dieuphap.com

 


 

 

 

 

LÀM VIỆC MỘT NGUỒN VUI

Skilful Means

 Tác giả: Tarthang Tulku Rinpoche
Dịch giả: Thích Nữ Trí Hải

 

PHẦN MỘT: TỈNH THỨC 

 

  • Nội tâm cởi mở

Khi nội tâm thực sự cởi mở, chúng ta có thể thấy trong chính mình có một kho tàng tình yêu, niềm vui và an bình. Chúng ta thưởng thức được vẻ đẹp của đời sống, đón nhận mọi kinh nghiệm đang xảy đến, mở lòng mình ra với nó và thưởng thức nó một cách trọn vẹn. Nhận ra những đức tính ấy ở trong mình là sự tự do lớn nhất mà ta có thể có được.

Nhưng chúng ta để cho mình hưởng được bao nhiêu về cái tự do nội tâm ấy? Chúng ta bén nhạy được đến mức nào để đón nhận những ý tưởng, cảm giác sâu xa nhất của mình, đón nhận tính tích cực của nội tâm ta? Mặc dù cũng có lúc ta cảm thấy có sự phong phú nội tâm ấy thực, chúng ta vẫn thường đóng nó lại, để cho mình cảm thấy những bất mãn vi tế.

Lại có những lúc chúng ta còn không để cho mình cảm thấy hạnh phúc mà không bị mặc cảm phạm tội hoặc thỏa mãn về những thành quả của mình mà không đồng thời cảm thấy nghi ngờ xao xuyến.

 

  • Mất liên lạc với chính mình

Những cảm xúc thuộc loại trên tách rời chúng ta khỏi nội tâm phong phú của mình, nên ta mới đi tìm thỏa mãn ở bên ngoài. Bị cuốn hút vào những biến cố vui nhộn xung quanh, chúng ta hăm hở lao vào chúng, tưởng chúng sẽ mang lại thỏa mãn. Nhưng vì để cho năng lượng của mình phân tán cả ra bên ngoài nên chúng ta bỏ lỡ biết bao nhiêu nhắn nhủ từ các giác quan ta, tư tưởng, cảm giác, tri giác của ta. Khi thiếu sự nội tri này cùng với cảm giác tự do mà nó đem lại, thì kinh nghiệm ta về mọi sự sẽ thành nông cạn, sự tỉnh thức của ta mất hết chiều sâu và tính sáng sủa. Dù chúng ta có thành công ở đời, thì vẫn có một sự phân cách với bản chất thực thụ của mình, khiến ta không còn một nền tảng nội tâm vững chãi làm điểm tựa cho đời mình. Chính điều này khiến ta có những cảm giác bất an vi tế, và cuộc đời hóa ra trống rỗng vô vị.

 

  • Bất an, lệ thuộc và bất mãn

Khi không tìm được chất liệu tự tri để nuôi dưỡng tâm hồn, chúng ta thường xoay sang người khác để tìm thỏa mãn. Nhưng vì ta không biết rõ mình thiếu cái gì, nên không thể bày tỏ nhu cầu của mình cho kẻ khác biết, và thế là chúng ta lại phải thất vọng khổ đau. Càng rơi vào cảm giác bất mãn ta càng trở nên cáu kỉnh bất an, những tương giao nhuốm đầy chua chát khiến ta không thể làm việc cho hiệu quả. Hoàn toàn không được tự do, chúng ta bị tù túng bởi thiếu tỉnh thức, vướng vào những chu kỳ lo âu bất hạnh dường như bất tận. Chúng ta cứ xoay vần đi tìm thỏa mãn mà không bắt gặp được, và sự tìm kiếm ấy trở thành mẫu mực của đời ta.

Chúng ta sống trong một thế giới đang di chuyển rất nhanh thúc ép chúng ta phải theo kịp bước. Phần đông chúng ta không muốn sống theo kiểu đó, nhưng chúng ta đã bị tóm vào những đòi hỏi mà xã hội đặt lên đầu mình. Bề ngoài chúng ta có vẻ tự do đấy, nhưng bên trong chúng ta lại bị căng thẳng vì sự thúc bách của nhịp bước dồn dập kia. Ta đi quá nhanh không có thì giờ để thưởng thức đời mình, mất liên lạc với những đức tính tích cực trong mình và sức mạnh mà chúng có thể mang lại cho ta.

 

  • Tập thích nghi

Những trở ngại khiến nội tâm ta không thoải mái thường thì đã thành hình từ tuổi ấu thơ. Khi còn bé chúng ta biết mình nghĩ về mọi sự như thế nào, và không ngần ngại nói ra cảm nghĩ ấy. Nhưng gia đình bạn hữu lại hướng dẫn ta theo những quan niệm và mẫu mực hẹp hòi để thích nghi với xã hội. Khi không được biểu lộ những tư tưởng cảm xúc của mình, ta đâm ra mất liên lạc với cảm thức mình, giòng thông tin giữa thân và tâm bị tắc nghẽn, ta không còn biết thực sự mình cảm nghĩ ra sao. Khi những mẫu mực đàn áp càng trở nên mạnh mẽ ổn định thì chúng ta càng ít có cơ hội để biểu lộ cảm nghĩ của mình. Chúng ta đâm ra quá quen thuộc với sự thích ứng đến độ khi lớn lên, ta để cho những mẫu mực ấy thống trị đời ta, và ta trở thành những kẻ xa lạ với chính mình.

 

  • Bài tập: Sự sáng sủa nội tâm

Làm sao chúng ta có thể trở lại liên lạc với chính mình? Ta có thể làm gì để có tự do thực thụ? Khi thấy rõ bản chất bên trong của mình, ta sẽ tìm được cách phát triển để lớn lên. Tính sáng suốt này là khởi điểm của tự tri; ta có thể phát triển tính ấy chỉ bằng cách ngắm nhìn hoạt động của thân tâm ta.

Bạn có thể thực tập quan sát thân tâm mình bất cứ ở đâu, lúc đang làm gì, bằng cách ý thức rõ từng ý nghĩ và cảm giác đi kèm ý nghĩ ấy. Bạn có thể bén nhạy để thấy những hành động của mình ảnh hưởng đến tư tưởng, thân thể và cảm giác của mình như thế nào. Làm thế là bạn mở ra cái kênh liên lạc giữa thân và tâm, tự hiểu rõ mình hơn, và đâm ra quen thuộc với tính chất con người bên trong bạn. Thân xác và tâm hồn bạn khởi sự nâng đỡ lẫn nhau, đem lại sinh khí cho mọi nỗ lực của bạn. Bạn bước vào một tiến trình năng động học hỏi từ bản thân, và sự tự tri mà bạn có được sẽ tô điểm cho mọi việc bạn làm.

Khi quan sát bản chất bên trong của mình một cách có ý thức, bạn sẽ thấy mình đã bị tù túng như thế nào, những cảm giác và bản chất thật của mình đã bị khóa kín như thế nào. Và khi ấy bạn có thể khởi sự mở chúng ra để giải tỏa cái năng lực mà chúng đã giữ liạ bên trong bạn. Bằng cách hết sức bình tĩnh, thành thực, bằng cách chấp nhận chính mình, bạn sẽ càng thêm tự tín và học những phương pháp mới mẻ tích cực hơn để tự nhìn mình.

 

  • Bài tập: Sự tập trung nhẹ nhàng

Một khi những tri giác bên trong đã trở nên sáng sủa và trôi chảy hơn, thì sự tập trung sẽ giúp bạn hướng năng lực mình đến nơi nào cần thiết. Sự tập trung này không phải một kỷ luật khắc khi, nó rất thoải mái gần như tự nhiên. Sự chú ý của bạn được tập trung không phải một cách cứng cỏi mà với tính nhẹ nhàng hân hoan. Bạn có thể phát triển sự tập trung này trong công việc bằng cách làm mỗi lúc một việc cho xong, đặt hết sự chú ý vào những gì đang làm, ý thức mọi chi tiết của công việc, duy trì sự tập trung vào một công việc duy nhất cho đến khi làm xong, rồi làm việc khác cũng bằng cách như vậy. Bạn sẽ thấy sự sáng suốt, tuệ giác của mình thêm sâu sắc và trở nên một phần tự nhiên của bất cứ việc gì bạn làm.

Khi có khả năng tập trung lớn hơn thì bạn sẽ có chánh niệm, là một ý thức sáng tỏ về mỗi giai tầng cảm xúc và tư tưởng, hành động của bạn. Chánh niệm là phối hợp của tập trung, sáng suốt và tỉnh thức đối với từng chi tiết nhỏ nhất của kinh nghiệm. Không có chánh niệm thì dù tâm bạn có tập trung và sáng suốt, bạn vẫn như một đứa trẻ đang xây một lâu đài trên cát không nhận ra rằng thủy triều sẽ cuốn phăng tất cả.

 

  • Bài tập: Chánh niệm có hiệu quả

Chánh niệm bảo đãm rằng bất cứ gì ta làm sẽ được làm với tất cả khả năng ta. Bạn có thể phát triển chánh niệm bằng cách tập trung sự sáng suốt và trí thông minh của mình vào công việc. Hãy đơn giản quan sát cách bạn làm một công việc bình thường. Bạn khởi sự như thế nào? Bạn tiếp tục ra sao? Bạn có thực sự biết mình muốn làm gì không? Bạn có nhìn tới trước để xem công việc này dẫn bạn tới đâu không? Hãy xét những hậu quả của hành động mình theo một tầm nhìn rộng rãi, đồng thời quan sát mọi chi tiết của việc bạn làm. Bạn có ý thức đến những hậu quả của từng bước công việc không?

Khi phát triển chánh niệm, bạn lại có thể quan sát cái cách mà những lúc quên tỉnh giác đã ảnh hưởng đến nhịp điệu và sắc thái công việc của bạn như thế nào. Khi làm việc có chánh niệm thì những động tác của bạn rất nhịp nhàng trôi chảy, tư tưởng bạn sáng sủa có tổ chức, những nổ lực bạn có kết quả. Vì con người bạn ăn nhịp một cách sâu xa với từng giai đoạn công việc và hậu quả của nó, nên bạn còn có thể đoán trước được cả kết quả. Bạn trở nên tỉnh thức trước cái động lực bên dưới hành động mình, và biết tóm bắt ngay bất kỳ khuynh hướng quên lãng hay lầm lỗi nào xảy ra. Khi đã thiện xảo về chánh niệm, bạn có thể đi sâu vào sự hiểu biết chính mình và những hành động của mình.

 

  • Sáng sủa tập trung và chánh niệm

Phát triển sự sáng sủa, tập trung và chánh niệm có thể giáo dục con người của ta theo một cách mà không trường học nào có thể làm, vì đối tượng học hỏi là bản tính ta. Mỗi bước trong quá trình này đưa đến sự tự tri lớn hơn, đến một tính quan sát bén nhạy giúp ta tự tri thêm nữa.

Sức mạnh và sự tỉnh giác mà chúng ta có được theo cách đó giúp ta kiểm soát được hướng đi và mục đích của đời mình. Mọi hành động của ta đều phản ảnh một sự tươi vui tự nhiên, đời sống và công việc bỗng có một tính chất nhẹ nhàng khả ý nâng đỡ ta trong mọi việc làm. Đời sống trở thành một nghệ thuật, một biểu hiện của sự tương tác suông sẻ giữa thân, tâm, cảm giác trong mọi kinh nghiệm. Chúng ta có thể tự nương cậy mình để viên mãn mọi nhu cầu thiết yếu, và thế là ta thực sự tự do. Sự tự do bên trong giúp ta sử dụng trí tuệ mình một cách khôn khéo, và khi đã biết cách sử dụng nó thì chúng ta không bao giờ mất đi sự sáng suốt và niềm tự tin mà nó mang lại.

Niềm tự do, nguồn sinh lực này có sẳn trong mỗi chúng ta. Khi chúng ta ý thức được những khả tính khai triển tự do nội tâm là ta khởi sự mở lòng ra đón lấy phúc lạc, sức khỏe và sự hài lòng ở cả quanh ta. Nhờ biết mình rõ hơn, ta sẽ có tuệ giác sâu hơn, có thêm hiểu biết và ý thức về bình an. Chúng ta sẽ tăng trưởng sức khỏe thân tâm, công việc, gia đình và những mối tương giao sẽ đầy ý nghĩa. Chúng ta sẽ dễ dàng đạt những mục đích mình đã đặt cho mình. Khi có được tự do nội tâm, chúng ta sẽ khám phá một niềm vui sâu xa bền bỉ trong mọi việc làm.

 

 

YÊU THÍCH CÔNG VIỆC

 

Mỗi giây phút trong đời sống là một dịp để học hỏi, mọi kinh nghiệm đều làm cho đời ta phong phú. Chúng ta là giám đốc sản xuất một màn kịch vĩ đại, chính do ta mà mỗi thời khắc cuộc đời mình được diễn xuất với phẩm chất cao bằng cảm hứng chân thật. Công việc, cái làm nên phần lớn kinh nghiệm hàng ngày của ta, là một cơ hội để phát triển cho đến khi thành tựu những đức tính phổ quát trong chúng ta, khiến cho cuộc đời trở nên phong phú và ý nghĩa.

Khi đặt hết năng lực mình vào công việc, thì công việc trở thành nền tảng xây dựng cuộc đời ta, qua đó ta thực hiện mọi dự tính của mình. Vì công việc luôn luôn đòi hỏi ta nỗ lực, nên nó cho ta một ý thức về thành tựu mà không gì khác có thể đem lại. Có niềm vui vô hạn trong cuộc sống khi mà ta yêu thích công việc mình làm, khi ta đảm nhận những công việc khó khăn nhưng rất “đáng đồng tiền bát gạo” và làm những việc ấy một cách chu đáo.

Nếu công việc không đóng vai trò lành mạnh như vậy trong đời ta, thì có thể là vì ta không dành hết nghị lực và tỉnh thức của ta cho công việc. Yêu thích công việc có nghĩa là dành cho nó toàn vẹn năng lực của tâm trí mình. Nhờ biết yêu thích công việc mà ta có thể chuyển sự chán chường bất mãn ta thường cảm thấy đối với việc làm thành ra một nguồn vui đầy ý nghĩa. Niềm yêu thích này tăng trưởng thành một nguyên động lực mạnh mẽ cho phép ta làm ngay cả những việc khó khăn rắc rối với một tâm hồn cởi mở, một chí nguyện sẵn sàng làm những gì cần.

Yêu thích công việc mình, say mê nó, có vẻ là chuyện lạ lùng khi ta xem công việc chỉ như một phương tiện sinh nhai. Nhưng nếu xem nó như một phương pháp để đào sâu và làm giàu kinh nghiệm thì ta có thể tìm thấy niềm yêu mến đó trong tim ta và đánh thức nó nơi những người xung quanh, xử dụng mọi khía cạnh của công việc để học hỏi và trưởng thành.

 

  • Bài tập: Lập kế hoạch trong ngày

Bạn có thể tự mình khám phá cảm giác “kỳ công” mà sự yêu thích công việc đem lại cho ta. Khi bắt đầu làm việc vào buổi sáng, dành ra một thời gian để định công việc trong ngày. Làm như vậy bạn tập hướng dẫn năng lực của mình một cách hữu hiệu và phát triển một ý thức rõ ràng về hướng đi và mục đích.

Khi bạn lập kế hoạch cho ngày làm việc của mình, hãy dự phòng những gì mà công việc của bạn sẽ cần đến, hãy để cho tâm bạn đang tản mác hướng ngoại phải đi vào sự quan tâm đến việc làm của mình trước mắt. Sự chuyển từ một tâm phân tán đến sự chú tâm cẩn thận sẽ giúp bạn hoàn toàn tập trung vào một công việc, và hoàn tất nó trước khi khởi sự làm việc kế tiếp. Cách làm việc này sẽ đánh tan ý nghĩ rằng có quá nhiều công việc phải làm và không bao giờ có đủ thời gian để làm việc. Nhờ khéo dự tính, khéo hướng năng lực của mình vào công việc, bạn sẽ hoàn tất rất nhiều việc hơn là bạn chờ đợi.

  • Bài tập: Xem xét lại mỗi ngày

Bạn cũng có thể kiểm tra lại tiến trình làm việc vào cuối ngày bằng cách xét bạn đã đặt bao nhiêu chú ý tập trung vào công việc, bạn đã hoàn tất được bao nhiêu. Khi bạn đã làm việc một cách tốt đẹp bằng tất cả năng lực của mình, thì tâm bạn sẽ cảm thấy sáng sủa, thân thể bạn khỏe mạnh. Dù không hoàn tất hết mọi mục đích dự tính lúc đầu, năng lực của bạn cũng được tăng trưởng khiến bạn có thể hoàn tất được nhiều hơn nữa trong tương lai.

Làm việc một cách thiện xảo (làm hết mình) là một cách luyện tập thân tâm rất tốt. Nhờ phát triển một ý thức sáng suốt để yêu thích công việc, ta luôn luôn hướng năng lực của mình vào những con đường hữu ích, làm cho tất cả những ngày ta sống trôi qua một cách êm đềm. Thay vì cảm thấy căng thẳng mệt mõi vì công việc, chúng ta lại được nuôi dưỡng bằng những cảm giác thích thú, tích cực. Khi ta biết đặt cho mình những mục đích khôn ngoan và đạt đến chúng một cách thoải mái thì niềm vui bền bỉ và thực sự thỏa mãn mà ta có về công việc sẽ tăng cường khả năng tiến bộ của ta trong mọi phương diện đời sống.

 

  • Hội nhập công việc và lạc thú

Sự tiến bộ đích thực là do biết hội nhập, áp dụng vừa tài năng thực tiễn vừa thái độ tích cực trong việc làm và trong đời sống. Khi triển khai lối nhìn này, dùng thời gian làm việc của mình làm môi trường huấn luyện, thì công việc của chúng ta biến thành quá trình học hỏi năng động. Càng để ý đến cách làm việc của mình ta càng giảm thiểu những rối ren và bất mãn nội tâm. Ta biết mình rõ hơn và có thể chuyển những tình huống tiêu cực thành ra những cơ hội tích cực để tiến bộ. Ta tự tạo cho mình một thế giới mới mẻ. Mặc dù những rắc rối hằng ngày vẫn tiếp tục xuất hiện, bây giờ ta có thể xem chúng như những phương pháp để cải thiện và làm giàu thêm kinh nghiệm mình.

 

  • Tầm quan trọng của thái độ

Thường khi đối mặt với công việc khó khăn, tâm chúng ta ưa đặt ra những giới hạn cho những gì có thể, những gì có thể khả thi. Những nỗi lo sợ, e ngại thường cản trở nổ lực của chúng ta. Nhưng khi yêu thích công việc, thì ta cố thoát khỏi những giới hạn như thế, ta không còn dè dặt rút lui. Nhờ thận trọng hiến mình cho công việc đang làm mà ta có thể thay đổi hoàn cảnh, đi vào một chiều hướng khác, nhắm đến những khả năng khác.

Chỉ nhờ thay đổi thái độ của ta, đi thẳng vào công việc, mà ta tìm được niềm vui thực hiện công việc của mình một cách thiện xảo, không bị bế tắc bên trong. Ngay cả khi mệt mỏi ta cũng tự thấy mình mở ra những nguồn năng lượng mới. Quả thế, ta có thể tìm thấy nguồn sinh lực mới nhờ luôn luôn vận dụng năng lực. Tất cả chúng ta đều có nguồn năng lượng dồi dào, chỉ cần chúng ta biết sử dụng nó.

 

  • Sự yêu thích nới rộng thời gian

Khi gặp được mục đích mình muốn đạt, ta khám phá ra rằng mình có nhiều thì giờ hơn để sử dụng. Chúng ta làm chủ mọi sự, có thể điều khiển nhịp nhảy của thời gian, hướng dẫn năng lực mình một cách hữu hiệu. Công việc trở thành thích thú và đầy sinh lực. Ta đâm ra yêu mến nó hơn, và sự yêu mến này được đền đáp. Yêu mến công việc, thực sự gắn bó với nó, là bí quyết để làm mọi việc một cách tốt đẹp và có được niềm thỏa mãn từ bất cứ cái gì ta làm. Khi yêu mến công việc thì ta sẽ có một thái độ bén nhạy thong dong, nó nuôi dưỡng và nâng đỡ ta. Công việc ta trở nên nhẹ nhàng thú vị, một nguồn hiểu biết và thưởng ngoạn sâu xa.

Khi có sự tiến bộ và cải đổi lành mạnh trong cách làm việc của mình, ta còn có nhiều năng lực hơn một ông vua, mà lãng địa của ta chính là những kinh nghiệm phong phú. Tính nhạy cảm của ta giống như đạo quân của vua, sự tỉnh thức sắc bén thì giống như đình thần, tình yêu và niềm vui giống như hoàng hậu. Chiều sâu và sự sáng suốt của ta, tấm lòng yêu thương cuộc đời, mức tập trung và sự chân thật của ta thì giống như chính ông vua ấy. Nếu không có những đức tính tốt lành này thì chúng ta chỉ là một ông vua hữu danh vô thực, cai trị một vương quốc trống rỗng; nếu có những đức này thì ta trở thành vô địch, có thể hoàn tất những mục tiêu đem lại thanh bình và vẻ đẹp cho đời sống của muôn loài. Công việc trở thành lạc thú cuộc đời, đầy cảm hứng và năng lực quý báu đến nỗi ta cẩn thận không muốn lãng phí một giây phút nào.

 

LÃNG PHÍ NĂNG LƯỢNG

 

Năng lượng là tài nguyên quý nhất của chúng ta, vì nhờ nó mà chúng ta chuyển được tiềm năng sáng tạo của mình thành hành động có ý nghĩa. Thân xác và tâm thức ta là những kênh dẫn năng lượng này, chúng xác định bản chất của sự biểu hiện năng lượng ấy. Khi chúng ta tận dụng mọi khả tính mà cuộc đời cống hiến cho ta, thì tâm trí và năng lực cùng hoạt động một cách điều hòa, mở ra cho ta sự phong phú của đời sống, lạc thú sâu xa của kinh nghiệm.

Khi còn trẻ, chúng ta có một năng lượng dồi dào. Có một nguồn sinh lực trong mọi hành động, giúp ta hoàn tất một cách dễ dàng bất cứ công việc gì đã khởi sự. Nhưng chíng vì năng lượng tuôn phát quá dễ dàng nên chúng ta không sử dụng nó một cách khôn ngoan. Chúng ta hướng nó đến những mục tiêu cá nhân và chỉ những việc gì ưa thích ta mới làm một cách hăng hái. Đối với việc dễ nhàm chán theo thói quen của đời sống hàng ngày, thì ta rút lại năng lượng của mình. Chúng ta cứ tưởng rằng khi tránh việc khó thì đời ta sẽ vui hơn, ta muốn dành thì giờ và năng lượng cho những việc mình thích. Chúng ta không hiểu rằng thành công là do nỗ lực và niềm hăng say, và khi tránh công việc là ta để lãng phí năng lượng và bỏ mất khả năng tiến bộ của mình. Cuộc sống trở thành một ao tù thay vì là một trường hoạt động đầy niềm vui.

Thời gian và năng lượng mà ta lãng phí không bao giờ có lại được. Một phần đời ta bị đổ xuống sông. Ta mất đi nguồn sinh lực phát xuất từ sự tham dự hết mình vào bất cứ công việc gì. Khi tưởng rằng mình còn rất nhiều thời gian trên đời, ta cứ có khuynh hướng làm việc gì cũng tà tà, triển hạn. Mặc dù ngày nào cũng lăng xăng suốt buổi, song ta cứ trôi nổi bềnh bồng từ chuyện này sang chuyện khác. Khi sử dụng năng lực kiểu đó thì chúng ta khó mà đi sâu vào bất cứ việc gì để tìm được thỏa mãn do động lực ta yếu ớt, sự chú ý không được tập trung.

Khi phí phạm thì giờ và năng lượng thì ta dễ cảm thấy đời mình thật trống trãi, không được sung mãn. Nhìn lại những gì đã làm ta thấy chẳng có gì đáng giá, do vì ta đã làm việc một cách miễn cưỡng nên không thành tựu một mục tiêu nào cho có ý nghĩa thực sự. Khi tuổi già đến ta có thể nuối tiếc những năm đã lãng phí đời mình, đã phung phí năng lực mình vào những việc không đâu. Nhưng khi nhận ra sự mất mát đó thì đã quá muộn màng không còn làm gì được nữa. Thời gian âm thầm lặng lẽ cướp dần đời ta, cuối cùng ta thấy mình không đạt được kết quả gì đáng kể.

 

  • Thấy rõ chu kỳ đi xuống

Khi quan sát cách làm việc của mình, ta có thể thấy mình lãng phí năng lực theo nhiều kiểu. Khi đã không đặt hết nỗ lực vào công việc, thì ta không khéo lập chương trình làm việc và thường làm không trọn vẹn những gì cần phải làm. Ta đâm ra lo âu căng thẳng, nhưng thay vì hướng thêm năng lực vào công việc, ta lại khởi sự mơ mộng, khiến cho tâm trí càng ít tập trung hơn vào việc làm. Động lực thúc đẩy ta làm việc càng giảm bớt, ta tìm cách giải trí và cuối cùng còn khiến cho những đồng nghiệp của mình cũng bị chia trí nốt. Khi những lề thói này tiếp diễn thì những kẻ phải làm việc nhiều hơn để bù lại. Sự hiềm hận từ đó manh nha đưa đến xung đột, thế là lại thêm năng lượng bị lãng phí.

Khi quan sát những mẫu mực này, ta thấy rằng phẩm chất năng lượng ta đặt vào công việc là yếu tố quyết định ta sẽ gặt hái được bao nhiêu lợi ích từ công việc ấy. Thời gian và năng lượng là những tài nguyên có thể giúp chúng ta thành đạt mọi mục tiêu mong muốn. Nếu biết sử dụng tốt những tài nguyên này, ta có thể chuyển hóa cuộc đời ta. Bởi thế điều quan trọng là phải tìm cách tốt nhất để vận dụng năng lượng của mình và tận dụng mỗi giây phút của đời sống.

 

  • Lượng giá thái độ

Bạn có thể khởi sự tập trung vào một công việc duy nhất, bén nhạy để nhận ra cách mình vận dụng năng lực. Hãy thành thực quan sát động cơ thúc đẩy: mình có đang làm việc hết sức không? Có tập trung sáng suốt không hay bị chia trí? Khi xong công việc hãy xét những kết quả của việc làm. Ta có thỏa mãn với những gì mình vừa hoàn tất không? Ta có hoàn tất công việc một cách nhanh chóng không, hay nó chiếm nhiều thời gian hơn ta dự tính?

Làm một công việc tầm thường hàng ngày với tất cả năng lực của mình còn tốt hơn làm một việc quan trọng với một tâm trạng lừng khừng không hăng hái. Bạn sẽ khám phá ra rằng chỗ khác nhau trong việc làm chính là cái thái độ làm việc. Khi đã làm được một cách tốt đẹp những việc đơn giản thì bạn có thể cải thiện khả năng lập kế hoạch cho những việc quan trọng hơn, và cuối cùng có thể thực thi một cách dễ dàng những công việc phức tạp.

 

  • Công việc gợi cảm hứng cách nào

Khi ta tập trung sử dụng một cách khôn ngoan năng lượng mình, thì tính kiên nhẫn, bền chí tự nhiên phát triển. Chúng ta kiên trì trong nổ lực mình, không phải một cách gượng ép mà đầy niềm vui và thưởng ngoạn thực sự.

Mỗi kinh nghiệm đều bồi dưỡng cho ta; sự tỉnh thức và sáng suốt tăng trưởng, và khi thêm sức mạnh nội tâm, ta có thể làm nhiều việc hơn ta tưởng. Mỗi ngày biến thành một sân khấu cho ta diễn tấn tuồng năng lượng sáng tạo của mình xuất phát từ sinh lực bên trong. Đời sống chúng ta trở nên tươi mươi hấp dẫn, công việc biến thành một nguồn cảm hứng luôn luôn khơi mở những khả tính mới mẻ. Ta khám phá tính sáng tạo và thông minh sẳn có trong ta được biểu hiện thành những phẩm chất năng động qua thời gian, sự đổi thay và tăng trưởng.

Cái cách ta làm việc biểu lộ tâm ta, con người bên trong ta. Khi làm việc với trọn vẹn năng lực mình, sự vận động cân não và thân xác đem lại cho ta sức mạnh, và bất cứ việc gì ta làm cũng sẽ tăng cường sự tỉnh thức nội tâm ta. Ta khởi sự đi con đường lành mạnh, đem lại sinh lực cho mọi việc ta làm. Ta động đến những mức độ tự tri có thể nâng đỡ ta. Khi tập trung năng lực vào những công việc đáng làm, đời ta trở thành một thời gian để thành tựu viên mãn hơn là một thời để ân hận tiếc nuối. Khi chúng ta thực sự tự thương mình và làm việc với tất cả sự quyết tâm cùng năng lực, thì bất cứ gì ta làm cũng luôn luôn chứa đựng niềm vui và ý nghĩa.

 

 

THƯ GIÃN

 

Khi ném một hòn sỏi vào một dòng nước đang chảy, bạn thấy nước chỉ tung tóe lên một chút. Cái gì xảy ra khi hòn sỏi chạm mặt nước là điều hầu như không thể nào xác định. Nhưng nếu nước lặng đứng yên tĩnh thì ta có thể thấy sự chuyển động của những làn sóng lăn tăn tỏa ra.

Khi chúng ta thư giãn, an tịnh cởi mở như một hồ nước trong rừng, phẩm chất của nội tâm ta hiện rõ. Chúng ta có một nhận thức bén nhạy trực tiếp về chính mình và phản ứng tương tác với mọi sự vật xảy ra xung quanh. Năng lượng chúng ta được tập trung hoàn toàn; ta có thể suy nghĩ khá phân minh, có thể dự tính và tổ chức tư tưởng mình một cách hữu hiệu. Chúng ta biết chắc điều gì mình muốn hoàn tất, những trở ngại như thế nào, làm sao để đánh tan chúng. Chúng ta làm việc một cách thoải mái, tiến hành trơn tru, hòa nhịp với công việc hơn là chống lại những yêu cầu của nó, chỉ làm những gì cần làm.

Công việc ta khi ấy mang một vẻ sống động đấy thách thức và thành quả, và hậu quả của hành động chúng ta phản ảnh cái phẩm chất thoải mái ta mang lại cho nó. Chúng ta có thể cảm thấy và thực sự thưởng thức niềm vui trong công việc, để cho hương vị sự sống tô điểm mọi việc ta làm.

Những áp lực căng thẳng của đời sống hàng ngày thường khiến chúng ta rất khó mà duy trì phẩm chất thư thái cởi mở giúp ta diễn đạt nội tâm mình. Khi đâm ra nóng nảy bực bội, thì nhận thức của ta cũng trở thành u ám, nên không còn có thể thấy rõ phải làm gì. Chúng ta trở nên phân tán, làm việc không hiệu quả, rồi sự thể này trở lại khiến cho ta càng mệt mõi và căng thẳng thêm. Nỗi lo âu căng thẳng thay thế cho hành động hữu hiệu chỉ tổ khiến cho năng lực của ta khô kiệt. Chúng ta tự thấy mình đang lo lắng về công việc mình thay vì thực sự xử lý công việc. Sự lo lắng ấy chiếm hết năng lượng của ta đến nỗi ta không còn có thể tự do đáp ứng những đòi hỏi của tình huống mới. Tâm lo nghĩ làm cho thân xác căng thẳng và do vậy càng khó làm việc một cách vui vẻ có hiệu năng. Khi sự lo âu chiếm chỗ của lạc thú trong công việc, thì ta không còn chỗ nào để tìm nguồn vui trong đời sống và san sẻ nó với người khác.

 

  • Bài tập: Giải tỏa căng thẳng

Chúng ta có thể thoa dịu thân tâm, giải tỏa những căng thẳng làm trở ngại sự lưu thông tự nhiên của khí lực. Những biểu hiện vật lý của sự căng thẳng thì rất dễ nhận ra và giải tỏa, như những cơ trên mặt co rúm, thường xuyên nhức đầu, hoặc vô cớ cảm thấy mệt mõi. Khi thư giãn những căng thẳng trên thân ta cũng có thể giải tỏa áp lực trong tâm ta. Điều này giúp ta có đầu óc minh mẫn để giải quyết mọi tình huống một cách hữu hiệu. Bằng cách ấy ta có thêm năng lực và hướng nó vào mục tiêu xây dựng.

Khi bạn làm việc mà cảm thấy căng thẳng mệt mỏi, thì hãy ngồi xuống 10, 15 phút tại một nơi yên tĩnh không bị quấy rầy, và nhắm hai mắt lại. Miệng hơi hé mở, rồi bắt đầu thở từ từ rất nhẹ rất êm. Để cho hơi thở bạn yên tĩnh lắng dịu, rồi nhẹ nhàng đưa sự chú ý của bạn đến những cảm giác trong cơ thể bạn. Đừng nghĩ đến công việc hay những người cộng sự; chỉ thư giãn vào thân thể và cảm giác nơi thân bạn. Khi cảm thấy có chỗ nào căng, như ở trán hay sau vai, hãy để cho hơi thở vỗ về làm nó lắng dịu, cho tới khi bạn cảm thấy có sự thư giãn khỏe khoắn sâu xa.

Khi trở lại công việc, hãy làm một cách từ từ thoải mái, thở nhẹ nhàng, giữ liên lạc với những cảm giác của bạn. Hãy phát triển một phẩm chất tập trung nhẹ. Hòa tan ý nghĩ và cảm giác, để cho thân và tâm hợp tác chặt chẽ quân bình. Khi mở miệng nói, hãy giữ liên lạc với ý nghĩa và cảm giác mỗi lời nói gợi lên, và giọng nói nên nhỏ nhẹ. Suốt ngày hãy dùng cách thở đều thở nhẹ để duy trì trạng thái khinh an, quân bình.

 

  • Giải tỏa năng lượng

Chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui trong mọi việc mình làm, khi tập xem công việc như một thú vui thay vì xem nó như một đày ải. Công việc chẳng có gì quan trọng, nó cũng chỉ là một phần khác của đời sống. Khi thư giãn, tỉnh táo, ta giải tỏa năng lượng mình vào công việc một cách sáng tạo tích cực làm lợi lạc cho người khác cũng như chính mình.

Khi tiến hành giải quyết những vấn đề mà ta không có thái độ căng thẳng lo âu, thì tính kiên nhẫn và động năng của ta đều tăng trưởng, cùng với khả năng tìm giải pháp cho bất cứ khó khăn nào có thể xảy ra. Ta thấy mình đã tìm ra phương tiện khéo để hoàn tất bất cứ gì đã khởi sự. Công việc và hoạt động giải trí đều thú vị suông sẻ. Chúng ta mở rộng tầm hiểu biết và đào sâu khả năng thưởng thức cuộc đời, để được đời nuôi dưỡng, được sống thực sự thỏa mãn. Mọi việc ta làm khi ấy sẽ đem lại sự bồi dưỡng đích thực, đem lại niềm hoan hỉ liên tục và lâu dài.

 

  • Giá trị của thư giãn

Sự thư giãn mang lại sinh lực và niềm vui cho mọi hành động của ta, kích động trí thông minh và làm cho toàn thân ta thêm năng lực. Những giác quan ta trở nên tỉnh giác bén nhạy trước mỗi âm thanh hình sắc. Những chuyển động và tư duy của ta biểu lộ tư cách một nội tâm phong phú. Khi làm việc và sống hòa hợp với mọi người xung quanh và với chính công việc của mình, chúng ta còn gợi cảm hứng cho người khác cũng tìm thấy một sự thoải mái trong đời sống như ta. Ta sẽ thấy được tính bản thiện của mọi người và những hành động của ta sẽ góp phần phát triển tiềm năng trọn vẹn trong mỗi con người, nâng cao sức khỏe và phẩm chất của cả cuộc đời.

 

 

NIỀM HOAN HỈ

 

Niềm hoan hỉ phát xuất từ sự tiếp xúc thực sự với kinh nghiệm, từ một nhận chân sáng suốt vẻ đẹp của cuộc đời và những phẩm chất thật sự của bản tính con người. Nó vô cùng sâu xa hơn lạc thú hay niềm tri ân của ta đối với cuộc đời, vì niềm hoan hỉ chân thực sẽ giúp ta cảm được tính viên mãn và ý nghĩa cuộc đời bằng tất cả con người của ta.

 

  • Chìa khóa của sự tuyệt hảo

Trái tim và khối óc ta được hưng vượng nhờ dưỡng chất và sự thỏa mãn mà đức tính hoan hỉ mang lại. Chúng ứng phó mọi sự với một năng lực và tính sáng sủa khiến cuộc đời ta được thắp sáng bằng tình yêu và hiểu biết sâu xa. Những phẩm chất này tỏ lộ trong mọi việc ta làm, khiến cho mỗi công việc đều trọn vẹn, những tương giao của ta với mọi người đều thấm nhuần sự nồng ấm và viên mãn.

Chúng ta ai cũng muốn được những gì tốt nhất từ cuộc đời. Chúng ta muốn được hạnh phúc khỏe mạnh, muốn thực sự thích thú và thưởng ngoạn công việc của mình. Nhưng mặc dù cố gắng có được những điều ấy, rốt cuộc chúng ta thường bị bất mãn. Chúng ta có thể có được một mái ấm gia đình, bằng hữu, nói tóm lại là một đời sống tốt đẹp. Nhưng nếu ta không yêu thích nổi công việc của mình thì hóa ra gần nữa đời chúng ta - một phần lớn trong mỗi ngày tỉnh thức - phải trôi qua với một công việc mà ta không tha thiết gì đến nó, một việc mà ta muốn chẳng thà đừng làm thì hơn. Ta có thể trải qua phần lớn đời mình để cảm thấy bất mãn chán chường, đến nỗi ta không bao giờ tỉnh dậy trước niềm vui sống thực. Chúng ta đành hẹn đến mai sau họa may mới có cơ hội thực sự được thỏa lòng mãn nguyện, có lẽ là khi ta đạt được mục đích, hoặc sau khi ta đã chết rồi phần thưởng dành cho ta mới đến. Nhưng cái chết sẽ đến, cuộc đời sẽ chấm dứt, liệu chúng ta có bao giờ sống được một giây phút thưởng ngoạn chân thực hay không? Liệc có chăng một cảm giác thỏa ý toại lòng về cuộc đời đã trôi qua?

 

  • Cần cái tốt nhất

Thật sự chúng ta không nhất thiết phải đành chấp nhận nỗi bất mãn bực dọc mà ta cảm thấy về công việc mình. Chúng ta có thể thưởng thức mọi giây phút đời mình và làm cho mọi kinh nghiệm xảy đến phải phong phú viên mãn. Khi đổi thái độ và tìm ra vẻ đẹp trong mỗi kinh nghiệm thì công việc trở nên thoải mái đầy ý nghĩa, cuộc đời thật đầy niềm vui. Đây không phải là một giả thuyết mà là một phần của sự sống lành mạnh. Tất cả chúng ta đều có thể tập thưởng ngoạn kinh nghiệm mình một cách trọn vẹn, chấp nhận và sống kinh nghiệm bằng cả thân, tâm, cảm thức chúng ta.

Khi ta tưởng rằng chỉ khi đạt mục đích ta mới có niềm thỏa mãn, khi ta không thể làm việc mỗi ngày với nhiệt tình và niềm vui, tức là ta đã tách mình ra khỏi niềm vui sống thực. Chúng ta cần có lối nhìn năng động về công việc mình, một lối nhìn đem lại sức mạnh và sự sáng sủa nâng đỡ chúng ta mỗi khi những rắc rối hàng ngày xảy đến.

 

  • Mộng đẹp

Hãy xét những gì sẽ xảy ra khi ta chỉ nghĩ đến mục đích. Chúng ta có thể có một ý tưởng đẹp; ta mơ có một ngôi nhà miền quê và quyết định xây cất. Chúng ta khởi sự dự án này một cách hăng say. Mọi việc tiến hành khá trôi chảy đấy, nhưng rồi một ngày kia một vấn đề trọng đại trồi lên. Hoặc ngôi nhà sẽ tốn hao thêm nhiều hơn ta dự tính, hoặc gặp một lỗi lầm trong kiến trúc khiến ta phải phá để xây lại. Ở điểm này ta có thể đâm chán, cái năng lực mơ tưởng về ngôi nhà không còn nữa, nhưng ta vẫn tiếp tục xây dựng, càng ngày càng vướng sâu vào dự án. Nhưng khi có nhiều rắc rối nữa khởi lên – đây là chuyện thường gặp – ta thấy những mơ ước của mình tàn lụn. Xây một ngôi nhà là chuyện bực mình, nó chiếm quá nhiều thời gian, và khó hơn ta nghĩ rất nhiều. Chúng ta phấn đấu thêm một thời gian nhưng cuối cùng, khi những trở ngại tiếp tục phát sinh, chúng ta có thể quyết định bỏ cuộc, bán quách cái ngôi nhà trong mộng ấy và xoay sự chú ý của mình về hướng khác.

Điều này có thể xảy ra trong bất cứ việc gì ta làm, khi ta không biết thưởng thức công việc hàng ngày mà cứ mơ những giấc mộng đẹp về mục đích. Điều đáng chán hơn nữa là khi ta khám phá rằng cái cùng mục đích đạt được trong thực tế khác xa với giấc mộng kỳ diệu của ta về nó. Khi đạt mục đích chúng ta thường thấy nó chỉ là một ánh sáng mờ nhạt, niềm phấn chấn bốc đồng thoáng qua nhanh. Thế nhưng ta lại sẳn sàng đổi nhiều tháng, cả đến nhiều năm căng thẳng bất hạnh lo âu để có được ít phút giây lạc thú mong manh ấy.

Đôi khi, như người xây nhà, chúng ta bỏ cuộc lúc có quá nhiều rắc rối tràn ngập. Dù có tiếp tục thì chúng ta cũng phải lùi bước trước những khó khăn đương nhiên phải có khi muốn đạt mục đích. Thỉnh thoảng trên đường đi ta có thể cảm thấy hài lòng vì một thành tích nào đó, nhưng niềm vui của ta thường không bền bỉ. Chẳng bao lâu một mối xung đột khác nổi lên, và mẫi mực cũ trở lại. Đối với chúng ta dường như là phải hy sinh lạc thú cá nhân mới đạt được mục đích.

Khi chúng ta lập thành thói quen nhìn các dự án theo kiểu đó, thì ta sẽ thấy rằng ngay cả niềm vui khi thực sự đạt những thành tích quan trọng cũng không bù lại được những rắc rối ta gặp trên đường. Sự thật là, chúng ta đã mất hết ý thức làm thế nào để thưởng ngoạn cái thời gian và nổ lực mà ta sử dụng để đạt mục tiêu.

 

  • Bí quyết của lạc thú

Làm sao để tìm lại bí quyết thưởng thức hương vị từng kinh nghiệm của mình, bí quyết xem trọng từng chi tiết của công việc ta đảm trách? Bí quyết ấy nằm ngay trong chúng ta, chúng ta có thể tự học lấy. Chúng ta đã biết làm thế nào để được thích thú, chỉ cần ta đem niềm vui thú ấy vào mọi công việc ta làm.

Khi thích thú, ta có nhiều tính sáng tạo. Cuộc đời đầy cả quyền năng và chúng ta có thể đưa niềm phấn chấn của những mộng mơ của mình vào mọi giây phút. Khi làm việc cách tốt nhất của ta, thì ta sẽ thích mỗi chi tiết của công việc cũng như sự hoàn tất công việc. Vậy thì tại sao chúng ta lại chọn lựa kiểu bực mình thất vọng khi ta có thể chọn kiểu làm cho đời mình phong phú đầy hương vị bằng cách biết yêu thích công việc?

Khi dừng lại để nhìn kỹ cái cách ta làm việc, nhất là cách ta không chịu để cho mình vui với công việc, thì ta có thể học cách trưởng thành theo từng ý nghĩ từng hành động. Chúng ta có thể quyết thay đổi lối phản ứng của mình và tìm lợi ích tiềm ẩn trong mỗi tình huống. Bằng cách đó chúng ta tạo nên và tăng cường một lối sống tích cực. Tại sao chỉ nhìn về tương lai để tìm hạnh phúc, phấn đấu hy sinh để thực hiện những mục tiêu xa vời, trong khi ta có thể tập cách thưởng thức sâu xa từng mỗi giây phút của đời mình?

Chúng ta có thể tìm nhiều lạc thú trong khi làm công việc hơn cả lúc nhàn rỗi đi tìm thú vui. Khi tiếp cận công việc với ý thức nó sẽ đem lại thỏa mãn cho ta, thì ta dễ làm việc ấy một cách chu đáo. Trong tinh thần vui vẻ ấy tự nhiên ta sẽ dành thì giờ để cẩn thận lập kế hoạch làm việc, dự đoán những khó khăn có thể xảy ra. Khi ấy chúng ta sẽ không mất thăng bằng, không hốt hoảng khi có vấn đề rắc rối, vì chúng ta đã chuẩn bị chấp nhận chúng và đối phó với thách thức mà chúng mang lại.

 

  • Hoan hỉ làm tăng tin tưởng và sức mạnh

Khi sử dụng thời gian hiện tại một cách khôn ngoan, rút tỉa lạc thú từ mọi việc ta làm, thì ta có thể tăng cường khả năng được hạnh phúc trong tương lai. Thưởng thức vẻ đẹp của từng giai đoạn giúp ta nhận ra giá trị của mọi khía cạnh trong cuộc tồn sinh. Sự nhận thức này làm cho tuệ giác ta thêm chiều sâu và quyết định cùng hành động của ta đầy hứng cảm không kém kết quả của hành động. Tính hoan hỉ có thể là bậc thầy vĩ đại nhất của chúng ta, vì nó chỉ cho ta làm cách nào để sử dụng tốt đẹp những khả năng mình để cải thiện cuộc đời một cách bền bỉ có ý nghĩa.

Khi ta tập hoan hỉ với tất cả những gì mà cuộc đời mang lại cho mình và nhận ra những phẩm chất tích cực có sẳn trong ta, thì mỗi phút giây đều tràn trề sinh động. Dù gặp cảnh ngộ nào, thân tâm và cảm thức cùng năng lượng của ta cũng tỏa ra nhiệt tình và sự hân hoan. Khi sống được như vậy thì mỗi hành vi sẽ giống như một giọt cam lồ mát dịu. Chúng ta trở nên bén nhạy, thưởng thức sâu xa mọi mối tương quan với người và công việc. Ta có thể chấp nhận và xử lý mọi tình huống vì vững tin ở khả năng và sức mạnh của mình. Sống cách đó sẽ mang lại vẻ đẹp và niềm vui cho mọi lúc. Ta sẽ không thiếu cơ hội tìm được lạc thú và sự viên mãn, vì phẩm chất của mỗi kinh nghiệm đều được ta đào sâu và chuyển hóa.

 

SỰ TẬP TRUNG 

Sự tập trung giống như một viên kim cương, đấy là sự quy tụ sáng chói tất cả năng lượng, trí và tình của chúng ta vào một việc. Khi chúng ta tập trung toàn triệt, thì ánh sáng của những khả năng ta sẽ chiếu tỏa ra nhiều màu sắc, tỏa khắp những gì ta làm. Năng lực của ta trở nên to lớn và sáng suốt, giúp ta thực hiện mỗi công việc một cách nhanh chóng dễ dàng, và chúng ta ứng xử một cách vui vẻ hăng hái với mọi tình huống mà công việc mang lại.

Khi phát triển khả năng tập trung, ta khám phá một phẩm chất cốt tủy làm cho sự tỉnh thức thêm bén nhạy và tăng cường niềm vui của ta về mọi kinh nghiệm. Nhưng có được sự tập trung ấy không luôn luôn là chuyện đơn giản. Tâm ta ưa theo những khuynh hướng bốc đồng của nó, và chúng ta dễ bị nó dụ cho đi xa công việc đang làm, nghĩa là năng lực ta dễ bị phân tán, tản mác, thay vì tập trung vào công việc. Chúng ta khởi sự chào đón mọi sự chia trí khởi lên trong ngày, nhất là khi ta đang làm một việc mình không thích.

Khi ta đầu hàng trước những ảnh hưởng lôi kéo tâm ra khỏi công việc, sự thiếu tập trung của ta sẽ phản ảnh trong phẩm chất của thành quả. Càng ít tập trung tâm trí vào việc làm thì ta càng làm nhiều lầm lỗi, và càng mất nhiều thời gian để làm mọi sự. Cuối cùng ta sẽ đâm chán vì mình thiếu thành tích vẻ vang, và sự bất mãn này trở thành một kiểu chia trí khác nữa. Dần dà ta thấy khó mà duy trì động năng làm việc và có thể ta bỏ cuộc từ lâu trước khi thành đạt mục đích. Khi thời gian trôi qua mà công việc chưa thành, ta lại tự hỏi sao bao nhiêu nỗ lực của mình chả đi đến đâu.

 

  • Tập trung sáng tạo

Khi học cách gom năng lực mình thành một khối là ta học tập trung tư tưởng. Chúng ta có thể làm việc này bằng cách ép tâm mình chú ý, nhưng khi cố thi thố ý chí, thường rốt cuộc ta chỉ chiến đấu với mình. Cảm thức mình cần phải tập trung làm việc khiến ta đâm ra nóng nảy; nỗi lo của ta tạo nên rối ren và thực sự là ta đang tự ngăn cản mình tập trung cho tốt.

Mặc dù tập trung có nghĩa là dồn hết năng lực, song nó hoàn toàn không phải là khiến cho tâm thức thu hẹp lại, mà đấy là một phương tiện để mở lòng ra với công việc, với kinh nghiệm, với cuộc đời. Bởi vậy, tiến trình tập trung có thể hiệu quả hơn nhiều nếu ta khích lệ tâm mình hơn là chiến đấu với nó, nếu ta biết dẫn dắt tâm mình một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết để nó đi vào công việc. Thay vì nhìn công việc như kẻ thù phải chiến thắng, ta có thể chào đón những thử thách nó mang lại. Khi làm thế, ta có thể tập trung năng lượng mình một cách nhẹ nhàng thích thú, và dễ dàng kiên trì với công việc cho đến khi đạt mục đích. Làm việc cách đó thì ta có thể vui với cả những công việc mình không thích.

 

  • Bài tập: Tập trung toàn vẹn

Muốn phát triển cách tập trung nhẹ nhàng vào công việc, hãy khởi sự bằng cách thư giãn, làm từ từ mỗi lúc một việc. Trước khi khởi sự làm việc, hãy ngồi yên vài phút, thở chậm và nhẹ nhàng. Hãy ý thức từng hơi thở khi nó ra vào cơ thể bạn. Từ từ chìm lắng để nghe những cảm giác của mình và để chúng lan tỏa ra, khiến tâm được an tĩnh. Rồi bạn có thể bắt đầu công việc với tâm trạng tươi mát, tỉnh thức.

Hãy để cho những ý nghĩ của bạn trở nên lắng dịu không dồn dập. Nhìn công việc của bạn với một nhãn quan rộng rãi, xét xem gì là những việc ưu tiên và những gì bạn muốn hoàn tất trong ngày. Rồi nhẹ nhàng để tâm  vào một việc duy nhất. Hãy khởi đầu với một việc gì theo lề thói và lập kế hoạch để thực hành việc ấy. Đặt cho mình một mục đích nhât định và thời gian phải làm xong. Rồi làm cho xong việc, theo từng bước một, ở lại với nó cho đến khi hoàn tất. Tảng lờ những phân tâm bằng cách tập trung một cách lơi lỏng nhưng toàn vẹn vào từng chi tiết vào công việc mình làm. Khi có những tư tưởng lạc đề xen vào tâm trí, hãy buông xả chúng.

Khi làm việc hãy để ý phẩm chất của năng lượng, xem bạn có đăm chiêu trong những gì mình đang làm không, hay chỉ chú ý một phần, còn phần khác lang thang vào những việc khác. Khi tâm lang thang, hãy nhẹ nhàng dẫn nó trở lại công việc. Khi đã làm xong công viêc, hãy kiểm tra xem mình có hoàn tất những gì dự định làm hay không, và để ý phẩm chất sự chú ý mà bạn đặt vào công việc. Làm việc cách ấy, bạn sẽ thấy rằng sự tập trung tuôn chảy một cách tự nhiên khi nó đã bắt đầu, và ngay cả những việc tầm thường nhất cũng trở nên thú vị và cần thiết.

Khi bạn đã quen với kỹ thuật này, hãy áp dụng nó vào những hoạt động dần phức tạp hơn. Bạn sẽ nhanh chóng nhận rõ nhu cầu của công việc mình và ý thức được cách làm thế nào để sử dụng năng lượng của bạn. Tư tưởng bạn trở nên có tổ chức hơn và năng lực sẽ đều đặn hơn, bạn sẽ phát triển một trật tự hợp lý cho những hành động của mình, một trật tự có thể được tuân theo trong bất cứ công việc gì. Khi đã nắm vững khả năng lập kế hoạch cẩn thận và kiên trì để đạt mục tiêu bạn sẽ thấy mình có khả năng tập trung mạnh hơn. Trông thấy những gì mình đã thành tựu sẽ khiến bạn thêm hăng hái và càng tăng sự tỉnh thức cùng tài khéo.

 

  • Tập trung giúp thêm niềm tin

Khi biết cách tập trung, thì chúng ta đâm ra tin tưởng khả năng mình để hoàn tất mọi công việc. Chúng ta chấp nhận những thử thách  và sẵn sàng dấn thân. Nhờ ta không còn tìm cách giải trí hoặc tránh né công việc cần làm, nên công việc sẽ trôi chảy hơn, được làm cho phong phú bởi năng lực chú tâm trọn vẹn của ta. Mục đích của việc ta làm trở nên sáng sủa. Khi học cách làm việc cho tốt, thì bối rối lo âu nhường chỗ cho niềm tin, và chúng ta có đầy năng lực dành cho sáng tạo, niềm vui và sự thành tựu. Ta thấy không có chướng ngại nào có thể ngăn cản ta đạt mục đích mình.

Khi tập trung đã trở nên sâu sắc thì tư tưởng ta được tổ chức, năng lượng ta đều đặn và sự tỉnh giác gia tăng, ta biết rõ hơn những gì mình làm. Sự tập trung trở thành một phần của đời ta, mọi lúc mọi nơi. Một cuộc dạo chơi trong rừng cũng có thể trở thành một kinh nghiệm thực sự tươi mới và vui vẻ, khi ta tập trung vào những chi tiết của nó – mùi hương của đất, tia nắng mặt trời nhảy múa trên cành lá, cảm giác ngọn gió nhẹ luồn qua tóc. Tất cả sự sống đều mang vẻ sáng và chiều sâu, phạm vi kinh nghiệm trở nên sâu sắc hơn, ta biết cách thực sự thưởng thức mọi giây phút.

Vì sự tỉnh thức, hiệu quả, và khả năng thưởng ngoạn của ta tăng trưởng, nên những người xung quanh ta cũng được lợi lạc. Khi những nỗ lực chúng ta có kết quả đem lại hạnh phúc cho người khác, khi ta san sẻ với người khác những sự chuyển hóa mình đã làm, thì đấy là mục tiêu thành công nhất mà ta có thể thực hiện. Nếu tin vào khả năng mình có thể giúp người theo cách ấy, thì những mục tiêu mà ta nhắm đến cũng có thể là mục tiêu của tất cả mọi người, tất cả cuộc đời.

 

THỜI GIAN

 

Ta có thể tập biến thời gian thành một người bạn, một người giúp đỡ, vì nó là nguồn cảm hứng cho tất cả mọi sự có mặt trên đời. Thời gian cho phép mọi sự việc xảy đến, đấy là dòng chảy của những biến cố, sự tuôn phát kinh nghiệm. Thời gian cho ta cơ hội quý báu để sống, để phát triển, để trưởng thành, để thưởng thức bản chất nội tâm ta. Mặc dù thời gian của chúng ta cuối cùng sẽ cạn kiệt, mạng sống sẽ chấm dứt, bao nhiêu cơ hội sẽ tan biến, thời gian vẫn là yếu tố giúp cho đời sống của chúng ta khai hoa nở nhụy.

 

  • Lãng phí thời gian là phí phạm cuộc đời

Ta có thể sống trọn cuộc đời mình mà vẫn chưa từng biết đến thực chất của thời gian. Vì ta không thực tâm nghĩ đến giá trị thời gian, nên ta vô tình ném qua cửa sổ những giây phút quý báu của đời mình. Vì cứ nghĩ “vẫn còn thời gian mà” nên ta cứ lần lửa việc gì cũng hẹn để về sau sẽ làm, hoặc mất hết thì giờ cho kẻ khác vào những cuộc chuyện trò vô nghĩa, giải trí vô ích. Ta sẽ không bao giờ bất cẩn kiểu đó khi cho ai mượn tiền, nhất là nếu biết rằng ta sẽ không bao giờ đòi lại được. Thế nhưng chúng ta lại tưởng mình có đủ thời gian để lãng phí.

Cái thói quen lãng phí thời gian là một tập quán cha truyền con nối, nó lây lan từ thầy sang trò, lan truyền giữa bè bạn với nhau. Chúng ta không được dạy dỗ phải tôn trọng phẩm giá thực thụ của thời gian hoặc phải sử dụng thời gian một cách hữu hiệu. Chúng ta để cho thời gian của mình trôi suông, tư tưởng đi lòng vòng không có một ý thức nào về tinh huống hay mục đích.

Ta thấy thực khó mà làm được gì nhiều với tâm trạng như vậy, và hậu quả là sự tiến bộ của riêng ta rất chậm chạp, sai hướng. Khi cố nhớ lại ta đã làm được gì, thì ký ức ta rất mờ nhạt, dường như ta cũng đã làm một việc gì ấy, nhưng thực khó mà nêu lên những thành quả đặc biệt. Ý thức mơ màng này nhỏ nhiệm đến nỗi có thể rằng cả cuộc đời đã trôi qua, mạng sống sắp tàn, thời gian của ta sắp hết, mà ta vẫn không biết đời mình đi về đâu.

Cái ý thức mơ màng rằng thời gian đang cuốn phăng đời mình có thể là một cảm giác hãi hùng khủng khiếp. Cả cuộc đời chúng ta luôn luôn hấp tấp vội vàng; ta bị thời gian cai quản, lưng ta oằn xuống dưới áp lực của thời gian, luôn luôn vội vã cho kịp thời hạn chót. Chúng ta vội làm cho xong việc rồi nhảy vào một việc khác trong khi việc này chưa xong. Ta di chuyển quá nhan không còn đâu thì giờ để thưởng thức sự sống, để đào sâu cảm thức về giá trị và mục đích của đời ta. Dù chúng ta có làm việc nhiều giờ mỗi ngày, nhưng nếu không làm việc một cách nhịp nhàng với dòng thời gian tuôn chảy thì ta sẽ thấy mình không làm được cái gì thực sự đem lại thỏa ý.

Lãng phí thời gian thì cũng giống như rút từng hạt ngọc ra khỏi một chuỗi ngọc mà vứt đi. Nhưng khi sử dụng thời gian một cách tốt đẹp thì mỗi giây phút là một viên ngọc thêm vào làm tăng vẻ đẹp cuộc đời ta. Vì thời gian chính là mạng sống của ta nên nó rất quý báu, ta phải học cách nâng niu trân trọng thời gian. Thời gian không bao giờ có bản sao thứ hai, không kinh nghiệm nào có thể được tái tạo. Mỗi giây phút đều độc nhất vô nhị, đều là một quà tặng mà ta phải biết trân quý và sử dụng một cách tốt đẹp. Sự sống là vô giá, nếu ta lãng phí thì giờ, tức là chúng ta mất đi một cơ hội hiếm hoi.

 

  • Phác họa một đời mới

Khi hiểu ra được rằng thời gian chính là sinh mạng của mình, thì chúng ta có thể khởi sự ngắm xem cho kỹ cái cách mình dùng thời gian và tập sử dụng nó một cách khôn ngoan.

Bằng cách để ý cẩn thận từng giây phút, từng chi tiết, chúng ta tập vận dụng vô hạn phút giây ấy để hoàn tất mục đích mình, mang lại cho đời mình một ý thức phong phú về sự thành tựu.

Chúng ta nhận thấy rằng muốn sử dụng thời gian cho hữu hiệu thì ta phải biết tổ chức, phải tiến hành một cách cẩn thận từng bước một, tận dụng, thưởng thức trọn vẹn mỗi giai đoạn trước khi bước sang đoạn kế tiếp. Một người thợ mộc không bao giờ xây nhà bằng cách gõ tường và mái lại với nhau một lượt rồi gắn vào chỗ này chỗ kia những cái cửa sổ. Trước hết, ông ta phải phác họa một đồ án và tiến hành từng chi tiết một cách thận trọng, từ nền móng mà xây lên, đóng từng cái đinh, từng tấm ván, đặt từng viên gạch. Biết cách dùng thời gian cũng theo tiến trình tương tự. Mỗi phút là một phần quan trọng của công việc đang làm, ta phải xem xét kỹ và hội nhập nó vào đồ án chung.

Một người thợ mộc không để ý những chi tiết công việc mình, lãng phí những cái đinh còn tốt, bỏ quên dụng cụ chỗ này chỗ kia, làm những cửa lớn khó mở, những nền nhà rung rinh kêu răng rắc, thợ mộc ấy sẽ bị gọi là một kẻ lừa bịp. Thế mà khi lãng phí thời gian. để cho nó tuột mất, thì chúng ta còn tệ hơn người thợ mộc ấy. Không chỉ công việc ta bị thương tổn mà chính con người của ta cũng trở nên kém phẩm chất, vì ta đã tự lừa dối mình. Cuộc đời quá đẹp, thực không nên lãng phí thời gian do sự thiếu cẩn trọng của ta.

 

  • Bài tập: Dàn trãi thời gian

Để có một ý niệm về cách dùng thì giờ của mình, bạn hãy ngoái nhìn lại tháng vừa qua. Hãy xem bạn có bao nhiêu thời gian để sử dụng, phát triển một ý thức sáng suốt về giá trị của mỗi lúc, rồi nhìn cái cách bạn sử dụng mỗi tuần, mỗi ngày, mỗi giờ. Nếu bạn không thể giải thích cách dùng tất cả thời gian đã qua của bạn, thì hãy tự nhủ mình nên có ý thức hơn về việc ta đã để thì giờ trôi đi đâu.

Nếu ước lượng thời gian một cách cẩn thận, thì chính thời gian lại dường như giãn rộng ra. Chúng ta có thể làm việc nhanh hơn, nhưng tốc độ lại mất hết tính cách thúc giục làm điên đầu của nó, và nhịp điệu làm việc của ta trở nên êm lắng. Công việc tiến hành thật nhanh nhờ khéo tổ chức, mỗi giai đoạn được sử dụng tiềm năng tối đa của nó. Do biết được ta đang tiến về hướng nào, ta dễ tiên liệu kết quả công việc và thêm tin tưởng ở khả năng thành tựu của mình.

Giá mà từ tấm bé chúng ta đã được giáo dục cách sử dụng thời gian thì chúng ta đã thành tựu không biết bao nhiêu việc! Và sự thành công đã không có vẻ hiếm hoi đến thế, không còn như thể là chuyện hên xui may rủi đến thế, mà sẽ nằm trong khả năng của tất cả mọi người. Khi để cho chiều hướng thời gian chuyển hóa những công việc của mình, thì ta sẽ vô vàn khả năng tăng tiến và phong phú kinh nghiệm. Một thành ngữ thông dụng là “có một thời gian tốt đẹp” nhưng chúng ta thường đánh mất ý nghĩa chân thực của nó là “ làm việc thật tốt, tăng tiến tâm hồn, tìm sự thỏa mãn lâu bền trong cuộc sống”.

Khi chúng ta làm chủ sự sử dụng thì giờ của mình, thì ta có thể thưởng thức công việc và làm việc một cách tốt đẹp, và khi ấy ta còn thưởng thức được những hoạt động khác một cách trọn vẹn hơn. Ý thức được tăng cường của chúng ta về thời gian sẽ làm cho sự thưởng thức mọi việc xảy đến quanh ta thêm nhạy bén. Năng lực chúng ta tăng thêm và san sẻ với người khác, giúp họ học hỏi, tiến bộ. Ta phát triển cái ý thức rằng mình có ích cho kẻ khác, và điều này làm cho công việc ta, cuộc đời ta thêm ý nghĩa. Khi biết trân quý giá trị của thời gian và cấu trúc đời sống mình một cách sáng suốt, là chúng ta đã động đến suối nguồn sâu xa của tiềm năng con người.

 

LÀM VIỆC HẾT MÌNH

 

Chúng ta ai cũng có những lúc đắm mình vào công việc đang làm một cách sâu xa đến nỗi chỉ có một điều duy nhất quan trọng đối với ta là làm việc. Những lúc ấy dù có những ý tưởng không liên hệ đến công việc, những sự chia trí vặt vãnh, những việc rầy rà nhỏ nhặt xảy ra, ta cũng không lưu ý. Mọi tâm trí ta để cả vào từng bước của công việc mình làm, sự tập trung của ta chỉ hướng vào quá trình hoàn tất công việc đó. Vào những lúc như vậy, quả là chúng ta ý thức rõ rệt về mục đích mình, về những gì cần phải làm để đạt mục đích ấy.

Khi hoàn tất một công việc làm theo kiểu đó, thì những kết quả công việc cũng cho thấy tính sáng sủa và chiều sâu sự dấn thân của ta vào công việc. Chúng ta nở mặt nở mày vì một cảm giác “kỳ công” khiến niềm tự tin nơi chúng ta thêm vững mạnh. Cái cảm giác thỏa mãn ấy vẫn ở lại trong ta, khuyến khích, cổ vũ ta hãy tiếp tục làm việc theo cách đó. Nó giúp cho sự phát triển những phẩm chất tích cực hiện rõ nơi công việc ta làm.

Đấy gọi là sự làm việc “hết mình”, và mỗi người trong chúng ta đều có khả năng làm việc cách đó. Muốn phát triển phẩm chất này, ta phải mở lòng ra với công việc trước mắt, chấp nhận những yêu sách đòi hỏi của công việc một cách nhiệt tình, có thể nói là một cách thú vị nữa. Tính chất nhẹ nhàng phơi phới của năng lực giúp ta hoàn tất công việc một cách dễ dàng và lại còn gợi nguồn cảm hứng cho những người đồng sự với ta. Cách làm việc như vậy thật thấy mà ham. Vậy thì cái gì ngăn cản chúng ta không luôn luôn làm được như thế?

 

  • Sợ hãi và tội lỗi

Mỗi khi khởi sự làm một điều gì mới mẻ, ta thường tiên liệu những trở ngại có thể xảy đến và những giới hạn ta nghĩ là ta sẽ gặp trong chính mình hoặc nơi người khác. Mặc dù hăng hái với công việc, ta cũng có đôi khi bị áp lực của một nỗi sợ hãi mơ hồ, sợ không thành công. Nỗi lo sợ này ngăn chận dòng tuôn chảy thoải mái của năng lực ta, khiến ta không thưởng thức được trọn vẹn cái tuyệt vời của công việc, giá trị nội tại của nó.

Vì không dám để hết năng lực vào công việc mình làm, nên ta đã phá hỏng sức mạnh của sự dấn thân. Khi ấy ta có thể thấy mình cứ vài phút lại ngưng làm việc để ăn một cái gì, để đi lấy dụng cụ, đi uống nước, hay đi nhắc ai đó nhớ lại một điều gì. Mặc dù ta có thể nhận rõ rằng những việc này không thực sự cần thiết, ta vẫn cứ tiếp tục chia trí như vậy. Khi công việc của ta bị chậm trễ, ta sẽ cố tìm cách nhanh nhất để hoàn tất, chỉ đặt vừa đủ năng lượng vào cho xong việc.

Khi tìm một lối thoát dễ dãi, thường ta chỉ làm những cái cốt yếu trong công việc, còn bao nhiêu năng lượng ta dùng để tìm ra những cái cớ (cho sự thiếu chu đáo của mình) hơn là để nó vào trong công việc. Vì chỉ chú ý một phần đến việc làm, nên ta luôn luôn làm lỗi, hiểu sai những chỉ dẫn, hoặc hoàn tất không đúng kỳ hạn. Khi có cảm giác mình không làm việc chu đáo thì ta khởi sự cảm thấy có tội - mặc cảm phạm tội này che án mọi việc ta làm. Bị người khác chỉ trích phê bình, vấn nạn ta về thành quả công việc, thì ta lại viện thêm nhiều cái cớ khác nữa để giải thích tại sao ta không làm việc chu đáo lắm.

Làm việc với một cung cách như trên là ta không để ý đến thì giờ và năng lượng ta đặt vào công việc, và do đó ta không thể thấy cái giá trị của kinh nghiệm mà công việc có thể đem lại cho ta. Bởi thế với phần đông chúng ta, công việc trở thành một nghĩa vụ khó ưa, đầy chán chường bất mãn. Thời giờ đè nặng trên ta, ta liên tục xem đồng hồ với hy vọng sao cho ngày này nhanh chóng trôi qua. Sự chú ý của ta đi lang thang, công việc bị đặt sai chỗ hoặc bị triển hạn cho đến khi nó bị quên lãng.

 

  • Làm việc lừng khừng tạo ra bất an

Khi không đặt hết năng lượng mình vào công việc thì toàn thể con người của ta bị ảnh hưởng: mắt ta, giọng nói ta, cả đến cái cách ta di chuyển cũng nói lên cái điều rằng ta đang làm biếng. Động lực thúc đẩy ta làm việc bị suy thoái, và những phẩm chất quý báu nhất của công việc là hiệu năng, niềm vui … cũng bị ảnh hưởng lây. Khi không vận dụng hết sức mình thì ta sẽ thấy rất khó mà giữ vững những quyết định của mình, hoặc nhận trách nhiệm về hậu quả công việc.

Chúng ta tưởng rằng cuộc đời sẽ thoải mái hơn nếu ta không phải làm việc quá nhiều như vậy, hoặc nếu ta có nhiều thời gian nhàn rỗi hơn. Tuy nhiên nguồn gốc nỗi bất mãn của ta kỳ thực chính vì ta thiếu sự hăng say làm việc.

Khi mà chúng ta không nỗ lực để làm việc hết mình, tức là ta làm tắt nghẽn những năng lực, lạc thú và sự tập trung làm cho đời sống trở nên sinh động. Chúng ta có thể dành cho cuộc đời mình trôi qua mà không thành tựu được việc gì đáng kể, thu thập không được bao nhiêu kỹ năng, thường xuyên thay đổi việc làm, tóm lại là chúng ta cứ trôi giạt giữa dòng đời không được một niềm thỏa thích sâu xa nào, niềm thỏa thích của sự tận dụng năng lực mình một cách tốt đẹp.

 

  • Bài tập: Sử dụng bất mãn

Mỗi khi bất chợt mình đang chán công việc, thì bạn có thể xem đấy như là một dấu hiệu chứng tỏ mình không làm việc hết sức mình. Nếu công việc có vẻ không trôi chảy, bạn hãy để ra một ít thời gian mà phân tích tình huống ấy. Bạn có thấy rõ mục đích mình không? Có rõ biết mình cần phải làm gì để đạt mục đích ấy không? Bạn có chịu trách nhiệm về những gì cần phải làm không? Bạn đang triển hạn công việc hay là đang làm cho xong càng nhanh càng tốt? Bạn có chia trí không, hay hướng năng lực mình vào công việc? Có ý thức được cái cách mình đang dùng thì giờ không?

Khi quan sát những câu trả lời điển hình của mình cho những tình huống trên, bạn sẽ thấy rõ hơn thái độ của mình đối với công việc. Khi đã thấy một cách rõ ràng trung thực công việc của bạn và những nhu cầu của mỗi việc, bạn có thể khởi sự đem hết tâm trí và năng lực để thực hiện nó. Sự ý thức rõ mẫu mực làm việc của mình, cách tương giao với người khác, sự dùng năng lượng mình một cách chính đáng có thể đem lại chiều sâu và ý nghĩa cho đời sống. Khi đối diện với những vấn đề và sơ suất của mình bằng tất cả năng lực và quyết định làm việc cho hiệu quả, thì ta có thể tận dụng mọi cơ hội quý báu để tăng tiến. Đặt hết tâm tư vào mọi việc làm, đánh giá tiến trình làm việc ngang với kết quả công việc, thì ta sẽ thấy sự làm lụng chu đáo đem lại niềm vui ra sao.

 

  • Nguồn sáng tạo

Làm việc hết mình là tập trung toàn thể sự chú ý của ta vào công việc, đặt hết năng lực vào đấy. Chúng ta có thể tập trung tâm hồn vào bất cứ việc gì. Khi làm việc cách ấy thì kết quả sẽ rất mỹ mãn, ta sẳn sàng chờ đợi và đối phó với mọi thử thách mà mỗi công việc mang lại, vượt qua những chướng ngại cản trở bước tiến của công việc. Không có lý do gì để sợ thất bại, vì khi sẳn sàng đem hết năng lực ra thì chắc chắn ta sẽ làm việc một cách tốt đẹp. Dù không hoàn tất mọi mục tiêu thì ta cũng đã làm hết mình, và được niềm thỏa mãn là đã vận dụng trọn vẹn tiềm năng của ta.

Chúng ta có thể vận dụng mọi tài nguyên mình có: tài nguyên vật chất cũng như tài nguyên nhân văn như năng lực, trí tuệ, thời gian, cảm thức. Đấy không chỉ là hành động năng nổ hơn, đặt trọng tâm nhiều hơn vài sự giải quyết vấn đề. Những điều này dĩ nhiên có ích. Nhưng làm việc hết mình đòi hỏi sự đặt hết tâm trí, năng lượng và sự tỉnh thức của ta vào công việc.

Khi làm việc hết mình, thì những rắc rối gặp phải không bao giờ trở thành chướng ngại to lớn. Chúng ta yêu thích một cách sâu xa công việc và kết quả của nó nên bất cứ việc nào ta làm cũng thành hứng thú thực sự. Càng có những khả năng mới xuất hiện thì ta càng thấy công việc ta thêm ý nghĩa. Ta trở nên quan tâm đến những bước tiến, những thành tích; thử thách mà công việc mang lại sẽ làm ta thêm hứng khởi.

Thay vì tránh công việc, bây giờ ta tự nhiên tránh những điều làm ta xao lãng công việc. Mỗi giai đoạn đều nhuốm đầy nhiệt tình khiến đời ta thấm nhuần niềm vui phơi phới. Mọi sự ta làm đều in dấu niềm yêu thương, sự tận tụy, và những thành quả đem lại thỏa mãn sâu xa. Làm việc hết mình chính là động đến suối nguồn của sáng tạo, sự trong sáng và ý nghĩa cuộc đời.

 

---o0o---

Mục Lục > Phần 1 > Phần 2 > Phần 3

---o0o---

Nguồn: www.quangduc.com


dieuphap.com

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng 12

Đầu trang