Tôn Tượng Phật Tạc Có Tóc
TT Giác Đẳng giảng
Minh Hạnh chuyển biên
Câu Hỏi: Tại sao tượng Phật Quý Ngài thờ có tóc, nhưng sao Quí Sư lạ không giữ được mái tóc mà phải cạo?
TT Giác Đẳng giảng: Kính Bạch Chư Tôn Đức và thưa quí vị thật ra thì đa phần là chúng ta nhìn những pho tượng Phật là thỉnh thoảng có vài tượng Phật, giống như là Ngài có một búi tóc ở trên đầu và tóc của Ngài ,tương đối dài nhất là những pho tượng tạc theo Mỹ thuật của người Hy Lạp .
Thật ra thì những gì chúng ta được nghe ở trong kinh liên quan đến tóc của Đức Phật là sau khi đi xuất gia thì Ngài chỉ cắt tóc có một lần ở bên bờ sông A lô Ma. Khi Ngài cắt tóc như vậy thì phần còn lại vì Ngài dùng gươm để cắt nên không sát, nhưng phần còn lại xoắn tròn lại hình như con ốc và dán vào trong da đầu của Ngài, riêng tại đỉnh đầu của Ngài thì có một chút nhô lên gọi là đỉnh hay là nhục kế nhỏ. Vì vậy ngày hôm nay chúng ta thường tạc tượng Phật dựa trên quí tướng này , dựa nhục đỉnh đó và dựa trên câu chuyện Đức Phật Ngài đã còn lại một ít tóc xoắn ở trên đầu của Ngài. Đó là trường hợp rất đặc biệt của một vị Phật, và điều đó cũng không có nghĩa là Ngài có nhiều tóc hay Ngài có tóc dài. Ngài có phước rất đặc biệt là từ khi Ngài cắt tóc cho đến ngày viên tịch thì tóc chỉ có chừng đó thôi, đây là câu chuyện mà chúng ta nghe ở trong kinh và những nghệ nhân họ dựa trên câu chuyện này để học tạc những pho tượng Phật.
Riêng về Chư Tăng thì có lẽ là đời sống của Chư Tăng khi thí phát tức là cạo bỏ râu tóc mặc áo cà sa, chúng ta cứ tưởng tựơng mỗi ngày mà cứ cạo râu chải tóc rồi phải dùng những loại sà bông đặc biệt để lo cho tóc của mình và mỗi vị chải một kiểu thì nó rất là phiền hà từ đời này qua đời kia, thời xưa không có thợ hớt tóc nhiều, đa số những vị Tăng sĩ những vị Bà la Môn hay những vị tu sĩ Ấn Độ Giáo thời bây giờ có một số cạo tóc, còn một số để tóc đanh hay một số để tóc dài rất là phiền phức trên nhiều phương diện.
Nên sự cạo tóc của Chư Tăng không phải là không được để tóc, khi nghe nói không được để tóc thì như là chuyện cạo tóc là việc hết sức là khó chịu , nhưng thật ra nếu chúng ta sống ở trong chùa lâu chúng ta cạo tóc rồi thì chúng ta thấy điều đó mang lại cho chúng ta khỏe khoắn lắm, rất là lợi lạc. Cứ hai tuần lễ cạo tóc một lần, khi cạo tóc xong thì trong người thấy nhẹ nhàng và cái cảm giác hạnh phúc chỉ có khi mình xuất gia, mình trong chùa mới biết được, tóc hơi dài một chút thì nghe trong đầu hơi ngứa ngáy và do vậy cạo tóc được xem như là cái gì thuận lợi cho người xuất gia.
Về mặt hình thức thì Chư Tăng đều giống nhau vị nào cũng cạo tóc hết và không có dùng tóc để trang điểm. Con người đẹp xấu là do mái tóc của mình, nhưng một người đi xuất gia rồi cạo tóc thì có thể nói rằng không còn quan trọng nhiều về hình tướng của mình nữa. Điều đó hợp với lẽ đạo hơn. Do vậy chúng tôi hiểu rằng Phật tử nào đó hỏi tại sao Đức Phật để tóc được mà Chư Tăng lại để tóc không được, do vậy có bất công với Chư Tăng không, tại sao Chư Tăng không để tóc đưọc?
Thật ra nếu chúng ta nói về đời sống xuất gia lúc mình được cạo tóc thì phải nói là mình được cạo tóc. Lần đầu tiên vị Thầy cầm con dao cạo để cạo tóc cho mình thì nếu chúng ta là người có tâm đi xuất gia thì lúc đó chúng ta mới cảm thấy được ý nghĩa hết sức là thiêng liêng. Từ nay bộ tóc của trần gian xin trả lại cho đời, và mình sống một cuộc sống mới hoàn toàn về mặt tâm lý thì điều đó rất là tốt.
Về mặt hình thức thì nó cũng là đồ bộ với Chư Tăng và đời sống hàng ngày thì nó dễ dàng được chăm sóc hơn. Thật ra thì Chư Tăng không phải lo lắng đến tóc thì thoải mái rất là nhiều thứ. Chúng tôi nghĩ rằng quí vị nào đã từng sống ở ngoài đời các vị thấy rằng việc chăm sóc một mái tóc thì quả là đòi hỏi rất là nhiêu khê trong đời sống của quí vị, nhất là quí bà quí cô.
Thì cạo tóc vẫn là một điều riêng cá nhân của chúng tôi, là một vị tu sĩ thì chúng tôi vẫn thích có sự lựa chọn đó hơn là để tóc, chúng tôi nói điều này trong kinh nghiệm cá nhân thôi bởi vì ở trong chùa đã lâu thì quen rồi, khi hai tuần lễ cạo tóc một lần thì nghe trong ngừơi nhẹ nhàng sản khoái . Chúng tôi xin được dứt câu trả lời ở đây.