Không Sợ Hãi Công Đức
TT Giác Đẳng - giảng trong rơom Diệu Pháp ngày 31-03-2008/
Bấm vào
để nghe pháp âm
Minh Hạnh chuyển biên
Hôm nay nói về một đề tài mà tương đối nhiều Phật tử trong sự thực hành Phật pháp hàng ngày hằng nghĩ đến đó là phước báu hay là công đức. Về điểm này thì tương đối có hai cái nhìn hơi trái chống nhau:
1) Có một số thì quan niệm rằng công đức là cái gì vô cùng thiết yếu. Người không hiểu đạo thì thôi, nếu tin nhân quả thì nên hoan hỉ và nên làm thật nhiều công đức.
2) Cũng có những vị hướng cầu giải thoát, trong sự hướng cầu giải thoát nếu xả ly tất cả, quan niệm rằng công đức là hữu lậu dẫn đến sanh tử trong ba cõi và càng nhiều công đức thì càng đáng sợ.
Ở đây Đức Phật Ngài có đưa ra một cái nhìn chung dung. Khi nào nói đến diện giải thoát thì dĩ nhiên là rủ bỏ tất cả, nhưng đã là một chúng sanh sống trong cõi trầm luân này thì công đức là cái gì giúp cho mình được an lạc và mang lại sự an lạc cho chúng sanh chung quanh mình. Nói đến nhân thiên là cái gì khả cầu, khả ái, khả ý, chứ không phải là cái gì đáng sợ, nhưng chữ phước phải hiểu đúng là phước và chẳng những hiểu đúng cái phước đó mà còn hiểu nguồn cội sanh phước đó, bởi vì nếu chúng ta không hiểu nguồn cội sanh phước đó đôi lúc chúng ta tự hủy hoại nguồn công đức của mình.
Lấy ví dụ là tiền bạc không phải là một cái gì dơ bẩn đáng sợ như nhiều người thường lên án, nhưng nếu một người có tiền thì nên hiểu cách nào để làm ra đồng tiền một cách lương thiện và dùng đồng tiền một cách tốt đẹp, tốt đẹp cho mình và tốt đẹp cho cuộc đời này. Không hiểu được như vậy thì rất hại. Thật ra đa số đồng tiền đều đến từ nỗ lực rất đáng kể đáng ca ngợi như là sự cố gắng đặc biệt ở trong một thế giới mà nhiều cạnh tranh thì mình có được đồng tiền là do tài năng do sự cố gắng của mình, nhưng không nên quên điều đó để khiến cho con người có đồng tiền rồi sa đọa tự phá hủy tài sản những gì mình đã có.
Đức Thế Tôn Ngài dạy bài học này, Ngài đưa ra cả hai hình ảnh nhân và quả của công đức và cội nguồn của công đức. Khi Đức Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ Đề thì bấy giờ Ngài đã dành trọn cả canh đầu để thể nhập vào một trạng thái mà chúng ta gọi là Túc Mạng Minh, tức là nhớ biết được quá khứ. Ở đây là Ngài làm gì, sanh ra là ai, cuộc sống như thế nào, và quá khứ trở về như là một hình ảnh rõ nét từng chi tiết một. Nhưng tới canh thứ hai thì Ngài nhìn thấy nhân quả của hiện tượng sanh tử, như do nhân nào mà Ngài sanh ra như vậy, được công đức như vậy, hay là bị đọa lạc như vậy. Chính vì nhìn thấy mấu chốt nhân quả đó mà cái nhìn của Ngài khác hẳn với cái nhìn của những người khác.
Thật ra chúng ta sống ở trong sự tương tác của nhân quả nhưng chúng ta không nhìn thấy cái đầu mối đó, do vậy đôi khi chúng ta chợt vui chợt buồn, nghĩ rằng mình may mắn hay là mình xui xẻo hoặc giả là mình thế này mình thế kia, nhưng tất cả nó đều đến từ đầu mối có nhân rồi tạo ra quả, do nhân quá khứ tạo ra hiện tại, nhân hiện tại tạo quả trong tương lai, mà chúng ta không thấy được.
Trong trường hợp này Đức Thế Tôn Ngài đặc biệt đề cập đến một khía cạnh đẹp nhất của cuộc sống, đó là ở trong kiếp trầm luân sanh tử tuy rằng có nhiều khổ đau phiền lụy nhưng ở trong một cái nhìn rất tương đối thì có những quả vị trong thế giới nhân thiên hết sức khả lạc khả hỉ và mang lại sự an lạc, và Ngài gọi sự an lạc đó là công đức.
Một điều chúng ta thường nhìn thấy trong kinh điển của Phật giáo và rất khác biệt với Ấn Giáo, là ở trong thế giới này có nhiều giai tầng: Giai tầng của dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
Giai tầng vô sắc giới thì chúng ta không đề cập đến ở đây bởi vì đó là một cõi nằm ngoài các cõi hiện hữu của vật chất.
Nhưng trong dục giới và sắc giới thì những vị được xem có quyền lực tương đối là những vị mà chúng ta gọi là có phần hành, có vai trò, có vị thế, thường là những vị ở cõi thấp.
Chúng tôi lấy ví dụ là sáu cõi trời dục giới: Như Cõi tha hóa tự tại, Hóa lạc thiên, Đâu xuất, Dạ ma, Đao lợi, Tứ thiên vương. Thì Chư Thiên ở cõi Tứ Thiên Vương và Đao Lợi là cõi thấp, thì lại liên hệ đến thế giới nhiều, liên hệ với những người chung quanh nhiều, có nhiều phận sự, dĩ nhiên là phận sự đi ngang với quyền hành. Thí dụ như Trời Đế Thích và Tứ Thiên Vương là những vị có ảnh hưởng lớn trong cõi Dục giới thì những vị này lại là Chư Thiên ở cõi thấp chứ không phải là cao.
Ở trong cõi Phạm Thiên cũng vậy chúng ta nói vị Đại Phạm Thiên như là Đại Phạm thiên Sahampati chẳng hạng. Thì trong các tầng thiền của vị Đại Phạm Thiên là tầng thiền cao của sơ thiền. Sơ thiền có ba: phạm trù, phạm trú và đại phạm.
Nhưng ở Nhị thiền, tam thiền và tứ thiền thì những cõi Phạm Thiên này ít có dính dáng nhiều đến những sự vận hành của thế giới này.
Xem ra thì chúng ta phải hiểu như vầy: Là phước càng nhiều tu càng cao thì nó càng có tính cách hướng nội, càng có tánh cách mà chúng ta gọi "thế ngoại cao nhân." Thế ngoại cao nhân chúng ta tạm dùng chữ là một người mà đã đạt đến cảnh giới rất cao siêu rồi thì người đó ít dính dáng đến những tuế toái ở trong cuộc sống này. Nhưng những người ở dưới bình thường, những người ở một bậc nào đó thì đa phần là họ có nhiều vai trò, có nhiều trách nhiệm thì không phải là rất cao siêu trong phương diện thành tựu nội tại.
Vị Đại Phạm Thiên mà chúng ta nói là hình ảnh được nhắc nhiều đến trong kinh cũng là hình ảnh được thờ phụng rất nhiều trong xã hội Ấn Giáo thì vị đại Phạm Thiên đó là một vị được xem như là vị Phạm Thiên cao của tầng Sơ Thiền. Sơ Thiền là tầng thiền thấp trong bốn tầng thiền: Sơ, nhị, tam và tứ thiền. Thì tương tựu như vậy, Đức Trời Đế Thích, Tứ Đại Thiên Vương là những vị thiên chủ sanh vào trong cõi thấp của dục giới như là Tứ Thiên Vương, Đạo Lợi, các Ngài không nằm ở trong các cõi cao như Dạ Ma, Đâu Xuất, Hóa Lạc và Tha Hoá Tự Tại.
Điều này cũng tương tựa như trong thế giới của loài người, những người lao mình ra ngoài xã hội làm việc mà lăng xăng thì có vẻ như là những người có chiều rộng hơn là chiều sâu. Còn những người có chiều sâu, nghĩa là sống thật sự chuyên chú vào một cái gì nhiều thì thường thường là những ẩn sĩ hay là những người sống riêng một góc trời "thiên địa biệt hữu" ít có người biết đến. Do vậy chúng ta không đòi hỏi những chính trị gia, chúng ta không đòi hỏi những người tiếng tăm, họ phải thật sự là những người chuyên về kinh tế hay chuyên về âm nhạc, chuyên về nghệ thuật, những điều đó mang tánh cách chiều rộng hơn là chiều sâu. Điều đó có một cái gì rất thú vị khi chúng ta nói về điều tương tựa giữa chư thiên và nhân loại.
Bây giờ trở lại với câu chuyện chúng ta nói ở tại đây thì Đức Phật có đề cập đến hình ảnh của Đại Phạm Thiên ở trong cõi Phạm Thiên, nhưng chúng ta biết là Đại Phạm Thiên sanh ra không phải do những phước báu như là bố thí trì giới mà sanh ra là do sự thành tựu của thiền định, tức là có tâm định của định lực, tức là người đó thành tựu trong đời này do tu tập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, do năng lực của thiền định có thể nói ở trình độ tâm thục rất cao được sanh vào cõi phạm thiên. Cõi Phạm Thiên rất thù thắng tế nhị hơn nhiều chúng sanh khác, nhưng ở trong cõi Phạm Thiên này thì vai trò của vị này thường như chúng ta thấy như vai trò của Phạm Thiên Sahampati, là vị sống có ảnh hưởng, có uy lực, có liên hệ nhiều, vì những vị này để tâm đến những chuyện tương đối mang cách tương hợp, ví dụ như chư vị Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên thường thỉnh Đức Phật thuyết pháp độ đời, vị Đại Phạm Thiên thường quan tâm đến tinh thần nhiều hơn. Trong khi đó thì các vị như Đế Thích, Tứ Thiên Vương thì có thể nói là liên hệ nhiều về công đức, sở hành, hành vi của chúng sanh trong cuộc đời.
Chúng ta hay nói chung chung là như vậy, nó có tánh cách rất tương đối. Tương đối giống như bây giờ chúng ta ở Hoa Kỳ nói rằng Hạ Viện thường đặt nặng về những vấn đề đối nội tức là những vấn đề của Hoa Kỳ và Thượng Viện thì thường chú trọng về những vấn đề ngoại giao về đối ngoại của Hoa Kỳ. Chuyện đó đúng chứ không phải là không đúng. Nhưng Thượng Viện và Hạ Viện thỉnh thoảng có những chuyện liên quan đến đối nội và đối ngoại chứ không hẳn là chỉ riêng một thứ, nhưng trong truyền thống thì Hạ Viện vẫn mạnh về vấn đề đối nội và Thượng Viện mạnh về đối ngoại. Chúng ta tạm nói như vậy để cho dễ hiểu. Ở trong sự vận hành của một thế giới nó có trật tự nhất định và sự trật tự này bên cạnh nghiệp lực của chúng sanh và bên cạnh những định luật nhất định liên quan đến sự ra đời của Chư Phật thì một số các vị Thiên, Phạm Thiên hay là Chư Thiên ở cõi dục giới thì các vị có những ảnh hưởng rất lớn, cái ảnh hưởng này nói một cách sâu rộng cùng tận thì nó cũng nằm ở trong mặt đối nghiệp riêng của cuộc đời, nhưng nói như vậy thì không phải không có ảnh hưởng.
Chúng tôi lấy ví dụ là bây giờ mình sống trong thành phố Houston có 4 triệu người, vị thị trưởng của thành phố có những quyết định liên quan đến cuộc sống của chúng ta, để đưa ra bằng chứng cụ thể rõ ràng là ông thị trưởng bây giờ đã làm ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống môi sinh như thế nào thì chúng tôi không nói chuyện đó được, nhưng ví dụ như ông Brown trước kia ông lên làm thị trưởng một thời gian dài thì ông bỏ ra rất nhiều tâm trí vào các đề án xây dựng công viên, trường học, đường xá v.v... và hiện tại bây giờ thành phố Houston có phần khác, thì phần khác đó có ảnh hưởng đến tất cả người dân sống ở trong thành phố này, nó không phải là trực tiếp như cha mẹ nuôi con, hay ví dụ qúi vị thường nghĩ bà mẹ sanh, hay là bà độ mạng hay là Chư Thiên chăm sóc qúi vị, nhưng ở trong sự vận hành của thế giới thì các vị Phạm Thiên đặc biệt là Tứ Đại Thiên Vương, Đế Thích và Đại Phạm Thiên, thì các vị đó cũng có một số ảnh hưởng nhất định, ảnh hưởng đối với chúng sanh sống trong thế giới đó. Về điểm này thì chúng ta phải đọc rất nhiều bài kinh để chúng ta nghiệm thấy điều này, mình nói những điều đó không liên hệ đến mình, mình không phải thờ phượng cúng viếng thì chuyện đó cũng chẳng hại gì. Cũng giống như bây giờ trong nhà qúi vị treo hình ông Tổng Thống trong nhà, qúi vị có tung hô vạn tuế đi nữa thì cũng không có gì khác, mà qúi vị nhìn vị Tổng Thống mỗi ngày cũng không có gì khác, bởi vì cái ảnh hưởng xa xăm chứ nó không trực tiếp đến chúng ta. Nhưng mà nó có ảnh hưởng chứ không phải không có ảnh hưởng. Ảnh hưởng đó chúng ta phải hiểu ở trong một cách rất rộng, một hình ảnh rất rộng lớn, không đơn giản như là cách thường thường chúng ta nghĩ đến chuyện thần thánh, đó là mình nói lên lời cầu xin vị thần thánh đáp ứng, không phải như vậy, mà những vị có đại uy lực có đại công đức ở trong thế gian này thì những vị đó có những ảnh hưởng mang tánh cách toàn quyền mang tánh cách chung chung mà đạo Phật thường đề cập đến, do đó nhiều Phật tử không thờ phượng Chư Thiên như là thờ phượng Đại Phạm Thiên hay là thờ phượng Đức Thiên Chủ Đế Thích như là một sự thờ phượng cầu khẩn xin gạo, xin đường, xin muối, xin tiền bạc, xin tình yêu như những người khác, mà cái quan niệm của chúng ta nó mang tánh cách rất rộng rãi.
Chúng tôi nói như vậy chỉ là cố gắng để phác hoạ một vài hình ảnh mà Đức Thế Tôn cho chúng ta biết ở tại đây. Trong quá khứ Ngài đã từng sanh làm Đại Phạm Thiên, sanh làm Thiên Chủ Đế Thích, ở trong nhiều kiếp quá khứ Ngài sanh làm Chuyển Luân Vương.
Trong bài kinh này mở đầu Đức Thế Tôn nói rằng "Chớ sợ hãi công đức" Ngài cũng cho chúng ta biết rằng có những thứ công đức hữu lậu ở trong cõi trầm luân này cũng mang lại lợi lạc rất nhiều người. Chúng tôi lấy ví dụ như một vị vua trị nước bằng chánh pháp là một hình ảnh khích lệ cho nhiều người sống trong chánh pháp, lấy sự bố thí và trì giới làm cái gì để mình hoan hỉ để hành theo, thì quả vị Chuyển Luân Vương cũng là khả cầu, khả ái, khả hỉ chứ không phải là đáng sợ hoàn toàn. Nhưng quả vị đó phải thành tựu do phước báu và thành tựu đến mức độ nghĩa là thật sự của nó. Ví dụ như mình có phước sanh làm vua nhưng phước sanh làm vua đó chỉ vừa đủ là người có uy lực, mà nó không phải có đủ trí tuệ và có đủ sự chân thiện để trở thành một vị vua gọi là minh vương trị nước, một vị lấy chánh pháp để trị vì thiên hạ, thì phước đó kể như là chỉ có một phần và không đủ cho chúng ta được xem như là một vị Chuyển Luân Vương lấy chánh pháp để trị vì thiên hạ, và như vậy có nhiều khi nó gây họa gây ác nghiệp cho chính bản thân mà không tạo ra được lợi lạc công đức cho nhiều người. Những quả vị Đức Thế Tôn đề cập đến tại đây như là những thí dụ đặc trưng thì trong đó có quả vị Chuyển Luân Thánh Vương, quả vị Đế Thích, quả vị Đại Phạm Thiên, trên cương vị địa vị và chức quyền ảnh hưởng của các vị đó đều mang ảnh hưởng rất tích cực trong thế gian này, tức là tự mình an lạc, tự mình cao cả và lại hướng chúng sanh đến con đường cao cả, hướng chúng sanh đi theo đường an lạc, những điều đó rất đáng hoan hỉ.
Có những khi thì Đức Phật cũng tán thán. Trong kinh Pháp Cú Ngài đề cập hình ảnh của Đức Đế Thích, hình ảnh của thanh niên Magha nhờ vào thiền pháp mà được sanh thiên mà được đại uy lực, Đức Thế Tôn khuyến tấn những người Phật tử nên vun bồi công đức. Thì những nguồn cội công đức đó khi mình làm phước mình làm thế nào làm cho nó đến từ cái giá trị của thiện pháp. Thí dụ như làm phước thì cũng có nhiều người làm phước khác nhau, có người làm phước rất đơn giản là mình làm chuyện gì rồi mong cho đời sau mình được giàu có, mình được đẹp đẽ, cái đó cũng có công đức và cũng mang lại những thành tựu quả có ích, nhưng có đôi khi về sau này vì cái đẹp đó, cái giàu đó mà tự mình dấn thân vào con đường đọa lạc.
Trong lúc đó thì có một số phước chẳng những làm đẹp cho cuộc đời mà còn đẹp cho chính mình nữa, ví dụ như trong trường hợp ở đây Đức Thế Tôn đề cập đến một người vừa bố thí vừa trì giới vừa thiền định, tức là sống biết cho và biết làm cho an tịnh ba nghiệp, không để ba nghiệp tạo những nghiệp bất thiện. Và đặc biệt trong phần thiền định tại đây Đức Thế Tôn Ngài nói về tu tập tâm từ, tâm từ tức là trạng thái tâm rất biến mãn, rất đẹp. Ví dụ như chỉ an trú vào một trạng thái ngay chung quanh mình và khắp các phương hướng, luôn luôn nghĩ tới tất cả chúng sanh ở khắp phương hướng, làm thế nào mà chúng ta chỉ có một tâm thái rất thuần là mong mỏi cho tất cả chúng sanh được an lạc, đó là tâm từ. Thì sự tu tập tâm từ có phương pháp chứ không phải không có phương pháp, nhưng phương pháp tu tập tâm từ chúng ta sẽ nói ở đoạn khác. Nhưng ai dùng con mắt của từ tâm để nhìn đời này, dù là bốn phương tám hướng ở những nơi nào mình đến và chỉ nghĩ là nên đem lại sự an lạc cho chúng sanh đó, thì qúi vị sẽ thấy rằng tâm mình rất rộng. Khi mình làm việc ở trong room Diệu Pháp chẳng hạn, hay ở trong bất cứ sinh hoạt nào, cái gì mình đóng góp vào thì mình nghĩ rằng mình làm ở đây mong cho những gì góp phần cho những người chung quanh được an lạc, làm cho công việc được dễ dãi, được thoải mái hơn và mong cho đại chúng vào được an lạc, được lợi ích. Mình mong cho những người khác được an lạc lợi ích đó là từ tâm, và với từ tâm phát triển một cách mạnh mẽ thì nó đạt đến chỗ biến mãn của thiền định, biến mãn của tâm định.
Phải nói rằng đã có lúc nhiều đời nhiều kiếp quá khứ, Đức Đại Bồ Tát Ngài tu tập tâm từ vô lượng như vậy đã dẫn đến cảnh giới như là Đại Phạm Thiên, hoặc giả là nếu không trú thiền bằng từ tâm thì Ngài cũng sống trong sự tạo nhiều công đức để sanh vào cõi thù thắng như là Đức Trời Đế Thích, sanh làm Chuyển Luân Vương v.v... thì có những cội nguồn công đức và từ cội nguồn công đức như vậy mà khiến cho chúng ta thành tựu được những quả vị tốt đẹp, những quả vị tốt đẹp này không phải tự nó tốt đẹp mà quả vị tốt đẹp này còn mang lại những sự tốt đẹp cho những chúng sanh chung quanh mình như là sự có mặt của các vị Đại Phạm Thiên, sự có mặt của Đức Trời Đế Thích đã tạo không biết bao nhiêu an lạc.
Vị Trời Đế Thích luôn luôn là vị dẫn đạo, vị thiên chủ, vị minh chủ của chư thiên để hướng các vị này làm những việc lành sống theo chánh hạnh, thành tụ chánh kiến thì phải nói rằng bản thân của các vị đó là vô số công đức, tự mình hưởng thụ công đức rồi mà còn tạo ra nhiều công đức.
Chuẩn luân vương cũng vậy, hình ảnh của một vị vua, chúng tôi không nói là một vị vua vĩ đại thời xưa, mà hiện nay như vua Thái Lan, người dân Thái rất là hãnh diện vì Thái Lan có một vị vua như là vua Bhumibol, một vị vua lấy đức độ để trị dân, người Thái phải nhìn hình ảnh vị vua này được tiêu biểu cho giá trị của thiện pháp, một người lấy từ tâm phục vụ, một người sống gần với Phật Pháp để mang lại niềm an lạc cho chúng sanh khác, cái đó trở thành nguồn cảm hứng của rất nhiều người, thấy như vậy và cũng mong cầu như vậy, có nhiều khi người dân gọi vua Thái Lan là Cakravarti tức là vị chuyển luân.
Chúng ta không bình phẩm nhiều ở tại đây. Đại khái là nếu một người ở địa vị cao trọng mà bản thân của người đó sống đúng theo pháp mang lại sự an lạc cho người khác thì có ảnh hưởng vô cùng, ảnh hưởng đến nhiều người lắm, như qúi vị thấy rằng trong một xã hội của chúng ta những người nổi tiếng như các ngôi sao điện ảnh hay những người chơi thể thao nổi tiếng, nếu họ để thì giờ tâm trí họ cho những công việc từ thiện xã hội thì họ lôi kéo thêm được rất nhiều người khác, tại vì người ta mến mộ họ thì tự nhiên là người ta cũng mến mộ việc làm của người đó và họ làm theo. Do vậy người Mỹ họ nhận thức về điều này, họ kêu gọi dân chúng chú ý và yểm trợ cho những chương trình nghiên cứu căn bịnh Sida hay bịnh AIDS thì họ tìm một tài tử nào đó thí dụ như Elizabeth Taylor hay là người nào đó mà được biết đến nhiều để đứng ra làm công việc kêu gọi, thì trong sự mến mộ đối với các tài tử họ cũng làm theo. Khuynh hướng quần chúng là như vậy và nếu một vị vua trị vì đúng chánh pháp thì trong sự qúi kính của dân chúng đối với nhà vua thì dân chúng ngoài việc tuân theo luật pháp dân chúng còn lấy chánh pháp để làm căn bản cuộc sống của mình, biết bố thí, biết trì giới, biết sống với từ tâm, thì những điều đó sẽ làm đẹp cho xã hội và đẹp cho nhân quyền.
Chúng ta thấy trong thời đại nào lịch sử nhân loại mà những người lãnh đạo những hình ảnh rất đẹp, những hình ảnh chung thực, những hình ảnh gọi là thật sự minh vương, thật sự là những nhà lãnh đạo sáng suốt, những nhà lãnh đạo có từ tâm thì kéo theo cả một thế hệ một trào lưu dân chúng sống bằng quan niệm đó. Chúng tôi nhớ Canada ngày xưa trong mười sáu năm dài dưới thời Thủ Tướng Pierre Trudeau vị Thủ Tướng đầu tiên cố gắng bãi bỏ bản án tử hình, và dĩ nhiên cũng lâu lắm người ta mới có được hình ảnh của một vị Thủ Tướng như vậy. Nhưng nói chung chung là ảnh hưởng của người đó đối với xã hội về nhiều phương diện chứ không phải một phương diện chính trị và kinh tế không, mà về đạo đức và văn hoá nữa.
Do vậy trong trường hợp này thì Đức Thế Tôn Ngài muốn nói lên một khía cạnh rất tích cực, rất có ý nghĩa và rất đáng hoan hỉ khi đề cập đến phước báu nhân thiên, là nếu mình sống ở trong cuộc đời này mình biết tạo những phước lành, những phước đó Đức Thế Tôn nói một cách cụ thể đơn cử là bố thí trì giới, Ngài dùng chữ là nhiếp hóa tức là tự biết cách để nhiếp hóa ba nghiệp của mình rồi tu tập từ tâm, làm cho tâm được thanh tịnh bằng tu tập từ tâm, chúng ta nói nôm na gọi là bố thí trì giới thiền định thì những pháp đó sẽ dẫn đến sanh thiên và không phải chỉ cho chúng ta phước báu nhân thiên mà từ cái phước báu đó nó lại tạo ra suối nguồn an lạc suối nguồn công đức, một suối nguồn cảm hứng cao thượng cho rất nhiều người khác cho chúng sanh khác chứ không phải chỉ có một mình hưởng mà thôi.
Nói chung, Đức Thế Tôn là một bậc đạo sư có những lúc Ngài tập trú cho chúng ta đi vào đạo lộ giải thoát giác ngộ nhưng mà Ngài cũng có một cái nhìn rất rộng rãi, và đối với cuộc sống luân hồi thì nó có nhiều khía cạnh chứ không phải là không có, giống như một ông thầy dạy học trò tu tập thì làm sao để mình nhất tâm hướng cầu giải thoát, nhưng ông thầy cũng biết dạy học trò ngoài sự tu tập giải thoát cá nhân mình thì trong đời sống hàng ngày làm sao để làm trụ trì, làm sao để lo việc Phật Pháp, lo việc Phật tử, những việc đó tuy thấy có vẻ như trái ngược với con đường giải thoát nhưng bởi vì trên đạo lộ mình đi tu tập thì mình vẫn cần những thứ đó, những thứ đó mang lại lợi lạc cho mình lợi lạc cho người khác thì mình nên biết chứ không phải là không nên biết. Nếu có người nào nói mình đi chùa mình chỉ nên tu cho mình giải thoát chỉ nhắm con đường giải thoát còn những việc khác mình không biết thì lâu ngày đi nữa thì mình rơi vào chuyện rất đơn điệu, đơn điệu đó là một nền giáo dục không có vương mình, đời sống mình thì có hiện tại có tương lai có cứu cánh và có hành trình dẫn đến cứu cánh đó thì mục đích cuối cùng của hành trình đó ai cũng biết là giác ngộ giải thoát và chấm dứt sanh tử.
Nhưng trên cuộc hành trình đó mình cũng phải trải qua rất nhiều và đi làm sao trên cuộc hành trình mà không có vướng vấp, chẳng những vậy mà nó vừa an lạc vừa hoan hỉ vừa lợi lạc thì cái đó rất cần thiết, hành trình tiến dần đến cứu cánh và rõ ràng ở tại đây là Đức Thế Tôn Ngài cho biết trong các đời sống luân hồi Ngài đã sống bằng những thiện pháp như bố thí, nhiếp hóa, tự chế, nói rõ hơn ở tại đây là biết cho và biết tự chế và biết thanh tịnh hóa tâm tư của mình, những pháp này tuy rất là đơn giản, không có cái gì là trừu tượng nhưng mà là những pháp mà chúng ta có thể áp dụng trong đời sống hàng ngày rất là dễ dàng.
Có một câu ở trong một bài kinh chúng tôi đọc và rất là cảm động, Đức Phật Ngài nói rằng nếu người nào mà biết về quả vị của pháp bố thí giống như Ngài biết thì không có bữa cơm nào người đó ăn người đó không mong muốn bố thí là tại vì phước lành của sự bố thí đó rất là thù thắng rất là cao cả, thành ra một vị hiểu đạo thật sự ngoài việc Phật Pháp hay việc tu tập chính mình thì mình cũng biết làm những công đức khác nhất là công đức bố thí. Chúng tôi thường thấy một số các vị cao tăng ngay cả như là những vị thầy của chúng tôi như Ngài Tịnh Sự, Sư Trưởng, mặc dù các vị tập trú vào học A Tỳ Đàm, tập trú vào việc trao dồi kiến văn, nhưng khi nói đến bố thí thì qúi vị đó rất hoan hỉ, như Ngài Tịnh Sự Ngài rất chú trọng lập chùa tứ phương tăng. Không phải các vị đó mong muốn phước báu nhân thiên nhưng mà cũng phải nói rằng mình tu tập mình có niềm tin nhân quả thì mình cũng biết được những thù thắng do công đức bố thí mà nên.
Trong kinh Pháp Cú Đức Phật Ngài dạy rằng "Một trăm năm tế tự không bằng một phút mình có thể đảnh lễ cúng dường bậc thánh nhân." Chúng ta thấy hàng ngày người ta thường bỏ nhiều thì giờ để cúng kiến để bày vẽ cái này cái kia, làm như vậy cả trăm năm đi nữa cũng không bằng mình gặp một phước duyên gặp vị có giới đức mà mình qùy xuống đất đảnh lễ vị đó, cúng dường vị đó một chút, cái cúng dường một chút đó hơn cả trăm năm tế tự, cả đời mình tế tự, nhưng mà mình không hiểu chuyện đó, mình thích mỗi ngày lập bàn thờ nào nhang, nào đèn, nào lễ phẩm, nhưng mà rồi đến khi mình gặp những vị tu tập có nhiều khi thấy rất là tầm thường, chỉ có đời sống đơn giản như vậy rồi mình chắp tay xá một vài xá qua loa. Chúng tôi đi hành hương thỉnh thoảng có gặp được một vài vị cao tăng từ Miến Điện đi hành hương sang Ấn Độ và khi chúng tôi gặp các Ngài, tại vì có biết trước có gặp trước, rất là hoan hỉ, như kỳ rồi chúng tôi gặp Ngài là Phó Tăng Thống là Tăng trụ trì chùa ở thành phố Kandy, Tích Lan, Ngài là một trong những vị cao tăng phải nói rằng rất khả kính của Phật Giáo Tích Lan, Ngài sang Ấn Độ hành hương, chúng tôi gặp Ngài ba lần khi chúng tôi về Kandy đến ngôi chùa có thờ răng Đức Phật, không phải là vì địa vị cao của Ngài mà chúng tôi kính trọng Ngài, mà là cuộc sống của Ngài rất giản dị, Ngài trì giới rất trong sạch, phải nói Ngài là một trong số ít chư tăng Tích Lan tuyệt đối không đụng tới tiền bạc, Ngài sống chỉ thu thúc, chỉ sống về thiền định, chỉ sống về giữ giới mà thôi, thì khi chúng tôi gặp Ngài chúng tôi qùy xuống đảnh lễ Ngài ở trong lòng chúng tôi rất là hoan hỉ, chúng tôi nghĩ rằng mình đã đi và đã làm rất nhiều việc lễ bái các chùa, ở trong một ngày có thể đi chung quanh Bồ Đề Đạo Tràng thăm viếng cả chục ngôi chùa, cũng đã thường qùi xuống lễ bái cúng dường rất là nhiều, nhưng mà chuyện đó cái tác động về tinh thần đối với chúng ta thì hoan hỉ đi chùa lễ Phật, nhưng mà nếu mình gặp một vài vị mà mình biết vị đó có đời sống rất thanh tịnh rất khả kính mà mình đảnh lễ được thì trong lòng hết sức là an lạc. Bởi vì Đức Phật Ngài đôi khi Ngài dạy những lời dạy mà khi nãy chúng tôi nhắc trong kinh Pháp Cú Ngài nói rằng một trăm năm tế tự không bằng một phút mà mình có thể đảnh lễ cúng dường những bậc thánh nhân những bậc thanh tịnh.
Chúng ta hiểu đạo thì chúng ta sẽ hoan hỉ công đức, nhưng mà hoan hỉ công đức trong một cách có hiểu biết chứ không phải là công đức này chúng ta làm việc gì chúng ta cũng làm loạn lên giống như là một người đói cơm khát nước thấy cái gì ăn cũng chụp lấy, không phải như vậy, làm việc thì phải có trí tuệ, thật sự cái việc tạo phước hay là tạo công đức nó là một cái nghệ thuật rất lớn ở trong sự tu tập hàng ngày của người Phật tử, chúng ta thường dành thì giờ tâm trí để nghiên cứu về những việc khác nhưng mà nếu chúng ta nghĩ và tập trú vào điểm này thì chúng ta thấy rằng có nhiều điều chúng ta phải hiểu và hiểu rất rõ chứ không đơn thuần là thấy ai kêu phước thì mình cũng làm phước, người ta làm phước mình bắt chước làm theo chứ mình không có thật sự hiểu rõ cái gì mình đang làm.
Tóm lại trong bài học ngày hôm nay Đức Thế Tôn giảng về những phước báu tích cực khả ái khả lạc khả cầu ở trong thế giới nhân thiên này như là Đại Phạm thiên, Thiên Chủ Thích, Chuyển Luân Vương, và Ngài cũng đưa thẳng ra rằng có những cội nguồn công đức là do bố thí, biết tự nhiếp hóa nội tâm bằng hành trì giới, tu tập thiền định sự phát triển từ tâm và những cách đó là những cội nguồn công đức là những cái gì mà mình có thể thực hiện được ngay ở trong đời sống hiện tại ở đây, và nếu một người biết làm phước biết tạo công đức thì chẳng những mang lại lợi lạc cho mình và còn mang lợi lạc cho rất nhiều người chung quanh mình do đó nó cũng là cái gì đáng hoan hỉ chứ không phải là đáng sợ hãi. Chúng tôi xin kết thúc bài pháp tại đây
Namo Buddhaya