Vô Thường
TT Giác Giới (nick TT Tuệ Siêu) giảng trong room Diệu Pháp, ngày 4 tháng 10-2008
Minh Hạnh chuyển biên
TT Giác Đẳng dẫn nhập: Có những đề tài chúng ta rất thường nghe, khi đọc trong kinh sách hoặc nghe qua các buổi giảng, nhưng những đề tài này có một giá trị đặc biệt cho dù chúng ta nghe bao nhiêu lần khi Đức Thế Tôn Ngài trình bày những ý nghĩa liên quan đến Pháp và Luật ở trong suốt thời gian dài. Những lần đọc qua kinh điển ghi chép chúng ta thấy rằng có rất nhiều lần Ngài đã đề cập vấn đề này qua nhiều góc cạnh khác nhau, một trong những góc cạnh rất đặc biệt đó là Ngài đề cập đến tiền thân, đến quá khứ. Quá khứ đối với Đức Phật như là những tấm ảnh ghi lại rõ rệt những gì đã xảy ra và dựa trên đó Đức Phật cho chúng ta biết cảm nhận của Ngài. Bài kinh ngày hôm nay nói về sự vô thường, Đức Thế Tôn một lần nữa đề cập đến những gì đã xảy ra đối với bản thân của Ngài. Câu kết luận của bài kinh này là một bản kinh quen thuộc qua đó Chư Tăng thường tụng trong các khóa lễ cầu siêu nói về tính vô thường của vạn hữu của tất cả các pháp hữu vi. Thật ra giáo lý về sự vô thường đôi lúc phải được nhìn từ một phương diện rộng lớn để qua đó chúng ta thấy rằng bản thân của mỗi người cũng trầm luân sống trong biển sanh tử vốn không những tương đồng mà vô thường không phải là điều để mà chúng ta rầu rĩ để mà chúng ta khóc hay là để chúng ta né tránh, mà vô thường cần được đem vào trong để chúng ta ghi nhận một nhận thức lớn quan trọng. Chúng ta chiêm nghiệm một ý nghĩa hết sức quan trọng không phải chỉ những người tu tập thiền quán mà trong mỗi chúng ta là những người Phật tử khi nói về cuộc đời này, khi nói về những đổi thay ở trong cuộc sống của mình.
TT Tuệ Siêu giảng: Bài học có tựa đề là vô thường, một đoạn kinh được trích ở trong kinh Trường Bộ số 17, kinh Mahà-Sudassana Sutta. Trong bài kinh này Đức Phật đã kể lại cho Tôn Giả Ananda nghe trong những kiếp sống quá khứ của Ngài. Và Đức Thế Tôn kể lại câu chuyện có liên quan đến hiện tại là khi Đức Thế Tôn trở về Kusinara để viên tịch, lúc bấy giờ Tôn Giả Ananda bạch với Đức Phật là ở một nơi chốn hẻo lánh một thị trấn nhỏ như thế này thì không xứng đáng với địa vị Đạo Sư Thiên Nhân của Đức Phật, thì Đức Phật Ngài đã bảo rằng "Chớ có nói như vậy này Ananda, chính tại Kusinara này xưa kia là một thành phố trù phú và nơi đó Ngài đã xuất hiện là một vị Chuyển Luân Vương tên gọi là Mahà-Sudassana, Ngài đã kể lại thời giờ vàng son ở đó.
Sau khi Ngài kể lại lúc Đức Vua Chuyển Luân Vương Mahà-Sudassana băng hà thì tất cả những vinh hoa phú quí trong thành phố này đều biến mất bởi phước của bậc Chuyển Luân Thánh Vương khi Ngài còn hiện tiền thì 7 báu xuất hiện nhưng khi Ngài mất đi thì 7 báu cũng không còn, luôn cả thiên luân báu cỗ xe trời cũng mất, và cho đến ngày hôm nay thành phố Kusàvati chỉ còn là một đồng trống nhỏ. Rồi Đức Thế Tôn với ý nghĩ đó Ngài đã thuyết lên bài kinh Mahà-Sudassana Sutta, và với bài kệ cuối cùng mà Chư Tăng thường đọc tụng và tụng thuộc lòng như là một đề tài để quán niệm:
Aniccà vata saïkhàrà uppàdavayadhammino
Uppajjitvà nirujjhanti tesaü våpasamo sukho ti.
Tất cả pháp hữu vi,
Thật sự là vô thường,
Khởi lên rồi diệt mất,
Thường tánh là như vậy.
Chúng được sanh khởi lên,
Rồi chúng lại hoại diệt.
Hạnh phúc thay khi chúng
Ðược tịnh chỉ an lạc.
Như trong bài dẫn nhập chúng ta được nghe TT Giác Đẳng đã gợi ý là khi Đức Phật Ngài thuyết pháp Ngài nói nhiều về sự vô thường của kiếp sống không phải là để Ngài gieo vào chúng sanh một tư tưởng bi quan yếm thế để rồi sống thụ động tiêu cực làm nhụt ý chí phấn đấu. Không phải như vậy. Mà ở đây Đức Thế Tôn muốn nói lên một sự thật, sự thật đó là chúng sanh ở trong đời có thể vì vô minh che lấp nên không thấy rõ được bản chất thật sự của pháp hữu vi, tức là không thấy rõ được bản chất vô thường hoặc cũng có thể vì chúng sanh do tham ái chi phối nên không dám nghĩ đến và cứ để cho cuộc đời có nhiều màu sắc lừa dối làm cho con người sống trong sự vô thường mà vẫn thấy là thường, sống trong sự đau khổ của vô thường mà vẫn cố tìm thấy sự an lạc. Để rồi với tri kiến điên đảo như vậy chúng sanh sau khi thân hoại mạng chung với một tâm ý mê lòa chấp thủ tham trước về những cảnh giới tái sanh ở tương lai và mặc cho sự vô thường chi phối sự khổ đau dày vò chúng sanh vẫn tìm cách để tự an ủi cho chính mình, giống như một người bị bệnh mà họ không dám nhìn nhận sự thật và không dám điều trị để cuối cùng căn bệnh càng nặng thêm trầm kha thêm.
Chúng tôi nhớ khi còn nhỏ vì ham chơi, hễ mỗi lần bị ấm đầu Thân Mẫu của tôi bắt nằm trên giường và uống thuốc, và trong thời đó thường thì uống loại thuốc ngoại cảm tán rất đắng. Với tuổi trẻ thơ nằm yên như vậy và nghe ở ngoài sân tiếng cười nói của anh em hoặc của bạn đồng lứa trong xóm đến chơi thì cảm thấy bực bội khó chịu lắm cho nên tôi đã lén bước ra lu nước, khóat nước trên trán, rửa mặt và tạm thời lau khô và đi đến Thân Mẫu nói rằng: con đã hết bịnh rồi. Lúc bấy giờ Thân Mẫu của tôi sờ tay trên trán thì thấy mát nên cho tôi đi chơi tự do thoải mái, nhưng tối thì cơn sốt hoằnh hành và đau đớn vật vã. Đến khi lớn lên thì chúng tôi mới nghĩ rằng khi xuất gia tu tập biết Phật Pháp rồi thì chúng tôi cũng thường hay nghĩ đến sự kiện ở đời chúng sanh không dám nhìn nhận sự thật, sống trong sự vô thường mà không dám nhìn sự thật là vô thường, sống trong sự khổ mà không dám nhìn nhận sự khổ, để rồi tự mình lừa gạt chính mình và lấy màu sắc của thế gian để lừa gạt chính mình. Chính vì vậy những phiền não như tham như sân hay tà kiến hoặc hoài nghi ngã mạn nó giống như những mầm bệnh không được diệt trừ, khi nào sự khổ sanh khởi, phiền não sanh khởi thì lúc đó làm tuồng như là mình không có khổ v.v… hoặc giả có người cho rằng vì cuộc đời có sự vô thường nên mới có sự hấp dẫn chứ nếu như không có sự vô thường biến hoại không có sự đổi thay và cứ y nguyên như cũ thì như vậy cuộc đời thật tẻ nhạt và nhàm chán.
Cách suy nghĩ, luận điệu đó không có giúp ích gì cho mình được sự an lạc hạnh phúc thật sự, mà chính cái suy nghĩ đó che lấp trí tuệ, trong khi tuệ giác rất cần thiết để đoạn trừ những phiền não. Hãy nhìn nhận sự thật để rồi chính cái trí tuệ này giống như những liều thuốc có thể tiêu trừ những mầm mống của bệnh hoạn. Phải chi vừa mới nhuốm bịnh mà mình đã chấp nhận là mình đã nhuốm bịnh để cho Mẹ lo thuốc và cho uống hay nghỉ ngơi thì chắc có lẽ không bị bịnh cảm kéo dài trong mấy hôm để rồi phải bỏ học, biết bao nhiêu những điều lợi ích bị bỏ qua.
Thì ở đây cũng vậy, tại sao chúng ta cứ phải sợ khi chúng ta dùng trí để quán xét về cuộc đời, chúng ta hãy thử một lần làm như vậy, chúng ta sẽ thấy rất có lợi ích khi mà cuộc sống khổ đau này khởi lên từ nơi phiền não, khi nào phiền não chấm dứt thì lúc đó sẽ chấm dứt sự khổ đau. Và nếu như chúng ta có cố gắng vẽ vời, cố gắng nhìn cuộc đời bằng cách mang vào một cặp kính màu hồng để nhìn thấy phía trước cảnh vật hấp dẫn nhưng trên thực tế khi lăng kính đó được gỡ xuống khỏi đôi mắt thì lúc bấy giờ chúng ta sẽ chứng kiến cảnh phủ phàng hơn. Cho nên là một người đệ tử của Đức Phật, là một người thiết tha tầm cầu sự giải thoát và đi tầm cầu chân hạnh phúc thì mình phải biết nhìn nhận sự thật, sự thật ở đây là gì:
Sabbe sankhara aniccati - Các pháp hữu vi là vô thường
Sabbe sankhara Dukkhatati - Các pháp hữu vi là khổ
Sabbe dhamma Anattati - Các pháp là vô ngã.
Chúng ta cứ nhìn như vậy, thì mỗi khi cuộc sống có xảy ra ngang trái bẽ bàng chúng ta đã nhận thức trước cho nên không bị nao núng, hãy nhìn thời vàng son của các vị vua chúa, hãy nhìn cái thời sung túc của các nhà giàu của những vị quan tổng trấn của những vị hương cả xưa kia quyền uy khép tiếng của cải ngất trời nhưng mà rồi các vị đó họ có còn lại những gì hay là thời vàng son đó cũng đi qua, nó cũng phải chịu luật vô thường chi phối. Nếu chúng ta biết nhìn sự thật thì những khi nhìn thấy ở trên đầu mình có một vài sợi tóc bạc chúng ta không bị nao núng, chúng ta chợt phát hiện trên làn da của mình có một vài nếp nhăn hay chúng ta chợt phát hiện trong thân thể này bắt đầu bị suy già, phát sanh lên một vài hiện tượng bệnh hoạn và xuất hiện một vài dấu hiệu cho biết sức suy cạn tuổi thọ ngắn dần, thì tâm của chúng ta vẫn bình thản vẫn an nhiên vì chúng ta biết rõ sự thật nó là như vậy, để chúng ta khởi lên không phải là một trạng thái bi quan mà chúng ta khởi lên một trí tuệ nhàm chán và viễn ly đối với cuộc đời này. Đức Phật Ngài đã tuyên bố pháp hữu vi này thật là vừa đủ để nhàm chán, thật là vừa đủ để xả ly. Và khi Đức Phật Ngài dạy về con đường đưa đến sự giác ngộ đi đến Niết-bàn thì Ngài đã tuyên bố:
"Khi nào với trí tuệ quán thấy các hành là vô thường, các hành là đau khổ, các pháp là vô ngã, khi ấy nhàm chán trong khổ và đó là con đường đưa đến thanh tịnh tức là đi đến Niết-bàn."
Thật sự khi một người tu tập, một vị hành giả, là vị xuất gia, hay là tại gia cư sĩ cũng vậy, nếu lúc nào chúng ta với trí tuệ thấy rõ được bản chất của cuộc đời thì tự nhiên lúc đó chúng ta sẽ có khuynh hướng để đạt đến những gì tốt đẹp nhất như Đức Phật đã kể lại cho chư Tỳ kheo nghe trong bài kinh Thánh Cầu:
"Này chư tỳ kheo, khi Như Lai chưa thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác hãy còn là vị Bồ Tát, và này chư tỳ kheo, lúc đó Như Lai suy nghĩ tại sao ta bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị quấy nhiễu, bị sầu khổ, lại đi tìm cái cũng bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu khổ quấy nhiễu. Hay nay ta bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, bị sầu khổ quấy nhiễu, đi tìm cái không bị sanh, không bị già, không bị bệnh, không bị chết, không bị sầu khổ quấy nhiễu. Này chư tỳ kheo, suy nghĩ như vậy ta quyết định đi tầm cầu cái gì không bị sanh, không bị già, không bị bệnh, không bị chết, không bị sầu khổ quấy nhiễu, tức là được an ổn các khổ ách và đó là sự tầm cầu cao thượng mà chúng ta gọi là ariyapariyesanā tức là Thánh Cầu. Còn trong khi chúng sanh bị sanh, bị già, bị bệnh, bị chết, sầu khổ ô nhiễm mà lại đi tầm cầu cái cũng bị sanh, bị già, bị bịnh, bị chết, sầu khổ ô nhiễm, tức là bản thân của họ đã bị vô thường khổ chi phối mà họ đi tầm cầu tài sản, đi tầm cầu vợ con, đi tầm cầu gia súc, những thứ đó cũng bị vô thường hủy hoại và sầu khổ."
Cái nhìn của một người Phật tử, một đệ tử của Đức Phật là một cái nhìn tích cực, chữ tích cực này chúng ta phải hiểu trong nghĩa tích cực theo cách nói của bậc thánh, tức là khi mình thật sự bị vô thường chi phối mình phải thấy rõ sự vô thường đó và chấp nhận nó, khi mình bị đau khổ bởi sự vô thường thì mình phải chấp nhận thật sự là sự đau khổ do vô thường, khi mà nhìn nhận thật sự như vậy thì lúc bấy giờ tâm mới nỗ lực nhiệt tình trong việc tu tập để đoạn trừ tham sân si, để cho cuộc sống này được an nhiên tự tại và để cho khỏi bị đánh lừa như một người bệnh không dám nhìn nhận sự thật căn bệnh của mình để rồi có một biện pháp trị bệnh hữu hiệu, thế là cuối cùng người đó phải chết, chết trong trạng thái đau đớn thấm thiết, chúng ta không thể nào chấp nhận một cái chết như vậy, trong khi chúng ta tự đánh lừa chính mình bằng những tư tưởng điên đảo, trong cái vô thường cho là thường, trong cái khổ đau cho là hạnh phúc, trong pháp vô ngã mà cho là hữu ngã, trong cái bất tịnh mà cho rằng thanh tịnh, chúng ta không thể tự lừa dối như thế.
Thì ở đây thưa qúi vị, Đạo Phật và Đức Phật Ngài là vị Đạo Sư chỉ đạo, chỉ đường, Ngài đã tự mình giác ngộ, Ngài thấy rằng hạnh phúc của thế gian chỉ là tiền đề của sự đau khổ cho nên Ngài đã tìm ra được con đường chánh đạo tức là chánh trí giải thoát, Ngài dẫn dắt cho chúng sanh nên có một cái nhìn sự thật bằng trí tuệ để diệt trừ những phiền não, chứ Đức Phật Ngài không dạy những pháp ru ngủ chúng sanh hay là mê hoặc chúng sanh hoặc là dạy chúng sanh cách tự mình đánh lừa để rồi sự khổ đau đó không biết bao giờ ngơi được, không biết bao giờ kết thúc. Khi chúng ta nghe những đọan kinh những bài pháp mà Đức Phật Ngài thuyết dạy cho chư tăng cho các vị tỳ kheo về tánh chất ở đời thì chúng ta cần phải hiểu Đức Phật Ngài không phải muốn gieo vào đầu chúng sanh một tư tưởng yếm thế bi quan, mà Đức Phật Ngài chỉ dạy cho cách nhìn sự thật, và khi con người đã biết nhìn sự thật như vậy thì người này sẽ sớm đoạn tận khổ đau và sự đoạn tận khổ đau đó cũng chính do pháp xuất từ nơi cái nhìn sự thật của người đó. Đây là một phương pháp tu rất hữu hiệu. Giá như trong cuộc đời này ai cũng có một cái nhìn đúng sự thật, có một tri kiến chân chánh thấy rằng ở đời cái gì cũng vô thường, không có gì tồn tại. Tất cả mọi người đều suy nghĩ như vậy có lẽ họ sẽ không nảy sanh ra sự tranh chấp dành giựt với nhau để đi đến sự thù hận tàn hại lẫn nhau, và như vậy thì thế giới này sẽ được an lạc hoà bình. Đức Phật Ngài dạy rằng:
Tưởng vô thường, này các tỳ kheo, nếu được tu tập làm cho thuần thục làm cho sung mãn, thời này các tỳ kheo, ái tham sẽ được trừ diệt.
Tưởng khổ, này các tỳ kheo nếu được tu tập làm cho sung mãn làm cho thuần thục, thời sân sẽ được trừ diệt.
Tưởng vô ngã, nếu được tu tập làm cho sung mãn làm cho thuần thục, thời si sẽ được trừ diệt.
Đức Thế Tôn đã dạy những điều đó, một điều mà chúng ta cần phải hiểu rằng; khi chúng sanh tự ôm ấp, tự chấp thủ, nhìn thế gian này thấy là thường còn, họ mới dành lấy cái đó vì rằng họ cho rằng cái đó hạnh phúc, và cái đó là tôi, của tôi, như vậy thì càng lúc thế giới này sẽ hỗn loạn, ai cũng tư hữu, ai cũng chấp thủ, chính do cái nhìn sai lạc. Phải nói rằng đạo Phật hay nói đúng hơn là Đức Phật Ngài đã giác ngộ mà chưa từng có samon, bàlamon trong lúc đó giác ngộ được, Ngài đã thuyết lên những pháp mà chưa từng có một vị samon balamon nào thời đó trước Ngài có thể thuyết được, và những gì Đức Thế Tôn đã thuyết đã nói, những điều đó Đức Thế Tôn không hề lo ngại rằng sẽ bị những vị samon bàlamon ở trong đời có thể bắt bẻ Ngài về ý nghĩa mà Ngài đã thuyết giảng ở trong nội dung bài pháp. Bởi vì Ngài chỉ nói lên một sự thật và sự thật đó nếu chúng sanh có trí nghe xong họ sẽ nhận ra được Đức Thế Tôn đã thuyết lên sự thật. Những chúng sanh nào mê tối và cố gắng chối bỏ những sự thật thì chúng sanh đó cho dù cố gắng để biện luận để sửa sai để chống trái với lời Đức Phật dạy thì những chúng sanh này họ chỉ phản kháng trong một sự phản kháng yếu ớt, không cơ sở, không chân đứng và cuối cùng thì chân lý hễ cái gì sự thật thì cái đó tồn tại.
Cho nên khi Đức Thế Tôn Ngài xuất hiện vào thời kỳ đó những luận thuyết của samon bàlamon đã bị lộ tẩy, Ngài cũng giống như ánh mặt trời khi xuất hiện thì các vị tinh tú mặt trăng sẽ bị lu mờ, vì họ chỉ nói lên những gì mà họ suy đoán do truyền thuyết, họ không thật sự thấy hoặc giả là họ nói lên những gì do tư ý của họ, do sự tham chấp của họ, do sự chấp thủ của họ, rồi họ trình bày để tránh né, những thứ đó không đúng với sự thật thì nó sai đi. Thí dụ họ tuyên bố về sự trường tồn của thế gian, về sự hạnh phúc dục lạc ngũ trần, hay là họ tuyên bố về bản ngã v.v… những thứ đó sẽ nhanh chóng vô giá trị khi mà pháp Đức Thế Tôn Ngài thuyết Ngài nói lên tánh chất vô thường của pháp hữu vi, tánh chất khổ đau của pháp hữu vi, và tính lý vô của các pháp.
Giờ đây người Phật tử chúng ta khi đọc lại những đoạn kinh chúng ta có thể an tâm tu tập và chúng ta nên biết rằng tư tưởng này là một tư tưởng trí tuệ, một tư tưởng lớn mạnh trong Pháp và Luật. Chúng ta đừng sợ rằng nếu chúng ta thường có tư tưởng quán về sự vô thường hay là quán về sự khổ ở đời làm cho tư tưởng chúng ta bị cục bộ đơn điệu và tiêu cực, không phải như vậy. Chúng ta hãy thử một lần hoặc nhiều lần, chúng ta thực hành quán sự vô thường đó thì chúng ta sẽ thấy một thời gian sau tư tưởng chúng ta thanh thoát, bởi vì khi chúng ta thấy được sự thật và chấp nhận sự thật là pháp hữu vi là vô thường, pháp hữu vi là khổ thì tự nhiên lúc đó những tiêu cực về phiền não như tham ái, luyến ái, chấp trước, hay sự thù hận oan trái sẽ được lắng dịu, sẽ được bỏ qua một bên. Như trong trường hợp những vị tỳ kheo thành Kosali đã tranh cãi, do tranh cãi với nhau sanh ra chia rẽ, lúc bấy giờ Đức Thế Tôn Ngài đã thuyết lên bài kệ Pháp Cú:
Những người không hiểu biết.
Chúng ta đây bị diệt.
Ai hiểu được chỗ ấy.
Tranh luận được lắng êm.
Nếu như thấy được đời sống này, cả thân này và tất cả chúng sanh đều bị hoại diệt do sự vô thường. Khi thấy rõ như vậy thì không còn nghĩ đến việc tranh luận hơn thua nữa, đây cũng là một nguyên tắc sống để giúp cho chúng ta ổn định cuộc sống và đem lại sự an lạc cho mình và cho người khác. Cho nên pháp quán vô thường phải nói rằng là một đề tài thiết yếu mà chúng ta cần phải tu tập. Nếu ai tu tập chỉ nghĩ đến chuyện mình làm phước hay là nghĩ đến chuyện phải tiếp độ chúng sanh, nhưng tự bản thân trí tuệ họ chưa nhận thức được tánh chất vô thường, khổ và vô ngã của cuộc đời, người đó chưa thật sự lớn mạnh trong giáo pháp này.
Đây là những điều chúng tôi xin được gợi đến tất cả chư thiện hữu trí thức trong ngày hôm nay, mong rằng tất cả chúng ta phải có cái nhìn thực tiễn và thật sự trí tuệ để sự tu tập của chúng ta được tiến hoá./.