dieuphap.com

  

jpg (8936 bytes)


...... ... .

NHƯ - LAI

TT Giác Đẳng giảng

Minh Hạnh chuyển biên

Bấm vào để nghe thuyết pháp bài giảng  

 

Đề tài Như Lai trong một bài kinh rất quan trọng nhưng mà lại ít khi được nhắc đến trong truyền thống Phật giáo Nam Truyền. Chúng ta phải ghi nhận một điều hết sức thú vị là ý nghĩa của đề tài này thường được đề cập và đề cập đến một cách rất rộng rãi trong kinh điển Phật giáo Bắc Truyền, đó là kinh Kim Cang và qúi vị thỉnh thoảng đọc một vài đối thoại trong kinh điển Sanskrit như cuộc đối thoại giữa Đức Phật và tôn giả Tu Bồ Đề chẳng hạn, thì chúng ta sẽ thấy rằng nội dung của bài kinh ngắn này được quảng diễn một cách tối đa và có lẽ nếu có vị nào hỏi chúng tôi về những điểm ưu việt của Phật Giáo Bắc Truyền trên phương diện kinh điển thì chúng tôi không thể không nhắc đến một điều mà chúng tôi nghĩ rất là đặt trong lãnh vực phô diễn những tư tưởng tương tự như bài kinh này.

Thật ra chúng ta phải đi một cách tuần tự vào đề tài này để chúng ta có thể không tự làm cho mình vướng vấp nhiều thứ. Trước nhất là thời Đức Phật còn tại thế có một số khái niệm được nói một cách rất rõ ràng trong đạo Phật nhưng mà điều đó không có nghĩa là hoàn toàn xa lạ với người ngoại đạo, nói một cách khác những ý niệm như vậy đã có một cách manh nha hay là đã được xử dụng rất phổ thông ở trong tư tưởng của Balamon giáo đã xử dụng từ ngữ đó để nói một cách khác và đây là một thí dụ điển hình. Những danh từ Bhagavato - Đức Thế Tôn, Arahato - Bậc Ứng Cúng hay là trong trường hợp bài kinh này Tathàgata - Đức Như Lai. Ngày xưa chúng ta được biết ở trong xã hội Ấn Độ với một trình độ tâm linh rất cao, có rất nhiều vị đạo sĩ Balamon từ bỏ gia đình sống cuộc sống không gia đình vào trong rừng sâu và có những thành tựu lớn về phương diện thiền định, ví dụ như đạo sĩ Asita người đã đến gặp Thái Tử Sĩ Đạt Đa sau khi Thái Tử mới chào đời được ba ngày, người Thầy đầu tiên sau khi rời khỏi hoàng cung Thái Tự Sĩ Đạt Đa tìm đến là Ngài Alaram Kalama và Ngài Uddaka Ramaputta, những vị này đều là những vị thông tuệ có sở đắc sở chứng cao.

Chúng tôi nói như vậy nghĩa là ở trong một xã hội mà trình độ tu chứng tâm linh tương đối rất cao, người ta đã đưa ra những khái niệm giải thoát, điều giải thoát đó được hiểu như vầy; sự hiện hữu của chúng ta như là một con người, một chúng sanh như chúng ta đang nói chuyện với nhau, chúng tôi đang nói chuyện với qúi vị. Các vị tu sĩ thời bấy giờ trong tình trạng bất toàn, bất toàn ở đây có nghĩa là thân này tâm này tuy rằng có sự ảo diệu trên phương diện hành hoạt trên phương diện thiện hữu nhưng mà thân đó tâm đó nó là cái gì cần được chuyển hóa cần được thay đổi, và người ta mường tượng rằng một người đạt đến mức đỉnh giải thoát trở thành một người tối thượng nhân tức là một người đạt đến điểm cao cả nhất đạt đến cứu cánh giải thoát thì người đó phải là người chuyển hóa toàn bộ tâm thức của cuộc sống, nghĩa là không phải là thiện hữu đang là, mà là cái gì khác đi, phải là cái gì khác đi. Ví dụ, như trong quan niệm của Phật giáo Bắc Truyền thì thế gian này có bốn bản chất là vô thường, khổ não, vô ngã và bất tịnh, thì bây giờ mức điểm mà đạt đến trong sự chuyển hóa phải là thường, lạc, ngã, tịnh. Thì thời bấy giờ người ta tuy rằng có một khái niệm mơ hồ thế nào là một Đức Thế Tôn, thế nào là một Đức Chí Tôn, thế nào là một người đạt đến chỗ chí thiện, thế nào là một người hoàn toàn giải thoát thậm chí họ dùng cả danh từ Niết-bàn.

Một câu hỏi đặt ra rằng:

"Sau khi thành tựu quả chứng giải thoát mình không còn là mình nữa thì như vậy mình là người thế nào? Mình sẽ ra sao?"

Câu hỏi này không phải dễ dàng để trả lời đối với một người bình thường. Cứ tưởng tượng như vậy một em nhỏ chừng tám, chín tuổi, em đã bắt đầu biết yêu cái gọi là tôi là ta, nếu có một người nào đó nói với em một điều rất cao siêu rằng một ngày nào đó khi em trưởng thành lớn lên ở khoảng 30 tuổi em không còn là em của ngày hôm nay nữa, tại vì ở tuổi đó tâm tính sẽ khác đi, khả năng sẽ khác đi, mọi thứ sẽ hoàn toàn khác đi, thì em dễ dàng để hiểu rằng khi em không còn là em nữa thì em làm cái gì, có phải chăng em đã mất đi tất cả những gì em có, nếu em nghĩ em mất đi tất cả những gì em đang có thì là một điều rất là dễ sợ, nhưng mà đó là một thực tế, một con người từ năm tuổi bảy tuổi so với một người 30 tuổi thì chỉ riêng sự chuyển hóa sự thay đổi đó nó cũng làm mất đi một điều chúng ta gọi là sự nắm níu vào một bản ngã thường tại.

Nếu chúng ta nói như vậy đã khó hiểu đừng nói chi đến Niết-bàn mà không còn mang tính đối đãi ở trong cách diễn tả để chúng ta hiểu. Do vậy điểm đầu tiên khi chúng tôi đọc bài kinh này thì chúng tôi hiểu rằng các vị du sĩ ngoại đạo kể cả các vị tăng sĩ Phật giáo thời bấy giờ thường chia sẻ với nhau một ý tưởng chung là chúng ta có một hiện hữu bất tòan, và hiện hữu đó cần được giải thoát cần được chuyển hóa.

Nhưng các tu sĩ ngoại đạo thuờng đặt ra vấn đề là cái đích điểm giải thoát đó thì chúng ta sẽ là gì?
Chúng ta sẽ ra sao?

Và thông thường người ta có một sự mô tả rất nghèo nàn về điểm này. Một số lớn các vị tu sĩ nghĩ rằng Đức Phật Ngài có câu trả lời, một câu trả lời ít nhất nghe cũng thuận tai hợp lý.

Thời bấy giờ người ta có một cách lập luận rất quen thuộc mà ở trong thuật ngữ chuyên môn của Hán văn người ta gọi là "Tứ cú bách phi." Tứ cú bách phi là người ta đưa ra bốn trường hợp và cả bốn trường hợp này được xem như là bao trùm tất cả và người ta thường nghĩ đến là nếu nó không nằm ở trong bốn trường hợp này mà gọi là tứ cú thì nó không thể nào có còn cái gì khác để hỏi. Ví dụ như là: Hoặc là có hoặc là vừa có vừa không, hoặc là không không cũng không có. Nói một cách khác trong cách lập luận trong mệnh đề chúng ta gọi là tứ cú bách phi, có nghĩa là; hoặc là chấp nhận cái này hoặc là chấp nhận cái đối ngược lại, hoặc là chấp nhận cả hai hoặc là phủ nhận tất cả.

Thì trong ngôn ngữ hàng ngày của chúng ta thì điều này nó đã vượt xa tất cả những ước lợi bình thường và nó bao trùm tất cả, nó không thể nào có cái gì mà mình nói rằng cái chuyện đó; hoặc là được hoặc là không được, hoặc là vừa được và vừa không được, hoặc là phủ nhận tất cả. Thì như vậy đâu có cái gì lọt ra ngoài bốn điều đó và người ta đem cái lập luận của tứ cú bách phi này nói chuyện đến ngay cả Niết-bàn ngay cả hệ tính của Như Lai.

Và thưa qúi vị, câu hỏi ở đây đã đặt cho tôn giả Anuràdha. Chúng tôi rất tiếc là ở trong kinh điển trong sớ giải đã không nói nhiều về vị tôn giả này, chúng ta chỉ nghe hai đoạn kinh được nhắc mang tánh cách tương tự điều mà chúng ta biết về tôn giả này chỉ là một vị sống ở nơi không xa Đức Thế Tôn, và trong câu hỏi mà chúng ta nghe là một câu hỏi dựa trên tứ cú bách phi:

"Như Lai tồn tại sau khi chết, tức là Như Lai tồn tại sau khi viên tịch, hoặc là Như Lai không tồn tại sau khi viên tịch, Như Lai vừa tồn tại vừa không tồn tại và Như Lai không vừa tồn tại và cũng không không tồn tại.

Ở đây chúng ta thấy là một sự phủ nhận tất cả, sự bao chùm tất cả. Thì câu hỏi này được đặt cho tôn giả Anuràdha là vị có sở chứng và có hiểu biết, nhưng vị này đã trả lời, ở trong sự trả lời không vướng vấp, vị này chỉ minh sát một điều rằng Đức Thế Tôn trong tinh thần của lời dạy của Ngài thì không nằm ở trong bốn phạm trù đó, thì dĩ nhiên ở trên khả năng tương đối giới hạn của một vị đệ tử Phật, vị này chỉ có thể nói chuyện cho các du sĩ ngoại đạo biết là bốn điều đó hoàn toàn không nên đem áp dụng ở trong trường hợp của Đức Phật. Chúng ta bàn về đoạn này trước để rồi sau đó chúng ta đi đến câu trả lời của Đức Phật.

Trước khi chúng ta bàn về câu trả lời của tôn giả Anuràdha thì chúng ta hỏi rằng trong lập luận tứ cú bách phi hay là chọn bên này hoặc chọn bên kia, hoặc là chấp nhận tất cả hoặc phủ nhận tất cả, nó có vấn đề gì? Cái vấn đề mà chúng ta nói ở đây là tánh cách đối đãi của nó, bởi vì tánh cách đối đãi của nó thành ra cho dù người ta nói thế nào nó cũng sai hết, chúng tôi lấy một ví dụ, Ngài Narada có viết một chương trong quyển Đức Phật và Phật Pháp nói về Niết-bàn, thì Ngài có kể một ngụ ngôn đối thoại giữa con cá và con rùa. Con cá vốn sống ở trong môi trường của nước, con rùa vừa sống trong môi trường của nước vừa có thể lên đất liền. Khi con rùa con cá nói chuyện với nhau thì con cá hỏi con rùa về đất liền, nhưng tất cả những điều mà con cá nêu lên nó chỉ là những điều mang tánh cách đối đãi đối chiếu so sánh với nước và lấy nước làm cơ sở để hiểu đất. Ví dụ như con cá hỏi rằng:

"Đất có vi diệu không?"

Thì con rùa trả lời rằng "không."

"Đất có trong suốt và ánh sáng có thể xuyên qua nó được không?"

Con rùa trả lời là "không."

"Mình có bơi lội trong đất có tạo nên những sóng như thể của nước không?"

Thì con rùa trả lời là "không."

Tất cả những gì mà con cá hỏi con rùa về mặt đất thì con rùa đều thấy rằng không thể dùng cái đó để nói chuyện về đất được thì cuối cùng con cá dẫn đến kết luận:

Thì như vậy đất mà bạn nói là một điều hư cấu, là một điều hư vô, là một điều không thật."

Thì con rùa nói: "không phải như vậy."

Con rùa nói không phải như vậy bởi vì con rùa biết rằng đất thật sự có, được hiểu bằng sự đối đãi, tức là không thể dùng nước, dùng cái kinh nghiệm về nước, dùng sự hiểu biết về nước để diễn tả về đất được. Và cuối cùng chỉ có thể trả lời là "không phải như vậy."

Ví dụ như bây giờ nói về sự mát mẻ sự êm ái cái sóng nước hay là cái gì trong suốt v.v... thì những điều đó không thể áp dụng với trái đất được. Nhưng con rùa không thể diễn tả về đất khác hơn tại vì con cá chưa bao giờ sống trong môi trường đó.

Có một điều rất là quan trọng là chúng ta luôn luôn hiểu, nhận thức, lãnh hội, bất cứ điều gì nó đều dựa lên trên cái kinh nghiệm mà chúng ta vốn đã có, đang có. Cái đã có đang có đó chúng ta hoàn toàn không hiểu chuyện gì mà người ta nói về cảnh giới hoàn toàn xa lạ, đừng nói chi Niết-bàn và đừng nói chi những việc xa xôi.

Chúng tôi nói một việc rất đơn giản, là khoản chừng hai năm về trước có một Phật tử rất quen với chúng tôi, quen thân lâu năm và đặc biệt vị này rất thích nghe pháp, vị này hỏi những người Phật tử khác để xin một số các băng giảng vì lâu lắm không gặp Chư Tăng được, thì những người Phật tử đó mới bày cho vị này vào trong paltalk để nghe pháp để có thể tham dự những sinh hoạt mà chúng ta đang có ở đây, chúng tôi nhớ đó là một lần chúng tôi giảng trong rơom Thảo luận Phật Pháp và khi vị đó vào nghe pháp lần đầu tiên thì lại để ý đến nhiều những gì xảy ra ở trong rơom, ban đầu rất là thích thú, nhưng về sau này thì lại có một vài người ở trong đó họ text chat tức là họ nói lên những ý kiến rất mạnh mẽ, và họ chỉ trích, nói cách khác là họ tấn công chúng tôi khi chúng tôi đang thuyết pháp, thì dĩ nhiên là ở trong paltalk khi họ tấn công họ nói những lời lẽ tục tằng và nặng nề lắm thì vị Phật tử đó phàn nàn, thì chúng tôi nói là:

"Việc đó là việc bình thường thôi."

Thì người Phật tử đó mới nói với chúng tôi rằng: họ không thể hiểu tại sao mà gọi là bình thường được khi có những người nói lời nói sân si giận dữ như vậy mà Sư gọi là bình thường được, mình không đụng chạm gì đến họ mà họ lại có những lời nói nặng nề như vậy.

Thì chúng tôi nói rằng thì qúi vị Phật tử cứ vào rơom sinh hoạt lâu thì qúi vị thấy những việc đó đầy ra mà thôi.

Và đôi khi cuộc sống bình thường là cái gì rất quen thuộc. Nhưng nếu có một người thân nào đó ở Việt Nam chẳng hạn hay một nơi nào đó hỏi chúng tôi về đời sống hàng ngày. Chúng tôi có muốn diễn tả chúng tôi cũng không biết phải diễn tả như thế nào. Và cuộc sống của họ đôi khi chúng tôi cũng không hiểu được, tại vì mỗi một người lại ở cảnh giới khác nhau. Do đó nói chung chúng ta nói cái gì cũng trật hết, mình nói mình vui thì họ hiểu cái vui đó cũng sai, mà mình nói cái khổ thì người ta hiểu cái khổ đó cũng sai, cái khổ của chúng tôi có nó không giống như cái khổ của những người ở Việt Nam, mà cái vui chúng tôi có cũng không giống cái vui của những người ở Việt Nam.

Đôi khi Chư Tăng ngay cả những vị làm việc trong paltalk và những vị không làm việc trong paltalk mà nói cũng rất là khó nói. Qúi Phật tử có hiểu là có rất là nhiều vị tu sĩ có mặt cảm rất lớn đối với paltalk, các vị tưởng rằng mỗi ngày chúng ta ngồi trước máy để dành thì giờ để chơi để đùa để tìm vui và qúi vị dùng chữ bị ghiền hay bị lậm paltalk, thật ra nó không phải là bị ghiền hay lậm, nó chỉ là công việc cần phải làm thôi, nhưng bởi vì cảnh giới chúng ta làm việc tại đây, cái môi trường này không quen thuộc do vậy khi mà mỗi lần người ta tưởng tượng cái gì thì họ đều dựa trên kinh nghiệm của họ mà họ suy diễn.

Lấy ví dụ chúng ta nói về Niết-bàn, nói về thiên đàng thì bây giờ họ nói rằng mình đang khổ mình về Niết-bàn thì hết khổ, mình đang thiếu hạnh phúc về Niết-bàn thì được hạnh phúc. Thì hạnh phúc là cái gì? Nói theo cách nói bình thường của thường thức đó là những cái hạnh phúc phải là một sự phóng đại cực kỳ của cái hạnh phúc trần gian mà mình đang có, ví dụ như là cơm ngon áo đẹp,rồi đi chơi, rồi hoa thơm cỏ lạ, nhưng mà những thứ đó không có cái nào ăn nhằm vào cái chuyện chúng ta nói đến Niết-bàn hết, chúng ta chỉ có thể hiểu trong cách đối đãi và đó là vấn đề của điều mà chúng ta gọi là tứ cú bách phi.

Ở trong bốn cách lập luận đó đều mang tính đối đãi:

Hoặc là Như Lai tồn tại sau khi mất, hoặc là Như Lai không tồn tại sau khi viên tịch, hoặc là vừa tồn tại vừa không tồn tại, hoặc là không tồn tại cũng không không tồn tại. Chấp nhận tất cả phủ nhận tất cả, hoặc là lựa bên này hoặc lựa bên kia bốn quan niệm đó trong cách lập luận thường tình của thế gian nghe như là bao chùm tất cả, thấu hiểu tất cả một cách triệt để. Nhưng trên thực tế chỉ là những quan niệm mang tính cách rất đối đãi. Tôn giả Anuràdha nói với các vị du sĩ, nói cái gì cũng nằm trong bốn điều đó hết, thì như vậy không có hài lòng, cái vị đó hoàn toàn không có hài lòng về câu trả lời của Ngài Anuràdha.

Khi Ngài Anuràdha đem chuyện này đến bạch Đức Phật thì Đức Thế Tôn lại trả chúng ta trở về với một điều gần hơn để chúng ta hiểu nhiều hơn. Chúng tôi cho rằng đây là điểm rất là thú vị. Và tại sao hồi nãy ở đầu bài giảng chúng tôi có nhắc đến kinh Kim Cang của Phật giáo Bắc Truyền mà thậm chí một số đoạn khác ở trong luận Trí Độ hay trong Trung Quán của Ngài Long Thọ, là tại vì chúng tôi kể rằng về điểm này Phật giáo Bắc Truyền tương đối quảng diễn có nhiều điểm xuất sắc.

Ở đây Đức Phật Ngài nói rất rõ là không thể tìm Như Lai ở trong sắc, trong thọ, trong tưởng, trong hành, trong thức.

Sắc thọ tưởng hành thức là cái gì đó thuộc về thế giới này, thuộc về cái gì đó mà chúng ta sống với, chúng ta hiểu được, chúng ta không thể hiểu được cái gì ngoài cái đó. Nói một cách khác là người ta chỉ có thể hiểu được, tư duy được, nhận thức được, ở trên kinh nghiệm rất đối đãi, nghĩa là: hoặc là giống hoặc là khác, hoặc là thuận hoặc là nghịch, với những cái gì mà mình đã cảm nhận mình đã trải qua.

Nhưng với cái gì nó khác hoàn toàn thì thật sự chúng ta không thể nào tưởng tượng được. Ngài dạy cái gì?

Như Lai nói về sự khổ và sự diệt khổ.

Thì cái khổ là cái gì mà chúng ta sờ mó, chúng ta đụng chạm, chúng ta tiếp xúc, chúng ta sống với mỗi ngày.

Và sự diệt khổ là gì? Chuyện diệt khổ là một khái niệm rất đối đãi, nhưng cái đối đãi đó tương đối là gần nhất, dể nói nhất, và dễ hiểu nhất khi mà chúng ta đề cập đến Niết-bàn. Đức Phật dùng chữ Nirodha. Nirodha có nghĩa là diệt khổ hay là diệt đế, ví như gánh nặng đang có trên vai bây giờ đặt xuống thì chúng ta tạm hiểu nó là vimutti hiểu là giải thoát.

Ở trong cuộc sống của chúng ta có muôn ngàn sợi giây ràng buộc, bây giờ chúng ta cắt bỏ những kiết sử giải thoát nhưng mà gọi là đi xa hơn để nói "sau khi mình giải thoát mình là cái gì?" Thì chuyện đó không thể nói được vì nó đã đi vào thế giới mà trong kinh điển nói là bất khả tư nghì, tại vì nó không nằm ở trong sự đối đãi nữa.

Chúng tôi nhớ vị tu sĩ Kassapa là một vị tăng của Tích Lan trước khi xuất gia thì là một vị bác sĩ và sau khi xuất gia rồi thì viết một số tập sách rất thú vị. Vị này có đề cập đến trạng thái của một em bé rất đam mê những món đồ chơi của mình, ví dụ, xe lửa, tàu giấy,và nhiều thứ khác, và đó là thế giới rất là hạnh phúc, rất là tuyệt vời đối với chính em, và em cứ nghĩ rằng nếu nói chuyện với người lớn mà mình không còn có những thứ này nữa, không còn tha thiết với những thứ này nữa thì đối với em là một điều mất tất cả, và khi mất tất cả thì cuộc sống có gì đâu có ý nghĩa có lý thú. Quí vị cứ tưởng tượng rằng cái gì mình có hiện tại, cái gì mình hoan hỉ với hiện tại, cái gì tha thiết với hiện tại, bây giờ những điều đó không còn nữa thì thật sự nó không có ý nghĩa gì hết. Nhưng cái có ý nghĩa hay không có ý nghĩa thì nó dựa trên sự hiểu rất là hạn hẹp rất là tầm thường của mình thôi.

Và qúi vị có nghe chuyện này; lúc chúng tôi ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, ở trên một triền đồi, trên đó có trồng rau, trồng bầu, trồng bí. Một lần chúng tôi ra suối rửa tay và khi trở về cái cốc của mình thì lúc bấy giờ có bà Tư đang thổi lửa nấu cơm, lúc đó cũng có hai vị Thầy khác ở chung với chúng tôi, sau khi Chư Tăng dùng cơm xong thì bà Tư hỏi nhỏ chúng tôi một chuyện rằng

"Thưa Sư, không biết là hồi nãy mấy Thầy nói chuyện hư hay chuyện thật, nhưng mà sao con nghe rồi nghĩ trong lòng sao đó."

Chúng tôi hỏi bà Tư có chuyện gì vậy? Thì bà Tư mới nói rằng:

"Con ngày nào cũng tụng kinh niệm Phật và khi tụng kinh niệm Phật con cầu vãng sanh và mong được về Tây Phương cực lạc để sống trong cảnh giới Đức Phật A Di Đà, nhưng hồi nãy qúi Thầy nói rằng sau khi về Tây Phương Cực Lạc trong đó có hoa sen mình chỉ ngồi đó nghe pháp thôi, không có trầu để ăn, cũng không có con cháu, không có cái gì hết. Con nghĩ là thôi mình sống ở cảnh giới này tuy nó không bằng Tây Phương Cực Lạc nhưng trong ta bà thì lâu lâu lên chùa lạy Phật làm công quả rồi có bạn bè có đạo hữu nhai miếng trầu, về nhà có con có cháu coi bộ vui hơn, lên trên đó chỉ ngồi hoa sen không có gì hết thì thật là buồn quá, và Sư biết là mấy Thầy còn nói là đất ở trên đó không có trồng trọt được, không làm vườn làm tượt, đất chỉ là vàng là bạc là sa cừ mã não."

Thì thưa qúi vị thật ra thì bà Tư người rất là chơn chất, niềm hạnh phúc của bà Tư rất giản dị, hồi nãy chúng tôi nói với qúi vị là cần miếng trầu nhai khi buồn miệng, lên chùa ngày rằm ba mươi để tụng kinh sám hối lễ lạy bái sám rồi về nhà vui với con cháu, rồi bây giờ nói là về Tây Phương Cực Lạc không còn mấy thứ đó, mà may mấy Thầy diễn tả Tây Phương Cực Lạc nếu mấy Thầy nói Niết-bàn có lẽ bà Tư còn rầu nữa. Chúng tôi dùng chữ rầu là mình tưởng lên đó có cái gì mà rốt cuộc không có cái gì hết mà mất tất cả cái mình có.

Nhưng mà thưa qúi vị, đó không phải là cách nói của Đức Phật. Đức Phật Ngài nói là Như Lai chỉ nói về sự khổ và sự diệt khổ.

Sự khổ là gì? Chúng ta đang có bịnh, khoan nói chuyện sau khi hết bịnh rồi mình sẽ làm cái này làm cái kia làm cái gì đó, cái chuyện mình đang bịnh nó có một nhu cầu cấp thiết là để chữa bịnh, và mình phải thấy được sự thống khổ của căn bịnh để chữa bịnh cái đã, còn chuyện hết bịnh mình làm cái gì, nó sẽ ra sao thì cái chuyện đó nói sau. Nhưng nếu ai cảm nhận được cái khổ thật sự, người đó sẽ rất là cảm kích về một người đang trĩu nặng đôi vai vì gánh nặng, thì người đó sẽ hiểu thế nào là đặt gánh nặng xuống.

Chúng tôi muốn trở lại bài kinh này là đầu tiên chúng ta nên hiểu rằng những quan niệm về Alahán về bậc Ứng Cúng về giải thoát về Niết-bàn v.v... là khái niệm rất quen thuộc với những vị du sĩ ngoại đạo và ở đây dĩ nhiên những vị đó cũng không hiểu Đức Phật một cách rõ ràng nhưng các vị quan niệm Như Lai là vị tối thắng nhân tức là một người cao cả hơn hết, là vị đã đạt đến đích điểm giải thoát thì sau khi người đó viên tịch thì người đó sẽ như thế nào? Thì cái hiểu của vị đó, cái lập luận của vị đó là chắc chắn rằng những bậc gọi là tối thắng nhân như vậy phải nằm ở trong bốn phạm trù: Hoặc là tồn tại hoặc không tồn tại, hoặc là cả hai, hoặc là không phải cả hai, tức là chúng ta nói hoặc bên này hoặc bên kia, hoặc là chấp nhận tất cả, hoặc phủ nhận tất cả, và câu hỏi này đã đem đến với một vị đệ tử Phật và vị này không giỏi về lập luận không giỏi về cách dùng ngôn ngữ nhưng vị này rất hiểu về đạo lý đã trả lời rằng Đức Thế Tôn không dạy điều gì mà nằm ở trong bốn phạm trù đó. Những vị du sĩ ngoại đạo đã xem thường khinh thị vị này là mới xuất gia hoặc tu lâu mà không hiểu gì hết. Và vị này đến gặp Đức Phật, Đức Thế Tôn rất hiểu cái gì mà vị này nói và Đức Thế Tôn đã dạy cho tôn giả Anuràdha và cũng là bài học quan trọng cho chúng ta.

Là thế giới của chúng ta, sự hiện hữu của chúng ta là hiện hữu của sắc thọ tưởng hành thức, nếu mà Như Lai không tìm thấy ở trong sắc thọ tưởng hành thức thì không nên quan niệm như vậy, chỉ nên hiểu một điều rằng Như Lai dạy sự khổ và sự diệt khổ.

Sự khổ tức là trả chúng ta trở về bản chất cố hữu của sắc thọ tưởng hành thức, và dứt khổ tức là sự giải thoát khỏi gánh nặng của năm uẩn. Điều đó rất là rõ ràng, và điều đó là một điều mà chúng ta xem nó là một ngã rẽ giữa Nam Truyền và Bắc Truyền.

Chúng tôi nhớ chính Thiền Sư Nhất Hạnh ở đoạn cuối của quyển Đường Xưa Mây Trắng viết rằng những vị học theo Phật giáo Bắc Truyền học theo Hán Tạng nên trở về với Nam Truyền để biết nguồn gốc của mình và những vị học theo Nam Truyền thì cũng nên tìm hiểu Phật giáo Bắc Truyền để có thể có cái nhìn mới mẻ không có cục bộ về kinh điển của mình. Thì thật sự ở phương diện nào đó chúng tôi cũng chia sẻ quan điểm, chúng tôi phải nói một điều như vầy là rất dễ dàng cho một vị học kinh điển Pali mà không làm quen với kinh điển Phật Giáo Bắc Truyền rơi vào một ý nghĩ đó là Niết-bàn là hư vô, Niết-bàn là đoạn diệt. Chúng tôi đã không phải nghe một lần mà chúng tôi nghe rất nhiều vị nhiều lần lập luận như vậy.

Thật sự Niết-bàn ở trong kinh điển Pali không phải là hư vô không phải là đoạn diệt.

Thì về điểm này Phật giáo Bắc Truyền đặc biệt là qua kinh Kim Cang chẳng hạn đã có một sự phô diễn rất là tuyệt vời, nhưng mà có một điểm (đây là ý kiến cá nhân chúng tôi) là kinh điển Phật giáo Bắc Truyền đã đi quá xa, đã đi qúa xa tại vì thực sự sự khai diễn ý tưởng về giải thoát và Niết-bàn không phải là tôn ý của Đức Phật. Như Lai dạy về sự khổ và sự diệt khổ.

Tại sao Đức Phật dạy về sự khổ và sự diệt khổ?

Là tại vì khi chúng ta nghĩ về sự khổ và sự diệt khổ thì nó đưa chúng ta trở về một thực tại mà chúng ta có thể sờ mó, có thể xúc chạm, có thể hiểu biết, có thể lãnh hội được, còn nếu chúng ta đi xa điều đó thì chúng ta sẽ rơi vào trong hoang tưởng. Giống như chúng tôi nói với qúi vị hồi nãy là một đứa nhỏ chỉ biết có đồ chơi mà chúng ta nói lớn lên nó không còn những thứ đó nữa thì nó không thấy có gì có ý nghĩa hết.

Chúng tôi nghĩ rằng kinh điển của Phật giáo Bắc Truyền đặc biệt là các bộ luận rất là xuất sắc ở một điểm là ở trong những tư tưởng về Tánh Không, trong những tư tưởng về Bát Nhã đã không cho thấy một cái Niết-bàn là hư vô. Nhưng lại đi quá xa là chúng tôi nghĩ rằng là người ta đã nói quá nhiều về Niết-bàn. Đến ngày nay đa số những người Phật tử học kinh điển Hán Tạng thì hoàn toàn rất là mơ hồ, cuối cùng qúi vị trở về thấy rằng "à! cái quan điểm về Tây Phương cực lạc nó vẫn dễ hiểu hơn những cảnh giới khác" giống như từ Việt Nam nhìn qua Mỹ thoải mái hơn, hiểu vậy thôi. Nhưng cứu cánh giải thoát đích thực của Đức Phật thì nó không thể nào diễn tả như là chúng ta diễn tả cảnh giới Tây Phương Cực Lạc và không phải nằm trong bất cứ ngôn ngữ gì, tại vì những gì mà chúng ta diễn tả ví dụ như Thất Bảo những thứ qúi giá như là vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, hổ phách, cả những sự diễn tả đó nó đều mang tánh cách đối đãi hết. Bây giờ chúng ta sống trong một thế giới đi trên mặt đất đen ở trong một thế giới mà người ta cần đến vàng bạc châu báu thì vàng bạc châu báu quí, nhưng giả xử như chúng ta sanh trong một cảnh giới đất toàn trải bằng vàng thì thật sự vàng vô nghĩa và thật sự đôi lúc còn qúi đất hơn nữa. Chúng tôi nói điều này là qúi vị không có tưởng tượng được là hồi xưa ở Việt Nam chúng ta thấy trái bom trái táo là qúi nhưng khi qua bên Mỹ rồi thật sự có trái bom trái táo không qúi, nhưng ngược lại chúng tôi đang sống ở tại đây thì trái cốc trái ổi rất là ngon, và nếu qúi vị ở Việt Nam mới qua mà thấy ở đây ăn trái cốc trái ổi ngon, qúi vị sẽ nói mấy người này có vẻ không bình thường, nhưng mà thật sự là nó đều mang tánh cách đối đãi hết. Thì quí vị cứ tin là Thất Bảo như lưu ly, sa cừ, mã não, hổ phách tất cả những điều đó khi diễn tả về Tây Phương Cực Lạc thì đối với chúng ta là qúi, nhưng mà đối với những người sanh lên đó chỉ toàn những thứ đó không thì nó không còn qúi nữa, tại vì cái qúi và cái không qúi nó được hay không được đối với chúng ta nó hoàn toàn mang tính đối đãi hết.

Do vậy ở tại đây bài kinh này là một bài kinh rất quan trọng.

Trước nhất là những cơ sở lý luận ở trong tứ cú (hồi nãy chúng tôi nói cái gọi là tứ cú bách phi) bốn câu đó không có chỗ nào mà dùng được cách mô tả về Niết-bàn tại vì nó nằm ở trong cách đối đãi của lý luận, nó đối đãi của cái mà chúng ta biết dầu là chúng ta phủ nhận thì chúng ta cũng dựa trên cái mà mình biết, mình chấp nhận cũng dựa trên cái mình biết, mình chọn cái bên này cũng vậy và chọn cái bên kia cũng vậy, vì vậy không thể dùng được.

Điểm thứ hai là quả thật Đức Phật Ngài khuyên chúng ta ở trong sự tu tập nên trở về với một cơ sở thực tiễn đích thực nhất là thân ngũ uẩn mà chúng ta đang mang nó có vấn đề, không phải nó chỉ đơn giản có vấn đề mà nó là một căn bịnh cấp tính mà chúng ta có một nhu cầu cấp thiết để giải quyết nó. Đức Thế Tôn dùng chữ rất đơn giản là mình bị một mũi tên bắn vào mình phải hiểu rằng nếu mình không rút mũi tên ra, không chữa trị, thì mình sẽ bị thống khổ, mình sẽ bị chết. Việc quan trọng thứ nhất là chữa mũi tên đó còn những chuyện khác tính sau.

Như Lai chỉ dạy về sự khổ, diệt khổ.

Thì thưa qúi vị ở đây là một cái nhìn rất là đích thực rất là quan trọng trong Đạo Phật. Và chúng tôi xin có một vài lời để chia sẻ về điều này với đại chúng hôm nay và dĩ nhiên nó rất là miêng mang về nhiều điểm, nó không dễ dàng trong một bài pháp như vầy mà chúng ta có thể nói hết.

 

Trình bày: Minh Hạnh và Nguyễn Văn Hòa

Trở về Trang Đề Án Tháng 03 & 4 2010

Đầu trang