắc hay hoặc giả là ý muốn làm cái này, ý muốn làm cái kia, cái ý muốn đó là tâm và sự thể hiện của ý muốn thường qua thân. Thì thưa qúi vị cái này và cái kia nói cho cùng nó là những hiện tượng gắn liền với nhau bởi vì chúng ta cho là nó phải gắn liền với nhau, nhưng có nhiều lúc không nhất thiết phải gắn liền với nhau, chúng ta cứ rất là bình thản rất là thư thái để nhìn mọi sự vật và dần dà chúng ta sẽ chẻ được ra bức tường, chúng ta sẽ tách ra khỏi vỏ trứng, để thử nhìn mọi sự vật một cách khách quan và sáng sủa hơn đó là sự việc mà chúng ta nói về thân và tâm của mình./.

Minh Hạnh chuyển biên


Download bai giang

Phap Am Lưu Trữ