Trí Tuệ Thể Hiện Trong Nếp Sống Hàng Ngày
TT Giác Đẳng (giảng ngày 16-04-2009)
Minh Hạnh chuyển biên
Bấm vào
để nghe thuyết pháp bài giảng
Thế giới ngày nay, đặc biệt là trong nền văn hoá Tây Phương người ta thường đề ra sự bình đẳng của con người. Sự bình đẳng giữa nam nữ, sự bình đẳng giữa những giai cấp, giàu nghèo, chủng tộc, màu da. Lý do dễ hiểu là hơn 1,000 năm dài Âu Châu đã sống trong tăm tối của một thời đại mà với những giá trị trước nhất người ta áp đặt một số giá trị lên nhiều giai tầng khác nhau ở xã hội. Từ sự kềm kẹp của chủ nghĩa giai cấp người ta bước sang một chủ nghĩa tự do bình đẳng của tất cả mọi người. Và vì vậy đôi khi nó tạo thành một niềm hãnh diện rất lớn, người ta nghĩ rằng đó là một cuộc cách mạng giải phóng con người. Nhưng trên thực tế thì Đức Phật Ngài dạy tất cả chúng sanh đều mong cầu sự an vui và chúng ta nên đối xử với tất cả chúng sanh đều với lòng từ. Nhưng Ngài cũng cho chúng ta biết rằng có nhiều khác biệt mà khác biệt này không thể phủ nhận được. Sự phân biệt đó đã tìm thấy ở trong kinh điển của Đạo Phật khi Đức Phật Ngài nói về hai hạng người: người ngu và người trí.
Người trí ở đây là cách nhìn rất đặt biệt so với cách nhìn trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Người ta thường nói người thiện hay người ác, người tốt hay người xấu. Thay vì dùng chữ người tốt thì Đức Phật Ngài dùng chữ người trí. Tại sao vậy? Thật ra một người có đời sống tốt đẹp nhất định thì nó phải có cơ sở. Cơ sở đó đạo Phật gọi là sự hiểu biết nhân quả đối với tất cả vấn đề. Hiểu biết nhân quả là mình hiểu biết người, hiểu biết sự thích hợp về thời gian, hiểu biết cái gì gọi là chừng mực vừa phải, hiểu biết hội chúng, hiểu biết đám đông, hiểu biết về nhân, hiểu biết về quả. Những sự hiểu biết như vậy xem ra không đơn giản như chúng ta nói về trình độ trí thức ở trong đời sống. Một người có thể có bằng cấp cao học vị cao, nhưng người đó ngay ở trong đời sống hàng ngày họ đã không hiểu được nhân quả của việc họ làm.
Lấy ví dụ, khi chúng ta ăn chúng ta biết cái gì tốt thích hợp với thân thể của mình và cái gì khiến cho chúng ta bị bịnh hoạn, thì thưa qúi vị phần nào nó là sự hiểu biết có tánh cách nhân và quả. Và chẳng những hiểu biết về nhân về quả như vậy mà ta có thể áp dụng được điều đó vào trong đời sống của mình.
Hay hoặc giả là chúng ta thường phê bình chỉ trích người khác, thường đố kỵ người khác, nhưng một người có trí thì hiểu rằng mình làm như vậy chẳng lợi gì cho mình mà trái lại còn hại cho mình. Khi nghĩ như vậy người đó sẽ không có đố kỵ, không có chỉ trích người khác, mà làm cái gì cần thiết phải làm. Thì ngay cả trong việc làm đó nó đã nói lên rằng có hiểu biết về nhân quả.
Và ở đây có một điểm rất thú vị, là trong Đạo Phật ai hiểu biết về nhân và quả: cái này do đâu mà sanh khởi, và cái này sẽ dẫn đi về đâu. Hiểu biết như vậy là sự hiểu biết tương ưng với trí tuệ. Trí tuệ ở trong một pháp mà chúng ta gọi là chánh kiến. Chánh kiến là chi đầu tiên trong Bát Chánh Đạo. Thì Đức Phật khẳng định rằng: Sự hiểu biết chân chánh là sự hiểu biết là đây là đau khổ, đây là nguyên nhân của sự đau khổ, tức là chúng ta nói đến nhân và quả, đây là sự diệt khổ và đây là hành trình dẫn đến sự diệt khổ. Đó là một cái nhìn về nhân quả khác đối với đau khổ và hạnh phúc.
Thì như vậy ở trong lòng của một người gọi là người trí thì người đó luôn luôn hiểu được hai điều: đó là cuộc sống không có cái gì tình cờ ngẫu nhiên hay là một sự đưa đẩy vốn không có nguyên nhân. Thứ hai người đó hiểu rõ được cái nhân quả hoặc xa hoặc gần hoặc thấy được hay không thấy. Hay giả dụ là một người có trí tuệ, ở trong sự buồn bực không lâu sau sự buồn bực đó thì tự nhận ra rằng mình vốn buồn bực là do mình nghĩ không thông suốt vấn đề và người đó tìm cách nghĩ cho thông suốt vấn đề, cái nghĩ đó là sáng, chứ không trầm mình trong cái ý tưởng mà lúc nào cũng tự làm khổ cho mình.
Trí tuệ mà Đức Phật Ngài đề cập đến trong kinh điển Phật giáo, có ba loại trí tuệ:
Một là trí tuệ do sự thu thập. Thu thập tức là do sự hấp thụ của chúng ta từ sự giáo dục của gia đình, từ sự giáo dục của cuộc đời. Khả năng hấp thụ này càng rộng lớn thì chúng ta biết, hiểu và có thể ứng xử được trong nhiều trường hợp khác nhau. Sự hiểu biết đó Đạo Phật gọi là Văn Huệ, hay còn gọi là Trí Văn. Trí Văn là do nghe, do học, do sự lãnh hội. Điều này thì cần thiết lắm. Con người chúng ta không ai mà không biết rằng không ai có thể sanh ra đời mà biết hết tất cả chuyện đông tây nam bắc trên dưới, kể cả những vị nguyên thủ quốc gia và kể cả những người nghe nhiều học rộng thì cũng phải nhờ vào sách, báo, tin tức, internet mỗi ngày để biết chuyện đó đây. Nhưng riêng về kiến văn của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày của một người bình thường bên ngoài, và ngay cả vị xuất gia mà nếu ở trong kho tàng kinh điển chúng ta có thể tìm thấy được nhiều gợi ý của nhiều sự hướng dẫn cụ thể và nhiều nguồn trí tuệ đối với nguồn kinh điển thì đó là một điều diễm phúc rất lớn. Phải nói rằng người Phật tử có một điểm rất may mắn là chúng ta sống trong một nguồn sống tâm linh không thiếu chất liệu của trí tuệ. Chúng ta có sức hay không có sức để học thôi. Bản thân của anh em huynh đệ chúng tôi những người xuất gia sống dưới mái chùa cũng nhận ra được kinh điển là một kho tàng đồ sộ vĩ đại. Chúng ta nói đến kinh, luật, A Tỳ Đàm, mỗi một bộ, mỗi một ngành, mỗi một môn thì có rất nhiều lãnh vực, có rất nhiều phương diện khác nhau để tìm hiểu. Như vậy sống ở Phật Pháp nếu chúng ta không thấy được nguồn suối vô tận của trí tuệ, của nguồn minh triết, thì điều đó là điều thiệt thòi cho chúng ta.
Trí tuệ thứ hai Đạo Phật đề cập đến gọi Tư Huệ. Thật ra về điểm này thì nhiều vị Pháp Sư nhiều người hiểu chữ Tư Huệ là trí tuệ do suy tư. Nhưng chính ra cái can điểm của tư huệ rất là quan trọng, đạo Phật gọi là Yoniso manasikara (như lý tác ý). Yoniso manasikara có nghĩa là chánh tư niệm, hay là suy nghĩ đúng, suy nghĩ một cách thiện sảo, cái suy nghĩ dựa lên trên cái trí tuệ tuyệt vời của chúng ta. Cũng cùng một hoàn cảnh, cũng cùng một sự kiện mà cái nhìn cái hiểu cái sự nhận thức của chúng ta đối với vấn đề khéo hơn trong khi có nhiều người đi đến chỗ bế tắc.
Chúng tôi lấy một thí dụ là ở trong thời gian gần đây, chúng tôi có đọc một bài viết của một nhà kinh tế người Anh nói rằng nền kinh tế của thế giới tăng thịnh ở trong hai thập niên qua có để lại nhiều nhược điểm, có một hệ thống ngân hàng rất cồng kềnh, và nhân dịp khủng khoản kinh tế, tuy rằng thế giới sẽ rơi vào trong những giai đoạn rất chật vật về nhiều phương diện, nhưng nó cũng là một cơ hội tốt để người ta tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng của thế giới vốn đã lỗi thời và vốn tự nó đã nguy hại. Ý tưởng này đã được ông Thủ Tướng Anh ông Gordon Brown cũng ghi nhận. Trong thời buổi kinh tế đang khủng hoảng, ai cũng than thở, cũng cảm thấy khó chịu, cũng không dám nhìn vào vấn đề thì một nhà kinh tế gia cho chúng ta thấy một điều rằng trong hoàn cảnh đó nó cũng có cái lợi, cái lợi biết đâu chúng ta có thể tái tổ chức lại một hệ thống ngân hàng vốn đã lỗi thời đã lạc hậu và đã đang và sẽ là đầu mối đe dọa.
Thì riêng với đời sống hàng ngày của chúng ta trong cái vui cũng vậy, trong cái khổ cũng vậy, nếu chúng ta khéo nghĩ thì ở đó bao giờ cũng có ánh sáng, cái ánh sáng đó thực là kỳ diệu, thật là màu nhiệm. Thí dụ như những đệ tử của Đức Phật được Đức Phật Ngài dạy rất nhiều lần là nhìn vấn đề một cách sáng suốt mà ngày hôm nay người ta gọi là nhìn vấn đề một cách tích cực hay là lạc quan lúc nào con người mình cũng cố gắng nghĩ vấn đề cho tốt. Nhưng chánh tư niệm là một cái gì rất đặc biệt, nhìn thấy được vấn đề như thế nào mà chúng ta gọi là lạc quan, lạc quan có nghĩa là thay vì người ta nhìn vấn đề càng lúc càng tối tăm, nhìn vấn đề càng lúc càng chồng chất phiền não phía sau, người ta nhìn vấn đề càng lúc càng đến chỗ bế tắc thì một người mà có Yoniso manasikara (như lý tác ý) là biết suy nghĩ, biết thấy, biết nhận thức. Cái nhận thức này lâu ngày cũng trở thành một đặc tính của một bậc thiện trí.
Chúng tôi đã sống qua một thời kỳ rất khó khăn, sau năm 1975, thời đó là gạo châu củi quế, thời đó là cái gì bấp bênh vô định. Nhưng mà vào thời đó anh em huynh đệ chúng tôi có niềm tin rất mãnh liệt. Và cái ơn của vị đó chúng tôi nhớ cho đến cuối cuộc đời của mình, đó là Sư Trưởng, trong lúc khó khăn như vậy thì Sư Trưởng vẫn nhận các giới tử vào chùa, các vị sa di trẻ, và Sư Trưởng thấy rằng trong hoàn cảnh như vậy là một hoàn cảnh có nhiều người tu tập và quả thật Sư Trưởng đã đào tạo được nhiều thế hệ ở trong giai đoạn này trở thành những vị giảng sư những vị pháp sư. Và đối với chúng tôi những năm tháng về sau mà nhìn lại giai đoạn đó thì chúng tôi cho rằng đó là một ở trong những điểm son lớn nhất của cuộc đời Sư Trưởng mà chúng tôi không thể nào quên được. Ở trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, nhưng mà nghĩ như vầy, thay vì thấy bao nhiêu cái bấp bênh vô định bao nhiêu điều trái ý nghịch lòng sanh lo âu phiền não thì thời này là thời cũng tốt để người ta tu tập, và ở thời đó mà mình làm được một việc và cái việc làm đó để lại những kết quả cụ thể, chứ không phải là không có. Thì lối suy nghĩ đó nó là dấu hiệu của một bậc trí sống ở trong nhiều giai đoạn nhiều hoàn cảnh khác nhau của đời sống là một sự thể hiện cho chúng ta thấy rằng biết nghĩ, biết nhận thức và thấy được khía cạnh tích cực của vấn đề thì sẽ có lợi cho chúng ta rất nhiều.
Trí tuệ thứ ba mà Đức Phật Ngài dạy đó là trí tuệ đến từ sự tu tập, là trí tuệ này gắn liền với đời sống, trí tuệ này không phải do suy diễn hay do học hỏi mà trí tuệ này đến từ niệm và định, và đó là những trí tuệ rất chắc rất thật. Lấy ví dụ như với một người đã từng sống với hơi thở với tư thế đi, thế đứng, nằm, ngồi của mình, đã từng sống với thân, thọ, tâm, pháp, thì khó có thể nào mà người đó phủ nhận được sự vô thường, khó có thể nào người đó có thể phủ nhận được rằng cuộc sống nó là một kết cấu của nhiều thành phần khác nhau mà chúng ta gọi là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Thì những suy nghĩ về vô thường, khổ, vô ngã của người này không giống như bình thường của chúng ta, tại vì những vị đó thật sự thấy, thật sự sống, thật sự là đã biết như vậy. Như ngày hôm qua chúng tôi có ra phi trường rước một vị Hoà Thượng đến từ Nauy, HT sang bên Mỹ cũng năm sáu lần nhưng không bao giờ đến Houston, tại vì có nhiều người nói với HT là Houston là một nơi rất là nghiệt ngã nóng khủng khiếp. Nhưng mà rồi HT cũng thấy có cây sanh cũng có thời tiết mát mẻ. Thì chúng tôi thưa rằng, một năm chỉ có ba tháng nóng thôi chứ không phải lúc nào cũng nóng. Cái chuyện mình nghe người ta nói giả định nó là một lẽ, nhưng mình đặt chân đến đó để tự mình sát chứng lại là một lẽ khác. Chúng ta thường có cái nhìn rất võ đoán, rất là mơ hồ về cuộc sống cho đến khi thật sự chúng ta có mặt ở tại đó. Nếu một người nào học về lý vô thường, khổ, vô ngã mà học cho nghe cho suy tư thì thưa qúi vị nó chỉ cho chúng ta đến một chừng mức nào đó, nhưng mà nếu chúng ta thật sự sống với thiền quán, chúng ta thật sự áp dụng trong đời sống hàng ngày thì vô thường khổ vô ngã nó không phải là cái gì xa lạ mà là cái gì hiển nhiên, hiển nhiên giống như ngày và đêm, hiển nhiên giống như mặt trăng mặt trời, hiển nhiên giống như là hơi thở ra hơi thở vào của chúng ta.
Và bây giờ chúng ta nói đến ba loại trí tuệ đó thì chúng ta trở lại với một phương diện rất sâu kín của trí tuệ, đó là người sống với trí tuệ thì không quan niệm rằng cuộc sống là một sự đưa đẩy may rủi, cuộc sống là một sự ngẫu nhiên, mà cuộc sống là một sự thể hiện của nhân và quả trong đời sống. Ngay cả thí dụ có rất nhiều sự đau khổ của chúng ta, rất nhiều sự phiền não của chúng ta do nhận thức sai lầm, do quan niệm lệch lạc, do quan niệm không chính xác, nhưng chúng ta không nhận như vậy, khi chúng ta khổ thì chúng ta nói tại vợ làm mình khổ, tại chồng làm mình khổ, tại những người chung quanh làm mình khổ, tại hoàn cảnh làm mình khổ, tại đất nước làm mình khổ, tại cuộc đời làm mình khổ, nhưng thật ra cái khổ đó phần lớn nó đến từ cái nhìn của mình.
Thưa qúi vị, là có bao nhiêu lần chúng tôi đi hành hương cùng với nhiều vị Phật tử trong phái đoàn, và chúng tôi nhận thức như vầy, xe dừng lại đến một khách sạn, đôi khi ở bên Ấn Độ có những khách sạn mình như ý và có những khách sạn mình không như ý, chúng tôi lấy trường hợp là như vầy, là có những khách sạn mình đóng cửa rồi mà muỗi vẫn vô, người ta phải dùng nhang muỗi đưa cho mình, mà đưa cho mình rồi mà muỗi vẫn cắn, rồi có những người rất là phiền não về những con muỗi này, nhưng chúng tôi cũng có nghe nhiều Phật tử nói rằng đi hành hương mà có một chút khổ nhọc, có một chút khó khăn thì đó cũng là một phần công quả, họ rất là vui.
Thì ở đây khi chúng ta nói đến trí tuệ, căn bản mà nói thì trí tuệ là sự nhận thức nhân quả, nhân quả trong cái vui trong cái khổ và trong sự đưa đẩy của mình, và dĩ nhiên ở trong hành động của mình. Một khi chúng ta thấy rằng mọi sự đều có nhân và có quả thì chúng ta không có sống bằng quan niệm rằng mọi thứ là do ngẫu nhiên, do tình cờ. Chúng tôi lấy một ví dụ Ngài Phú Lâu Na (Punna) xin Đức Phật sang xứ Sunaparanta để hoằng pháp, thì Đức Phật nói rằng:
"Những người xứ đó rất hung hăng, có thể họ chửi mắng con, con nghĩ sao?".
Thì Tôn Giả nói rằng: "Bạch Đức Thế Tôn, con sẽ nghĩ rằng họ còn rất tốt, họ chỉ chửi mắng thôi chứ chưa đánh con."
Đó là cái nhìn tích cực, cái nhìn cho chúng ta thấy rằng mình khổ hay vui là do sự nhận thức của chính mình. Một người sống thường xuyên với lý nhân quả thì người đó là người có trí tuệ. Có trí tuệ thì chúng ta mới khẳng định như vậy. Ngay trong kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt, Đức Phật Ngài cũng dạy là nếu một người thường đi đến các vị sa môn bà la môn hỏi là nhân nào được vui, nhân nào bị khổ, nhân nào sanh lên, nhân nào sanh xuống v..v... thì đó là nhân sanh trí tuệ. Nếu người sống trong cuộc đời này không hiểu biết về nhân quả mà quá tin vào tính lý, quá tin vào ngẫu nhiên, quá tin vào định mệnh thì đó là một sự thối chuyển lớn của trí tuệ. Trong lịch sử của nhân loại thời đại nào người ta đi truy tìm nguyên nhân của tất cả sự kiện thì thời đó là thời của triết học và thời nào mà người ta quá tin vào quyền học, người ta quá tin vào sự đưa đẩy vận mệnh của thần thánh thì thời đó ánh sáng trí tuệ bị lu mờ, và do vậy sự hiểu biết về lý nhân quả đi với trí tuệ. Và sự thể hiện của trí tuệ trong đời sống hàng ngày Đức Phật gọi là cái tướng của người trí, cái tướng ở đây là cái hiển tướng của người trí. Thật ra thì giữa suy tư và hành động nó có một khoảng cách chứ không phải là chúng ta suy tư rồi chúng ta hành động liền, và thông thường cái hành động của chúng ta trong đời sống đã là một thái độ rất mạnh mẽ đối với vấn đề.
Hôm qua trong lúc chúng tôi nói chuyện trên đài radio Sàigòn Houston nhân câu hỏi của cô Ngọc Tân vị sướng ngôn viên của đài hỏi về Khổng Tử. Có một lần Ngài sang nước sở, Ngài đi vào trong cổng thành, nhưng trái với thường lệ là Ngài không dở nón chào, thì lúc bấy giờ những đệ tử của Đức Khổng Tử như là Thầy Nhan Hồi, thầy Tử Lộ, thầy Tăng Sâm mới hỏi Đức Khổng Tử rằng: mọi khi Thầy đi vào trong cổng thành thường hay thủ lễ bằng cách dở nón chào, tại sao hôm nay Thầy không dở nón.
Thì Đức Khổng Tử trả lời rằng:
Nước Sở đang loạn lạc mà người dân xứ này chỉ lo ăn chơi hưởng thụ tranh dành hơn thua, xem ra thì người dân trong xứ ý thức rất thấp về những gì đang xảy ra đối với thân phận của họ và vận mệnh đối với đất nước họ. Một người sống ở trong đời này mà không biết được thân phận của mình, của đất nước là bất tri. Và nếu biết mà không làm gì hết đó là bất trung. Bất trung là mình thấy chuyện hại mà mình không làm gì hết, khoanh tay nhắm mắt làm ngơ, lấy mũ ni che tai, như vậy cái biết mà không làm gì đó là bất trung. Nhưng nếu làm cho có làm thôi, nghĩa là làm cho có, làm để trả nợ qủi thần, làm không tận lực không hết lòng, không nhập cuộc thì đó gọi là bất dũng. Bất dũng tức là khi gặp chuyện gì mình có lòng, có ý thức, mình có lòng, nhưng mình làm một cách ơ hờ.
Không ý thức về thân phận của mình đó là bất tri.
Nếu ý thức mà không làm gì đó là bất trung.
Có làm nhưng làm không hết lòng đó là bất dũng.
Ở trong cái xứ mà người ta bất tri, bất trung, bất dũng thì không đáng để ngã nón chào.
Câu chuyện đó của Khổng Tử khi đi thăm nước Sở cũng gợi cho chúng ta một điều rằng giữa sự hiểu biết và hành động nó có một khoảng cách rất xa, nó có một khoảng cách dài mà đôi khi chúng ta bước không tới, đa số chúng ta là người Phật tử khi học Phật, khi đọc kinh đọc sách chúng ta biết những gì hay, nhưng đem áp dụng có thể thể hiện được điều đó trong đời sống chúng ta hay không, đó là một câu chuyện khác. Chúng ta không thể hiện điều đó trong đời sống hàng ngày, kể cả cái vui cái buồn của mình, có nhiều người kinh điển thì học rất nhiều nhưng đến khi gặp nghịch cảnh như là vô thường, khổ, thì vẫn phản ứng một cách rất phiền não, chúng ta không để cho tâm tư cho trí tuệ mình vượt lên trên điều đó. Và do vậy chúng ta đừng nghĩ rằng hễ cái gì mình biết là mình có thể đem áp dụng được, tại vì chúng ta ngây thơ và tin tưởng rằng cái biết là đủ. Nhưng hành động là một sự thể hiện trọn vẹn, mà thể hiện mạnh mẽ của trí tuệ. Chúng ta gặp rất nhiều người học rất nhiều, kiến văn rất rộng, nhưng không làm được gì hết cho bản thân, cho quê hương, cho dân tộc, cho gia đình, đối với chúng ta không thiếu gì những người đó. Nước Việt Nam là nước rất trọng khoa bảng, chúng ta rất trọng bằng cấp học vị, nhưng chúng ta thiếu những người hành động. Nói về sự hiểu biết thì người Việt Nam có rất nhiều, nhưng gọi là bắt tay để hành động thì chúng ta không có. Do vậy trong rất nhiều thời đại, trong rất nhiều hoàn cảnh chúng ta là người bàn quan toạ thị, khoanh tay ngồi nhìn vận mệnh của đất nước của dân tộc của bản thân bị đẩy đưa như cánh bèo dạt, là tại vì sao? Là tại vì chúng ta không hành động được. Sự hành động thật ra là một bước rất dài cho người với sự hiểu biết. Không phải là chúng ta hiểu biết là chúng ta hành động đâu khi mà là trong khi chúng ta biết không tới. Chúng ta phải thể hiện điều đó trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Do vậy kiến thức về kinh điển có thể có rất nhiều, chúng ta có hiểu biết về thiên kinh vạn điển, nhưng đem áp dụng điều đó vào trong đời sống hàng ngày hay không thì nó cần đến một chữ gọi là thể hiện. Thể hiện không phải là điều dễ, chúng ta phải thể hiện như thế nào mà nhờ vào Phật Pháp chúng ta được an lạc, chúng ta phải thể hiện như thế nào mà nhờ Phật Pháp chúng ta có đời sống tích cực, chúng ta phải thể hiện như thế nào mà nhờ Phật Pháp chúng ta sống có nghĩ đến người, nghĩ đến tha nhân, nghĩ đến đại cuộc hơn là nghĩ đến bản thân của mình.
Nếu chúng ta chỉ có sự hiểu biết và sự hiểu biết đó như là một thứ tài sản được chôn sâu giữ kín làm của riêng trong lòng và không thể hiện gì trong đời sống hàng ngày, thì đôi khi nó cũng giống như kiến thức để trong sách vở hay kiến thức để trong thư viện, nó chưa được đem vào trong lòng người và nó như một thứ hạt giống chưa được trồng, chưa được gieo xuống, không đâm chồi nảy lộc, không được đơm hoa kết trái, và không được mọc lên thành thứ cây lành trái ngọt cho chúng ta những giá trị cụ thể của đời sống này.
Thật ra trong kinh Đức Phật Ngài thường nói đến hành động, thậm chí có những lần Ngài khẳng định một điều rằng không phải do giòng dõi thọ sanh làm một người cao qúy hay thấp hèn, chính ở hành vi tạo tác mới làm cho thấp hèn hay cao qúi. Khi chúng ta đi vào trong cuộc đời này với hiểu biết của chúng ta thì chuyện đó tốt, nhưng bên cạnh sự hiểu biết đó quan trọng là sự thể hiện, chúng ta làm gì, chúng ta đi như thế nào, chúng ta sống như thế nào, chúng ta lớn lên như thế nào thì việc đó quan trọng hơn là những việc khác.
Do vậy ở tại đây Đức Phật Ngài cho chúng ta biết rằng dù là người ngu hay người trí đều có biểu tướng ở bên ngoài, và biểu tướng đó thể hiện trong cuộc sống. Ánh sáng của trí tuệ chúng ta hiểu trong Đạo Phật là sự hiểu biết về nhân quả, nói một cách cụ thể là tri nhân, tri quả, tri kỷ, tri bỉ, tri thời, tri hội, tri độ, biết người biết mình, biết nhân biết quả, biết được thời gian nào thích hợp, biết được cái gì gọi là chừng mực, biết được hội chúng, tất cả những điều đó giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong đời sống này, nhưng nó phải là hành động phải là thể hiện được.
Không có thời đại nào mà trí tuệ của chúng ta dễ dàng bị phân biệt như thời đại này, có thể chúng ta lớn lên có một nền giáo dục cho chúng ta bằng cấp tú tài dễ dàng hơn cổ nhân nhiều lắm, có thể nói hiện tại như bây giờ những người có bằng đại học nhiều hơn ngày xưa rất nhiều, nhưng những kiến văn của chúng ta để được gieo xuống mảnh đất tâm linh của mình và trên mảnh đất tâm linh đó có thể đơm bông không có nhiều, chúng ta thường sống như một trí thức lãng mạn. Chúng tôi dùng chữ trí thức lãng mạn là lời phê bình của nhiều người đối với một nền văn hóa của Pháp, khi người ta nói lên hình ảnh của những nhà trí thức lúc nào cũng ưu thời mẫn thế ở trong quán cafe bên vệ đường ngồi hút thuốc tán ngẫu bàn chuyện đông tây nam bắc triết lý. Thật ra thì không phải chúng tôi sống tại Hoa Kỳ mà chúng tôi khen ngợi đất nước Hoa Kỳ, nhưng phải nói rằng người Mỹ về phương diện này họ thực tế hơn người Âu Châu và nhiều dân tộc khác trên thế giới. Họ sống và hành động, họ không có chập chờn, họ không có vờn qua rồi vờn lại với những phù ảo của cuộc sống qua hình thức ở bên ngoài. Họ nghĩ đến chuyện làm sao để có công ăn việc làm, làm sao có được thật sự chứ không nghĩ quá nhiều đến bộ áo mặc ở bên ngoài sự hào nhoáng nhất thời. Trên phương diện nào đó thì người ta nói người Mỹ quá thực tế, nhưng mình phải nhìn nhận rằng sự hành động, sự bắt tay đó nó khiến cho chúng ta đối diện với đời sống một cách thành thiệt hơn là ngồi đó mà sống một cách lãng mạn với những triết lý xa vời của cuộc sống. Và điều này nó cũng là chứng bệnh của nhiều người trong chúng ta.
Thời Đức Phật còn tại thế và nhiều thế hệ sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn có một điểm rất khác nhau, thí dụ như 500 năm sau khi Đức Phật viên tịch thì người Phật tử tại Ấn Độ nặng về triết lý nhiều hơn, người ta nói đủ thứ triết lý hết, những triết lý của Đạo Phật rồi người ta đem vào đó những triết lý Bàlamôn giáo cộng vào để ngồi đó bàn tán, và viết ra rất nhiều bộ luận. Trong khi đó thì Tứ Niệm Xứ, như Thất Giác Chi, Bát Chánh Đạo, những pháp như Giới, Định, Tuệ thì không được bàn, không được nói và không được thực hành nhiều. Vì vậy đã tạo nên một sự suy thoái trầm trọng về sau này của Đạo Phật.
Ngày hôm nay Phật tử mà về ở Ấn Độ đọc lại lịch sử sự tồn tại 1700 năm của Đạo Phật tại Ấn Độ, thì đôi khi có một chút bực dọc nói rằng Đạo Phật đã bị tiêu diệt bởi người Hồi giáo vào thế kỷ thứ 12, và do người Hồi giáo giết hết Tăng sĩ của Đạo Phật, do vậy Phật giáo hoàn toàn biến mất. Nhưng xin thưa với qúi vị là ở trên thực tế thì đó chỉ là phân nửa câu chuyện thôi. Khi người Hồi giáo đến Ấn Độ vào thế kỷ thứ 12, thì Đạo Phật lúc bấy giờ đã suy thoát lắm rồi, Đạo Phật nặng về cúng kiếng, nặng về tín ngưỡng, người Phật tử chỉ thích phù chú, và lúc đó thì Đạo Phật không còn sức sống, nghiã là Đạo Phật và Bàlamôn giáo chỉ còn trong gang tấc mà thôi, từ chỗ này bước qua bước lại không có nhiều. Chính vì vậy khi Hồi giáo tàn sát các vị Tăng sĩ thì một thời gian sau xã hội Ấn Độ ổn định trở lại thì Ấn giáo tức là Bàlamôn giáo được phục hồi là tại vì bản chất đó vốn đã có từ lâu. Nhưng Phật giáo thì biến mất là bởi vì chất liệu về đời sống tâm linh của Đạo Phật đã mai một lâu lắm rồi.
Những bài học quan trọng của lịch sử chúng ta phải học lại là thời nào mà chúng ta chỉ trọng triết lý, trọng sự suy tư trong lòng mà không được thể hiện qua hành động thì chúng ta đang bước đi vào sự gập ghễnh. Và Đức Phật khẳng định một điều rằng chỉ có hành động là sự thể hiện của trí tuệ. Sự hành động mà thiếu trí tuệ đó là dấu hiệu của người ngu, và những hành động và trí tuệ được thể hiện đó là dấu hiệu của bậc trí. Về điều này không phải là một sự kiện để chúng ta nói về chuyện viễn vông đông tây nam bắc, mà đó là một điều để chúng ta nghiền ngẫm ở trong đời sống hàng ngày, chúng ta mong rằng lời dạy này của Đức Phật sẽ là một trong những phương châm rất quan trọng để chúng ta nhận thấy rằng từ sự hiểu biết ở trong lòng và sự thể hiện của hành động nó là một khoảng cách dài, và chúng ta nếu đã bước, đã phóng thì phải phóng cho đến bờ bên kia, và nếu chúng ta bước không tới thì chúng ta sẽ hụt chân.
Phần lớn chúng ta sống gói gọn nằm sâu ở trong sự suy tư của nội tại, mình thấy đúng, hiểu đúng biết đúng nhưng không làm.
Những ai có trí tuệ thật sự trong Đạo Phật thì người đó có khả năng nhận thức về lý nhân quả.
Những ai có trí tuệ thật sự thì phải có đủ để mang lại sự an lạc cho bản thân.
Những ai là người có trí tuệ thì hành động của người đó có sự cụ thể có đủ tính cách tích cực, có đủ sự dấn thân chứ không phải chỉ là sự đãi bôi mà thôi.
Bài học ngày hôm nay đề cập đến hiện tướng của bậc trí qua sự thể hiện của hành động và hành động ở đây đi với trí tuệ chúng tôi xin có một vài lời để chia xẻ cùng qúi Phật tử như vậy.
Namo Buddhaya