dieuphap.com

  

jpg (8936 bytes)


...... ... .

Đời là Bể Khổ

TT Giác Đẳng

Như Trúc chuyển biên

 

Phật muốn nhắn nhủ gì qua câu: “Đời là bể khổ?”

Thưa quý phật tử phải nói rằng chúng tôi ít khi đem câu nói đời là bể khổ để diễn tả ý niệm trong đạo Phật vì người ta thường hiểu lầm đó là một nhân sinh quan rất ảm đạm của đạo Phật. Đạo Phật có nói về sự khổ nhưng đạo Phật nói sự khổ trong mạch văn của khổ đế, khổ đế là ở trong bối cục của Tứ Đế, có nghĩa là Đức Phật nói về chứng bệnh, nói về sự trị bệnh, Ngài cũng nói về nguyên nhân sanh bệnh và làm thế nào để trị dứt căn bệnh đó. Vì vậy tùy vào đối tượng mà Đức Phật đang thuyết giảng, ví dụ như quý vị nào đọc kinh Vô Ngã trong bài kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật nhìn các thầy tỳ kheo và Ngài hỏi chậm rãi từng câu một:

“Nầy các thầy tỳ kheo, sắc uẩn không phải là của ta. Nếu sắc uẩn là của ta thì chúng ta biểu nó như thế nầy hay như thế khác thì nó cũng phải làm như vậy. Nhưng bởi vì sắc uẩn không phải là của ta, nên nó không làm như thế nầy, thế khác theo ý của chúng ta được”. Rồi Ngài lại hỏi tiếp:

“Nầy các thầy tỳ kheo, sắc uẩn là thường hay vô thường?”. Các thầy tỳ kheo trả lời rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, sắc uẩn là vô thường.”

Rồi Ngài hỏi rằng: “Cái gi vô thường là khổ hay vui?”

Các thầy tỳ kheo bạch Đức Thế Tôn: “Bạch Đức Thế Tôn, cái gì vô thường là khổ.”

Rồi Đức Phật tiếp tục hỏi rằng:
“Cái gì vô thường là khổ, có sự biến hoại theo lẽ thường thì nên cho những thứ đó là của ta, là ta, là tự ngã của ta chăng?”

Thì thưa quý vị, các vị tỳ kheo trả lời là không nên như vậy.Ở đây khi mà Đức Phật hỏi chậm rãi từng câu như vậy, rõ nét từng điều như vậy là để cho các thầy tỳ kheo quán niệm. Như vậy sự trình bày cái khổ ở đây trong một ý nghĩa mà có khả năng khai tâm được. Nếu con của quý vị ham đi chơi đêm, đi chơi đến ba, bốn giờ sáng mới về, có những lúc quý vị ngồi xuống để hỏi con và để nói với con cái rằng con đi chơi đêm như vậy dễ gặp nguy hiểm vì thế giới ban đêm là thế giới của những người ăn chơi, những người du đãng, của bắn giết, của bạo động… thì điều đó hoàn toàn không mang tính cách bi quan của đời sống mà đơn giản chỉ là một điều đánh động tâm linh của mình, cho mình thấy được cái thực tại nó khổ hay nó vui, cho chúng ta thấy được bản chất thực sự của nó. Do vậy, câu đời là bể khổ là một lời cảnh tỉnh và không nên xem nó như một nhân sinh quan tuyệt đối, vì Đức Phật dạy rằng trong tấm thân nhỏ bé nầy, Như Lai tuyên bố ở đó có sự khổ, có nhân sanh khổ, có sự diệt khổ, và có con đường đưa đến sự diệt khổ. Đức Phật không chỉ nói cái thân nầy là khổ. Mà còn nói cái thân nầy ở trong đó nếu chúng ta khéo thì có thể tìm thấy con đường diệt khổ và kể cả diệt khổ cũng nằm trong tấm thân nhỏ bé nầy. Nên khi muốn hỏi Đức Phật muốn nói gì ở trong câu đời là bể khổ thì chúng tôi thưa rằng Đức Phật đã dạy sự khổ ở trong phạm vi Tứ Đế, Ngài muốn nói đến một thực trạng đời sống, chúng ta đang phải đối diện với Vô Thường, với Khổ, với Vô Ngã và Ngài khuyên chúng ta nên có một thái độ hợp tình, hợp lý, sáng suốt về điểm nầy.

Namo Buddhaya

 

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Trong Tháng 11

Đầu trang