Pháp Phát Sanh Hộ Trì
TT Chánh Minh
Minh Hạnh chuyển biên
Hôm nay chúng tôi thuyết giảng pháp "phát sanh hộ trì." Thông thường một số Phật tử thì khởi tâm hộ trì tam bảo và chư tăng cũng phụng sự tam bảo v.v.. nhưng ở đây chúng ta thấy rằng danh từ "hộ trì" mang tính chất rất đặc biệt, người muốn nhiệt thành đối với tam bảo ngoài những phước thiện mà mình đã tạo bên ngoài ra thì người này phải tự mình dấn thân vào một đạo lộ mà đạo lộ này nhằm mục đích thoát ra khỏi sinh tử luân hồi, điều này thì ai cũng biết, và một khi người đảm nhận một trọng trách hay tự cho mình là người hộ trì thì người này phải biết một pháp để tác thành, để làm nên một vị hộ trì. Trong bài kinh Vị Hộ Trì (Natha Sutta) Đức Phật Ngài dùng chữ là Natha là vừa giữ gìn cho mình và giữ gìn ở bên ngoài, những pháp mà những người muốn trở thành một người thật sự trở thành vị hộ trì thì cần phải nắm những chi phần này.
Bài kinh này nằm trong bộ kinh Tăng Chi Kinh, Pháp Mười Chi, có tên là "Vị hộ trì" Tăng Chi năm bài kinh số 23, Đức Phật Ngài đã dạy rằng người được gọi là vị hộ trì thì có mười chi pháp, chúng tôi tóm lượt như thế này:
Chi thứ nhất để tác thành vị hộ trì người này phải có giới và sống chế ngự với giới bổn.
Chi thứ hai để tác thành vị hộ trì thì người này phải là bậc đa văn.
Chi thứ ba để tác thành vị hộ trì thì người này phải sống làm bạn với thiện
Chi thứ tư để tác thành vị hộ trì thì người này phải là người dễ dạy
Chi thứ năm để tác thành vị hộ trì thì người này đối với những việc cần làm dù lớn hay nhỏ thì nhanh chóng thực hiện một cách khéo léo để làm đẹp lòng mãn ý những bậc đồng phạm hạnh, những vị trưởng lão v.v...
Chi thứ sáu để tác thành người hộ trì là người này là người ưa mến pháp.
Chi thứ bảy để tác thành người hộ trì là người này cần phải tinh cần diệt trừ những bất thiện pháp.
Chi thứ tám để tác thành người hộ trì thì vị này phải là người biết đủ tri túc
Chi thứ chín để tác thành người hộ trì thì vị này phải có sự ghi nhận tức là có niệm
Chi thứ mười để tác thành người hộ trì thì người này phải có trí tuệ.
Mười chi phần này để tác thành người hộ trì ở đây với trong một thời gian hạn hẹp chúng tôi không thể chuyển khai rộng, chúng tôi chỉ nói chi pháp thứ ba tức là làm bạn với thiện, vì sao vậy? Vì có giới mà sống chế ngự với giới thì qúi vị cũng đã từng nghe các vị giảng sư đã giảng rồi, chúng tôi có thể thông qua. Vấn đề đa văn cũng có nhiều vấn đề chúng ta cần phải biết tới ở một bài pháp khác chúng tôi sẽ trình bày đặc biệt về chi phần đa văn. Ở đây trong đề tài này chúng tôi chỉ trích ra chi phần thứ ba: Làm bạn với thiện.
Vì sao vậy? xin thưa với qúi vị trong Tương Ưng kinh Đức Phật Ngài cũng có dạy rằng như bình minh là điềm báo hiệu cho mặt trời, như thế nào cũng vậy làm bạn với thiện là điềm báo hiệu cho Bát Chánh Đạo hiện khởi, một khi có Bát Chánh Đạo hiện khởi thì người này phân biệt rõ, nắm bắt rõ, và sự dấn thân vào con đường Bát Chánh kết quả cao tột của người dấn thân trên đường hành pháp này sẽ là người chứng đắc đạo quả Niết Bàn hay giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Ở đây một chi phần chưa đủ nói lên điều gì hết nhưng đối với người Phật tử chúng ta một cách nói chung thì làm bạn với thiện là một điều rất cần thiết, tức là mười chi phần này mỗi chi phần có một công dụng riêng có một công năng riêng, nhưng làm bạn với thiện hầu như được bao gồm tất cả trong đó xem như nền tảng mà từ đó mà dấn thân, chúng ta thấy rằng làm bạn với thiện thì:
Người có giới cũng chính là làm bạn với thiện,
Người nghe nhiều học rộng cũng là làm bạn với thiện,
Người dễ dạy cũng làm bạn với thiện,
Những việc cần làm cũng nằm trong làm bạn với thiện,
Ưa mến pháp cũng là làm bạn với thiện,
Tinh cần trừ diệt những bất thiện pháp cũng là làm bạn với thiện,
Tri túc biết đủ cũng là làm bạn với thiện,
Có niệm hay có trí cũng là làm bạn với thiện.
Trong mười chi pháp này thì làm bạn với thiện là một chi phần xem như nền tảng của tất cả mọi chi. Cho nên chúng tôi chính giảng về chi phần làm bạn với thiện.
Làm bạn với thiện ở đây, thế nào là thiện? bao giờ mà việc làm của chúng ta dù rằng thực hiện bằng thân, dù rằng thực hiện bằng lời nói nhưng tâm ý của chúng ta gắm ghé hay gần gủi với tham sân si thì người này chưa hẳn là làm bạn với thiện một cách hoàn toàn trong sạch, ở đây tính chất làm bạn với thiện mang một tính chất hoàn toàn trong sạch. Chúng tôi thí dụ như vầy để hiểu được ý nghĩa làm bạn với thiện, nó trong sạch hay không trong sạch hay là nó còn bị lấm ô: Một vị tỳ khưu học nhiều quyển kinh, học thuộc lòng nhiều bài kinh, rồi vị đó hiểu rằng khi mình học nhiều bài kinh thuyết giảng nhiều bài pháp để cho Phật tử tôn sùng, để cho Phật tử kính trọng, để cho mình được danh tiếng, thì với sự học pháp như vậy tốt đẹp, nhưng với một tư ý để làm cho có danh tiếng để làm cho có những lợi nhuận thì như vậy làm bạn với thiện này không trọn vẹn là thật sự làm bạn với thiện.
Làm bạn với thiện đây nó sẽ gần gủi với tâm ý vô tham, với tâm ý vô sân, và tâm ý vô si, vì vô tham sân si nó là căn bản của thiện khi nào chúng ta làm việc phước bằng lời nói như thuyết pháp nói đạo hay kêu gọi làm những việc phước cùng cộng sự với mình như lễ trai tăng lễ dâng y hay là cúng dường Chư Tăng, lời nói đó là tốt, nhưng nếu tâm ý chúng ta không có một cách trong sạch một cách vô tham vô sân hay vô si thì không phải lời nói thiện, lời nói đó hình thức là thiện nhưng tâm ý không phải thiện.
Bây giờ chúng ta nói về vấn đề giới chẳng hạn, hàng Phật tử chúng ta biết rằng ngũ giới hay bát giới hay thập giới nhưng nếu tâm ý hình thức bên ngoài chúng ta ngữ tốt đẹp thân tốt đẹp nhưng tâm ý chúng ta không tốt đẹp thì người này không phải là người làm bạn với thiện một cách trọn vẹn.
Một lần nọ có một vị tỳ khưu già, một vị trưởng lão xuất gia vào lúc tuổi già, ngài gặp vị tế độ sư của mình là một vị trì luật nên mới dạy ngài nào là đại luật, trung luật, tiểu luật, nào là đại giới, trung giới, tiểu giới, nhiều quá ngài nhớ không nổi thì ngài đi tới vị thầy nương nhờ của mình là một vị luận sư, vị luận sư mới dạy cho ngài tâm sở, sắc pháp tràn giang đại hải mà ngài thì tuổi già, ngài chán nản quá; "chắc mình không có duyên trong giáo pháp này" mới lên đảnh lễ Đức Thế Tôn và trình bày xin hoàn tục.
Đức Thế Tôn mới hỏi "Này tỳ khưu, người giữ giùm cho Như Lai một giới được không?"
"Bạch Đức Thế Tôn, một giới thì con giữ được."
"Vậy thì tỳ khưu hãy giữ giùm cho Như Lai ý giới."
"Bạch Đức Thế Tôn, giữ gìn ý giới thì con giữ được."
Ý giới là ý không rơi vào tham sân si. Giữ tâm không tham, không sân, không si, một thời gian sau khi tinh cần giữ gìn ngài đã chứng đắc được đạo quả Alahan.
Mẫu chuyện này ở trong Pháp Cú kinh, cho nên chúng ta thấy rằng khi làm bạn với thiện, thân chúng ta mặc dù làm thiện, ngữ chúng ta làm thiện nhưng ý của chúng ta không trong sạch hoàn toàn thì không phải là làm bạn với thiện, ý của chúng ta phải gần gủi với vô tham, vô sân, và vô si. Muốn làm cho vô tham, vô sân, vô si nổi bậc lên thì chúng ta cần có một nền tảng đặc biệt khác. Giống như từ trong mặt biển cái gì có thể nổi lên mặt biển được thì nó phải có sức đẩy từ dưới lên. Xin thưa với qúi vị là đối với những người học luận A Tỳ Đàm thì biết rằng tâm thiện có vô tham vô sân vô si.
Nhưng nếu ngẫm xét lại có biết bao nhiêu lần chúng ta làm những việc thiện mà vô tham nó không hiển lộ, vì vô tham không hiển lộ cho nên tham có cơ hội sanh khởi lên.
Có biết bao nhiêu lần chúng ta làm những việc thiện mà vô sân không hiển lộ để cho sân sanh khởi lên.
Có biết bao nhiêu lần chúng ta làm việc thiện mà vô si không hiển lộ để cho si mê nó nương theo đó mà nó có thể sanh khởi được.
Chúng ta thí dụ, một người Phật tử hoan hỉ về phước của mình, tạo những việc phước rất lớn như đại lễ dâng y, nhưng ao ước kiếp sau mình tái sanh làm người sinh đẹp hoặc sanh vào cõi trời. Mỗi lần ao ước như vậy, nếu người này khéo léo, tức là người này mà có trí thì sẽ hiểu biết rằng là mình đã bị tham chen lấn. Tại sao tham chen lẫn vào, bởi vì cái vô tham không hiển lộ không bày tỏ sức mạnh của nó để ngăn chế cái tham.
Cho nên sau một hành động thiện, một lời nói thiện, một ý thiện mà vô tham không hiển lộ nên sẽ bị dính mắc vào trong cái tham. Và chúng ta sẽ thấy rằng có một lúc chúng ta làm việc phước rất nhiều nhưng vì không làm bạn được với thiện, không làm hiển lộ được cái vô sân cho nên sân sanh khởi.
Chúng tôi thí dụ, có những cuộc lễ như lễ dâng y chẳng hạn hay là một buổi lễ trai tăng, người chủ lễ đó có thể bỏ ra 5, 10 triệu để làm buổi lễ dâng y hoặc buổi lễ trai tăng. Nhưng khi cung thỉnh Chư Tăng tới thì thông lệ người Phật tử muốn trọn vẹn phước của mình, người Phật tử này mới sắm sửa mâm tứ vật dụng lễ vật để cúng Chư Tăng, cứ mỗi vị vậy thì có một mâm lễ vật, điều này quá tốt, điều này nói lên phước đầy đủ trọn vẹn. Như cung thỉnh mười vị Sư thì có mười mâm lễ vật, nhưng bất ngờ kiểm tra lại thì còn có chín mâm thôi, người thí chủ Phật tử này sợ rằng quả phước mình không trọn vẹn mới hỏi mâm lễ vật đã thất lạc đâu rồi, bực tức và la những người nhà. Xin thưa rằng mâm lễ vật tứ sự đó tính giá thì khoảng chừng hai trăm ngàn, chẳng hạn như vậy, một buổi lễ cả triệu bạc không tiếc mà xá gì một mâm lễ vật có hai trăm rồi nổi sân khiến cho quả phước mình không được trọn vẹn. Đừng tưởng rằng có thêm mâm lễ vật đó với một tâm sân quát tháo như vậy mà cúng dường đến Chư Tăng mà nghĩ đó là trọn vẹn quả phước, xin thưa không phải. Điều này muốn nói rằng mảnh lực của vô sân nó không có hiển lộ lên, nếu mảnh lực vô sân hiển lộ lên thì gặp cách nào đi nữa người này cũng trầm tư lại và ngăn trừ đi, cho dù thiếu một mâm cũng chẳng sao, Chư Tăng cũng không hề buồn phiền hay thắc mắc, cứ tác bạch thẳng là "Bạch chư tăng trong lúc bận rộn có điều khiếm khuyết sót lại một vị không có mâm tứ sự con xin bổ túc sau," chẳng hạn như vậy, thì chuyện đó rất là hay đâu có gì đâu, nếu người này làm được như vậy thì rõ ràng đang thân cận với trí, khéo léo với cái trí, chắc chắn là Chư Tăng sẽ mỉm cười, bởi vì Chư Tăng đến với một tư cách đúng nghĩa là đem lại niềm tin cho những người chưa có đức tin, làm tăng trưởng niềm tin cho những ai đã có đức tin, làm tăng trưởng phước báu của những người Phật tử đã có niềm tin, chứ không phải là thiếu thốn một phần tứ sự đó mà để khó chịu. Nếu vị nào như vậy thì hãy quáng xét lại tâm mình nó có thật sự đang làm bạn với thiện hay không.
Chúng ta thấy rằng làm bạn với thiện là chúng ta phải làm nổi bậc lên tính vô tham, làm nổi bậc lên tính vô sân, làm nổi bậc lên tính vô si.
Trong mẫu chuyện trong chú giải Pháp Cú kinh cho chúng ta thấy mãnh lực thân cận vô sân làm nổi bậc tánh vô sân người này rất tốt đẹp. Đó là câu chuyện của bà Mallikà. Bà Mallikà công chúa của xứ Malla vợ của tể tướng Bandhula trong một buổi lễ trai tăng trọng hậu có cung thỉnh Đức Xá Lợi Phất cùng Chư Tăng đến dự, sau khi lễ vật đã chuẩn bị xong thì bà nhận được một tin báo rất khủng khiếp chồng và 32 người con đã bị vua Ba Tư Nặc cho phục binh giết chết, nhận được cái thơ đó, bà cầm thơ coi xong lặng lẽ bỏ trong túi, tiếp tục làm cuộc lễ một cách chu toàn. Dĩ nhiên với tâm lý của phàm nhân thì cũng có chút nao lòng, nhưng ở đây chúng ta mới thấy rằng làm việc phước thiện mà nổi bậc tánh vô sân, là một trong những chi phần tác thành việc hộ trì, thì việc cần phải thực hiện để làm hoan hỉ các vị trưởng lão các vị đồng phạm hạnh, ngay trong lúc đó nếu bà loan tin đó ra thì cả buổi lễ Chư Tăng nếu là Chư Thánh Tăng hay Alahan thì cũng cảm thấy buồn cho bà, rồi những người trong gia tộc sẽ nhốn nháo lên sẽ mang một màu sắc u buồn, mang một màu sắc tang thương. Bà thân cận với trí tuệ cho nên bà nổi bậc trí tuệ, bà thân cận với vô sân làm vô sân nổi bậc lên, bà lặng lẽ lo chu toàn. Và trong lúc làm lễ thì một cô tỳ nữ lỡ tay đánh rớt cái bình gia bảo qúi giá, cô nữ tỳ này đang run sợ thì Đức Xá Lợi Phất mới nói với bà Mallikà:
"Này tín nữ Mallikà, các pháp hữu vi đều vô thường, xin bà chớ có rày cô nữ tỳ."
Thì bà Mallikà mới tác bạch rằng:
"Bạch Ngài, cái đĩa này chỉ là một vật vô tri thôi, con còn nhận được cái tìn khủng khiếp hơn."
Lúc đó bà đưa bức thơ ra và nói tiếp: "Nhưng con vẫn bình tỉnh để chu toàn."
Cho nên chúng ta thấy rằng làm bạn với thiện ở đây rất đặc biệt, chúng ta thân cận với vô tham, chúng ta thân cận được vô sân, chúng ta thân cận với vô si và làm nổi bậc tính vô tham như vậy, làm nổi bậc tính vô sân như vậy, làm nổi bậc tính vô si như vậy thì điều này đem đến như Đức Phật Ngài dạy đó là điềm báo trước cho Bát Chánh Đạo đạo lộ đưa đến giải thoát, nhưng làm cách nào cho mãnh lực vô tham hay vô sân hay vô si hiển lộ lên xin thưa:
Điểm thứ nhất là chúng ta phải gặp một sự kiện nào khởi lên để làm cho cái vô si nổi bậc lên tức là trí tuệ nổi bậc lên hiển lộ lên nó phải có sức đẩy, chúng ta quán về nghiệp quả bất kỳ một sự kiện nào xảy ra cũng có nhân và quả, sự kiện này có do từ cái nhân cho dù là sắc pháp cho dù là danh pháp thì bất kỳ một hữu vi nào nó cũng phải xuất phát từ nhân từ duyên của nó, gặp một sự kiện nào mà chúng ta thường quán xét về nhân quả như vậy thì nó làm cho nổi bậc một trí tuệ. Từ cái quả này chúng ta truy tìm được nhân ở phía trước nó và chúng ta thấu hiểu được cái nhân phía trước nó để biết được cái quả này, đây là điểm thứ nhất, cái nền tảng để làm bạn với thiện để đẩy bậc lên có một sức đẩy của vô si xuất hiện là chúng ta nên quán về nhân duyên, ở đây qúi vị có thể có nhiều cách quán, tùy theo cái tâm của ta cái khuynh hướng thích của mình. Có một số Phật tử nói con quán vô thường được không hay con quán khổ hay quán vô ngã được không, xin thưa được chứ không phải không, nhưng mà dẫn nhập mà thôi, từ cái quán vô thường, từ cái quán khổ quán vô ngã quán tịch tịnh quán ly tham v.v... nó cũng chỉ là bước đường để tiến sâu vào nhân duyên, và chúng ta thấy rằng ngay cả Đức Bồ Tát của chúng ta ngồi tọa thiền dưới bờ sông Ni Liên Ngài trầm tư Ngài quán lý duyên khởi và bịnh chết có từ đâu, bịnh chết có từ sinh, sinh có từ đâu, sinh có từ thủ v.v... Ngài quán như vậy, và chính nhờ quán lý thập nhị duyên khởi đó Ngài mới chứng đắc được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác dưới cây Bồ Đề. Điều này qúi vị nói rằng là chúng tôi dựa vào đâu, xin thưa qúi vị dựa vào tạng luật tức là Luật Đại Phẩm, phần đầu của Luật Đại Phẩm thì nói bảy bảy bốn mươi chín ngày sau khi Ngài thành đạo trong bảy ngày đó luôn luôn Ngài quán lý thập nhị duyên khởi cho nên tất cả dù cho mình có quán vô thường có quán khổ, quán vô ngã quán sự tịch tịnh quán sự ly tham quán thể trượt v.v... thì cũng phải vào bước nhân duyên vì bất kỳ một pháp nào sanh lên cũng có một cái nhân, tìm nhân đó để thấy được cái quả này nhờ đó mà đẩy bật lên hiển lộ của vô si.
Bây giờ đối với làm nổi bậc lên quán vô sân cũng giống như vậy. Nếu như thân bằng quyến thuộc của chúng ta bị tai nạn thì dĩ nhiên đối với phàm nhân chúng ta cũng có một tình chăm lo có một ý quan tâm tới chứ không phải là thản nhiên nhưng chúng ta phải bình tỉnh, tụng những bài kệ hay là những câu kinh trong những buổi tang lễ, chứ khóc lóc thương tiếc, khóc than chẳng ích chi cho người quá vãng mà chỉ làm đau khổ người sống. Như vậy thì đối với những thân bằng quyến thuộc của mình thì chúng ta làm thế nào để làm nổi bậc trạng thái vô sân? Xin thưa, hãy tác ý tới nghiệp quả, mỗi chúng sanh đều có nghiệp riêng của mình, dù là cộng trú ở trong một ngôi nhà, dù cộng trú trong một trú xứ nhưng nghiệp quả mỗi người có riêng, trong một cuộc lễ chẳng hạn hay trong một công việc thiện sự mỗi người có nghiệp báo riêng, cùng làm chung một công việc xây dựng mà có người được an tòan nhưng có người bị tai nạn, có người làm xong thanh thản, có người làm xong thì đi cà nhắc thì tất cả điều đó là do nghiệp riêng của mỗi người, có người cùng đi lễ chùa dự lễ dâng y hoan hỉ đi về có người phát sanh tài sản người khác về lại bị bịnh, đối với những trường hợp như vậy thì chúng ta sẽ nghĩ tới nghiệp báo của mỗi người, làm công tác thiện sự chung nhưng mỗi người có biệt nghiệp riêng, biệt nghiệp khi mà nó tới thời trổ nó sẽ trói lại. Điều này cho chúng ta thấy Ngài Sīvali chẳng hạn ở trong quá khứ Ngài chỉ một lần trong thời cúng dường trọng hậu đến Chư Tăng. Ngài chỉ là một người nông dân trong kiếp này, Ngài cúng dường chỉ một tổ ong mà thôi nhưng mà là cúng dường đúng thời cho nên kể từ lúc đó trở đi Ngài không bao giờ bị đói, thậm chí khi Ngài xuất gia trong giáo pháp trên đường đi xa vắng không có bóng người thì Chư Thiên cũng phải phát hiện ra làng mạc rồi Chư Thiên đặt bát cúng dường đến Ngài đến với Chư Tăng đến với Đức Phật. Đức Phật Ngài nói là do phước của Ngài Sīvali rộng lớn. Điều này cho chúng ta thấy rằng không phải phước của Đức Thế Tôn kém hơn Đức Sīvali , nhưng ở trong một cộng nghiệp chung thì có một biệt nghiệp mà đúng thời thì biệt nghiệp đó nổi bậc lên và cũng nhân cơ hội đó Đức Thế Tôn ban cho Ngài Sīvali tối thắng về hạnh khất thực.
Thậm chí khi Ngài Sìvali chuẩn bị Niết-bàn Ngài quán xét tuổi thọ mình đã hết Ngài mới gọi Chư Tăng tới Ngài nói:
"Này Chư Tỳ Khưu, tôi sắp sửa Niết-bàn, có pháp nào điều luật nào mà chư hiền giả còn nghi ngờ chưa được thông suốt thì hãy hỏi tôi sẽ giải thích cho các vị hiền giả" thì các vị tỳ kheo đó không quan tâm đến giáo pháp không quan tâm đến giới luật mà cứ than khóc:
"Ôi, Ngài sắp viên tịch rồi, giờ đây chúng ta đi bát sẽ khó khăn cực nhọc, sẽ không đủ ăn."
Than khóc như vậy, Ngài mới an ủi: "Này chư hiền giả chớ có lo, hãy ưa mến pháp, đây cũng là chi phần của người hộ trì."
Và Ngài nói thêm rằng: "sau khi tôi đã viên tịch rồi các vị hãy làm lễ trà tỳ xong các vị hãy mang một ít xương của tôi ở trong mình các vị sẽ không hề bị đói."
Như vậy chúng ta thấy rằng ở trong một cộng nghiệp chung có biệt nghiệp riêng, không phải phước của Đức Sìvali hơn Đức Thế Tôn nhưng mà gặp thời trổ thì có giá trị, bởi vậy cho nên khi làm cho mãnh lực vô sân sanh khởi lên đối với thân bằng quyến thuộc thì chúng ta dĩ nhiên là trầm tỉnh nhưng mà chúng ta phải nghĩ tới nghiệp báo nghiệp quả của mỗi tầng chúng sanh, cùng làm một công tác xây dựng chùa chiền chẳng hạn thì trong nhóm cùng làm công tác chung thì có những vị sư phải như thế này có những vị sư phải như thế kia có những người đệ tử công quả như thế này có những người đệ tử công quả như thế kia cũng có những người bị tai nạn, lâu lâu mình cũng nhắc nhở khéo léo. Đây là nói về tình thân bằng quyến thuộc.
Bây giờ tình vật chất thì sao? nói về những mãnh lực vật chất thì sao? thì chúng ta sẽ nghĩ rằng nếu quán xét một câu kệ ngôn:
"Con ta tài sản ta,
nghĩ quấy người ngu khổ,
thân ta còn không có,
Con đâu, tài sản đâu?
Mình đưa lý nghiệp báo ra, tài sản này cũng chỉ là vật chất, một mai mình sẽ giả từ gác trọ này. Thì từ vật chất vô tri như vậy mà để phát sanh tâm sân thì không đúng. Đúng ra mình phải lợi dụng những cái vật chất này để làm bạn được với thiện để mình tạo những việc phước, mà nơi nào có thiện thì nơi đó không có sân, như vậy để làm nổi bậc tánh vô sân thì chúng ta phải đặt tâm chúng ta trên nền tảng từ bi, chính từ bi là động lực, chính từ bi là một sức đẩy để làm hiển lộ cái vô sân, quán xét về nhân duyên quán xét về vô thường khổ vô ngã để làm nổi bậc tánh vô si trí tuệ khởi lên như vậy thì do cái từ bi này chúng ta sẽ làm nổi bậc tánh vô sân, hễ tánh vô sân nổi bậc lên thì thân tâm chúng ta thân cận với vô sân thì những nỗi buồn phiền nếu có nó cũng đã giảm nhẹ, những nỗi bực tức sân hận sẽ bị diệt trừ. Nói cách khác là chúng ta có sân chăng thì cũng sân nhẹ, nếu tỉnh táo hơn nữa thì chúng ta loại trừ sân bằng trí tuệ thì làm bạn tốt đẹp.
Để làm nổi bậc tính vô tham thì pháp nào? Xin thưa đó là pháp đừng dính mắc, tức là khi làm một việc thiện mình hiểu biết đó là việc thiện chứ không nghĩ rằng tôi đã làm việc thiện mà chỉ nghĩ rằng cái danh sắc này đang thực hiện một việc thiện, mà một việc thiện này nó đã diệt rồi, một cuộc lễ dâng y một công việc xây dựng ngôi Tam Bảo, một công việc nào đó thuộc về Phật sự, thực hiện xong trong giai đoạn đang thực hiện biết rõ đang thực hiện và thực hiện xong biết rõ đang thực hiện xong và không hề dính mắc rằng chính tôi là người tạo ra nó, thưa qúi vị rằng tôi vẫn nhủ thầm với mình công việc chúng tôi phải làm là phải làm thôi, nhưng mà tôi không nghĩ rằng tôi là người làm mà việc làm là phải làm, chúng tôi nói ý một cách xa xa như vậy chứ không nói rõ, rồi sau này một lúc nào đó tôi cũng giả từ cái gác trọ này và cũng để người khác và cũng không hề muốn nghĩ rằng mình làm, chẳng qua ở một trú xứ nào sau khi làm xong tri ơn trú xứ đó cũng giống như Đức Phật, nghĩa là học tập theo gương Đức Phật, học tập theo hạnh lành của Đức Phật Ngài chứng đắc đạo quả dưới cội Bồ Đề xong thì Ngài dành trọn vẹn bảy ngày để mà nhìn cội Bồ Đề một nơi che mưa che nắng cho Ngài, dành trọn vẹn đúng bảy ngày không chớp mắt như vậy thì làm nổi bậc tính vô tham là mình đừng dính mắc, những thiện pháp mình đã không dính mắc, làm thì biết làm, tu tập biết tu tập, giữ giới biết giữ giới, phục vụ biết phục vụ, cung kỉnh biết cung kỉnh nhưng không hề dính mắc mà biết rằng đây là những việc cần phải làm, cung kỉnh đối với những vị trưởng lão cần phải cung kỉnh và không nghĩ rằng dính mắc ở đó các Ngài có ngó lơ chăng nữa thì chuyện của Ngài, công chuyện của tôi làm rồi, gặp các Ngài tôi chắp tay xá chào Ngài có quay lơ đó là chuyện của Ngài, chuyện của tôi tôi làm xong mà tôi không dính mắc, gặp những vị khác chẳng hạn vậy mà có chắp tay đảnh lễ tôi thì tôi cũng phải chắp tay thủ lễ lại đó là việc làm tôi cần làm, còn nếu vị đó ngó lơ tôi tôi cũng xin tri ơn tôi không nghĩ rằng vị đó bất kính đối với tôi vì tôi chẳng có gì để kính nể, thân xác này vốn nhiễm ô trược.
Như vậy để làm nổi bậc tánh vô thăm thì không có sự dính mắc, thì động cơ để cho nổi bậc tánh vô tham mình sẽ không còn phải thân cận ác pháp, không còn thân cận với bất bình, không còn thân cận với ngã mạn, không còn thân cận với những sai lạc, được như vậy tâm của chúng ta bình thản vô cùng. Qúi vị phải nghĩ như vầy, khi vừa sân thì qúi vị nghĩ không ai giận người dưng bao giờ, không ai bao giờ giận người xa lạ không quen không biết, đối với người quen biết mình mà họ lơ thì mình cũng hiểu biết rằng giờ phút này người này đối với mình xa lạ, họ xa lạ với mình vì họ không biết mình thì họ lơ mình mà mình giận họ là mình sai bởi vì họ là người xa lạ với mình, không ai giận người xa lạ. Còn như giao hữu với nhau một cách thân tình ở trong chánh pháp thì mình thân với họ còn không thì thôi. Trong vòng luân hồi này hiện kiếp này tôi với qúi vị hay qúi vị đối với chư tăng hay chư tăng đối với qúi vị hay Phật tử đối với qúi vị cũng chỉ là bèo nước gặp nhau ở một đoạn nhân duyên để rồi sau đó bèo trôi theo bèo và nước đi theo nước làm cách nào đó không biết nhưng mà chúng ta sẽ hội tụ lại ở nơi cảnh giới tịnh tịch và Niết-bàn, gặp nhau tại điểm Niết-bàn, tức là mỗi người sẽ chứng đạt được Niết-bàn. Mỗi người có nghiệp riêng của họ, mỗi người có khuynh hướng riêng, mỗi người có sở hành riêng, khuynh hướng nào sở hành nào, cách thức thực hành nào miễn sao thân cận với thiện và để đi tới mục tiêu là đắc được như vậy đó là tốt rồi, oan trái với nhau ở trong kiếp này còn là phàm nhân chẳng nói làm gì mà trong vòng luân hồi gặp lại đâu còn nhớ được qúa khứ là gì nhưng sự oan trái nó sẽ đeo đuổi.
Nhưng mỗi khi mình thỏa thuận được để làm cho cái oan trái được san bằng, giả xử rằng đụng chạm tới bậc thánh thì sao, xin thưa rằng trong vòng luân hồi này không thể định được ai là người chứng đắc đạo quả trước hay sau. Người Phật tử ở trong giai cấp người Phật tử, chư tăng ở trong giai cấp là chư tăng, nhưng qua những kiếp sau có thể người Phật tử này chứng đắc đạo quả trước những vị sư không chừng, bình thường thì chúng ta nhận định rằng những vị sư có thể là chứng đắc đạo quả trước, điều này dĩ nhiên bởi vì chư tăng là những người có đầy đủ những điều kiện tốt để đạt được Niết-bàn, chư Phật tử cũng vậy. Víí như người đi máy bay với người đi xe ô tô nhưng đi máy bay cũng có thể rớt giữa chừng người đi ô tô đi chậm vậy cũng có thể đi tới trước thì trong vòng của họ không thể định được trước ai là người chứng đắc được đạo quả trước, chỉ có một điều ai tinh tấn hành pháp ai thân cận với thiện thì bấy giờ người đó sẽ vượt khỏi luân hồi trước còn ai biếng nhác ai lơ đễnh ai chậm chạp thì người đó sẽ chậm, cũng giống như hai người cùng đi trên đường cùng hướng tới mục đích hai người cùng gặp một vườn đầy hoa thơm cỏ lạ đầy trái ngọt một người lẳng lặng bỏ ra đi còn người còn lại thì nào là ngắm hoa ngắm cảnh ngửi hương thơm, giữa hai người đó thì người lẳng lẽ bỏ ra đi chắc chắn họ tới mục tiêu trước còn người ở trong vườn đầy kỳ hoa dị thảo đầy mật ngọt thì chắc chắn họ chậm hơn, những vị tăng với phước riêng của mình cũng có với hồng ân của Tam Bảo, cũng có phát sanh tài vật nhiều phát sanh điều an lành nhiều nhưng nếu không biết bỏ qua thì cũng giống như người gặp kỳ hoa dị thảo ở mãi trong vườn hoa đó, còn người Phật tử mặc dù có phước riêng cũng có nhờ hồng ân Tam Bảo cũng có trong điều này không có vượt trội hơn chư tăng nhưng người này dù gặp vườn hoa tốt hay vườn hoa không tốt cứ lặng lẽ bỏ đi thì rõ ràng người ở trong vườn hoa kia phải chậm hơn. Trong vòng luân hồi cũng vậy. Đó là chúng tôi trích dẫn trong bài kinh Đế Thích Vấn Đàm thuở xưa có ba vị tỳ khưu được một người tu nữ hộ độ, sau mãn kiếp ba vị này giới hạnh tốt đẹp nhưng không tinh tấn, sau khi thân hoại mạng chung cả bốn người đều tái sanh về cõi trời cõi Đạo Lợi, bà nữ cư sĩ nay trở thành một vị thiên tử còn ba vị tỳ khưu kia trở thành Càn Thác Bà đánh đàn để phục vụ làm vui vị Thiên Tử đó, vị Thiên Tử mới nói rằng mấy ông có nhớ không ngày xưa tôi là người nữ phục vụ cho mấy ông, mấy ông sống trong giáo pháp này tai của mấy ông để đâu mà không nghe giaó pháp này mà nay mấy ông phải làm Càn Thác Bà để phục vụ cho tôi. Xin thưa qúi vị rằng một trong ba vị chợt thức tỉnh mới bắt đầu tu tập thiền chứng đắc được sơ thiền tái sanh cõi chư thiên.
Chúng tôi dẫn chứng như vậy cho qúi vị thấy rằng trong vòng luân hồi này trong hiện tại này chúng ta những đoạn nhân duyên gặp nhau cùng làm công tác thiện sự và mong rằng tất cả mọi người cùng làm bạn với thiện không có những tị hiềm, không có những ganh tị, không có những ngã mạn, không có những tự hào, không có những cái lấn cấn không vui để không dính mắc để làm nổi bật vô tham, đặt trên nền tảng tâm từ để làm nổi bậc vô sân, quán xét về nhân duyên quán xét về tam tướng để làm nổi bậc tính vô si, như vậy thì làm bạn với thiện này thật trọn vẹn nó không còn cơ hội để cho tham sân si có cơ hội sinh khởi hay là nó có sinh khởi chăng thì cũng chỉ là đóm lóe lên thôi nó không làm ảnh hưởng tới một cái lớn tốt đẹp, cũng giống như một về trầy nhỏ không đủ sức để cho người kia phải bị thiệt mạng, hay một bức tranh có một vết bẩn nhỏ không làm mất giá trị của bức tranh, chúng ta thấy những bức tranh cổ chẳng hạn mặc dù đôi khi nó bị mọp ăn làm cho một số điểm nào trong bức tranh nó không còn trọn vẹn như xưa nữa nhưng bức tranh còn có giá trị, như thế nào cũng vậy, cho nên chúng tôi nói rằng Đức Phật Ngài dạy làm bạn với thiện như là điềm báo hiệu cho Bát Chánh Đạo xuất hiện cũng như bình minh là điềm báo hiệu cho mặt trời xuất hiện.
Làm bạn với thiện để làm nổi bật vô tham thì chúng ta sẽ đừng bị dính mắc, để làm nổi bật tánh vô sân chúng ta sẽ đặt trên nền bản từ bi và đồng thời quán nghiệp báo suy ngẫm về lý nghiệp báo, để làm nổi bật tính vô si hiển lộ sức mạnh của vô si thì chúng ta quán tam tướng quán thể trược hoặc chúng ta quán về lý nhân duyên mà một khi vô tham hiển lộ thì tham không có cơ hội chen vào, mỗi khi vô sân hiển lộ thì sân không có cơ hội hiển khởi, khi trí tuệ hiển lộ thì si mê không có cơ hội hiện khởi như vậy làm bạn với thiện này là trọn vẹn không bị lấm tấm bị lấm ô bị nhơ bẩn bởi tham sân si