|
Nam Tử Hỏi Đạobài 2 : Thế nào là pháp một chi ? Đó làtất cả chúng sanh tồn tại là do dưỡng tố
(Bài giảng trong rơom Diệu Pháp , ngày 19 tháng
12 năm 2007)
TT Giác Đẳng: Pháp Số: Đây là một trong những phương pháp giáo dục rất cổ truyền của Đạo Phật, nhân bài học ngày hôm nay chúng tôi xin nói đến một điểm, có lẽ là ngày nay ai cũng nhận ra được dễ dàng những người nghiên cứu về phương pháp giảng dạy, thì hầu hết những nhà giáo dục đều thấy có một điểm chung giữa những vị giáo chủ, giữa những bậc Thầy của nhân loại khi giảng dạy, đó là thường dùng những bản liệt kê gồm những con số, những con số này thường thường chúng ta không chú ý lắm, thí dụ như chúng ta nói "Ba pháp có nhiều tác dụng" hay là "Bốn chánh cần" hay là "Năm uẩn" hay là "Lục căn" v.v... thì thưa qúi vị những bản liệt kê như vậy đôi khi làm chúng ta nghĩ rằng nó chỉ là một cách nói và là một cách nói không hơn không kém, thế nhưng cổ kim đặc biệt là giáo chủ của các vị tôn giáo đều có một cách giảng dạy rất tương đồng, đó là dùng những bản liệt kê và làm cho người ta tự hỏi rằng tại sao những con số như vậy, những bản liệt kê như vậy nó lại có một giá trị đặc biệt ở trong sự giáo dục.
Câu trả lời đơn giản là: Trong Tăng Chi Bộ Kinh thì giảng giải pháp một chi rồi pháp hai chi, ba chi, bốn chi, năm chi hay mười chi v.v... khi nào đọc trong kinh điển Đạo Phật thì đôi lúc chúng ta sẽ thấy được là những con số rất tác dụng để giúp chúng ta nhớ và có niềm tin chính xác, trong lúc đó những khái niệm rất dễ tuột ra khỏi trí nhớ của chúng ta. Chúng tôi lấy ví dụ có nhiều khi Phật tử không nhớ được Bát Chánh Đạo gồm những gì, nhưng qúi vị có nhớ con số tám và do nhớ được con số tám đó chúng ta phải truy tầm ra là làm sao cho đủ tám. Chúng ta nói về Thất Giác Chi, bất chợt có ai níu áo chúng ta nói về Thất Giác Chi thì không chắc nhiều người có thể làm một liệt kê nào là Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi, cần Giác Chi, Hỷ Giác Chi, Tịnh Giác Chi, Định Giác Chi, Xả Giác Chi. Nhưng ít nhất chúng ta cũng nhớ Giác Chi gồm có 7, con số 7 đó trở nên một cột mốc, với cột mốc này khiến cho chúng ta qui định rằng pháp đó không thể nhiều hơn là 7 và cũng không thể ít hơn là 7 không thể là 8 mà nó phải là 7. Thì thưa qúi vị truyền thống giảng giải pháp số tức là chúng ta làm những bản liệt kê dựa trên những con số, có thể nói là một hình thức rất đắc dụng ở trong nền giáo dục truyền khẩu.
Ngay cả ngày hôm nay cũng vậy, đôi lúc chúng tôi đọc những tờ báo được xem rất phổ thông tại Hoa Kỳ, trong đó có tờ Reader Digest chẳng hạn, để bắt chước điều này bằng cách là ví dụ họ nói rằng 7 pháp hay là 7 cách để tạo, hay có 5 điều người chồng nên làm để khiến cho người vợ không cảm thấy bị bỏ rơi, hoặc giả họ nói có 5 nguyên tắc hoàng nguyên một người làm thương mại phải làm. Dĩ nhiên những đề xuất đó mang tánh cách là đề nghị và người ta có thể đề nghị đến sáu điều, bảy điều chứ không nhất thiết là cố định. Nhưng riêng về Phật Pháp thì mang tánh cố định rất đặc biệt, phải có vị nào học kinh điển Đạo Phật lâu mới thấy rằng tại sao Thập Nhị Nhân Duyên không phải là 13, không thể là 11 mà là 12, tại sao Bát Chánh Đạo có 8 mà không là 9, không thể là 7. Những con số và những bản liệt kê này có sức khẳng định rất rõ ràng như Đức Phật giảng về Tứ Đế, Ngài nói về bốn Thánh Đế, đó là sự trình bày rất tròn trịa, rất đầy đủ về khổ, nhân sanh khổ, sự diệt khổ và con đường đi tới sự diệt khổ, chúng ta nói là khổ tập diệt đạo. Thì nếu một người học Phật và lặng lội trong kho tàng kinh điển của Đạo Phật mà không thấy giá trị của pháp số thì đó là một điều tiếc.
Trong bài học ngày hôm nay là đoạn được trích trong Khuddakapatha - Kinh Tiểu Tụng. Thật ra thì Tiểu Tụng là một tập kinh chứa đựng rất nhiều những bài kinh căn bản, và ngày xưa rất là xa xưa thì những bài kinh này vốn là cuốn sách giáo khoa ở một thời đại không có thư viện, không có sách vở, không có computer như chúng ta ngày hôm nay, ở thời đại mà một vị sadi lên chắp tay đảnh lễ Thầy: "Thưa Thầy, Thầy dạy cho con một đôi điều", thì vị sadi có thể hỏi ông Thầy "Nếu chi pháp là một chi thì con nói pháp gì, thế nào là pháp hai chi, thế nào là pháp ba chi, thế nào là pháp bốn chi, pháp sáu chi", và vị Thầy nói một cách rất rõ ràng ngắn gọn đưa cho người học trò biết những thể tài một chi, hai chi, ba chi đó. Và thưa qúi vị những điều này là những điều gợi nhớ và những điều nhớ đó khi một vị sadi học thuộc lòng mà học có căn bản, thì mai hậu những điều này nó như là những mảnh rời của một puzzle khi người ta ráp lại với nhau thì cho chúng ta thấy rất nhiều ẩn số vô cùng vi diệu.
Bản thân của chúng tôi là một tu sĩ và những năm tháng thời thơ ấu sống dưới mái chùa thì phải nói rằng chúng tôi đều phải nhớ pháp số, khi học pháp số thì chúng tôi không nghĩ rằng pháp số có lợi đến mức độ nào, nhưng khi lớn lên đi ra bên ngoài tiếp xúc giảng dạy Phật Pháp thì thật sự cám ơn vô cùng. Tại sao những chi pháp được quy định trong những bản liệt kê đó lại rất quan trọng, ví dụ như nói 12 nhân duyên: Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, trước khi nói đến khái niệm, trước khi nói đến ý nghĩa, trước khi chúng ta nói đến những diệu ảo nằm phía sau đó thì chúng ta phải nhớ chi pháp trước và chi pháp chẳng những có giá trị giúp cho chúng ta học thuộc lòng mà ở đó lại quy định một phạm trù; “À, đây là những gì được nói đến trong đề tài này.” Và do vậy trên phương diện giáo dục trên phương diện truyền đạo và trên phương diện học hiểu, cho dù là đối với một người sơ cơ hay một người học về lâu dài đi nữa, thì những điều mà chúng ta nói là pháp số hay những bản liệt kê hay những danh sách, những đề mục được liệt kê qua những con số thì luôn luôn đặc biệt quan trọng.
Ngày hôm nay khi chúng ta đọc Khuddakapatha một đoạn về "Nam Tử Vấn Đạo" thì có thể nhiều Phật tử nghĩ rằng đề tài này là một đề tài rất bình thường, chỉ là một bản liệt kê của những bản liệt kê, tức là chúng ta đang liệt kê các con số, tuy nhiên những điều này được nói tại đây đặc biệt cực kỳ quan trọng, quan trọng đến đỗi khi chúng tôi vào rơom nhìn bản liệt kê này thì chúng tôi chợt sanh ra một ý là chúng tôi phải dành nhiều buổi học sắp tới để nói về danh sách của bản liệt kê này, tại vì nếu qúi vị là một người Phật tử, một người Phật tử rất bình thường mà qúi vị hiểu được cả mười điều được nói trong bản liệt kê này thì thưa qúi vị đó cũng là một điều rất là diễm phúc, tại vì ở đó nói rất nhiều điều căn bản của giáo lý Đức Phật, vì vậy chúng tôi sẽ nói điều số một rồi sau đó sẽ dành 10 ngày sắp tới để cho 10 đề tài mà chúng tôi đang trình bày tại đây.
Câu hỏi đầu tiên của một nam tử chúng ta gọi một bé trai một vị sadi nhỏ hay là một em bé nào đó học đạo chẳng hạn, một đồng tử hỏi rằng "Thế nào là pháp một chi". Câu trả lời rất đơn giản từ Đức Phật, và đây cũng là câu trả lời của rất nhiều vị A Xà Lê, như Ngài Xá Lợi Phất, như những bậc danh Sư thời bấy giờ:
"Tất cả chúng sanh tồn tại là do dưỡng tố."
Khi chúng ta nói tất cả loài hữu tình được tồn tại do dưỡng tố. Dưỡng tố ở đây là những thức ăn dinh dưỡng thì chúng ta nghe hơi ngờ ngợ có cái gì thâm sâu, có cái gì đặc biệt khi chúng ta nói đến điều này, nhưng đó là một ý niệm hàm tàng, sự thâm áo của Đạo Phật.
Thế nào là chúng sanh tồn tại do dưỡng tố hay là Ahara? chúng ta dịch là vật thực cũng được, nhưng nói chung là như vậy.
Ngọn lửa cháy thì phải có nhiên liệu tức là nó phải có lý do nào đó để nó tiếp tục tồn tại, và bởi vì có lý do để tiếp tục tồn tại nó trở lên cực kỳ quan trọng đối với chúng ta. Chúng tôi lấy ví dụ như vầy là người ta thường nói đến sự hiện hữu và sự đào thải, nhưng cái gì đó mà nó có khả năng tiếp tục hiện hữu tức là phải có lý do để nó hiện hữu, và nó phải có một điều kiện để tiếp tục hiện hữu ở trong cuộc đời này. Một cái cây chẳng hạn, dầu là cỏ dại hay là một đóa hoa rừng hay là chúng ta gọi kỳ hoa dị thảo, bất cứ loại hoa gì mà qúi vị nhìn thấy thì nó đều có những dinh dưỡng nhất định; nào là ánh sáng mặt trời, nào là nước nào là phân và đất, thiếu những yếu tố cần thiết nó sẽ không tồn tại được. Thì mỗi con người chúng ta sống ở trên thế gian này dù rằng chúng ta hiện hữu ở bất cứ phương trời nào, mỗi một ngày chúng ta thức dậy, có lần nào chúng ta hỏi rằng mình đã hiện hữu bằng những lý do nào không, và lý do mà chúng ta tồn tại đó rất đặc biệt trong kinh Phật đạo Phật nói dưỡng tố hay là ahara, chúng ta nói đến thực phẩm, thực phẩm ở đây không nên hiểu là chỉ là đồ ăn đồ uống.
Thật ra Đức Phật Ngài dạy là có bốn loại dưỡng tố hay là bốn chất dinh dưỡng hay là bốn thứ thực vật, bốn thứ thức ăn. Bốn thứ thức ăn đó được nói đến là đoàn thực, tức là những thức ăn mang đến dinh dưỡng vật chất như là cơm, là bánh, là rau cải, cho chúng ta sinh tố để cơ thể tồn tại cái đó gọi là đoàn thực, như là cơm chúng ta ăn mỗi ngày hay là ổ bánh mì chúng ta ăn điểm tâm buổi sáng đó gọi là đoàn thực.
Rồi có một loại vật thực khác mà chúng ta gọi là xúc thực, xúc thực là sự tiếp xúc giữa căn, cảnh và thức, nói một cách khác là cảnh nuôi dưỡng cho tâm. Khi chúng ta nói xúc thực ở đây là chúng ta nói sự gặp gỡ giữa cảnh bên ngoài, ví dụ sự gặp gỡ giữa con mắt rồi cảnh sắc tức là đối tượng của mắt rồi nhãn thức, thì như vậy sự tiếp xúc đó tạo ra sự tồn tại của cái mà chúng ta gọi là cái biết của mắt, hay là thị giác. Thì nếu không có xúc thực đó thì giác quan chúng ta không hoạt động được. Nói cách khác sáu căn chỉ là một vật, rồi nó lại có sáu cảnh, rồi có sáu thức, rồi những thứ đó gặp gỡ nhau tạo nên sự tồn tại, rồi từ đó như chúng ta nói nhãn thức sở sanh thọ, rồi nhĩ thức sẽ sanh thọ, tức là sự gặp gỡ căn cảnh và thức nó sanh ra cảm thọ. Thì ở đây xúc thực cũng là một tác nhân, một chất dinh dưỡng cho cuộc sống này, chúng ta có thể cảm nhận được rất nhiều khi chúng ta nói nôm na bên ngoài là chính cảnh nuôi dưỡng cho tâm.
Rồi chúng ta nói đến thức thực, thức thực tức là một sự hiện hữu của tâm, qua đó tâm biến hiện, nó thể hiện, tác động và ảnh hưởng rất nhiều sự tồn tại khác. Nhiều khi chúng ta không thấy vai trò của tâm ở trong đời sống này, chúng ta chỉ nghĩ đến một điều thôi đó là niềm vui nỗi buồn của chúng ta là do anh A bà B, chúng ta nghĩ rằng kinh tế lên kinh tế xuống là do người này hay người kia, do ông tổng thống này hay do nhà độc tài kia, v.v...và v.v... Nhưng một người hiểu đạo sẽ nhìn yhấy được vai trò của tâm. Và khi chúng ta nói đến tư niệm thực, chữ tư niệm ở đây được hiểu là tư tâm sở, hay là chủ tâm tạo tác, nó nuôi dưỡng sự luân hồi. Tại vì sao vậy? Tại vì tư niệm hay cetana là chủ trương của hành động, do nó tạo hành động nên mới tạo ra nghiệp, và nghiệp thì tạo ra quả của nghiệp, và nghiệp quả và phiền não là vòng luân chuyển của đời sống.
Ở đây chúng ta nói đến đoàn thực, xúc thực, thức thực và tư niệm thực, thì qúi vị có cảm nhận được một điều mà Đức Phật Ngài giảng cho chúng ta là cuộc sống này nó được tiếp tục hiện hữu do nhiều nhân nhiều duyên và không phải do một yếu tố đơn lẻ, và bởi vì nó tồn tại do nhiều nhân nhiều duyên nên mang tính gọi là hữu vi, mang tính gọi là giả hợp. Bây giờ chúng tôi nói là rơom Diệu Pháp của chúng ta tồn tại, có nhiều người họ nghĩ là rơom Diệu Pháp là do một người như một vị sư nào đó như TT Tuệ Siêu hay chúng tôi là người khiến cho rơom tồn tại - không phải vậy - Hoặc giả rơom Diệu Pháp tồn tại là một vị Phật tử nào mà tồn tại - không phải như vậy - Mà là do có các vị giảng sư, do Phật tử những người điều hành, có lúc nó cũng do điều kiện khách quan nào đó giả sử như do một lúc nào đó chúng ta cảm thấy chúng ta có nhu cầu học Phật Pháp, thì như vậy do nhiều nhân nhiều duyên, những nhân duyên đó là cái mà người Phật tử hiểu biết và ghi nhận minh mẫn một cách sáng suố,t để thấy rằng nó không phải chỉ có một yếu tố quyết định, mà nó do nhiều yếu tố quyết định.
Khi Đạo Phật nói rằng tất cả chúng ta tồn tại là do dưỡng tố, thì điều đó khẳng định một điều là không có tính độc tôn hay là cái số quyết định duy nhất bởi một vị thượng đế. Qúi Phật tử nào học Phật thì sẽ hiểu rằng tại sao người Phật tử không hiểu đạo thường bước ra lằn ranh của định mệnh, của thiên mệnh hay của thượng đế. Thí dụ như làm việc gì người ta cũng cầu trời khấn Phật, tại vì khi người ta cầu trời khấn Phật thì người ta nghĩ rằng một đấng thiên liêng nào đó, một đấng tối cao nào đó sẽ quyết định tất cả, nhưng khi nói quyết định tất cả bởi một ý chí, bởi một ý muốn, bởi một đấng thiêng liêng, bởi một vị độc tôn, bởi một sáng tạo chủ, thì như vậy là chúng ta không hiểu đạo. Đạo lý Đức Phật Ngài dạy đó là mỗi một ngày niềm vui nỗi buồn của chúng ta, may mắn bất hạnh những điều đó không phải là từ một ý chí hay từ một ý muốn hay từ một phán quyết, mà những điều đó đến từ rất nhiều nhân rất nhiều duyên. Nhân, duyên đó giống như một buổi sáng chúng ta gọi là đẹp trời. Tại sao gọi là đẹp trời? Tại vì trong người chúng ta khoẻ, tại bầu trời bên ngoài nhiệt độ vừa phải với chúng ta, hay đó là một ngày Noel hay ngày tết và với nhiều lý do kết hợp lại. Nếu chúng ta chỉ có một lý do thôi, giả sử như đó là một ngày đẹp trời, một ngày trời trong nắng ấm nhưng ngày đó chúng ta đang có chuyện buồn phiền thì không thể thấy đẹp trời được. Hay một ngày trời âm u tuy nhiên ở trong lòng chúng ta có điều gì rất vui thì chúng ta vẫn thấy rằng trời mưa nó vẫn đẹp, trời tuyết nó cũng đẹp.
Do vậy khi Đạo Phật nói về lý nhân duyên, lý nhân duyên đó cho chúng ta hiểu được một điểm là không có một sự hiện hữu gì trong thế gian này do một yếu tố duy nhất quyết định, một yếu tố mà người ta gọi là thần ngã giống như cụ Nguyễn Du nói rằng "Có trời mà cũng tại ta". Khi nói rằng "Có trời mà cũng tại ta" thì dường như là có cái gì mâu thuẫn, nhưng trên thực tế thì câu nói đó cũng có ý nghĩa rất thú vị là không có một yếu tố nào quyết định tất cả. Khi chúng ta nói không có một yếu tố nào quyết định tất cả thì nó có một chiều sâu về tâm linh với người Phật tử.
Thưa qúi vị đã có bao lần ở trong chúng ta gặp một chuyện buồn phiền, chúng ta hay quy trách. Quy trách là tìm một người nào đó mình trút hết lỗi lên đầu người đó. À! tại anh A tại bà B, tại người này và người kia. Một người hiểu chuyện thì không qui trách như vậy, đồng ý là có một vài cá nhân, có một vài nguyên do, có một vài sự việc làm cho cục diện trở lên bị chi phối một cách nặng nề, nhưng đa phần những chuyện gì xảy ra nếu chúng ta nhìn cho kỹ. Lấy ví dụ là mình nhìn thấy một tai nạn khủng bố, khi tai nạn khủng bố thì chúng ta chỉ nghĩ đến yếu tố duy nhất đó là dã tâm của những người khủng bố, nhưng với những người hiểu đạo thì bên cạnh dã tâm của người khủng bố còn có nghiệp của người bị khủng bố nữa, và chẳng những nghiệp của người bị khủng bố mà nó nằm trong chánh sách của một quốc gia tạo nên điều kiện cho những người khủng bố. Nói chung là có bao nhiêu giây mơ rễ má, bao nhiêu lý do không đơn thuần. Đầu óc chúng ta thích quy trách là khi nào gặp chuyện gì đó mình lôi một người ra, mình lôi một việc ra, mình chỉ ngón tay vào người đó là “À, tại ông, tại bà, tại người này, người kia mới đổ việc như vậy.” Cái nhìn đó chúng ta không tỉnh táo, chúng ta không khách quan và chúng ta không thấy được vấn đề có nhiều nhân nhiều duyên.
Ở điểm này Phật tử có thể cảm nhận được là tại sao khi Đức Phật nói rằng “Tất cả chúng sanh tồn tại do dưỡng tố do vật thực” là quan trọng, Ngài nói đến năng duyên và sở duyên. Năng duyên tức là pháp trợ và sở duyên là pháp được trợ. Ví dụ như chúng tôi nói bông hoa nở bên cửa sổ làm cho tâm của chúng ta cảm thấy khoan khoái, thì đoá hoa đó là thứ cảnh làm cho tâm hồn chúng ta cảm thấy sung sướng khi nhìn đóa hoa đó, thì chúng ta nói là sở duyên. Yếu tố năng và sở trong Đạo Phật rất thú vị, chúng không đến một chiều mà đến từ nhiều chiều kích khác nhau. Một sự vật vừa là năng vừa là sở tức là mình là người vừa chủ động và mình vừa là người bị động, mình là người trợ duyên mà mình cũng là bị trợ duyên, mình là người tác động và mình cũng là người bị động. Thành ra ở trong đời này khi chúng ta nói đến lý nhân duyên của Đạo Phật nó cho chúng ta một cái nhìn rất bình tỉnh trước mọi sự việc, không quy trách, không đổ oán, không vơ đũa cả nắm, nghĩa là tất cả mọi thứ đều chỉ nằm trong một thứ mà thôi.
Bây giờ chúng ta trở lại với câu đầu tiên "Tất cả chúng sanh tồn tại là do vật thực hay là do dưỡng tố" Thì dưỡng tố này không nên hiểu là chỉ có đồ ăn; cơm, bánh, thực phẩm mà chúng ta ăn, mà dưỡng tố Đức Phật nói tại đây bao gồm có đoàn thực, có xúc thực, có thức thực rồi có tư niệm thực. Khi chúng ta hiểu những điều này thì chúng ta thấy rằng một ngọn lửa cháy đó là do nhiên liệu, mọi sự việc xảy ra trong cuộc đời do nhiều nhân nhiều duyên, vì vậy trước nhất chúng ta phải nhận ra lý nhân duyên đó để tâm hồn chúng ta không bị nhìn vấn đề một cách khiếm diện, hay nhìn vấn đề một cách thiển cận, hoặc giả nhìn vấn đề một chiều. Chúng ta nhìn vấn đề rất co cụm, cái nhìn của chúng ta phải thoáng phải đủ và chính câu nói "Tất cả chúng sanh tồn tại là do dưỡng tố" nó xoá đi quan niệm mà chúng ta gọi là thần ngã tức là một yếu tố độc tôn, một yếu tố duy nhất chi phối cuộc đời này.
Thì bài học về tứ thực tức là; đoàn thực, xúc thực, thức thực, tư niệm thực, tuy rằng chúng tôi cố gắng trình bày một khái niệm ở tại đây, nhưng khi chúng ta muốn tìm hiểu đầy đủ về những điều này có khi mất chúng ta rất nhiều năm. Chúng tôi lấy ví dụ là chúng tôi có thể nói với qúy vị, và qúy vị có thể hỏi TT Tuệ Siêu hoặc Sư Trưởng một người muốn hiểu rõ hết bốn dưỡng tố này thì phải học hết A Tỳ Đàm. Chúng tôi nói thí dụ là nói về tư niệm thực và nói về giáo lý nghiệp, về sự chia phối của nghiệp của tư tâm sở đối với sự tồn tại của tiến trình luân hồi, thì chúng ta phải đào rất sâu mới thấy được nó, và khi qúi vị nói rằng tất cả chúng sanh tồn tại hay hiện hữu là do vật thực, mới nghe chúng ta thấy ý niệm đó rất bình thường, nhưng nó là một ý niệm rất quan trọng. Hay chúng ta lấy một ví dụ khác, nói chín hữu tình cư, ở trong này có chín pháp tức là chín cư trú của loài hữu tình, thì khi nghe qúi vị nghĩ đó là bản liệt kê về các cõi, nhưng thật sự không phải đơn giản như vậy, ở trong đó cho chúng ta biết một cái nhìn rất đặc biệt về cảnh giới của chúng sanh tồn tại trong cuộc đời này, thí dụ như thân đồng tử, vị thân vị tưởng đồng, và những điều đó hé mở cho chúng ta một cánh cửa lớn. Do vậy chúng tôi có một đề nghị chúng tôi sẽ làm việc này là bởi vì sự quan trọng của đề tài này nên chi thay vì mười pháp ở đây giảng một ngày thì chúng tôi sẽ chia làm mười buổi giảng và ở trong mười buổi giảng đó chúng tôi sẽ trở đi trở lại với khái niệm về pháp số sẽ thấy rằng tại sao mười đề tài này nó có thể là những câu thoại đầu rót vào trong tâm tư của một vị sadi nhỏ tuổi, người sadi mười tuổi, mười một mười hai tuổi đến bên Thầy, qùi bên chân Thầy để học đaọ, nhưng đó là một đề tài lớn cho cả một vị rất uyên bác về Phật học, học cả đời mà khi nhìn lại vẫn thấy rằng những đề tài này không có chiều sâu. Điều đó là điều dễ sợ khi các vị đọc vào Tiểu Bộ Kinh (Khuddakapatha) có những điều chúng ta rất dễ bỏ qua một cách hết sức là uổng phí, là tại vì chúng ta thấy không có chuyện gì quan trọng để tìm hiểu. Nhưng thật ra mỗi một chi pháp là mỗi đề tài nó lại là một đề rộng lớn, từ lúc mình còn là vị sadi nhỏ vào chùa học cho đến lúc mình trút hơi thở cuối cùng đi nữa thì chưa chắc là mình có thể hiểu được thấu đáo một cách trọn vẹn.
Chúng tôi nhắc lại ba điểm đề cập trong bài học ngày hôm nay. Đầu tiên bài Nam Tử Hỏi Đạo (Kumàrapanha) là một chương được trích từ tập Tiểu Tụng Khuddakapatha của Tiểu Bộ Kinh, và đây là những tập giáo khoa trong thời kỳ sơ thời của Đạo Phật, trong thời kỳ văn học truyền khẩu còn rất căn bản trong nền giáo dục Đạo Phật. Thứ hai pháp số luôn luôn quan trọng với chúng ta. Pháp số có giá trị trên phương diện truyền đạt, trên phương diện minh thị một phạm trù nào đó khi chúng ta nói về những điều trừu tượng. Pháp số giúp chúng ta nhớ rõ một cách không sai sót, và một nhà giáo dục nào đó đã nói rằng những khái niệm thì tuột đi nhưng con số thì còn nằm lại.
Do vậy điều thứ hai chúng tôi muốn nói với qúi vị ngày hôm nay, đó là đừng coi thường những pháp số, ngày nay có nhiều khi người ta nói chuyện về điều gì đó, họ muốn nói sao thì nói mà họ quên đi sự chính xác, hay chúng ta gọi là sự tinh xác của đề tài đó là một điểm rất đáng tiếc. Trong Đạo Phật cái gì cũng chắc và thiệt lắm, khi chúng ta nói đến Bảy giác chi, nói đến Ngũ lực, nói đến Bát chánh đạo, nói đến Tứ diệu đế, nói đến 12 nhân duyên, những điều đó nói về những con số xác thực, những con số chuẩn xác, những con số rất cần được những người học Phật nắm rõ, nhớ rõ và không nên xem thường. Thành ra điểm thứ hai mà chúng tôi muốn nói trong bài học này là điều quan trọng của pháp số.
Và điều thứ ba chúng ta vừa đề cập của bài học ngày hôm nay câu đầu tiên là “Tất cả chúng sanh được tồn tại là do vật thực.” Vật thực ở đây là một khái niệm về dưỡng tố hay là những điều kiện hay những yếu tố tác thành, giống như sự hiện diện của một hành tinh, giống như hiện diện của một thế giới này tất cả vốn là do những nhân những duyên. Những nhân những duyên này nhiều khi rất trực tiếp, như qúi vị đói bụng cần thức ăn, thức ăn vào thì cảm thấy no, mình cảm thấy rất trực tiếp rất rõ ràng, nhưng lại có những nhân duyên khác, những thứ vật thực khác mà chúng ta ít khi nghĩ tới. Ví dụ như nói về xúc thực, nói về thức thực nói về tư niệm thực, một câu nói rất đơn giản thí dụ Đức Phật Ngài nói về tư tâm sở hay chính chủ tâm tạo tác là nghiệp, và nghiệp đó nuôi dưỡng vòng luân hồi, hay nói một cách khác là nghiệp sanh ra quả, quả sanh ra phiền não mà chúng ta gọi là tam luân thì những điều đó không giản dị để chúng ta hiểu một cách đại lược, mà thưa qúi vị cả một khái niệm lớn, chúng tôi muốn nhắc lại một lần nữa là chính điều chúng ta nói về tất cả chúng sanh sinh tồn do vật thực là một sự khẳng định quan trọng của Đạo Phật đối với giáo lý về thần ngã, giáo lý về một đấng độc tôn quyết định tất cả mà qua đó Đạo Phật nói rằng do nghiệp, do duyên, do những thành tố, do những dưỡng tố mà chúng sanh vẫn tiếp tục tồn tại, và tại sao chúng sanh tồn tại trong đời sống luân hồi, và tại sao ở trong luân hồi này nó chứa đựng cả vui lẫn khổ, tại sao trong kiếp luân hồi lại tạo cho chúng ta nhiều bước đi vô định như vậy, tại vì tất cả đều có nhân duyên của nó.
Như hồi nãy chúng tôi nói từ ban đầu là những pháp số này tuy mới nghe thì nhiều người xem là không quan trọng. Bởi vì Phật tử nhìn vấn đề này đại loại chung như chúng ta nói về tam độc, nói về ngũ căn, nói về ngũ uẩn, nói về thất giác chi, nói về lục căn, về bát chánh đạo, thập nhị nhân duyên, con số là con số thôi nhưng lại rất quan trọng nên chi đối với chúng tôi thì cả mười đề tài này đều là mười đề tài lớn. Nếu là mười đề tài lớn thì chúng ta không nên uổng phí, chúng ta không gấp phải không qúi vị, đâu có chuyện gì gấp, mỗi ngày chúng ta vào đây thì chúng ta nghe, do vậy ngày hôm nay chúng tôi vừa nói về câu hỏi đầu tiên của bài học tức là pháp một chi thế nào là một pháp, ngày mai, ngày mốt, bữa kia chúng ta sẽ tiếp tục nói về hai pháp, ba pháp cho đến mười pháp. Mười pháp này đều là những bước tranh quan trọng, là những nét chấm phá mà một Phật tử không thể không lưu tâm được. Trong những ngày sắp tới mỗi một ngày chúng tôi sẽ giảng một chi bởi vì chúng ta bỏ qua những chi pháp này hay nói một cách sơ lượt thì rất uổng, bởi vì tuy rằng đây là những bài học tuy rất sơ cơ nhưng lại rất căn bản, mong rằng mỗi chúng ta lâu lâu cũng cho mình một cái vị trí hay một tư cách của người học trò hay một vị sadi nhỏ trong thời Đức Thế Tôn còn tại thế chẳng hạn lên đảnh lễ vị A Xà Lê của mình, để xin được nghe vị A Xà Lê trao truyền, trao truyền làm sao chúng ta nhớ được và chúng tôi bảo đảm một điều nếu qúi Phật tử nào nghĩ rằng điều đó mà chúng tôi nói là đại ngôn thì đi hỏi lại Sư Trưởng hay TT Tuệ Siêu. Nếu Phật tử nào mà hiểu cả mười pháp này từ một chi cho tới mười chi mà hiểu một cách cặn kẽ thì qúi vị có căn bản Phật pháp lắm. Bài học ngày hôm nay qúi vị mới nghe mc đọc thì không có gì trong đó hết nhưng mà phải nói rằng rất là căn bản thì đó là điều mà chúng tôi muốn gửi đến qúi vị trong bài giảng ngày hôm nay
Minh Hạnh chuyển
biên
Download bai giang
Phap Am Lưu Trữ
|