Kiềm Chế Tâm Sân
TT Chánh Minh
Minh Hạnh chuyển biên
Phương pháp cụ thể nào để kiềm chế tâm sân trong trường hợp tâm sân khởi lên?
Thật ra có rất nhiều phương pháp để diệt trừ tâm sân, nhưng chúng ta phải rèn luyện, chứ nếu biết mà không rèn luyện cũng giống như một học sinh biết những công thức, biết những định luật nhưng không làm bài tập thường xuyên thì sẽ không nhuần nhuyễn những công thức đó. Có rất nhiều phương pháp, tựu trung thì chúng tôi nêu ra ba phương pháp:
1) Phương pháp thứ nhất là mình suy ngẫm về nghiệp quả, khi mình để tâm sân sanh khởi lên, Đức Phật Ngài dạy rằng: "Ta chính là nơi nương của ta, không ai có thể giúp đỡ cho ta được mỗi khi ta rớt xuống khổ cảnh." Một khi bị rớt xuống khổ cảnh thì không có người thân bằng quyến thuộc nào có thể giúp được. Tâm sân là tâm bất thiện, mỗi khi tâm bất thiện khởi lên thì dễ dàng dẫn mình xuống khổ cảnh. Nghĩ tới viễn ảnh khổ cảnh thì người này sẽ không có ý nghĩ bất thiện sanh khởi, bởi vì tâm sân là một loại tâm bất thiện, mà ta không chấp nhận khổ cảnh, không chấp nhận những cảnh giới như súc sanh hoặc ngã qủy, địa ngục, atula, không chấp nhận. Những cảnh giới đó chính là quả, tâm sân là nhân, không có nhân thì làm gì có quả, mà khi có nhân rồi thì quả kia sẽ có. Suy quán về nghiệp quả như vậy người này không khởi tâm sân. Hoặc giả người này suy ngẫm rằng người xúc phạm đến ta cách đây 5 phút, người phạm đến ta người đó đã chết rồi, không ai giận một xác chết bao giờ cả, tại sao chết rồi? cái sắc mà vừa mắng ta, âm thanh vừa mắng ta, tâm người vừa mắng ta nó sinh diệt liên tục, nó chết trong từng giây phút một, người này chẳng qua là liên tục của một cái sắc kia, bởi vì danh và sắc này nó luôn luôn sinh diệt sinh diệt cực kỳ nhanh chóng, nó thay đổi hàng ngày. Một đứa bé mới sanh ra hai ngày sau đã thay đổi rồi, một đứa bé sanh ra nửa tiếng sau đã thay đổi, và nó thay đổi với một sự tiến triển lớn lên, điều này cho chúng ta thấy rằng nếu không có sự thay đổi tiến triển thì đứa bé đó mãi mãi là đứa bé. Nhưng đứa bé đó tiến triển lên như vậy thì đứa bé trước kia đã mất, đứa bé 5 tuổi đã chết để có đứa bé 6 tuổi, đứa bé 6 tuổi phải chết để có đứa bé 7 tuổi. Nó tương tục lẫn nhau. Chúng ta suy ngẫm thì người vừa xúc phạm hoặc cái gì mà nó gây khó chịu thì nó đã mất rồi, không ai giận một xác chết, chỉ những người thiếu trí mới giận một xác chết.
2) Cách thứ hai. Suy nghĩ là nếu bây giờ ta mắng người khác do tâm sân hoành hành, mắng người khác xin thưa rằng ai là người nghe trước, chính ta là người nghe trước, bởi sao? bởi vì cái miệng ta gần tai của ta, và âm thanh xuất phát từ miệng thì tới tai, mặc dù tốc độ đi cực nhanh như vậy nhưng rõ ràng khoảng cách từ miệng đến tai cũng gần hơn là từ miệng đến người kia, do vậy ta nghe trước. Trong khi ta giận là do âm mưu của kẻ thù, kẻ thù ta muốn cho ta xuống khổ cảnh, kẻ thù muốn cho ta bực tức, kẻ thù muốn cho ta phiền não, người trí sẽ không để mắc mưu kẻ thù.
3) Cách thứ ba là mở rộng tâm từ, người này nếu là người có giới hạnh thì hãy thương mến họ, vì thiếu trí nên xúc phạm đến mình chẳng hạn, nhưng đây là người có giới trong sạch thì người này tạo nhân xấu và họ sẽ có một ác quả. Lại nữa khi mình có tâm từ thương mến người ta khi nghĩ đến việc làm hành động của họ sẽ nhận hậu quả xấu, mình tội nghiệp, tức là mình đi vào trạng thái tâm từ tâm bi. Trạng thái tâm từ tâm bi sẽ làm cho tâm sân của mình không khởi sanh. Tâm từ tâm bi tạo cho một phước thiện có cơ hội tăng trưởng, nó giúp cho từ tâm mình bừng dạy. Rồi mình với tâm từ tâm bi mình nghĩ người này trong giây phút nói xấu họ có thể có niệm tốt. Phải nghĩ tới điểm tốt người khác. Trước đó có thể là người có giới hạnh, họ cũng giữ gìn ngũ giới, họ cũng tu tập thiền định. Chính điều này Đức Xá Lợi Phất Ngài dạy khi tâm sân khởi lên đối với đối tượng đó thì hãy nghĩ tới những hành động tốt của người ta - trong pháp năm chi của Tăng Chi Bộ Kinh - nghĩ tới thân hành thanh tịnh, nghĩ tới khẩu hành thanh tịnh, nghĩ tới thân khẩu thanh tịnh. Khi nghĩ tới điều tốt của người ta, trước đây họ thường làm tốt bây giờ vì lầm lỡ nên xúc phạm đến mình. Mà hễ người tốt thì thế nào họ cũng hối hận, cũng đau khổ vì ngọn lửa sân nung nấu, họ sẽ tiếp tục sự đau khổ thì thôi mình hãy thương họ. Trong khi mình an nhiên tự tại, tâm mình thanh thoát, tâm mình không có nóng nảy tâm họ nóng nảy hãy thương hại cái tâm của họ, hãy thương hại với cái sự phiền não sân đang điều hành họ khi họ có hành động như vậy, khiến họ có lời nói như vậy. Và tất nhiên họ sẽ gặp hậu quả do hành động của họ gây nên, tất nhiên họ sẽ gặp những nghiệp do lời nói của họ mang lại cho họ.
Và ở đây chúng tôi dẫn chứng cho qúi vị một câu chuyện để nói về tâm từ tâm bi.
Có ông Bàlamôn được nghe Đức Xá Lợi Phất không bao giờ sân hận, ông mới thử xem có thật sự là không sân hận không, nhân lúc Đức Xá Lợi Phất đi bát ông mới ở phía sau tiến đến sau lưng Đức Xá Lợi Phất đánh thật mạnh vào người Đức Xá Lợi Phất khiến Ngài chúi nhũi, Ngài mới hỏi cái gì. Thì lúc bấy giờ những người tại gia cư sĩ mới nói là,"tại sao ông dám đánh tôn sư của ta." họ kéo tới định đánh ông Bàlamôn, (cái quả trổ ngay lập tức.) Nhưng Ngài Xá Lợi Phất thấy vậy Ngài mới dùng thân của Ngài để che, thì hàng tại gia cư sĩ không đánh nữa. Đức Xá Lợi Phất mới hỏi:
"Này các người cư sĩ vì sao các cư sĩ lại đánh ông Bàlamôn này"
Những người cư sĩ mới nói rằng, "bởi vì ông này đánh Ngài"
Đức Xá Lợi Phất mới hỏi là "ông này đánh ta hay đánh các người"
"Đánh Ngài đó chớ"
"Nếu đánh ta tại sao các người lại đánh ông này, ta không đánh thì thôi chớ sao các người lại đánh."
Nghe Ngài giải thích vậy đám đông bừng tỉnh và không đánh ông Bàlamôn nữa. Và ông Bàlamôn đó đảnh lễ Ngài và nhận Ngài làm tôn sư.
Người trí cảm hoá dùng tâm từ tâm bi để tha thứ.
Đó là những cách thức để kiềm chế tâm sân. Còn rất nhiều nhưng ở đây chúng tôi đơn cử một vài cách như vậy và chúng ta thực tập dần dần thì qúi vị sẽ thấy thân ta vốn không có thì họ nói ai? họ mắng chửi cái xác chết chứ không phải mình, bởi cái người mà họ mắng chửi cũng là người chết rồi, ta sẽ không giận và hãy mở rộng tâm từ cảm hóa họ./.
Namo Buddhaya