Lợi Ích Của Lòng Tin
TT Giác Đẳng giảng
Minh Hạnh chuyển biên
Bấm vào
để nghe thuyết pháp bài giảng
Ở trong bài học này đặc biệt là Đức Phật nêu lên hình ảnh của một người có niềm chân chánh, và do có sống thể hiện niềm tin chân chánh nên họ có những lợi ích rất cụ thể. Lợi ích cụ thể ở đây tức là họ được sự thương tưởng của những bậc chân nhân thiện trí, và vì sự thương tưởng của các bậc chân nhân thiện trí nên những người này có được những thắng duyên để huân tập công đức, để tác tạo phước lành và cũng nhờ vào niềm tin này mà sau khi thân hoại mạng chung sanh về cõi an lạc.
Khi nói đến điều này thì chúng tôi nhớ rất rõ hai cái không khí sống mà chúng tôi có dịp sống ở các quốc gia Phật Giáo, và cái không khí sống khi chúng tôi sống ở tại Hoa Kỳ. Tại các quốc gia Phật giáo thì những người Phật tử có niềm tin có thể nói là có rất nhiều, việc đi chùa làm phước, đó là hơi thở, đó là cuộc sống vốn dĩ vô cùng quen thuộc. Nhưng vì mỗi lần đi trị bệnh hay tiếp xúc với qúi Phật tử thì phần lớn gặp những người có đức tin, do đó việc thuyết pháp việc đi khất thực hay là việc thăm viếng các Phật tử tự nhiên nó trở thành một cái gì hết sức hoan hỉ cho Chư Tăng, tức là những vị chịu khó thuyết giảng Phật Pháp cho hàng cư sĩ.
Phải nói rằng trong thời gian chúng tôi sống tại Hoa Kỳ trong hơn hai mươi mấy năm qua tại Hoa Kỳ có một số các vị cao tăng ở trong đó chúng tôi phải nói rằng một số đã ra đi rồi, ví dụ như Ngài Tangpulu, Ananda Maitri, Sinananda v.v... Và trong sự đi lại quen biết thì chúng tôi hiểu rằng những gia đình mà có giàu niềm tin, những gia đình có nhiều tâm lành đặc biệt là trong phước sự không phân biệt giàu hay nghèo thì những vị này được sự quan tâm thăm viếng của các Ngài và do vậy cái không khí tu học ở trong những gia đình này có khác hẳn với những gia đình không có niềm tin.
Đôi khi có một vài Phật tử tự hỏi một điều là tại sao những bậc cao tăng đó lại đặc biệt lưu tâm lui tới thường một số các gia đình mặc dầu những gia đình này ở rất xa, thì chúng ta có thể hiểu một cách rất dễ dàng là vì những gia đình này có đức tin rất là trong sạch và các Ngài rất hoan hỉ để được nói chuyện, được tiếp xúc, và được thăm viếng. Chúng tôi biết không phải là một gia đình mà nhiều gia đình như vậy ở tại Hoa Kỳ. Người xưa ở Việt Nam thường có câu nói rằng: "Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu" ở trong tầng lớp người nào thì thường thường thích hợp với người đó. Đối với đời sống của Chư Tăng nhất là những vị có một sự bén nhạy với quần chúng Phật tử thì hình ảnh của những người Phật tử phát tâm trong sạch, những người Phật tử giàu đức tin luôn luôn là hình ảnh rất khích lệ, một hình ảnh rất thân thương đối với những vị này, và ở đây Đức Phật dùng chữ thương tưởng.
Thời Đức Thế Tôn còn tại thế cũng vậy, nhiều thế hệ về sau mãi cho đến ngày hôm nay cũng vậy, niềm tin của những người Phật tử luôn luôn là một cái gì đó mà khiến cho Chư Tăng và các bậc thiện trí lui tới. Ở đây chúng tôi cũng phải nói một điều rằng nhiều Phật tử ngày hôm nay đặt nặng về nghiên cứu kinh điển, đặt nặng về tìm hiểu Phật Pháp, người ta chỉ nói đến tranh luận và người ta đưa ra một hình ảnh là đạo Phật không đặt nặng về niềm tin, về điểm này là điểm rất tế nhị.
Chúng ta có hai cách nhìn hơi cực đoan về điều này:
Thứ nhất là nếu việc đi chùa hay là nếu sống tín ngưỡng người Phật tử mà quá đặt nặng về sự sùng tín, cái gì cũng tin, cái gì cũng lễ bái, cái gì cũng cúng dường, cái niềm tin một cách dễ dàng như vậy. Hai là niềm tin đặt nặng về tín ngưỡng nhân gian nhiều quá như vậy cái đó là một thứ niềm tin không mang chất gọi là niềm tin ở trong Phật Pháp.
Niềm tin chân chánh hay chánh tín hay là niềm tin trong sạch mà chúng ta gọi là tịnh tín đó là một niềm tin ở Tam Bảo với sự biết rõ cái giá trị thế nào là Phật, thế nào là Pháp, thế nào là Tăng. Tại sao gọi Phật là Phật bảo, tại sao Pháp là Pháp bảo, tại sao Tăng là Tăng bảo? Và ở đó cũng nói lên một niềm tin khác đó là niềm tin vào nhân quả, tin vào lý duyên khởi, những điều này được thể hiện trong đời sống của người Phật tử.
Có nhiều bài kinh, trước đây không lâu chúng ta có đọc một bài kinh ở trong đó Đức Phật đề cập đến cách làm ruộng của Ngài, thì Ngài ví dụ niềm tin là hạt giống là chủng tử của tất cả những pháp lành. Chúng ta hãy nói như vầy; có người làm ruộng làm nông nào mà không quan trọng hạt giống, ai cũng biết rằng hạt giống tốt thì những gì mà nó đâm chồi nảy lộc sanh xôi nảy nở về sau này nó mới được tốt. Phân, đất, sự chăm sóc là một lẽ, nhưng chủng tử ban đầu là một lẽ, và chủng tử đó là chủng tử lành, chủng tử tốt, thì về sau này cái cây thiện pháp, cái cuộc sống gọi là có ý nghĩa từ đó nó tăng trưởng cũng nhanh nhờ sự khởi đầu.
Đức tin rõ ràng có một địa vị trong Phật giáo, nhưng để nói về đức tin đó thì chúng ta cũng phải nhớ rằng người Phật tử rất là quan trọng về tánh chân chánh, tánh trong sạch của niềm tin ở chính mình. Lấy ví dụ một người Phật tử đảnh lễ pho tượng Phật, người Phật tử đó không có cầu nguyện, không có van xin, không cầu xin ở pho tượng đó điều gì mà trái lại người Phật tử đảnh lễ pho tượng đó là bởi vì thấm nhuần gội nhuần được ân lành của Đức Phật, sự cao cả của Đức Phật, cái trí tuệ của Đức Phật và gia tài giáo pháp Ngài để lại cho mình, đảnh lễ như vậy gọi là đảnh lễ với niềm tin trong sạch và niềm tin đó rất là khó rất là hiếm. Cũng như có rất nhiều lần chúng ta đến hạ mình trước một người, không phải người đó quyền uy mà chúng ta hạ mình, không phải người đó là một vị có thế lực mà chúng ta hạ mình, mà đương thuần là tại vì vị đó là một vị có những đức tánh cao cả mà chúng ta hạ mình, ở trong những trường hợp đó chúng ta tìm thấy được một cái gì rất là đẹp.
Cách đây cũng chừng 20 năm, một lần chúng tôi sang Miến Điện và bấy giờ có một vị sư phó hiệu trưởng viện Phật học lớn ở Yangon, vị này dẫn chúng tôi đến thăm một vị cao tăng, chúng tôi đến nơi thì thấy vị cao Tăng này sống ở một nơi rất khiêm tốn, và được biết về đức tu của vị này nhiều hơn là bằng cấp, vị này được biết là vị chuyên tâm về thiền định, và một hình ảnh rất đẹp là sau khi chúng tôi đảnh lễ Ngài xong thì chúng tôi đi ra bên ngoài để lấy quà tặng mang sang từ bên Mỹ để cúng dường, khi trở vào chúng tôi thấy vị phó hiệu trưởng cũng là vị cao tăng khác đang qùy đảnh lễ ở ngoài sân vị cao tăng kia và trong sự đảnh lễ đó rất là thành kính, rất là ngưỡng mộ, chúng tôi cho rằng đó là những hình ảnh rất đẹp. Khi một người mà họ có thể đảnh lễ một đối tượng mà trong sự đảnh lễ đó không phải là vị đối tượng đó có một quyền lực gì đối với mình, đảnh lễ tại vì thấy được giá trị của điều đó thì niềm tin, đó là niềm tin trong sạch, vị phó hiệu trưởng đó thì phải nói rằng là vị có quyền cao chức trọng tại Miến Điện, vị đó là vị có học vị nhưng đảnh lễ vị kia bằng tấm lòng khiêm hạ như vậy, thì qua đó chúng ta tìm thấy một cái gì rất là trong sạch. Như vậy chúng tôi rất thích chữ tịnh tín trong đạo Phật, chữ tịnh tín nói là chúng ta có một giá trị trong đời sống này nó vượt khỏi cái tầm thường mà chúng ta có và lúc đó chúng ta mới phát tâm trong sạch đặt niềm tin ở đó. Trong bài học này Đức Phật Ngài nói cái lợi lạc rất lớn của những người có niềm tin như vậy, họ là nơi thương tưởng của các bậc chân nhân thiện trí, họ là nơi lui tới của các bậc chân nhân thiện trí, họ là nơi mà các bậc chân chân thiện trí nhận sự cúng dường, họ là nơi mà các bậc chân nhân thiện trí thuyết pháp chia sẻ những giá trị cao quý cho những người này.
Hai tuần lễ trước đây chúng tôi có dịp sang chùa Cổ Lâm ở Seattle California nhân dịp lễ Vu Lan. Lúc bấy giờ tuy là khá bận rộn, nhưng khi chúng tôi bước ngang một căn nhà đó là phòng khách của chùa Cổ Lâm nhìn vào thì thấy Ngài Hoà Thượng đang ngồi nói chuyện với bác Phạm Kim Khánh. Trong lúc đang bận rộn như vậy nếu là một người khác thì thật sự có lẽ chúng tôi đã bước đi bởi vì đang bận việc nhưng mà nhìn thấy bác Phạm Kim Khánh ngồi đó đang nói chuyện với Hoà Thượng thì chúng tôi tự nhiên bước vào và chào bác Phạm Kim Khánh bởi vì chúng tôi biết đó là một người Phật tử, không phải là một người Phật tử lão thành, không phải là một người có nhiều dịch phẩm mà mình mến mộ, mà chính là một người có niềm tin một cách rất trong sạch, rất chân chánh, ngay cả tuổi già của bác cũng vậy, đi vào có thể nói rằng ngồi kế bên bác, nghe bác nói một vài câu mà trong lòng rất hoan hỉ, chúng tôi có cảm nhận được điều đó và ngay hôm nay khi nói chuyện với qúi Phật tử nhắc lại hình ảnh của những người Phật tử có niềm tin chân chánh tự nhiên chúng tôi lại nghĩ ngay đến bác.
Có thể nói rằng có rất nhiều trường hợp nhiều thí dụ trong đời sống cho chúng ta thấy rằng những chuyện làm thiện, những chuyện mà thể hiện cái phước hạnh của mình phần lớn chúng ta gọi là nhân duyên thù thắng. Nhân duyên thù thắng đó đôi khi mình không hiểu tại sao nhưng ở đây lại là một bài kinh cho chúng ta biết về những nhân duyên thù thắng đó bởi vì một người có niềm tin là đối tượng thương mến của các bậc thiện trí hay ít nhất là những người cùng có niềm tin với mình, và do có sự thương mến đi lại như vậy đó là cái duyên tạo rất nhiều phước lành.
Chúng tôi có một nhân duyên là hồi nhỏ sống gần Sư Trưởng, Sư trưởng thường nhắc đến chánh tín gọi là niềm tin chân chánh của một vị tu sĩ, ví dụ có khi Sư Trưởng nói rằng một vị tăng sĩ mà nặng về tham, nặng về sân đôi khi còn có thể chấp nhận được nhưng một vị sống tà kiến thì thật sự khó có thể chấp nhận, và bây giờ thì chúng tôi phải nói một điều rằng những điều đó trở thành một cái gì rất là căn bản trong đời sống của chúng tôi, mỗi lần nói chuyện với một vị tu sĩ hay nói chuyện với một Phật tử mà thấy vị đó có niềm tin hết sức trong sạch ở trong lý nhân quả trong lý nghiệp báo thì trong lòng rất hoan hỉ, hoan hỉ là mong được kết thân với vị đó, rất là hoan hỉ mong được làm việc chung với những vị đó, tại vì những vị đó có cùng niềm tin, tại vì những vị đó thể hiện được niềm tin của mình.
Đó là một trong số những thí dụ rất dễ dàng tìm thấy trong đời sống là nếu bản thân của chúng ta mà sống có được đức tin chân chánh thì có nhiều cái duyên đưa đẩy mà chúng ta có thể làm phước được, chúng ta không có cô độc ở giữa cuộc đời này. Chúng tôi lấy một ví dụ là những người Phật tử cùng làm việc ở trong room Diệu Pháp, chư tăng các vị giảng sư cũng vậy, chúng ta có một số giá trị căn bản để chia sẻ, giá trị căn bản ở đây là chúng ta thờ kính Đức Phật chúng ta có niềm tin ở lời dạy của Ngài và chúng ta có tha thiết để mang thông điệp cao qúi của Ngài cho chúng sinh bằng cách này hoặc cách khác, thì tự nhiên chúng ta hoan hỉ gặp nhau ở tại đây. Những điều đó chúng ta thấy rất rõ ràng là tại vì sao vậy, tại vì những điều đó có một sức hút một cái hấp lực để dẫn chúng ta đến với nhau ở trong sự hợp quần.
Và rõ ràng ở đây Đức Phật Ngài nói đến bốn điểm mà chúng ta không thể không nhớ:
Đó là một người sống có niềm tin chân chánh và thể hiện được niềm tịnh tín của mình thì người đó là đối tượng thương tưởng của các bậc chân nhân thiện trí,
Và khi các bậc chân nhân thiện trí thương tưởng thì các Ngài thường lui tới do đó người này có dịp để cúng dường để tạo phước đối với các bậc chân nhân thiện trí đó,
Và những bậc chân nhân thiện trí mà có điều gì cao quí để chia sẻ về chánh pháp thì trước nhất là chia sẻ với những người có đức tin, tại vì sao, tại vì các bậc chân nhân thiện trí xem những người có đức tin là đối tượng thích hợp để được nghe,
Và sau cùng Đức Phật Ngài cũng nhấn mạnh rằng người có niềm tin như vậy sau khi thân hoại mạng chung thì người đó sẽ sanh vào cõi an lạc.
Về điều này thì chúng ta thấy Đức Phật Ngại dạy rất rõ ở đây, không nói về niềm tin một cách đơn thuần, ở đây cũng không nói về một tín ngưỡng mà một thứ tín ngưỡng nhân gian, mà trái lại Ngài xem đức tin là một cơ sở một nền tảng cho những thiện hạnh thiện pháp nhất về trí tuệ, nhất là những cơ duyên để thực hành Phật pháp khác có thể phát sanh từ những người này, do đó không có lạ gì ở trong đạo Phật thì yếu tố niềm tin nó quan trọng với người bắt đầu vào tu tập và ngay cả người hành giả đang chuyên trì tu tập, ví dụ như chúng ta nói về Năm Lực hay Năm Căn thì chúng ta có Tín Lực ở trong Tín Tấn Định Huệ, và ở trong Ngũ Căn cũng vậy, Đức Tin cũng được kể như là một phần quan trọng ở trong 37 Pháp Trợ Bồ Đề.
Bây giờ thì chúng ta nói như vầy: Thật ra nếu ai làm một việc tốt không phải là vì tình cờ, đạo Phật dùng chữ là hữu duyên, cái hữu duyên đó đến từ đâu, nó đến từ những điều kiện thuận lợi chúng ta gọi là hữu duyên, điều kiện thuận lợi đó không phải chỉ có một mình ở chúng ta, bởi vì thưa qúi vị, nếu qúi Phật tử để ý qúi vị thấy rằng cũng đi chùa cũng là người Phật tử nhưng có những người Chư Tăng rất là chịu khó ngồi xuống để thuyết pháp còn có những người mà Chư Tăng hiếm khi nói pháp mà chỉ hỏi về công ăn việc làm, chuyện này chuyện khác và chúng tôi nhớ một điều rằng ở các xứ Phật giáo mà người Phật tử có nhiều niềm tin thì việc thuyếp pháp của Chư Tăng là một việc rất bình thường, thường có, là bởi vì những người Phật tử đó họ tạo nên một cái duyên thích hợp để Chư Tăng làm việc đó, trái lại ở những nơi mà Phật pháp tương đối xa lạ thì Chư Tăng ít có khi thuyết pháp cho những người này.